tuyệt vời nhất, đơn giản nhất


1. Một bức hình xinh xắn cuối ngày. Những mảng màu xanh đỏ tím vàng như nhuộm vào một ánh sáng đáng yêu. Những chữ cái vụng về cứ toát ra một niềm hạnh phúc đơn giản. 

Dùng ký ức để dạy học là việc mình hay làm, tức là: mình hay nghĩ xem hồi xưa mình thích học kiểu gì để dạy học sinh như vậy. Nhưng lần này hơi vất vả. Ký ức này xa quá, phải lần tìm bằng những sợi chỉ nhỏ mảnh mai, xuyên qua thời gian và nhiều không gian để tới được tận cái lúc đứng dưới sân trường làng nhỏ bé, dưới hai tầng nhà sơn vàng khiêm tốn mà hồi đó sao trông kỳ vĩ. Dù sao thì cũng cám ơn công việc này đã cho mình cơ hội làm điều đó.

Giáo dục tuyệt vời nhất đơn giản nhất (chưa đọc sách nhưng lúc nào mấy chữ này cũng ám vào đầu). Mình đã làm bằng bản năng và niềm tin vào sự sáng suốt của đầu óc con trẻ. Chúng thích gì nhất thì đó chính là chân lý. Một ví dụ đơn giản là nếu người ta hay chửi vụ đọc chép, đọc đồng thanh, đọc to, đọc thuộc là ngớ ngẩn phản giáo dục, thì tự nhiên mình thấy học sinh mình ở đây yêu những hoạt động kiểu vậy vô cùng. Chúng thích được hoà thanh, chúng thích được dẫn dắt, chúng học từ những thói quen lặp lại mà không căn vặn việc đó có vô thức ngây ngô hay không.

- Nhìn vào vở nhé. Bài 4. Câu 1. Con gì chơi bóng?
- Con chó chơi bóng.
- Đúng rồi. Mình cùng viết theo cô nào: Con chó chơi bóng.
- Ai đã viết xong?
- Rồi. Giỏi. Bỏ tay xuống. Câu 2...

2. Phải là một hành trình không đơn giản để bỏ bớt các khái niệm đã được chồng lên lớp lớp những tư duy của người lớn. Phải bóc dần dần để cuối cùng ra một cái lõi nhỏ xíu, giản dị nhiệm màu. 

Con chó trung thành và tin cậy, ta có thể đặt niềm tin vào nó nhiều hơn cả con người trong cõi đời không thể phân biệt địch - ta này. -> Nghe phức tạp quá.
Con chó là bạn của con người. -> Nghe ổn hơn rồi đó.
Con chó chơi bóng. -> Nghe yêu hơn nhiều í.

Nhưng cũng không thể đơn giản tới mức suốt ngày đứng ra múa may hát hò kiểu mầm non mà không hiểu mình đang dạy gì và để đi tới đâu. Không thể quẳng cho chương trình nào là răm rắp làm theo thế. Không thể cứ lúng túng với những cái cao siêu và những yêu cầu đôi khi nặng nề học thuật. Không thể cứ thẫn thờ và oán trách khi một ngày lũ trẻ bỗng lớn vụt lên và chẳng còn ưa ê a i tờ theo cô, chẳng còn chịu làm theo hiệu lệnh nữa.

Mình thích sự đơn giản của người biết mình đang làm gì, đang dẫn lũ trẻ đi đâu, và thực sự nghĩ cho chúng chứ không mưu cầu bất kỳ cái gì cho mình, dù đó là những dòng curriculum vitae lấp lánh. Người đó sẽ sẵn sàng thay đổi vì lũ trẻ, bỏ đi những định kiến, bỏ bớt vài thứ hàn lâm, bỏ đôi ba cơ hội khoe mẽ rủng roẻng, vì chúng, tất cả vì chúng. 

Một nhà giáo dục nếu không thể ngồi lặng lẽ trong bóng đêm và không thể từ chối điều làm bọn trẻ của mình đi chậm, đi sai, đi lòng vòng, thì đó là kiểu nhà giáo dục nào?

3. Một điều mà mình cũng rất hay nghĩ tới gần đây là tầm quan trọng của giáo trình. Đương đầu với một đối tượng và môi trường làm việc không vừa vặn với bất kỳ bộ giáo trình có sẵn nào này, mình mới hiểu rằng có một giáo trình (dù giáo trình đó ngớ ngẩn cỡ nào) là sung sướng thế nào (so với không có gì cả).

Giáo viên hay chê bai sách giáo khoa, ngán ngẩm phải dạy những bài mình không đồng điệu. Giáo viên, đặc biệt giáo viên trẻ, rất thích soạn tài liệu riêng, giáo án riêng, giáo trình riêng. Không thể làm lại cả cuốn sách, họ có thể làm trước cho những mô đun bài học nhỏ, những dự án, những chương trình ngoại khoá. Họ nghĩ họ có thể khắc phục được những lỗ hổng dễ thấy của một chương trình to đùng đã quá lạc hậu (và là sản phẩm đầu óc của những người lạc hậu).

Đẹp là bao cái ước vọng tuổi trẻ ấy. Mình nhìn thấy có những bạn trẻ mới ra trường soạn chương trình cho cả một cái trường dựa trên Google và chắp vá những gì mình thu nhặt được qua một vài năm vào nghề, tất nhiên là cùng với trực giác và niềm tin tuyệt vời của tuổi trẻ. Mình nhìn thấy một giáo viên có tuổi nghề âm thầm chê bai các giáo sư biên soạn sách giáo khoa, khi thấy mình được ai đó tâng bốc một câu: cô này cô ấy còn giỏi hơn các ông đấy! Một lần nữa, thật đẹp biết bao là sự ngây thơ thuở thiếu hiểu biết. ^^

Một điều mà chúng ta đã đánh giá quá thấp là trẻ cần được theo đuổi sự nghiệp học hành trong một hệ thống ngay ngắn hỗ trợ cho tư duy của chúng, từng giai đoạn diễn ra mạch lạc và hỗ trợ cho nhau, nâng đỡ và phát triển nhau lên. Đó là cái mà chỉ có giáo trình chỉn chu mới làm được. Nỗ lực cá nhân vô ích. Cần đến một nhóm người đủ năng lực, thẩm quyền và tầm nhìn. 

Chúng ta có quyền hy vọng cho đất nước mình có một nhóm quyền lực như vậy. Nhưng không phải bằng cách xông vào làm bằng ảo tưởng của cá nhân mình. Mà phải học hành tử tế, làm những điều nhỏ tử tế và để mọi thứ diễn ra tự nhiên. Biết đâu một ngày ta sẽ đứng vào hàng ngũ nhóm ấy. Nếu ta thực sự thuộc về sứ mệnh đó, ta không trốn được.

Những vòng tròn ikigai cho ta thấy sự hoà hợp giữa điều mình yêu - điều mình giỏi - điều xã hội cần mình và điều đem đến danh lợi cho mình. Nếu mình chỉ có tình yêu, và ham muốn danh lợi, bất chấp mình đã đủ giỏi hay chưa và xã hội này có cần mớ hổ lốn tạp nham mình vẽ ra trong sự non nớt hay không, thì gãy...

4. Mình hay nghĩ tới việc soạn những bộ giáo trình cho những khoảng trống mà mình nhìn thấy trong công việc mình làm. Nhưng muốn là một chuyện, làm được hay không là chuyện khác. Cứ đâm đầu vào làm một việc mà mình nghĩ rằng tốt cho nhân loại nhưng bản thân chưa đủ sức, thì chỉ khiến người cười chê.

Mình cảm thấy an toàn yên ấm trong sự nhỏ bé lặng lẽ của các công việc ngày ngày đang làm. Một giáo viên nhỏ bé như mình, thật vui biết bao khi nghĩ rằng mình sinh ra để dạy các con những con chữ thiết thực này, mỗi ngày một chút, để chúng giỏi và khôn hơn tí tẹo theo thời gian. Và khi các con lớn lên, trong mình cũng có một điều gì đó đang âm thầm lớn lên, tích tụ từ từ như phù sa. Một ngày nào đó, biết đâu nó chẳng hiện hình ra là một cái gì đó to to. Một giáo trình, một chương trình, thậm chí một trào lưu giáo dục tiên phong. Cái gì đến, có trốn tránh cũng không được.

5. Thực sự những suy nghĩ trên làm mình sáng bừng lên một niềm vui. Dù có thể chẳng ai hiểu mình đang nói gì. ^^ Và điều làm mình hạnh phúc hơn là sự tự do tuyệt đối mà J. đang cho mình. Dạy cái gì, nghĩ cái gì, to hay nhỏ, vĩ đại hay tầm thường. Chỉ cần J. thấy mình luôn có ở đó với bọn trẻ, và miệng chúng cười tươi rói khi ra khỏi Villa 11. J. vẫn nhìn mình nguyên vẹn như cái nhìn đầu tiên khi mình tới gặp bà ở Villa 9 một ngày tháng 11, khiến bà nhất định phải gọi được mình vào làm.

- Hi Hà, good afternoon.
- (Ngại ngùng xấu hổ im lặng lủi mất vì đi trễ)
- J. ơi, xin lỗi hồi sáng tao đi trễ!
- Trời ơi tao chọc mày mà mày không hiểu hả, thôi thoải mái đi có gì đâu!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây