Trong khi đọc


Một năm qua mình vật vã phá bỏ từng chút một những giới hạn/định kiến trong giảng dạy. Một trong số đó là cái chuyện giảng dạy đồng loạt, đồng phục hóa này.

Khi mình cho coordinator của mình xem video giờ dạy tiếng Việt Tiểu học điển hình bên ngoài, bạn ấy đã rất sửng sốt. Tại sao học sinh có thể ngồi yên lâu như thế, phát biểu răm rắp như thế, gương mặt cô trò cứng đờ như thế, và bốn mươi phút chỉ text-based và text-based mà thôi.

Không dễ dàng khi tư duy giảng dạy này đã thâm căn cố đế từ khi ta còn là học sinh, được "tạo điều kiện" bằng cách bố trí phòng học và giáo trình. Người ta muốn đồng phục hóa mọi thứ để dễ xử lý trên một số lượng lớn và để dễ "truyền đạt thông tin". 

Nhiều nơi, nhiều năm nay hô hào thay đổi. Nhưng nếu vẫn là những cuốn sách/cơ cấu/quản lý mà mình biết đó, áp dụng thêm các "phương pháp mới", thì ta chỉ TƯỞNG là mình đang đổi mới mà thôi. Sao người ta chỉ đòi "giáo viên thay đổi", bây giờ nếu mình nói rằng mình nghĩ giáo viên là yếu tố cuối cùng cần phải thay đổi thì có bị ném đá không? 😂

Giáo dục VN cái gì cũng biết, không thuật ngữ sáng tạo cao siêu nào là không tường, kho phương pháp dạy học thì toàn những cái tên mỹ miều mà nói ra nhiều bạn nước ngoài không biết đó là cái gì. Nhưng ta có thực sự hiểu thế nào là/làm được chuyện lấy học sinh làm trung tâm, phân hóa, phát triển năng lực, thì còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố ở "hệ thống". Như trên đã nói, mình tự nghĩ rằng có rất ít lỗi thuộc về bản thân người giáo viên, mà là do hệ thống vẫn còn nhiều chỗ mắc kẹt, đẩy giáo viên vào thế khó và rất khó. Họ không thể đi đến nơi đến chốn vì những ràng buộc nhất định mà ai cũng hiểu.

Đôi khi, việc đổi mới của cô/của Bộ và sự học hỏi thật sự của học trò là hai việc không liên quan tới nhau trong giáo dục Việt Nam.

Mình nghĩ rằng những trải nghiệm học hành thời thơ ấu của trẻ nên là dòng chảy của niềm vui và sự học hỏi thật sự. Có thể sẽ chẳng thể "báo cáo" được sự học ấy qua giấy tờ, hồ sơ, sản phẩm, hay những trang vở ngay ngắn đều đặn năm nay qua tháng nọ. Dòng chảy trải nghiệm lý thú và ý nghĩa đó dường như chỉ có thể sinh ra từ sự tự do, thả lỏng khỏi các o ép vô lý, sự kiên nhẫn của cộng đồng giáo dục, sự hiểu nhau giữa cô và trò và đặc biệt là sự hiểu biết học thuật bài bản của giáo viên.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây