chuyện tiền lương

1. Hồi xưa, khi nhận được tháng lương đầu tiên, có cảm giác như sẽ tiêu mãi mãi không hết. Hồi đó, so với bạn bè, thu nhập mới ra trường 10 triệu là rất đáng mừng rồi. 

2. Còn nhớ, mỗi chiều vừa nhận lương xong, nơi đầu tiên đánh xe đến sẽ là Sài Gòn Square. Mới đi làm, chẳng có quần áo gì đẹp cả, cũng chẳng biết chỗ nào mua đồ, cứ ra đó cho tiện. Mình biết tới Sài Gòn Square nhờ một lần nói chuyện với một chị đứng gần trên xe bus ở Nội Bài, lúc chuẩn bị lên máy bay vào Sài Gòn chơi lần đầu tiên. Chị bảo nếu không biết mua đồ ở đâu cứ ra đó cho rẻ và đẹp. Ai ngờ sau này mới biết đồ ở đó không đẹp cũng không rẻ.

3. Hồi đó nhận lương xong thì sẽ rút cả cọc ra xài luôn. Nghĩ đằng nào cũng rút, trước sau cũng xài, nên chẳng để lại trong thẻ làm gì. Mãi tới nhiều năm sau vẫn chẳng hề có khái niệm tiết kiệm. Tiết kiệm để làm chi, tương lai là cái gì... Mơ hồ hết sức. Con người sống cho hiện tại là mình lúc ấy đã dùng tiền để đổi lấy bao niềm vui nhất thời: quần áo, trà sữa với tụi nhỏ, mua sắm cho lớp học. Bạt ngàn khoản chi, chỉ cần còn tiền trong ví là còn không tiếc cho đi.

4. Và công thức tiêu tiền của người sinh viên mới ra trường là: 10 ngày đầu tháng tiêu 9 triệu. 20 ngày còn lại tiêu 1 triệu. Thậm chí cuối tháng vay một ít nếu thiếu, rồi đầu tháng sau trả lại.

Kể ra chi cho người ta biết mình ngu. Nhưng mà, nó là vậy đó. ^^

5. Miễn cưỡng bước vào "thị trường lao động" này, trong khi lòng vẫn đang chỉ muốn chơi, tiền lương có thể là liều thuốc tinh thần duy nhất với mình hồi đó. Tiền lương về như liều dopamine nạp thêm năng lượng cho tinh thần đang kiệt quệ trong cỗ máy khô khốc tàn nhẫn của công sở. Cụ thể, hồi đó mỗi khi chớm có ý định nghỉ việc, thì tin nhắn ting ting báo tiền lương lại khiến mình suy nghĩ lại ^^. Không phải do cái tâm lý mê tiền, ham vật chất, nếu vậy chắc chắn đời mình đã đơn giản hơn. Mà là khi nhận lương, bỗng nhiên có cảm giác họ đối xử với mình cũng không tới nỗi, trong khi mình còn ngồi đây nuôi những ý nghĩ "phản phúc" này. Và hình như mình cũng chưa dành cho họ trọn trái tim. Nên lại cặm cụi đi làm việc tiếp.

Thông qua tiền lương, cỗ máy kia đã đào tạo nên những người lao động ngoan ngoãn như vậy đó.

6. Hồi làm ở chỗ làm thứ hai, tới tháng nhận tiền lương lúc nào lòng cũng có một cảm giác mãn nguyện. Lúc này, không còn là cái sự biết ơn hay thấy mình may mắn, mà là cảm giác mình đã tạo ra giá trị và nhận về thứ xứng đáng.

Bước ngoặt thay đổi suy nghĩ của mình nhiều nhất ở đây là sau khi anh T. nghỉ. Mình cũng muốn được sống trọn với đam mê, thay đổi tập thể theo ý mình. Nhưng nhìn xem, anh T. sẽ chẳng còn có lương. Mình sợ cảnh không còn có lương, nhất là khi mình đã bỏ hết công việc làm thêm để toàn tâm cho nơi này. Bỗng chốc mình nghĩ rằng, mình không phải một giáo viên, một người truyền cảm hứng, một leader, một coordinator, nhà phát triển sản phẩm gì cả. Mình chỉ là một người làm công ăn lương. Trước hết, hãy trung thành và biết ơn nơi đã cho anh công việc và tiền.

7. Con người không chỉ sống vì lương, mà còn vì những lý tưởng của đời mình. Nhưng khi còn chưa chắc chắn mình muốn gì, lý tưởng của mình thực sự ra sao, thì tốt nhất hãy là một người sống vì lương và cư xử biết điều so với những gì mình nhận.

Trong những năm trẻ trâu, hầu hết thời gian mình cho rằng mình không cần nhiều tiền, không quỵ luỵ vì tiền, và mình kiểu gì cũng kiếm được tiền, hay số tiền mình nhận luôn xứng đáng và hoàn toàn là của mình, chẳng cần phải quá biết ơn ai. Nhưng trong một tổ chức, người lao động và người dùng lao động nương tựa nhau mà sống, chứ đâu phải cứ nghĩ rằng tổ chức cần mình mà muốn làm gì thì làm. Không có con người, tổ chức sẽ chao đảo. Nhưng không có ai dùng mình, mình có tài giỏi tới mấy cũng chỉ ngồi một chỗ toả hương cho mình thưởng thức.

Không cần lệ thuộc tới mức khúm núm, nhưng người khôn ngoan hiểu được mối quan hệ hai chiều này và "có qua có lại mới toại lòng nhau". Dường như, đó là cách mà nhiều thứ khác trong đời sống này vận hành, phải không?

8. Cái "cục" lương được nhận, nó nhiều hay ít là một chuyện. Nhưng con người luôn quan tâm tới chi tiết của cái "cục" đó, tức là khoản nào, cộng ở đâu, trừ cái gì đi, mà tạo thành thu nhập thực nhận này. Việc này giúp chúng ta tự đối chiếu lại công việc mình làm sau một tháng dài, hiểu được một chút ít về luật nguyên nhân - kết quả, có thêm động lực làm việc. Vì thế đi làm ở đâu mình cũng hỏi xin chi tiết lương.

9. Nhưng không phải chỗ nào cũng vui vẻ đáp ứng. Có chỗ cố gắng làm cho nó nhiêu khê nhất có thể, để tránh rủi ro rò rỉ thông tin. Mình dù lúc nào cũng muốn biết chi tiết lương, nhưng nếu buộc mình phải làm thêm thao tác, trong hoàn cảnh vừa lười vừa bận, thì mình thường bỏ qua, chấp nhận việc không biết đến nguồn gốc thu nhập. Có chỗ thì mình hỏi xin mới có chi tiết lương. Và nhiều nhiều trường hợp khác mà mình trải nghiệm, qua những năm vừa rồi nhận lương nhiều nơi, nhiều hình thức, số tiền khác nhau. Dĩ nhiên cũng có những cư xử sơ sài và thiếu tôn trọng, dĩ nhiên.

Mình cho rằng, họ có thể làm chu đáo hơn, tiết kiệm thời gian cho nhau hơn, như soạn đi một cái email tử tế, nhưng họ không chọn thái độ đó, không muốn đối diện với rủi ro.

10. Ngày nay, mỗi tháng nhận thông báo chi tiết lương từ trường, mình đều trả lời email để cám ơn chị Nh. Bởi vì:

Thứ nhất, email của chị không phải do máy soạn, nó là do người soạn. Vì thông tin cần độ chính xác cao và bảo mật, nên hẳn rằng chị Nh. cũng đã căng thẳng và cầu toàn không ít khi soạn email. Công việc của chị đòi hỏi sự chính xác 100%, và một người tôn trọng giáo viên của trường sẽ làm nó với sự trân trọng, tỉ mỉ và chân thành. Cách giáo viên đánh giá về trường hoàn toàn có thể khởi đi từ thiện cảm về người kế toán tổng hợp của trường.

Thứ hai, mặc dù chị được trả lương cho toàn bộ công việc tính toán lẫn thông báo lương cho mọi người, nhưng xét cho đến cùng không có gì là công bằng và sòng phẳng hoàn toàn. Bạn luôn nợ người ta một chút gì đó. Hãy nghĩ đến việc email này là dành riêng cho mình, nó giúp mình nhiều biết bao, mình được thông báo nghĩa là nhu cầu thông tin của mình được quan tâm. Dù làm nó dưới mệnh lệnh nào đi chăng nữa, người gửi email đã làm nó vì bạn, cho bạn.

Có lẽ hai năm ở trường ngoại khoá đã giúp mình hiểu sâu hơn về các bộ phận phi học thuật trong trường, hiểu rằng không có họ thì bên học thuật sẽ khó khăn ra sao. Những công việc nhỏ bé máy móc, sử dụng trí thông minh dạng nào cũng đều đáng được coi trọng.

11. Khi còn làm ở trường ngoại khoá, mỗi tháng trả lương cho các bạn giáo viên và cộng tác viên, mình luôn soạn một bảng biểu vô cùng cẩn thận, tô màu hay in đậm khi cần để phân cấp thông tin. Dù lương thực nhận chỉ là mấy chục, hay trăm mấy, mình vẫn soạn email với cái bảng chi tiết và lời thưa gửi trân trọng. Của cho không bằng cách cho. Huống chi, đây đâu phải là cho?

Nhận mail của mình, bạn nào cũng trả lời lại lịch sự và vui vẻ. Đó là hiểu công việc của nhau, là sự cùng tôn trọng (tương kính) để cùng làm việc tốt hơn cho một mối quan hệ lâu dài, chẳng phải chụp giật thoảng qua.

12. Ở trường hiện tại, sau mỗi email cám ơn của mình, chị Nh. đều trả lời lại là "Không có chi đâu em", kèm theo một câu chúc thân tình vui vẻ. Cái email báo lương không chừng cũng là cơ hội trò chuyện hiếm hoi giữa hai chị em thuộc hai bộ phận không liên quan gì đến nhau trong công việc hàng ngày. Và dù đó là ai, con người luôn có nhu cầu giao tiếp, giao tiếp làm cho chúng ta được sưởi ấm trong cảm giác "con người", giữa hàng trăm thao tác và thông tin máy móc lạnh lùng mỗi ngày.

13. Chiều nay lại nhận lương. Lại trào lên một cảm giác biết ơn. Bao nhiêu năm rồi mà chẳng thay đổi được. Có học kiêu căng, tự cao, hãnh diện ở đâu, thì sâu bên trong mình vẫn là con bé hiểu về ơn nghĩa. Nhất là khi trong suốt một tháng làm việc, mình cũng đã luôn thầm cám ơn. Cám ơn J. vì đã hài hước và phóng khoáng. Cám ơn F. và M. vì đã vô cùng kỹ lưỡng làm mình yên tâm, nhưng lại cũng rất lịch sự với giáo viên Việt Nam. Cám ơn S. vì lúc nào cũng khiến giáo viên cảm thấy được trân trọng, được tin tưởng, mọi quyết định của S. đều thông qua cho bọn mình hay, và nhà trường của S. luôn nói với bọn mình rằng họ lấy bọn mình là cốt lõi, là điều bất dịch trong bối cảnh dịch bệnh làm cho tất cả chung quanh dịch chuyển dữ dội.

Và giờ đây, mình lại còn nhận lương. Hihi. Mình dễ dãi tới mức chỉ cần sự ghi nhận và coi trọng là chiếm trọn trái tim mình rồi mà, đâu cần lương lậu gì nữa.

Vậy mà tháng nào mình cũng có lương. ^^ Cuộc đời đã quá dễ thương.



Chị Nh. thật dễ thương, không như chị P. hồi xưa hay mặc váy bó, ra ngoài nghe điện thoại, dửng dưng làm mình ám ảnh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây