Nửa đêm ở Đà Lạt

1. Đêm nay trời không lạnh như hai hôm trước, có thể phong phanh một chút mà vẫn thấy ổn, chỉ man mát chứ không bị rét.

Chú chó tên là Bông Nhỏ đã thập thò ở cửa phòng mình suốt mấy hôm nay. Chú ta ngoan đến độ chỉ nằm ở đó, nhìn vào với đôi mắt sâu thẳm như muốn nói gì, nhưng không dám bén mảng vào bên trong dù mình gọi vào. Vài ngày trôi qua, nhắm chừng mình cũng cởi mở và cho phép, chú ta lò dò ở cửa, bước vào một chút. Mình ôm nó vào lòng, nó sung sướng nằm im, mõm gác lên vai mình. Khác với con mèo ở nhà cứ cựa quậy muốn vùng chạy mỗi lúc bị ôm, Bông Nhỏ lim dim hưởng thụ, thở nhẹ nhàng thư giãn. Mình trải chiếc khăn quàng cổ thứ nhất của mình lên sàn, nó tới nằm. Và hai tiếng sau nó vẫn nằm đó, cách xa mình, khá xa, nhưng đủ để nó biết mình đang ở đó. Mình ngồi trên đệm xem phim Midnight in Paris, hết bộ phim nó vẫn nằm đó, ngủ say sưa. Khuya hơn, thấy nó trở mình và rên nhẹ, mình sợ nó lạnh nên lấy chiếc khăn thứ hai trùm lên người cho Bông Nhỏ.

Ngoài trời ếch nhái và những loại côn trùng nào đó thi nhau kêu râm ran cả một vùng thung lũng. Ồn tới điếc cả tai. Bọn chó mỗi đứa nằm một góc, đứa to khoẻ nằm giữa sân hứng sương, đứa góc cầu thang gỗ, đứa trong phòng mình,... Những con chó vùng quê hiền, tình cảm, tự do. Nếu mình ở một nơi rộng và bình dị thế này, mình cũng muốn nuôi chó. À, ở đây còn một con chó nữa, là em Phúc, vì không biết sao mọi người hay gọi nó là Phúc chó. Từ ngày đi vào rừng cách đây 2 năm, nó không chịu đi ra khỏi rừng nữa. Nó nuôi râu và tóc, ăn mặc lem luốc vì hay làm việc với xi-măng, vôi vữa, chăm cho cái homestay, không bao giờ quên cho 5 con chó ăn và rất hay chơi với chúng, ôm ấp chúng.

Hình mình chụp Phúc và Bông Lớn

Nửa đêm, lâu lâu mình đi lại chỗ Bông Nhỏ ngủ, vuốt cho nó. Trong giấc ngủ mà nó vẫn vui tới độ đuôi vẫy tạo thành tiếng đập lộp cộp trên sàn. Nó có vẻ an tâm, ngủ rất yên, nhiều tiếng không dậy. Con mèo Hee thì khác, thường thì chỉ cần khẽ gọi hoặc vuốt ve làm kinh động giấc ngủ của nó, nó sẽ mở mắt thao láo, dậy đi ăn một vòng rồi mới về lại ngủ tiếp.

Khi chắc chắn rằng con chó đã ngủ yên, mình về xem nốt bộ phim rồi lấy máy ra gõ những dòng này. Mình muốn nói một chút về phim Midnight in Paris.

2. Đây là lần thứ hai mình xem phim này, lần đầu cách đây cũng phải 7 năm (khoảng 2013). Hồi đó mình cũng đã tìm hiểu khá nhiều về văn học ngoài chương trình được dạy và tự tìm sách đọc nên những Hemingway, Scott Fitzgerald, Zelda trong phim không phải là cái gì đó quá mới. Thậm chí khá quen thuộc, gần gũi, gợi cảm hứng. Mình đã đọc Hội hè miên man vào hè năm thứ nhất Đại học và cảm nhận được không khí Paris mà tác giả ca ngợi trong cuốn sách. Dĩ nhiên những sự tìm hiểu hồi đó thường chỉ lưng chừng, chỉ là thoáng qua và tương đối hời hợt, không đầy đủ, ngọn ngành. Mình cho rằng cái kiểu  "học" này cũng khá là tai hại, thà rằng không biết có khi còn hơn. Nếu không, ta phải có một môi trường tạo điều kiện cho mình đi sâu hơn cũng như có một background tốt hơn để chuẩn bị cho những trải nghiệm văn chương kiểu này.

Năm 2013, xem Midnight in Paris dĩ nhiên chỉ thấy cái lớp bề ngoài thật lấp lánh, truyền cảm hứng và rất dễ thấy. Đó là cảm giác muốn trốn khỏi thực tại, sống trong những giấc mơ về đêm đẹp gấp ngàn lần thực tại. Mình đã bị hấp dẫn bởi không khí êm đềm trong phim, nét đẹp của Paris và châu Âu, những cuộc hội thoại sâu sắc, không khí văn chương bao trùm, sự quyến rũ của các tài năng văn học và nghệ thuật. Ý nghĩa của bộ phim hồi đó với mình chỉ là cái đẹp lóng lánh giúp mình tin tưởng hơn vào con đường đang đi, tiếp tục mơ ước và tin vào những giá trị mình coi trọng. Paris là một thành phố cụ thể nhưng cũng có thể là một nơi bất kỳ nào đó miễn ở đó ta thấy mình có giá trị, vui vẻ và được là chính mình.

Năm nay xem lại bộ phim, cảm thấy nếu nó chỉ như những gì mình đã cảm nhận hồi đó thì bộ phim thật tầm thường. May sao ở lần xem lại này, Midnight in Paris vẫn còn giữ được sức hút với mình đủ để mình không bỏ cuộc giữa chừng.

Trước hết nói về điều dễ thấy, đó là sự đối lập giữa hai thế giới trong phim. Thế giới hiện tại với tông màu trắng sang trọng, sáng sủa, rõ ràng. Mọi người đi lại cười nói rất nhanh, tươi cười xã giao kiểu Mỹ ồn ào, mang tư duy coi trọng vật chất, bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm tiêu thụ một cách rõ ràng, ghé ngang nghệ thuật một cách hết sức trưởng giả qua lời ông giáo sư chém gió, thưởng thức nghệ thuật một cách náo nhiệt hơn cần thiết. Ở thế giới quá khứ, tông màu chủ đạo là vàng, nâu. Mọi người đi lại nói năng chậm, cách trò chuyện cũng bớt thực dụng mà sâu sắc hơn. Con người dành thời gian cho tinh thần nhiều hơn, biết thong thả dạo bộ, biết yêu vẻ đẹp của màn đêm, của ánh đèn và mái nhà trong thành phố. Sự đối lập giữa hai thế giới này khiến người xem nghĩ lại về nhịp sống hiện nay và các giá trị quan trọng trong đời sống. 

Midnight in Paris - MTVuutiset.fi
Midnight in Paris: Recensione, trama e cast del film

Nhưng ta phải lật giở vấn đề thêm một lần nữa để tiếp tục nghĩ lại về sự hoài cổ. Ta hay có cảm giác những gì thuộc về quá khứ là đẹp hơn hiện tại. Ta tiếc nuối, ta muốn níu kéo. Càng thế ta càng coi nhẹ và sống hời hợt ở hiện tại. Gil mê đắm Paris những năm 20 - quá khứ của anh ta và hẳn đã cảm thấy shock khi nàng thơ Adriana lại hờ hững với chính quãng thời gian đó - hiện tại của nàng để đi theo vang bóng của thời Belle Époque. Gil nhìn thấy chính sự hời hợt của mình ở Adriana. 

Quá khứ thường đẹp vì nó được nhìn qua sương mù của trí nhớ, và vì con người thường chẳng mấy khi hoàn toàn hài lòng với thực tại. Một phép màu để được quay về quá khứ hẳn là giấc mơ tuyệt vời nhất mà ta có thể mơ, để rồi ta nhận ra quay ngược thời gian cũng phiền hà thay, cũng lắm hệ luỵ ghê gớm. Rồi từ từ ta thấy quá khứ hoá ra cũng chẳng giống như mình hằng nhớ, cảm nhận của con người là tương đối. Tương tự việc muốn trốn khỏi thời gian là trốn khỏi không gian. Ta hay gửi gắm rất nhiều tâm nguyện của mình vào một thành phố, như có người là Sài Gòn, có người là Đà Lạt, hay một xứ sở xa xôi khác. Ta nghĩ rằng ở đó ta mới tìm được cảm hứng, ideas. Dường như những thất bại và bất mãn này có một phần nguyên nhân do chốn ở. Thay đổi môi trường sống trong rất nhiều trường hợp là giải pháp đúng, nhưng tất nhiên nó cũng kéo theo nhiều vấn đề.

Tóm lại, quá tin vào quá khứ, quá trông chờ ở một thành phố, đó là một điều ngây thơ. Ở thời điểm này mình cảm thấy bộ phim đem tới thông điệp về việc phải trân trọng thứ mình đang có và không tìm kiếm xa xôi.

Tuy nhiên nếu bộ phim kết thúc kiểu Gil hối hận, quay về với vị hôn thê và cuộc sống ở Mỹ, chừa cái tật viển vông thì chẳng phải cũng hơi áp đặt sao? Woody Allen không làm thế. Trên thực tế thì cũng có những người tìm thấy hạnh phúc bằng cách trốn vào thế giới riêng của họ hoặc chuyển chỗ ở tới một nơi họ có thiện cảm. Lựa chọn vẫn là của mỗi người. Gil là nhà văn nên anh ta cũng chẳng dễ mà trở nên thực tế ngay tắp lự, vẫn nấn ná ở lại Paris, lì lợm thử thêm lần nữa, tiếp tục tìm kiếm điều gì đó anh ta chưa tìm ra. Cái cuộc tìm kiếm đó nó mới thú vị, chứ chẳng phải là khoảnh khắc tìm ra vốn dĩ khó mà tồn tại trọn vẹn.

3. Buồn cười nhất là chiều nay xem được đoạn video từ chương trình Bạn muốn hẹn hò kể về anh chàng đến từ thế giới khác, muốn đưa cô gái đi khỏi thế giới này bằng trí tưởng tượng mà cười rung cả sàn. Tối đến xem phim thấy ông Gil Pender ăn nói hâm dở y chang, so với người bình thường thì đúng là cực kỳ đáng sợ. Xem phim thì vui, thì hay, nhưng bê nguyên xi cách sống và ăn nói đó ra ngoài thì có vấn đề ngay. Mà đây là điều mình thấy vô cùng dễ mắc, những ai đọc nhiều thì càng phải cẩn thận. Tác phẩm nghệ thuật xây dựng các nhân vật và sự việc như thế nọ thế kia còn là vì dụng ý biểu đạt của họ, không thể copy nguyên xi theo kiểu mình tự nghĩ. Sống trên đời luôn cần thật nhiều tỉnh táo và cả biết lắng nghe nữa. Thế giới này không chuyển động theo ý muốn riêng của mỗi người mà.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây