corona ngao ngán ký (4) - về mèo, giáo dục và sự mắc kẹt

1. Những chuyện về mèo

Em mèo Tae Hee đã ở nhà mình gần được một tuần. Em thật ngoài sức tưởng tượng và mong đợi. 

Tối đến, khi mình dọn chiếu và chăn ra chuẩn bị đi ngủ thì em cũng sửa soạn đi ngủ. Em chạy loanh quanh tìm một chỗ ưng ý nhất: vừa có mền trải êm ái bên dưới, vừa nhằm một góc nào đó để lưng hoặc mõm em có thể cọ vào xung quanh lúc ngủ, và nhất là phải gần người, để em được xoa lưng, gãi cổ, vuốt ve khi đi vào giấc ngủ. Khi ta xoa cho em, có thể em dư sức biết, nhưng vẫn nhắm tịt mắt, thở đều và sâu, yên tâm tiếp tục ngủ. 

Sáng ra, nếu ta dậy 8h thì em sẽ dậy 8h. Nếu ta quay lại giường ngủ tiếp tới 9h thì em cũng chẳng ngại nằm xoài ra bên cạnh ta để 9h cùng thức dậy. Và nếu sau khi ngủ dậy ta ngồi trên ghế bành một chút, lim dim cho tỉnh ngủ thì em cũng sẽ leo lên ghế bành cuộn tròn bên cạnh. 

Nếu nhà có người lạ tới chơi, dù chỉ một buổi, em sẽ trốn kĩ trong góc cả ngày, không ló mặt, thậm chí bỏ ăn uống. Phải mất một thời gian đủ dài để em xác nhận rằng xung quanh đã thực sự yên tĩnh. Em thích sự vắng lặng tới nỗi nếu ta ra ngoài hai ba giờ đồng hồ, để em ở nhà một mình, khi trở về ta thấy em hớn hở ra mặt. Tâm trạng em tốt lên, đi lại hoạt bát và ăn uống nhiều hơn.

Em là đứa minh chứng rõ cho việc tâm lý ảnh hưởng tới toàn bộ sinh hoạt như thế nào. Và nếu có một cô mèo ưa yên tĩnh, ngại điều lạ nhất trên đời, một cô mèo chỉ thích những gì thân thuộc, bên ngoài khép nép mà bên trong tình cảm tới ướt sũng, thì đó chính là em.

2. Giáo dục từ những điều nhỏ nhất

Bỗng nhiên nhớ tới thời mình đi gia sư để sống. Tròn một năm rưỡi sống êm đềm, lặng lẽ quan sát mọi thứ, đơn giản và bình yên bên K. Những ngày không khi nào thừa tiền đó có lẽ là những ngày bọn mình sống với nhau hạnh phúc nhất, cảm nhận rõ nhất là mối quan hệ này vốn dĩ chẳng liên quan gì tới vật chất, từ ngày nó bắt đầu. Thật là hai kẻ ngây thơ mà sung sướng. Khi có tiền nhiều hơn, hay khi bước chân vào những công việc phức tạp, sứ mệnh "cao cả" này nọ, thì chuyện bắt đầu nhiêu khê. Con người lúc đó cũng như ngọn cỏ lau, gió thổi là ngả rạp.

Còn công việc thời kỳ đó thì sao? Làm gia sư, nghĩa là lâu lâu phải đón tiếp những lời hỏi thăm vô duyên của mấy bà giáo tự nghĩ mình là chuyên gia giáo dục tiên tiến, bỉ bai công việc dạy kèm. Nhưng phải vững vàng, tin vào lựa chọn của mình và hiểu định hướng tương lai của mình để mà tiếp tục. Làm gia sư, nghĩa là không đứng trên bục nói, soạn những phương án áp dụng được cho số đông mà tính kiểu gì thì vẫn lọt chỗ nọ chỗ kia. Làm gia sư là hiểu hơn về "cá nhân hoá" việc học, có thể sửa cho học sinh từng câu văn, từng chấm phẩy. Là gần hơn bao giờ hết với phụ huynh và hiểu sâu đời sống của họ hơn (như phim Ký sinh trùng í nhỉ).

Trong khi nội tâm ôm ấp những dự định to lớn, đầy mộng mơ thì công việc giản đơn đó nuôi sống mình và giúp mình tránh xa nhân loại để bớt phân tâm. Hôm nay mình đã có suy nghĩ rằng sau này, có thể mình sẽ duy trì đam mê giáo dục bằng một cái gì nhỏ bé, vô danh mà tử tế như thế. Bởi vì đam mê trộn lẫn với chuyện làm ăn tiền nong trộn lẫn với câu chuyện danh tiếng, nó sẽ thành ra một cái gì thật quái gở. Vậy thì bán bánh mì hay mở tiệm gốm + đi dạy thêm có vẻ là một kết hợp ổn thoả, hạnh phúc và đầy sự khiêm nhường, nhỉ?

3. Mắc kẹt

Ngạn mắc kẹt ở Đo Đo (ôi một mở bài thật trendy và tẻ nhạt). Anh mình mắc kẹt ở quê. Bố mình mắc kẹt trong căn nhà và dường như sống lại trong một con người khác từ khi rời nó ra. Chị đồng nghiệp mắc kẹt trong mối tình hai mươi năm độc hại. Bạn mình mắc kẹt ở Hà Nội. Thầy mắc kẹt ở khoa Văn. 

Mỗi người có thể đều đang mắc kẹt ở đâu đó. Những ký ức in nơi từng con đường. Những mưa nắng y như ngày cũ làm khó quên ngày cũ. Những người mà ta đâu thể coi là người lạ ngay được. Những hình bóng cứ xẹt qua, vất vưởng như bóng ma. Những mối quan hệ dây mơ rễ má, dính tới làm ta thấy ngao ngán chán nản.

Hồi xưa T.D bạn mình kể nó chạy từ Vũng Tàu tới Bình Dương tới Đồng Nai chỉ để trốn những mối tình đã vỡ. Làm lại với một tôi đầy tinh khôi. Mình cãi cự: làm sao có thể đổ lỗi cho một thành phố? Nếu mình không thay đổi, chạy tới đâu cũng vậy. Nhưng giờ, mình đang cảm nhận rõ rằng có những khi giải pháp chỉ đơn giản là thay chốn ở. Vì vấn đề phức tạp hơn mình tưởng tượng, và nhân định thắng thiên đôi khi chỉ là câu an ủi.

Mình đã sống ở quận 7 trong 4 năm, giữa những ngã tư đường lúc nào cũng có bóng 4 chữ l s t s và dấu ấn của gia đình họ Đinh. Và khi mình đã trốn vào một góc khác của Sài Gòn thì những bóng ma vẫn xẹt qua đời mình. Nỗi khổ vẫn xui khiến mình đôi lúc chẳng còn là mình. Lâu lâu lòng lại cuộn lên như ma đưa lối quỷ dẫn đường. Kể cả đời anh đang tốt đẹp hay tồi tệ. Kể cả mấy năm nay mình nghe mòn bao nhiêu cuộn pháp thoại...

Cho đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau

Chúng ta, tới một lúc nào đó muốn bắt đầu bằng một cái gì tinh khôi trong trẻo, trở về là ta của ngày đầu dễ thương nhất. Thức dậy ở một nơi xa có thể đem lại cảm giác thanh tẩy sạch sẽ đó. Để rồi khi ta trở lại, cả sự việc, cả người, cả ta, đều đã được nhuộm trong một ánh sáng khác.

Mùa xuân năm 2017, ở một trạm dừng nào đó. Huế? Nha Trang?

Nhận xét

  1. Hê nhô chị, em Hòa đây ạ.
    Đoạn này chị viết em thấy ít nhất đúng như em cảm nhận:

    Còn công việc thời kỳ đó thì sao? Làm gia sư, nghĩa là lâu lâu phải đón tiếp những lời hỏi thăm vô duyên của mấy bà giáo tự nghĩ mình là chuyên gia giáo dục tiên tiến, bỉ bai công việc dạy kèm. Nhưng phải vững vàng, tin vào lựa chọn của mình và hiểu định hướng tương lai của mình để mà tiếp tục. Làm gia sư, nghĩa là không đứng trên bục nói, soạn những phương án áp dụng được cho số đông mà tính kiểu gì thì vẫn lọt chỗ nọ chỗ kia. Làm gia sư là hiểu hơn về "cá nhân hoá" việc học, có thể sửa cho học sinh từng câu văn, từng chấm phẩy. Là gần hơn bao giờ hết với phụ huynh và hiểu sâu đời sống của họ hơn (như phim Ký sinh trùng í nhỉ).

    Uầy, hóa ra em không thấy cu đơn lắm. Em coi nó là job kiếm cơm thật, nhưng em cũng không dạy kiểu đơn giản nhét chữ vào mồm học sinh cho đủ bài vở trên lớp rồi về.

    =))


    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây