Chòm sao hình dấu hỏi



1. Năm lớp 12, mùa hè, mình về quê ôn thi Đại học. Những ngày đó in đậm trong tâm trí như thế nào, sau này mình có ghi lại trong một bài viết tên là Lan man nhớ nắng. Bài này được Thư quán bản thảo xin lại, và đó là lần đầu tiên mình được đăng báo - một tờ báo hải ngoại ít người biết. 

Trong bài viết, mình gọi sao trên trời là nắng của ban đêm. Những ngôi sao giống hệt như những giọt nắng còn vương lại từ ban ngày. Phải là con người nhà quê, ở thành phố cả chục năm vẫn không quen được bầu trời thành phố, mới yêu những ngôi sao như vậy.

Hồi đó, trong một đêm bất chợt, mình nhắn tin cho chị Bích Hà. "Chị ơi, em thích nhìn sao lắm. Ở quê, em có thể nhìn rõ cả chòm sao Bắc Đẩu.". Chị nhắn lại cho mình: "Đúng rồi em ạ. Chị cũng thích chòm sao mang hình dấu hỏi đó". Ý nghĩ rằng cả hai chị em đang ở hai nơi khác nhau mà cùng nhìn lên trời, ngắm chung một thứ đẹp đẽ, làm mình cảm thấy thú vị hết sức.

Nhưng, tại sao lại là hình dấu hỏi? Sao không là cái muôi, cái gàu, hay một cái gì gần gũi và nhất là cụ thể? Cách nghĩ của chị làm mình thích thú, xen lẫn thắc mắc.

2. Gần 6 năm sau, tức là vào những ngày này, mình đang sống trong một sự chuyển tiếp nhỏ của cuộc đời. Nhỏ thôi, nhưng với một đứa khá suôn sẻ về mọi mặt trước nay như mình, thì đó vẫn là một cú sốc nhè nhẹ.

Trong những ngày khó khăn nhất, mình phải tìm về với bản thân và suy nghĩ rất nhiều. Vô vàn câu hỏi được đặt ra mỗi ngày. Từ những chuyện thiết thực như: Làm sao để không đói?, đến những chuyện vu vơ, siêu hình hơn: Đâu là con người mình?, Mình sẽ làm chi đời mình?,... Những vấn đề đó ngốn của mình cả đống nơ-ron thần kinh. Mình huy động biết bao nhiêu là ký ức, mình đã ngồi lặng hàng giờ, và hàng đêm để nghe mình nói, mình đã đọc sách, mình tìm tới gõ cửa hầu như tất cả những người thân quen và tin cậy. Câu hỏi này dẫn tới câu hỏi khác, dần dần, có lúc, mình đã quên đi chính câu chuyện ban đầu để hào hứng đi vào một thế giới khác với những băn khoăn thực chất hơn, có ích hơn.

Điều kỳ lạ nhất mình nhận ra là, mình yêu những câu hỏi, hay mình yêu mình trong những câu hỏi. Vì những ngày tháng sống với chúng, mình thấy bản thân đổi khác, hay đúng hơn là quay trở về với con người thật nhất của mình. Và rồi, những rắc rối và khó khăn chỉ còn nhỏ xíu như một ngôi sao. Cái quan trọng giờ này là: Ta sẽ sống ra sao cùng với những câu hỏi của cuộc đời mình?

3. Ai cũng có những thắc mắc. Nhưng khi lớn lên, người ta lại ngại thắc mắc. Bởi vì học thức, bằng cấp đã mặc định trong họ một ý nghĩ rằng: tôi đã có câu trả lời cho mọi thứ. Người hay đặt câu hỏi sẽ thường phải đối diện với những lời khuyên/bình luận: "Nghĩ nhiều quá chi cho mệt người"; "Sống vậy em sẽ khổ".

Sống vậy không phải là khổ. Nếu mình cố tình làm ngơ những câu hỏi quan trọng của cuộc sống, mình mới khổ. Khổ mà không biết mình khổ nữa.

Bi kịch nhất là khi mình nghĩ rằng mình đã có câu trả lời cho mọi thứ. Câu trả lời đồng nghĩa với một niềm tin chắc chắn. Một niềm tin chắc chắn sẽ nhanh chóng tấn công một niềm tin ngược lại và làm tổn thương người mang niềm tin ngược lại. Và rồi con người sẽ chính là "những khối thịt làm đau nhau" như đã từng được định nghĩa.

4. Có những thắc mắc đơn giản như: Minh Béo rồi sẽ bị xử ra sao?. Cũng có những thắc mắc phức tạp hơn. Về cuộc đời, con người, cái tôi, lý trí, tha nhân,... Những câu hỏi có chút hơi hướm triết học. Tới một lúc nào đó, cần phải biết đặt những loại câu hỏi phức tạp nhưng bản chất như thế. Những câu hỏi mà người ta sẽ bình luận là: "Ngớ ngẩn"; "Thừa thời gian"; "Đầu óc để đi đâu, nên lo làm việc cần thiết trước". Nhưng đánh giá của số đông có phải luôn luôn đúng? Con người nên sống theo số đông để yên thân hay kiên nhẫn với cái tôi của mình? Đó cũng là những câu hỏi thiết yếu để trả lời.

Chất lượng cuộc sống của một người được quyết định bởi chất lượng những câu hỏi của anh ta.

5. Biết đặt câu hỏi và biết đặt câu hỏi bản chất thôi chưa đủ. Cái quan trọng tiếp theo là không được quá vội vàng tìm kiếm câu trả lời. Bởi vì hầu hết những câu hỏi bản chất đều không dễ trả lời. Good things take time. Nếu quá nôn nóng tìm câu trả lời, quá ảo tưởng về cái đẹp đẽ của phút giây tìm ra câu trả lời, thì mình sẽ quay trở lại y như lúc đầu. Có những thứ không làm nhanh được, bởi chúng ta không thể, vậy thôi.

Đến đây, mình nhớ tới một đoạn trích rất hay của Rainer Maria Rilke mà mình đọc được qua blog anh Bút Chì: "Hãy kiên nhẫn với những gì còn vướng mắc trong lòng em, cố gắng yêu lấy những câu hỏi, như yêu những căn phòng đóng kín và ôm ấp những cuốn sách viết bằng thứ ngôn ngữ xa lạ. Đừng vội tìm kiếm ngay bây giờ những câu trả lời, chúng chưa được trao cho em vì em chưa đủ khả năng để sống chúng. Vấn đề cốt lõi là, cần phải sống tất cả mọi thứ. Sống những câu hỏi ngay bây giờ. Có thể nhờ thế mà em sẽ dần dần, dù em không nhận ra, một ngày kia em sẽ sống gần hơn với câu trả lời."

6. Hiểu ra những điều này giúp mình soi chiếu được rất nhiều vấn đề trong hiện tại.

Rằng đôi khi chúng ta đã chạy theo những mạng lưới một cách vội vàng quá.
Rằng đôi khi ta đã để những thứ bên ngoài/vỏ bọc định nghĩa mình. Và ta cũng thích được định nghĩa như vậy. Vì vỏ ai đẹp hơn thì sẽ được định nghĩa hay hơn, cao quý hơn.
Rằng hầu hết chúng ta đều đánh giá sai người khác, vì chúng ta "đọc vội", vì chúng ta lười biếng đặt những câu hỏi về nhau. Chúng ta lười biếng đặt những câu hỏi về nhau, vì chúng ta lười biếng đặt những câu hỏi về chính bản thân mình.
Rằng tìm lời khuyên ở người khác là cần thiết, nhưng quan trọng nhất: câu hỏi của ai thì người nấy phải tự trả lời.
Rằng sự phù hợp giữa bản thân và tổ chức phải được xem xét dựa vào tiêu chí: Ở đó mình có được là chính con người mình, ở đó mình có được dành thời gian để sống những câu hỏi của mình không? Hay là sẽ phải quay cuồng với những việc làm mang tính chất gạch đầu dòng/check-list và chờ đợi tổ chức định nghĩa mình? Cách đây 2 năm, ngay từ những ngày đầu mình đi làm, thầy Phượng có dặn mình: "Dù làm việc để mưu sinh hay để vì những lý do khác thì sự toàn vẹn của cuộc sống cá nhân luôn luôn phải được coi là điều thiêng liêng nhất. Bất cứ ngoại lực nào làm tổn hại đến điều đó, đều phải bị gỡ bỏ".
Rằng để đối xử với những xôn xao, huyên náo bên ngoài, kể cả những đồn thổi oan ức tới đau lòng, chúng ta chỉ có một cách là kiên nhẫn sống tiếp những câu hỏi của mình.

7. Giữa bầu trời rộng lớn, mịt mờ, có một chòm sao cả nghìn năm nay vẫn mang hình dấu hỏi, cả nghìn năm nay cứ treo mình lửng lơ ở đó. Nhưng nhìn lên đó, mình lại thấy an tâm như thể mình đang sắp sửa tìm ra câu trả lời.

Nhận xét

  1. Kẻ mộng mơ hay nhìn lên bầu trời. E cũng đang ở quê cũng đang mênh mang trong những câu hỏi của ngưỡng cửa cuộc đời. Tối nay năm với cháu, trời trong, trăng sáng và chòm sao hỏi chấm cũng in rõ trên nền trời đen huyền bí. E thấy thật thư giãn, thấy tâm đc yên bình sau chật chội ngột ngạt tại thành phố hay ngột ngạt trong chính tâm hồn mình? Còn những câu hỏi về bản thân về sự tồn tại của mình, về mục đích mình đến với vũ trụ này vẫn ở đó lơ lửng như chòm bắc đẩu nhưng cũng lu mở trong mớ câu hỏi về tông tại và sống và cơm, áo , gạo tiền.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

tự do của mùa hè

2022