Bão từ

Tôi đến lớp, như mọi ngày, với tâm trạng phấp phỏng. Bao nhiêu nỗi lo âu bời bời trong đầu tôi. Mọi người ở trường thường hỏi: Sao lúc nào cũng thấy em ỉu xìu? Tôi đâu có ỉu, tôi cũng toe toét lắm, chỉ ngoại trừ những lúc tôi lo thôi.

Ở LSTS, tôi có đủ chuyện để lo, chuyện nào cũng quan trọng như nhau. Nào là chuyện tụi học trò lớp 9. Năm nay là năm học quan trọng của tụi nhỏ, vậy mà chúng lại phải học tôi. Tôi không than trách hay đổ lỗi, tôi cố gồng cái mình mẩy ù lì của mình lên. Nhưng tôi đuối dần, đuối dần. 2 tháng đã trôi qua, có những lúc tôi tạm hài lòng với bài dạy, lại có những lúc tôi đứng lớp với tâm thế chưa sẵn sàng, nói những điều chính tôi còn chưa chắc chắn. Những khi đó, ngày chao ôi là buồn. Tôi chẳng buồn tận hưởng ánh nắng ngoài hành lang mỗi lúc bất chợt rỗi rãi nữa. Tôi chỉ dằn vặt mình, nghĩ ngợi thêm, và tôi lo lắng cho những bài học sắp tới. Cô trò chúng tôi đã phải chịu đựng nhau không ít, tôi nghĩ như vậy.

Rồi đến chuyện chủ nhiệm. Tụi nhỏ làm tôi thăng giáng liên tục. Có lúc hãnh diện, vui sướng như đang ở trên mây, có lúc lại buồn bã, bất lực, tức giận như bị giáng xuống địa ngục. Vậy mà tụi nhỏ hồn nhiên kia chỉ biết cười và quên béng đi bao nhiêu chuyện. Một nỗi buồn với chúng cũng trôi đi mau chóng tựa một lời nói đùa mà thôi. Chỉ còn nỗi ưu tư cứ ở lại mãi trong lòng tôi. Tôi nhớ những khuôn mặt khiến tôi đã vui, buồn, hờn giận, áy náy. Và tôi biết mình chẳng thể mãi mãi nghĩ ngợi vậy. Phải làm cho chúng một điều gì, hoặc nhiều điều...

Tiếp theo là chuyện đội tuyển. Tôi cũng chẳng rõ vì cớ gì tôi lại được giao vào tay hẳn một cái đội tuyển, trong khi tôi cảm thấy mình vẫn còn cực kỳ non nớt. Tôi nhớ lại hồi mình học đội tuyển lớp 9, nhớ cô Vân, nhớ rất nhiều những chuyện đã xảy ra hồi đó, và tôi thấy tất cả như chỉ mới đây thôi. Tôi chẳng lớn thêm được chút nào so với cô bé học sinh lớp 9 nhiều say mê, lắm nỗi buồn hồi đó. Vậy mà tôi lại phải dạy cho tụi học trò lớp 9 của tôi đi thi học sinh giỏi. Các vị lãnh đạo Phòng, Sở, Quận gì gì đó thân mến, các vị biết gì không? Chúng tôi í, cả cô lẫn trò, chẳng ai muốn thi thố gì vào cái buổi cô trò mới gặp nhau này. Chúng tôi đang học cùng nhau rất vô tư, và tôi đã hào hứng tặng học sinh tôi những con điểm cao ngất vì sự Tự Do, Cá Tính của chính chúng, mà chẳng cần phải nghĩ đến Các Vị, mong muốn của các vị, tiêu chí của các vị. Vì ở trên cao như các vị, chẳng ai hiểu được sự tự do, hồn nhiên là để đề cao và trân quý, chứ không phải là để bào mòn đi, rồi thế vào đó bao nhiêu giáo lý mỹ miều và giả tạo. Chẳng giấu gì các vị, tôi thương học sinh tôi. Vậy thôi. Nhưng tôi là một cô giáo ngốc, tôi chẳng biết làm sao cả. Tôi chỉ biết nhìn học sinh mình gồng lên, tập tành viết lần đầu những dòng tán tụng, những câu chữ không phải của mình, và nhận ra rằng từ nay các em đã mãi mãi chẳng còn là các em nữa.

-----------------------------------------

Trong những ngày này, tôi rất dễ rơi vào một cơn chán chường rực rỡ, một nỗi bực dọc dai dẳng, hay một niềm đau đớn khó khăn nào đó. Tôi rất dễ trở nên cực đoan, phóng to tình trạng bi kịch của mình lên. Tôi lo lắng, buồn bã, sợ hãi, căm ghét. Đủ kiểu. Tự dưng hôm nay, mọi nỗi lo âu và buồn chán tụ lại, bốc lên thành một cơn gớm ghiếc. Chúng khiến tôi đau họng, mỏi người, đầu óc lơ mơ. Chúng làm tôi, trong giờ ra chơi, phải run rẩy sợ hãi tiếng chân của học sinh bước đến phòng mình. Sáng nay, tôi đã phải bỏ cả tiết dạy, chạy ra ngoài chỉ để tìm ai đó nói chuyện.

Không có ai để nói chuyện, tôi bèn gõ cửa chị Thuận. Chị ôm tôi và tôi bật khóc như một đứa trẻ. Nước mắt chảy thành hai dòng đầy. Chị Thuận nói tôi cần nghỉ ngơi, chỉ nằm xuống thôi và không nghĩ gì thêm cả. Mình đang không sống, mình không biết cuộc đời ngoài kia là gì, chị bảo. Và tôi thấy nỗi buồn của tôi được ve vuốt dịu dàng biết bao nhiêu. Mà những sự ve vuốt như vậy bây giờ thật hiếm.

Buổi trưa, tôi mang cơm đến ăn cùng học sinh chủ nhiệm. Tụi nhỏ vui lắm, vây quanh tôi kể đủ chuyện của một ngày. Nào chuyện bạn Đăng cho giấy ăn vào hộp cơm của con, nào chuyện bạn Thanh Bảo đánh rắm tận hai lần trong một buổi sáng làm cả lớp kinh hoàng. Học sinh tôi hỏi sao hôm nay cô lại đến ăn cùng lớp, hay là từ nay hôm nào cô cũng ăn với tụi con nghe. Tôi chỉ kịp nói là tại hôm nay cô không có vui, thì nước mắt đã ứa ra trong hai mắt. Sợ tụi nhỏ thấy, tôi cúi xuống ăn thật nhanh.

Cuối buổi chiều, học sinh Khang và học sinh My tới tìm tôi. Chẳng phải để hỏi bài, chỉ để nói chuyện, đi cùng nhau trong khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi của một ngày. Dĩ nhiên bên cạnh tôi còn có cả Hiếu, cô học trò lớp chủ nhiệm lúc nào cũng quanh quẩn bên mình. Tôi tự nhủ, thôi thì mình gác hết mọi chuyện, tự làm nhẹ đầu đi, rồi nói gì đó vui vui cùng học sinh cho thư giãn. Và chúng tôi đã thật sự thư giãn. Nhìn vào mắt bọn trẻ đi, hãy thử một lần, rồi bạn sẽ thấy cuộc sống trong trẻo lại. Chúng cũng có nhiều chuyện phải lo nhưng chúng lại Không lo! Học sinh Khang của tôi nói: "Con chẳng bao giờ làm bài tập. Con thích chơi Game. Nhưng chơi hoài cũng chán nên con học Văn. Con thích học Văn". Vậy đó. Mà chẳng phải nên như vậy lắm sao? Mình được quyền chọn lo hay không lo mà? Mình làm gì cũng phải vì thích, chứ đừng làm vì bị ép buộc. Vậy mới vui được. Nhiêu đó lý lẽ thôi mà tôi thấy biết ơn và thương quý tụi nhỏ làm sao!

Tôi còn đứng đây, tới đây, làm những việc này, tất cả cũng chỉ vì tụi nhỏ. Lâu rồi tôi không còn nghĩ được gì về cái danh từ lớn lao: tình yêu nghề nghiệp. Tôi chỉ cân nhắc được những việc nhỏ thôi, như: tụi nhỏ hôm nay cảm thấy thế nào, hôm nay tôi đã/chưa làm được gì cho chúng, hôm nay chúng mang đến tôi những niềm vui ra sao... Chỉ ngần đấy mà đã chiếm của tôi một khoảng thời gian lớn rồi, và ngày làm việc cứ thế kéo dài ra cùng suy nghĩ. Chẳng ai biết, chẳng ai tính công cho, cũng chẳng ai ngốc nghếch đi kể công ra. Chỉ là một cái gì đó đặc biệt lắm, sâu đậm lắm, đã đang lớn lên trong tôi rồi.

Thế nên, tôi không bao giờ cho phép mình tuềnh toàng, đau khổ. Thà là tôi bỏ trường, bỏ lớp đi, chứ tôi nhất định không bám níu công việc một cách miễn cưỡng và nhếch nhác. Tôi muốn truyền năng lượng cho học sinh, truyền đi sự vui tươi, chân thật, hào hứng, và thái độ khiêm cung để sống trong đời. Truyền đi cả nỗi day dứt, buồn phiền này nữa.

Sẽ có những ngày mình thấy uể oải biết bao, mình sẽ phải ngấm sâu nỗi uể oải đấy cho tới lúc nó thật sự tan đi, chứ chẳng thể tự động viên mình bằng mấy thứ triết lý nhão nhoét kiểu súp hồn cho tâm gà. Chiều nay tôi với tụi nhỏ đã san sẻ nỗi buồn chán cho nhau. Tôi bảo: cô mệt và buồn quá. Chúng nói: con cũng vậy cô, sáng dậy đã vậy rồi. Tụi tôi nói rằng: quanh đây hình như ai cũng đang như vậy. Và chúng tôi cười, bảo: Chắc do bão từ, chứ chẳng phải do chúng ta.

Tôi cũng không chắc nữa, nhưng tôi chỉ mong sao hôm nay, đúng là đã có một cơn bão từ xảy ra thôi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây