Bất bình đẳng cơ hội

1. Bất bình đẳng cơ hội là một vấn đề thực sự có tồn tại. 

Đơn giản thôi, giữa những học sinh ở khắp đất nước này, những đứa trẻ đều đang ngỡ rằng chúng đang được hưởng những điều kiện giống như bạn bè ở bao vùng miền khác, có thật sự bình đẳng? Sách đọc, học tiếng Anh, những hình mẫu bao quanh chúng, truyền hình cáp, bức tranh nghề nghiệp của người lớn (cái sẽ góp phần hướng nghiệp cho học sinh), điều kiện kinh tế từng vùng? Nhân sinh quan, thế giới quan hạn chế đôi khi chỉ do ... internet không đủ mạnh là điều hoàn toàn có thể ^^. Và có những cái tiền không mua được, một cục tiền bự nằm ở quê cũng không biết được là ngoài kia có tồn tại cái đáng giá để mà mua, nếu tiền không được cung cấp cùng lúc với tầm nhìn.

Tuy nhiên, oán thán ai cho cái chuyện này? Chẳng ai cả. Đời vốn như vậy và người được trao cho nhiều cơ hội cũng đâu có được lựa chọn. Họ sinh ra đã được như vậy rồi. Nêu ra chỉ để chúng ta nhận thức về vấn đề này thôi.

Nhiều người quên rằng bất bình đẳng cơ hội thực sự vẫn là một con quái vật đang đào bới khắp các làng quê, vùng núi, xóm ngụ cư, để lại những hố ngăn không thể lấp đầy?... Tất nhiên có cơ hội và tận dụng được cơ hội là khác nhau. Nhưng nếu như cơ hội cũng có thể được mua hay tăng cường bằng tiền của bố mẹ, khác nhau theo hạ tầng Internet ở Hà Nội, Sài Gòn so với Lào Cai, An Giang, thì xuất phát điểm của con người ta đâu có bằng nhau?” (Đức Hoàng)

2. Xã hội bất bình đẳng cơ hội sẽ sinh ra lối sống ... cơ hội

Đúng vậy! "Khôn sống mống chết" chính là từ rất đúng khi nói về lối sống của một số thành phố lớn ở Việt Nam mình. Hồi đó, mới lơ ngơ vào khoa, thầy giáo vụ nói mình: "Em sẽ bị dẫm bẹp dí ở cái đất Hà Nội này". Lời thầy chính là ký ức đầu tiên của mình về khái niệm "dẫm lên nhau mà sống" - cái sau này mình thực sự trải nghiệm. Cũng hồi đó, nếu bạn vô tình gặp một số bạn nhỉnh hơn mình về cơ hội (dân nội thành chẳng hạn) trong thư viện, thì bạn đó sẽ sẽ giả điếc khi được hỏi "Cậu tìm sách gì đấy?". Còn nếu bạn đó lại vô tình đụng bọn nhà quê chúng mình đón bus lên viện Goethe dự sự kiện thì bạn sẽ giả mù, làm lơ. Và không có một cơ hội nào để nâng điểm mà bạn ấy bỏ qua cả!

Người có nhiều cơ hội, nếu không tận dụng cơ hội mình có để trở nên hiểu biết và bao dung hơn, nếu không dùng tiền (đôi khi kiếm được từ việc cho người nhà quê thuê trọ) để mua sự tử tế, và không đủ dũng cảm để thắng được nỗi sợ của mình, thì sẽ trở nên như vậy đấy. 

Nỗi sợ? Vâng, ai cũng có những nỗi sợ của riêng họ. Nỗi sợ lớn nhất của người lớn lên với nhiều cơ hội, là bọn nhà quê nếu nó cũng được trao cho những cơ hội ấy, lấy gì đảm bảo mình thắng được chúng đây! Cho nên nhiều bạn mình phải nói là sống rất cơ hội, khi đi làm rồi vẫn không bỏ được cái khôn vặt, tính toán, dấm dúi, thích đi đường tắt và hưởng đặc quyền. Tới một nơi, thấy hết cơ hội nổi rồi, bèn bỏ đi nơi khác. Bốc chỗ này đi chỗ khác, tạo nên những lợi thế để kiếm các đặc quyền mới. Nếu không được đối xử với đặc quyền mà họ đã quen, tin mình xứng đáng, họ chịu không được và nhanh chóng rời đi.

3. Người thiếu cơ hội thì sao? 

Không lẽ mãi mãi ở dưới? Không, chắc chắn thời gian sẽ trả mọi thứ lại đúng chỗ thông qua những lựa chọn.

Có người lựa chọn rời bỏ nơi bất bình đẳng cơ hội mà đi, dĩ nhiên là tới nơi có sự bình đẳng về cơ hội hơn. Vì chờ tới ngày bình đẳng lại được (rồi sẽ tới thôi) thì mệt mà làm biếng cạnh tranh. Vì về cơ bản, xã hội không vận hành theo cách luôn trao cuộc chơi cho kẻ lươn lẹo nhanh nhảu, nên cơ hội thành công vẫn san đều cho tất cả.

Người kém may mắn hơn hoặc khó rời bỏ thì ở lại (theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng), trong cuộc chơi hữu hạn cơ hội. Cũng có những người cam chịu, bơ đi mà sống, nhưng cũng có những người đêm ngày hận thù, oán ghét, không thể thoát ra được nỗi ám ảnh của quãng thời gian bị tước đoạt nhiều cơ hội chính đáng dù mình hoàn toàn xứng đáng. Và một số thì chửi. Chửi cũng là cách để nói năng, giao tiếp, để lên tiếng. Và "nhịn chửi" ^^ có phải luôn là một mẫu hình ứng xử? Ai trong chúng ta chẳng có một đoạn ký ức không thể thoát ra chỉ dựa vào mấy câu khuyên "sống buông bỏ"? Và buông tới cỡ nào thì đủ, nói cỡ nào thì vừa, hay im luôn thì thiên hạ mới vừa lòng? Hay cứ nhắc tới là bị dán nhãn sân si rồi?

Quanh đây có những tiếng nói có vẻ gay gắt, nhưng nếu lắng nghe kĩ, dẹp bỏ sự tổn thương, chúng ta nhìn ra các vấn đề vĩ mô hơn về xã hội.

4. Vậy giờ ta làm sao?

Chẳng ai sai hoàn toàn ở đây. Đồng ý khi miếng bánh bày ra, một số người nhanh tay sẽ được béo tốt. Nhưng chẳng ai mãi là người sống nhờ những cơ hội đã giành được từ kẻ khác. Lấy đi của ai đó một cơ hội ở đây, thì ở đâu đó mình sẽ là người sống với những lựa chọn hạn hẹp sau khi kẻ khác đã lấy hết phần thơm ngon. Chúng ta như nhau. Chúng ta rồi sẽ trở về thế cân bằng trong cuộc chơi rộng lớn của cõi đời này. Nhất là trong những suy tư và cảm nhận sâu thẳm của kiếp làm người, chúng ta cơ bản là vinh nhục sướng khổ như nhau.

Ta không mãi hờn oán những người bay nhanh mà chẳng biết rằng cánh chim cuối đàn mới giúp đàn chim ổn định tốc độ bay. Ta cũng “không cứ đơn giản trách những cánh chim bay chậm vì chúng "không biết cố gắng". Ta biết cách xem xét các bối cảnh khách quan để hiểu rằng vì sao cuộc cạnh tranh thiếu công bằng, để sửa chữa chúng." (Đức Hoàng). - Lười đề xuất nên trích dẫn luôn cho nhanh hihi.

Hình trong phim Hi Bye Mama, xinh nhỉ?


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây