Nhật ký trở lại trường học - Back to school 2020

Đã lâu mình mới lại bắt đầu năm học mới theo cái cách thông thường, cái cách mà mình đã theo 2 năm đầu đi dạy, cũng là cái cách mà hầu hết giáo viên trên thế giới và Việt Nam đang trò chuyện rôm rả trên các diễn đàn. Hôm nay, kết thúc ngày học đầu tiên của năm học mới (first day of school, yeah) mình sẽ ghi chú lại một số điểm đáng chú ý từ khi quay trở lại trường tới nay.

1. Các buổi tập huấn (workshop)

Tuần lễ định hướng (orientation week) bắt đầu với những buổi tập huấn (workshop) vốn dĩ là offline nhưng đã được chuyển sang nền tảng online cho an toàn. Trong các buổi tập huấn, mình có lúc hiểu lúc không. Đặc biệt với chuỗi tập huấn về The Monalisa Effect của Matthew Savage thì phải thừa nhận là mình chỉ hiểu được khoảng 30%. Có nhiều lý do như: ngôn ngữ (kỹ năng nghe tiếng Anh của mình luôn yếu nhất trong 4 kỹ năng), chưa quen môi trường (mới làm ở đây nửa năm) nên khó hình dung bối cảnh, không được trang bị các khái niệm nền tảng, nhóm người học đông với nhiều đặc điểm khác nhau,... Tuy nhiên có một điều mình nhận ra là các buổi tập huấn nếu không thể giúp ta vỡ lẽ nhiều điều hay ho, sâu sắc thì ít nhất nó cũng giúp ta hiểu được trường đang hướng mối quan tâm trọng tâm của họ về điều gì, để rồi từ đó điều chỉnh cách làm việc cũng như tự tìm hiểu thêm dựa trên các từ khoá được cung cấp. Khi Google tên khoá học cũng như tác giả, mình thấy rất nhiều thông tin, được khẳng định hơn về uy tín chương trình. 

Qua đây cũng thấy được là trường đã chọn chương trình và diễn giả tương đối chất lượng. So sánh với các buổi tập huấn của một số thầy cô Việt Nam tự biên soạn với nhiều trò chơi, dễ hiểu, nhiều quà tặng, ra về ai cũng cười, mình thấy rõ ràng có sự khác biệt. Mặc dù khả năng hiểu của mình với các buổi của Matthew không cao, nhưng không phải cái gì chất lượng cũng dễ đón nhận. Âu cũng là một lần thử thách giới hạn hiểu biết của bản thân để nhận ra rằng ngoài kia còn bao nhiêu thứ mà mình chỉ nắm ù ù cạc cạc, còn bao nhiêu cái đích xa xôi và không thiếu những người đang ngồi âm thầm ngoài đó, không đánh trống khua chiêng về bản thân trên mạng xã hội nhưng vẫn đang làm điều giá trị.

Một điều thứ hai mình để ý là trong tuần lễ định hướng, chỉ có duy nhất một chuỗi buổi tập huấn chủ chốt, chính là The Monalisa Effect của Matthew Savage mình nói trên mà thôi. Thời gian tuần lễ định hướng kéo dài 1 tuần, hẳn quá ngắn để nhồi nhét nhiều kiến thức hơn nên họ chỉ tập trung vào giới thiệu một khái niệm mới. Ngoài thời gian tập huấn, bọn mình họp hành khá nhiều mà mình vẫn cảm thấy dư thời gian để ngồi sắp xếp việc riêng, trang trí lớp và soạn bài.

2. Sự trình diện của Hiệu trưởng

Những cuộc họp buổi sáng

Trong tuần lễ định hướng. S. - hiệu trưởng của trường họp với mọi người vào mỗi sáng. Buổi họp này bên mình gọi là morning briefing, dịp này được tiến hành qua Microsoft Team Meeting. Nội dung họp xoay quanh các mục tiêu chính của trường, giá trị cốt lõi, những dặn dò nhắc nhở với giáo viên, các điểm chung cần thống nhất với nhau, cũng như cập nhật về tình hình tuyển sinh, tuyển dụng cùng các tin tức cần thiết. Bên cạnh đó, bọn mình có họp với bộ phận mà mình trực thuộc, ví dụ như mình sẽ họp cùng team Primary với J. chủ trì. Nhưng thường xuyên nhất vẫn là cuộc họp với người đứng đầu trường, Mr. S.

Nội dung họp của S. đôi khi cũng lặp đi lặp lại thôi nhưng mình cảm thấy ông thật sự có chủ đích nhấn mạnh những vấn đề mà ông lặp lại chứ không chỉ máy móc mà làm thế. Qua các buổi sáng họp với S., mình học được rất nhiều điều. Đầu tiên là mình thấy hiểu rõ hơn về tinh thần của trường, điều mà họ muốn tập trung đẩy mạnh ở ngôi trường này. S. làm mình cảm thấy tinh thần nhân văn thống nhất từ thông điệp ông gửi, từng lời ông nói cho tới mỗi hành vi, sự có mặt, thái độ của ông mỗi ngày. 

Điều này rõ ràng là rất khác biệt so với những người chủ trường chủ yếu dành thời gian suy tính việc kinh doanh, truyền thông, đặt các tham vọng thiếu thực chất hoặc mưu cầu danh lợi cho bản thân. Miệng họ nói một đằng, nhưng cách hành xử thì đáng khinh không để đâu cho hết. Rất dễ nhận ra những vị con buôn giả danh nhà giáo dục này, bằng thái độ của họ đối với giáo viên. Họ rõ ràng không hiểu gì về giáo dục, và có định kiến với giáo viên từ kinh nghiệm nhỏ hẹp của cá nhân họ. Và ta sẽ chẳng bao giờ thấy họ thực sự hỗ trợ được gì cho mình, nhưng trong những khoảnh khắc khó khăn họ sẽ hoặc biến mất thần tốc, hoặc cho thêm một vài giọt dầu để khó càng thêm khó.

Quay trở lại với S., trong tuần lễ định hướng, mỗi cuộc họp online đều chủ yếu do S. nói. Slide và nội dung nói được chuẩn bị chỉn chu. Không đòi hỏi mọi người phải phản hồi, hưởng ứng nhiều, vì chúng ta thấy rằng người dự họp thường có áp lực vô hình là phải ý kiến. Ngày thường khi họp offline cũng vậy, nếu không ai có ý kiến gì thì giải tán, tiết kiệm thời gian cho nhau. Nhớ ra gì để hỏi thì email sau. (Dở nhất là buộc người ta phải comment cho những điều mình nói - những điều thường thì là dở, hoặc chẳng hay chẳng dở, hoặc vô thưởng vô phạt và thực ra chưa bao giờ là mối quan tâm chính của người nghe. Hãy nghĩ rằng, chỉ lắng nghe thôi đã là sự tôn trọng họ dành cho ta rồi.)

Qua những cuộc họp, mọi người "ngấm" hơn về những điều cần nằm lòng trong một năm, sao cho ngôi trường thực sự làm được những gì mà nó - và cá nhân S. - đã hứa với phụ huynh. Để chia sẻ thêm thì điều mà mọi người nhấn mạnh với nhau nhiều nhất đó là safety first - thể chất và tinh thần. Không chỉ vậy, người hiệu trưởng qua đây làm cho hình ảnh mình trở nên quen thuộc với tập thể giáo viên, gợi cảm giác về sự đảm đương, nhận lãnh trách nhiệm, đứng mũi chịu sào vô cùng rõ rệt. Mỗi lần họp xong với S. mình đều vô thức có cái cảm giác thích được "túm áo" ổng hỏi han, nhờ cậy nhiều hơn. Khi phân vân về chuyện đi học, mình cũng hỏi S. trước hết. Một cảm giác tin cậy mà người ta đã truyền tới cho người đối diện, y như cảm giác ngồi bên cạnh ngọn núi mà mình từng kể lúc gặp sơ Ngọc - một lần nào đó trên blog này.

Thử nghĩ xem có bao nhiêu môi trường mà người đứng đầu luôn dám hiện diện trong tâm thế đứng mũi chịu sào đó? Thậm chí, hồi ở trường-mà-ai-cũng-biết-là-trường-nào-đó, mình luôn có cảm giác kiểu, "thôi mũi sào đó em đứng đi, anh/chị núp sau lưng được rồi". Đáng sợ ở chỗ kẻ núp sau lưng mình lại là người có quyền đánh giá, xếp hạng mình. 



Những cuộc ghé thăm

Bên cạnh họp hành, những ngày không có tập huấn, S. dành thời gian rảo qua tất cả các phòng học. Tính tới hôm nay, mới chỉ 1 tuần mà S. đã ghé phòng mình 3 lần. Lần đầu khi mới "khui" phòng, còn bề bộn. Ông ghé để hỏi xem còn thiếu gì không, thiết bị đủ chưa, ổn chưa. Lần thứ hai là những ngày cuối trang trí, phòng mình vẫn còn bộn bề tuy góc đọc sách đã dần hiện ra. Mình xin S. một tấm thảm nhỏ trải góc đọc sách, chuyện bé xíu như vậy đó nhưng mình vẫn nói vì biết S. sẽ quan tâm bất kể đó là gì. S. nói được chứ, nếu D. chưa duyệt thì để đích thân ổng đi xin tấm thảm cho mình. Lần nào S. ghé cũng chỉ để xem có giúp được gì không. 

Chẳng như các sếp ở trường-mà-ai-cũng-biết-là-trường-nào-đó, người đàn ông thấp lùn mang tờ giấy đi đánh dấu check check, rảo qua căn phòng mà mình đã lui cui chuẩn bị mấy ngày trời, trong chưa đầy 1 phút, như sợ trễ giờ đón con. Thật ra họ chỉ cần báo với sếp của họ rằng họ đã check thôi. Có những sự xuất hiện không những chẳng giúp được gì, chẳng động viên ai, lại còn có thể xếp vào loại vô duyên nhất hạng.

Lần thứ ba S. ghé phòng mình là chiều nay, khi mấy bé lớp Một đang say sưa nghe mình đọc truyện mèo Nontan. Ông già Noel bệ vệ đó liên tục hỏi tụi nhỏ ổn không, vui không, ngày đầu tiên thế nào. Mọi người đã thống nhất với nhau từ hôm qua, rằng hôm nay khi trở lại trường, trẻ con dù đã quen với trường hay chưa, cũng chắc chắn có những hoang mang rụt rè. Dù chúng vẫn cười vẫn nghịch, thể hiện hay giấu đi, thì chúng vẫn cần lắm những ân cần che đỡ trong ngày đầu. Bởi vì trẻ con không phải lúc nào cũng biết chúng đang thực sự cảm thấy ra sao và gặp phải rắc rối nào.

Đầu và cuối ngày, khi đón và tiễn trẻ, S. cũng hiện diện ở đó. Ngôi trường bé xíu như cái làng nhỏ nhắn luôn có bóng ông già Noel bệ vệ. Chẳng những con trẻ mà người lớn tụi mình cũng thấy phần nào yên tâm. Nhưng khổ nỗi, nếu ông hỏi một đứa bất kỳ "Bạn có biết tôi là ai không?", thì rất có thể ông sẽ phải hụt hẫng vì chúng sẽ lắc đầu. Chúng chỉ thèm nhớ giáo viên chủ nhiệm, rồi tới trợ giảng, và thầy cô bộ môn.

Đã thành một nét (tạm gọi là) văn hoá, J. và giáo viên bộ môn (specialists) tụi mình cũng dạo quanh từng lớp để say Hi. Mình đi cùng chị Melanie, giáo viên tiếng Đức và chị Thư, giáo viên ELL. Tụi mình gặp J. ở phòng lớp 5, cái điệu bộ khua khoắng tay chân sinh động và cách nói gây cười của bà thật khó mà bắt chước. Bao nhiêu lớp học cần ghé, tụi mình vừa đi vừa chạy vừa thở, nhưng vui.

3. Chuyện cá nhân: chia sẻ về việc chuẩn bị cho năm học mới

Công việc chuẩn bị cho năm học mới của cá nhân mình chỉ gồm hai điểm: một là biên soạn tài liệu giảng dạy và hai là trang trí phòng học. Chỉ hai việc như vậy thì sắp xếp thế nào?

Mình trông có vẻ lộn xộn, nhưng sự thật thì mình cũng có những cân đo đong đếm và sắp xếp nhất định với lý do riêng. Khi soạn ra trong đầu các việc cần làm, mình dùng trực cảm để chọn một thứ tự triển khai lần lượt từng thứ. Và mình bắt đầu với việc trang trí phòng.

Mình nhớ lại cách đây nhiều năm, chị Ch. nhận xét về chị TA với mình: Con TA nó cứ làm mấy thứ nhỏ trước mà nó không biết tập trung vào cái cốt lõi. Chị TA như mình biết, là người có thể cả chiều ngồi chỉ để làm mấy món thủ công xinh xinh kiểu như mấy bông hoa giấy ^^. Nhưng ai mà biết được, đó chính là cái thứ tự làm việc phù hợp với người ta. 

Hoặc như trường hợp của mình hồi làm ngoại khoá. Đôi khi phút chót mọi người mới thấy mình "sản xuất" đồ dùng dạy học, ví dụ như cái khung rối chiếu bóng, hay mấy file in học liệu. Nhưng thật lòng mà nói thì mình đã "sản xuất" hình ảnh của chúng, nghiền ngẫm câu chuyện về chúng cả tuần trong đầu. Chỉ là, nếu muốn mình trưng ra cái gì có thể nhìn thấy cho mọi người được thấy, thì mình không thể. Nhiều chuyện khác cũng vậy, mình có sẵn mọi thứ trong đầu, chỉ là để cho nó thành hình hài hoặc mô tả nó cho người khác, mình không làm (ngay) được. Nhưng chỉ cần bắt tay vào thì mình làm rất nhanh. Ông V. vẫn hay mắt tròn mắt dẹt khi chứng kiến tốc độ sắp xếp, trang trí nhà cửa hoặc dọn dẹp của mình. Mình nghĩ lý do chính là ở cái cơ chế phân công nhiệm vụ cho thinker doer diễn ra bên trong mình như vừa kể.

Năm nay, mình gói gọn việc trang trí trong một buổi chiều tối để xong "hạng mục" chính (như reading corner, teacher corner, sắp xếp văn phòng phẩm và bố trí hệ thống kệ trong phòng), và một buổi sáng hôm sau để làm các việc còn lại. Mình bắt tay vào làm khi chị T. ra về và sáng hôm sau chị T. lên phòng thì đã phải sửng sốt.

Góc đọc sách (reading corner) được mình chọn làm vedette của cả căn phòng, dù mình làm sơ sài hơn nhiều so với ý muốn của mình, thì vẫn đủ xinh xắn để làm sáng bừng cả căn phòng toát mùi cũ kỹ trong căn biệt thự nhiều năm tuổi. Góc đọc sách bảo cần thì không thật sự là cần, nhưng ai đi qua cũng muốn ghé vào nhìn, và nhìn xong thì người ta chẳng còn bận tâm những góc khác xấu đẹp thế nào nữa. Góc đọc sách giúp cho các góc khác có thể tối giản mà trang trí, chỉ cần những thứ thiết yếu. Nó cũng tạo cảm giác người giáo viên có sự chăm chút và lớp học này có giá trị tinh thần, giá trị cộng thêm bên cạnh bài vở máy móc. Góc đọc sách đôi khi cho thấy rất nhiều điểm trong cách làm việc của người giáo viên.


Sau khi làm xong góc này, mình làm các việc còn lại rất nhanh. Khi ta có những thứ trừu tượng cần phải tính toán, thì việc dọn dẹp mở lối cho suy nghĩ thông thoáng suôn sẻ hơn. Việc chuẩn bị một căn phòng tươm tất trước hết sẽ giúp ta hình dung dễ dàng hơn ta sẽ khơi dậy, nuôi dưỡng, gieo trồng gì trong bọn trẻ suốt một năm cùng nhau ở trong căn phòng này.

Chúng ta có thể nghĩ đến việc ta đánh giá giáo viên như thế nào qua quan sát cách họ thực hiện công việc của mình. Thực tế mỗi giáo viên có những cách triển khai công việc riêng, có những trù tính mà ta chẳng thể biết được. Việc tuỳ tiện đánh giá của lãnh đạo cũng như việc dễ dãi bàn tán nhận định của đồng nghiệp sẽ tạo sức ép, rất lớn hoặc vặt vãnh vô hình mà không kém phần mệt mỏi, giảm đi rất nhiều năng lượng tốt của người dạy. Tin tưởng, trao quyền, khiêm tốn trước giáo viên - chính là coi trọng công việc của họ, thừa nhận họ mới là chuyên gia trong công việc của họ, cũng như giúp đỡ được họ nhiều nhất.

Quay trở lại chuyện trang trí phòng. Mình tự tay cắt, dán, khiêng, đẩy tới đẩy lui, từ đồ nặng tới nhẹ, chỉ để đảm bảo rằng mình là người phác hoạ hình hài cho căn phòng thật đúng ý mình nhất. Hết làm trong phòng rồi thì chạy lên chạy xuống xin thêm hoặc trả bớt đồ đạc ở phòng bảo trì (maintenance - siêng chú thích tiếng Anh để cung cấp tên gọi được sử dụng trong trường mình cũng như tự dò lại từ vựng liên quan tới công việc giáo viên cho mình và bạn nào thích). Làm xong, cuối ngày ngồi xuống thấy thở bằng hai tai, xây xẩm mặt mày. Cánh tay ốm nhách năm nào đã hoá lực điền. ^^

Xong phần trang trí diêm dúa màu mè và phần bài trí đồ đạc thì mình chuyển sang phân loại tài liệu. Như đã nói, trong căn phòng đã xong xuôi "nội thất", mình sắp xếp tài liệu rất nhanh. Đồng thời, đây cũng là công đoạn review những gì đã làm trong một nửa học kỳ năm ngoái. Mình có thể từ đó bắt tay vào việc của năm nay khá nhanh chóng. 

Tóm lại là vậy đó, bây giờ là buổi chiều ngày đầu tiên của năm học mới và mình đang ngồi trong một căn phòng đã tươm tất cả phần trang trí lẫn tài liệu dạy học. Mình cũng đã vừa dạy xong 4 tiết của ngày đầu tiên, mệt mỏi nhưng cũng trôi chảy nhẹ nhàng, thoả mãn. Để lúc nào khác, mình sẽ chia sẻ vì sao cách điều hành công việc của các sếp ở đây lại gây ra cảm giác chủ động và nhẹ nhàng cho nhân viên dù dạy kín tiết nhé. Chiều mình thường được về sớm, tối hay chơi với mèo hoặc viết blog, soạn bài buổi tối hay không là do mình thích hay không, chẳng có gì ép được. Giúp giáo viên ra được thế cân bằng đó trong cuộc sống của họ thực sự là điều mà không phải sếp nào cũng làm được.

4. Vài điều khó ở

Có những lúc mình thật sự rất nhớ con Hà khó ở ngày xưa - cái đứa mà chỉ cần 2 giây là máu dồn lên não, tăng xông, đùng đùng nổi giận. Bởi vì bao năm qua, những sự chịu đựng, thoả hiệp trong một xã hội thấp hơn kỳ vọng và tiêu chuẩn của bản thân đã làm chùn đi, mòn vẹt đi bao nhiêu quan điểm khúc chiết và thẳng thắn ban đầu. Nếu có những lúc nào mình chán bản thân nhất, thì chính là lúc dở dở ương ương vì thoả hiệp.

Cho nên dạo này mình cũng rất siêng ... "khó ở". Cũng chịu khó lắng nghe cảm xúc thật, cũng cho mình tỏ thái độ khi mình thích. Kiểu trở về tuổi hai mươi "người ta không thích cái gì người ta khinh". Mình buộc phải thừa nhận rằng có những cách sống, làm việc mà mình nhẹ thì không coi trọng, nặng hơn thì khinh bỉ.

Đó là cái kiểu "bất chấp". Biết rằng làm như vậy sẽ khó coi, sẽ ảnh hưởng tới xung quanh, sẽ làm kẻ khác thua thiệt vô lý hoặc chạnh lòng. Nhưng vẫn làm, vì "miếng mồi ngon đâu nỡ bỏ hoài ru". Vì quen với văn hoá "khôn sống vống chết". Vì nghĩ "ngu thì chịu". Vì ỷ y "tôi không làm gì sai", trong khi thâm tâm thừa hiểu. Vì sự lươn lẹo quen thói đã nhanh chóng giúp mình nắm bắt được vài điểm yếu và sơ hở của kẻ khác để mà đạp lên tất cả với cái cớ "mày cũng hơn gì tao". Cái lối đó, bao năm mình vẫn chưa quen được, chưa thôi khinh được, chưa quên được. Nhưng cái kẻ tự nhận rằng chẳng mồi thơm nào mua chuộc được này, biết đâu sau này rồi cũng, biết đâu... (thở dài).

Đó là thói túm năm tụm ba bàn tán, những mong hạ người khác xuống cho mình bớt tự ti. Cái thói chuyện lớn không quan tâm, chuyện nhỏ thì không tha chi tiết nào. Rảnh rỗi suốt đời chạy theo những lỗi lầm vụn vặt của kẻ khác, mà không hay rằng mình đang tự hạ giá mình thê thảm.

Đó là cái kiểu làm việc né được gì thì né, cái gì không cần nói thì nhất quyết là phải ngậm tăm cho đỡ thêm việc, ai ôm việc vào người đó thiệt còn mình thì dại gì. Cái kiểu đi làm mà chỉ sung sướng khi thấy kẻ khác cực khổ hơn mình, về trễ hơn mình, thấy người ta mẫn cán thì tự trấn an là con đó dại. Cái kiểu chỉ kết giao khi có cơ hội, chỉ gần gũi khi có thể lợi dụng. Thượng đội, hạ đạp. Cái kiểu đối xử với người lao động cấp thấp thì liền lập tức trút bỏ hết tôn nghiêm, dùng sự cay nghiệt hằn học mà hẳn ta đã giấu vào trong khi sống ở môi trường (tạm gọi là) văn minh. 

Người thấy khổ đó chưa chắc là khổ, người ta làm ngày làm đêm mà tinh thần chẳng những vui vẻ sảng khoái, lại trong vòng một thời gian ngắn mà học hỏi được nhiều vô cùng, những cái giá đó người chỉ lo ấm vào thân đâu hiểu, cũng đâu muốn. Bởi vậy sướng khổ còn là chuyện phóng chiếu vào đâu. Kẻ nào biết đủ, kẻ nào đêm về có thể mãn nguyện mà ngủ ngon, là được. 

Nhưng mình muốn để tất cả những sự khó chịu này xuống dưới cùng, vì mình hiểu nguồn cơn của những kẻ gây khó chịu cho mình biết đâu chẳng là những tổn thương họ đã chịu, những sức ép họ phải mang, hay chỉ là nỗi khổ do bị vô minh che mắt. Mình chỉ khó chịu cho riêng mình để bản thân không học thói dễ thoả hiệp rởm đời ngoài kia, nhưng mình chẳng làm gì. Mình đã chẳng còn làm được gì nữa cả, sau khi tan nát bao phen vì chính sự hung hăng của bản thân. Mình đã chẳng còn làm gì được nữa, chỉ vì mình là kẻ thường không sống nổi với mình, khi soi xét sai lầm của bản thân.

5. Chuyện vui cuối ngày

Buổi học đầu tiên của năm học mới, bạn L. không biết làm sao mà buồn ngủ rũ rượi. Em ngủ ngồi, đầu tựa vào đầu gối. Lúc này cả lớp đang ngồi trên thảm. Rồi em gục đầu, gục cả người xuống thảm.

Cô đưa cho em chiếc gối mây và tấm khăn choàng, chỉ cho em lại góc đọc sách xinh xinh và kín đáo nằm ngủ. Bạn M. thấy thế bèn bắt chước tư thế của bạn L., tựa gối cúi đầu. ^^

Cả lớp chọc bạn M. không ngớt, ngủ xạo, mà xạo gì lộ quá trời, ai cũng biết hết. Nhưng mà chẳng đáng yêu hay sao, cái mong ước được một lần ngủ trong rít đinh con nờ (reading corner), nơi kệ sách vây kín ba mặt, sàn có lót giấy êm êm (sắp tới sẽ có thảm), lại còn sặc sỡ màu sắc, có đôi ba con thú bông làm bạn và nhất là nằm ở đó, sẽ chẳng ai trông đến mình.

Cô Hà thấy đáng yêu lắm, bèn nói với cả lớp: việc người ta ngủ gật thiệt hay không đâu liên quan đến mình nè, mình cũng đâu khẳng định được chắc chắn đâu đúng không. Rồi rủ cả lớp cùng đọc một cuốn sách hay: Harold và bút sáp màu tím. 

Bạn M. không cưỡng lại được cuốn sách dễ thương, tỉnh như sáo theo dõi từng trang sách, giơ tay hỏi và trả lời liên tục. Cả bạn M., cả các bạn khác trong lớp, đều tự nhiên quên hẳn cái chuyện giả vờ ngủ. Chỉ có cô Hà vẫn nhớ, vẫn buồn cười, nghe nói cô còn chép lại trên blog nữa. 

Xa xa trong góc đọc sách kia, bạn L. hãy còn đương mơ màng, đầu kê trên chiếc gối mây.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây