Sinh viên ngoại tỉnh, xenophobic và một nền giáo dục tập trung


1. Trưa ăn xong, no cành hông, nhìn ra trước cửa thấy gió thổi làm cái cây to xào xạc xào xạc, nghĩ rằng sáu năm nay ở Sài Gòn gặp toàn chủ trọ dễ thương nên được sống thoải mái, basic needs không bị đe doạ, có cảm giác được làm người một cách bình đẳng như bao người Sài Gòn.

Hồi sinh viên, hai vòi nước thì bị bịt mất một vòi, vòi còn lại siết cho nước chảy nhỏ giọt hứng nửa ngày mới tắm được. Bố tới thăm đóng tiền 30k/ngày. Chiều chiều ngủ dậy nghe bà chủ trọ chửi sinh viên tỉnh cả người. Đấy là basic needs về ăn ở thôi, chưa bàn đến khía cạnh tinh thần cao quý gì. Sinh viên nhập cư mà, làm gì được có đời sống tinh thần trọn vẹn.

Tuy nhiên chẳng có người nơi nào xenophobic* từ trong máu, ở đâu cũng có những hoàn cảnh riêng của nó khiến cho người ta sống như vậy, nên thôi hông sao cả.

2. Mình chỉ nghĩ về một chuyện. Năm 18 tuổi, mình không có một lựa chọn nào khác ngoài Hà Nội. Vì ở đây có những trường Đại học tốt nhất, thế thôi. Nhưng khi đi học, áp lực của một nền văn hoá đôi khi khiến sinh viên tốn năng lượng, sức lực, sống chật vật và mệt mỏi về tinh thần hơn mình tưởng. Kể cả những sinh viên không phải lo về tài chính như mình.

Lên giảng đường, thầy cô ít khi hỏi tối qua em ăn no không, có phải đi gia sư không, có nhớ nhà không, chỗ ở của em điện nước internet thế nào, ngoài giờ em có chỗ nào để sinh hoạt vui chơi không. Hội sinh viên thì hát múa ca ngợi, không thấy có chương trình hỗ trợ thiết thực nào cả.

Nếu điều này liên tục xảy ra, hiệu quả học tập không được như mong đợi, không bình đẳng với người không nhập cư, thậm chí áp lực và cô đơn sẽ gây học sút. Và chứng tỏ chúng ta chưa có một nền giáo dục bình đẳng cho mọi sinh viên, cũng như một xã hội nhân văn quan tâm đến khía cạnh tinh thần của con người.

(Bây giờ mà chọn trường đi du học, thì phải tính kỹ về nơi sống hơn cả quan tâm tới trường Đại học. Chỗ nào xenophobic một tí là phải e dè liền).

3. Một điều cực kỳ có hại cho việc hình thành nhân cách của một sinh viên hừng hực bước vào đời là anh ta có ít lựa chọn. Một nền văn hoá không cởi mở, tôn trọng và chào đón mình, một nền văn hoá mà người ta phải dò xét nhau trên xe bus, đề phòng nhau trên phố, và không muốn chào nhau trong thư viện, dù sinh viên có đau khổ muốn trốn chạy nhưng anh biết chạy về đâu? Giữa nơi tốt nhất nước mà anh không sống tốt được, cảm giác như lỗi là do anh.

Một chân trời hẹp nơi ước mơ thì lớn mà muốn bay thì không sao cất cánh lên mà bay cho được.

May mắn là ở lứa tuổi hai mươi, cũng ít ai đủ to gan để chỉ tay vào cái phi nhân của môi trường sống, đủ liều lĩnh để từ bỏ. Nên sinh viên vẫn cứ lành hiền và cam chịu và lo học hành để bố mẹ không phải lo lắng. Từ đó, họ tôi rèn sự chịu khó, khả năng thích nghi, thái độ tích cực.

Nhưng lòng tự tôn sứt mẻ ít nhiều và sức khoẻ tinh thần bị phớt lờ, thì sau này phải ý thức và vun bồi lại, không thì không ổn.

4. Ở nước ta, các trường Đại học tập trung ở hai thành phố lớn, mà quan trọng là chất lượng giáo dục ở các thành phố nhỏ không đồng đều khiến đa phần sinh viên muốn có tiền đồ vẫn cứ đổ về hai đầu đất nước. Ta thấy một nguy cơ về quá tải cho thành phố, giới hạn lựa chọn cho sinh viên, kèm theo vô số vấn đề về văn hoá, tinh thần.

Thêm nữa, sinh viên là nguồn tiêu dùng đáng kể, là lực đẩy kinh tế quan trọng của thành phố (nhưng ít được biết ơn hehe). Nền kinh tế nhờ một bộ phận lớn sinh viên mà vận hành cực kỳ trơn tru, cung cầu sôi động, phát triển nhanh và đầy sức sống. Tuy nhiên sự bất cân xứng ở đây là xã hội thì quá tải, văn hoá thì ngày một đậm tính kỳ thị. Kỳ thị xảy ra ngay đối với những người đã kiến tạo phần quan trọng trong nền kinh tế thành phố.

Hình dung đơn giản thì con của một người chủ cho thuê nhà có thể coi thường người đến thuê nhà (dân tỉnh lẻ, ăn nhờ ở đậu, kém văn minh,...). Nhưng tiền sinh hoạt phí khi đi du học của bạn ấy có thể phải trông cậy vào những người không được coi trọng này. Không thể nói vì nhà đất là tài sản của bố mẹ bạn nên các bạn không cần quan tâm tới người chuyển số tiền này cho gia đình bạn. Không có người thuê, nền kinh tế không chạy, ngôi nhà cũng chỉ là tiêu sản! Về mặt kinh tế là vậy, còn về mặt tâm lý - xã hội, nhiều khi chẳng ai ý thức được là đang có sự bất bình đẳng vô lý.

Ngày mai chỉ cần hệ thống lao động phổ thông trong thành phố nghỉ về quê hết là dân nội thành sợ chết khiếp. Các thành phần kinh tế phụ thuộc lẫn nhau và không thể tách rời. Đời họ là đời ta. Chúng ta bay xa nhờ tốc độ những cánh chim cuối đàn và ngược lại, nếu có mất an ninh (lương thực, kinh tế hay kể cả an ninh trật tự), thì cũng là vì chính những người này không được bảo vệ và chăm sóc. (Đinh Đức Hoàng).

Cho nên thực ra, sinh viên hay người ngoại tỉnh chẳng nợ gì các bạn một bản sắc, một thành phố bình yên. Chúng ta dựa vào nhau mà sống. Chỉ vì nền giáo dục tập trung quái gở đẩy ta tới tình cảnh phải chung sống này, và đồng thời làm cằn cỗi những miền quê giàu tiềm năng.

5. Ở Phần Lan, người ta chủ trương một nền giáo dục "phi tập trung". Trước thập niên 1920, giáo dục đại học Phần Lan chỉ được giới hạn tại Helsinki. Phi tập trung hoá đại học bắt đầu từ việc xây dựng các cơ sở giáo dục đại học ngoài thủ đô. Oulu (1959), Lapland (1979), Jyvaskyla, các đại học ở Tampere, Joensuu, Kuopio, Lappeenranta, Vassa (1966), ... Đến đầu thế kỉ 21, đa phần sinh viên đại học ở Phần Lan đều theo học ở ngoài thủ đô. (Mà chẳng ai nói mấy trường này chất lượng kém hơn cả!).

Việc này khuyến khích một nền văn hoá đa vùng miền, tạo điều kiện cho các thành phố đại học ra đời. Ở đâu có đại học, ở đó có cơ hội phát triển kinh tế, văn hoá. Nhiều đô thị cũ tránh rơi vào trì trệ, suy tàn cũng nhờ làn gió mới từ giáo dục đại học.

Và rõ ràng sinh viên có nhiều lựa chọn hơn. Riêng việc này thôi cũng thấy đời dễ thở, dễ sống biết bao nhiêu rồi!

6. Quay trở lại nơi có xenophobic và những người đi ở trọ. ^^ Trước hai chữ "Hà Nội", mình thử quan sát thái độ và cách thế ứng xử của các sinh viên ngoại tỉnh quanh mình. Khi anh vào quán hùng hồn gọi một ly nước cam rồi sau đó nhận ra nước không ngon như mình nghĩ, anh làm gì? Bỏ ly nước sang quán khác, khen nước ngon để lấy lòng chủ quán, tự kỷ ám thị nước ngon nước ngon để khỏi mang tiếng sân si, hay ném ly nước cho bể tanh bành? Về cơ bản, tất cả những xu hướng này đều tồn tại và đều có lý. ^^

Mình đoán rằng đa phần cũng nhìn nhận vấn đề nhẹ nhàng thôi chứ không có đào bới như mình, nhưng không có nghĩa là inhibition* không xảy ra, và đừng nói với mình HN là ly nước cam thơm ngon nha. ^^

Cách thế giới tâm lý của một người xử lý các tác động ngoại cảnh nó nhận được rất đáng được quan tâm. Sức ép văn hoá và việc có quá ít lựa chọn sẽ để lại dấu ấn cực kỳ đặc biệt lên người chưa trưởng thành (khác với những người đã trưởng thành và đủ nội lực để thích nghi).

7. Tiếng nói của nhóm thiểu số càng ngày càng trở thành một vấn đề to bự trong những suy tư về xã hội của mình. Đến mức mình tin chắc rằng thesis sau này mình làm sẽ là về một nhóm thiểu số.

---

Chú thích:

*xenophobic: bài ngoại (từ này mình thích nên để nguyên không dịch ^^)
*inhibition: ức chế, một cảm giác khiến người ta không thể hành động một cách thoải mái và tự nhiên. (mình không biết dịch thế nào nên để nguyên là inhibition, dùng từ ức  chế thì dễ gây hiểu nhầm là bức xúc ^^).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây