thứ bảy

1. Thứ Bảy là hai tiếng toả ra niềm vui. Sự mệt mỏi thấm dần từ thứ Hai tới thứ Sáu, và tất cả được trút bỏ tại nơi làm việc sau 3h chiều, khi ta bước qua cánh cổng trường.

Ta trút bỏ những trách nhiệm, lo lắng, căng thẳng khi tham gia vào những mối quan hệ có tính lợi ích, để trở về là chính ta, được thoải mái một chút.

Đêm thứ Sáu sẽ dài như vô tận. Sẽ tha hồ làm thứ mình thích. Thức khuya một tẹo. Đọc những chủ đề linh tinh chẳng ích lợi gì cho công việc nhưng... chẳng sao cả. 

Sáng thứ Bảy sẽ trễ nải vô cùng. Ta lỡ vài cuộc hẹn chỉ để được ngủ nướng tới trưa. Ta nằm dài thấy ánh nắng ban ngày trong phòng đẹp quá, lạ quá. Ta lười biếng dậy khi bụng đã réo sôi, gọi đồ ăn về rồi chăm cho chú mèo. 

Con mèo đang bị nấm ở cổ, vì ngứa quá nên nó lấy chân gãi tới tróc da. Thương nó quá mà chẳng biết làm sao, bèn mua nano bạc về xịt sát trùng rồi dùng chiếc vớ cũ làm đồ bịt cổ cho vết thương đỡ bị cào, chà xát.

Thứ Bảy ta chạy loanh quanh trong nhà, dọn mỗi góc một tí. Rồi chạy ù ra cửa hàng mua thêm đôi dép đi trong nhà, mua bình nước mới vì bình cũ đã thất lạc đâu đó trên trường. Ghé qua hàng tạp hoá mua một củ gừng to với ba quả chanh to. Rồi tới tiệm giặt là và cuối cùng là hiệu thuốc.

2. Thứ Bảy rủ người bạn già đi "chếch" quán mới gần nhà. Quán xinh, rộng và đẹp cứ như là ở Đà Lạt. Nhìn một lượt, chắc trong quán này chẳng có mấy ai "già" hơn mình. Ai cũng trẻ, đẹp, ăn mặc đúng mốt, và say sưa chụp ảnh hàng tiếng đồng hồ.

Mình đã từng rất nhiều lần tiếc nuối thời gian bản thân đổ vào mấy chuyện se sua. Ấy vậy mà vẫn có những người sửa soạn hàng ngày trời cho mấy tấm hình và dòng caption trên mạng. Quá trình bắt đầu từ lựa chọn quần áo, trang điểm, hẹn hò, rồi tạo dáng mấy chục phút ở không sót một góc nào trong quán, rồi ngồi chỉnh và đăng hình, rồi tương tác. Cuộc hẹn của các bạn là ngồi với nhau, cùng nhìn màn hình của nhau và của mỗi người, lâu lâu ngẩng lên nhìn "mặt" người, nói gì đó, rồi lại cúi xuống.

Luôn luôn, chuyện đó làm mình thấy tiếc nuối giùm cho thời gian của họ, mặc dù họ ... không mướn. Và luôn luôn, chuyện đó nằm ngoài khả năng thấu cảm của mình.

3. Đấy là nói chuyện đăng hình "sống ảo" cho bản thân thôi, chứ còn riêng chuyện ôm điện thoại suốt ngày thì mình kém gì đâu. Mấy hôm nay, cứ tự cho phép mình làm một cuộc đào sâu "nghiên cứu" chuyện anti đang diễn ra khắp nơi trên cõi mạng, cầm điện thoại đọc hết chỗ này tới chỗ khác.

Ta thật sự học được rất nhiều từ những người ghét mình, họ giúp ta tổng hợp cái sai, mà điều này fan thường ít có khả năng làm tốt vì bận cuồng nhiệt tới mù loà. Đối diện với ý kiến trái chiều thật sự là chuyện chẳng đơn giản, chẳng cứ tuyên chiến, cứ block, bịt tai lại hết là xong. Lại càng dở nếu nhanh chóng quy cho họ là kẻ xấu. Chẳng ai thành người xấu chỉ vì họ không thích bạn. Mức độ khó chịu và tổn thương của một người cũng không liên quan tới nhân cách của đối phương. Và nhiều khi bạn phải hiểu rằng có những vị trí rất dễ để trở nên cao thượng và tốt đẹp, không nhất thiết phải sân si, nhưng cơ hội để thành người tốt cũng chẳng phải luôn chia đều cho tất cả.

Đã luôn luôn thấy có gì đó "sai sai" trong cách người ta đi lên để nổi tiếng, bất chấp để tiến thân, nhưng dường như bao diễn ngôn quanh đây đều ủng hộ cho "nỗ lực", "can đảm" ấy của họ. Lại càng thấy sai hơn khi họ chẳng cho ai ý kiến về sự nổi tiếng sai sai của mình. Rồi lại giở cái trò dán nhãn nhân cách cho những người không thích mình... Từ cô ca sĩ một mực đòi đi hát, tới người chuyển giới muốn thành hoa hậu để những người từng đối xử tệ với mình phải tức tối, hay những người trẻ chưa làm thợ đã thích làm thầy, chưa phục vụ và học hỏi, đã thích nhảy lên đầu người khác để làm "chuyên gia", chẳng phải tất cả đều có gì đó giống nhau...

Thừa nhận mình còn thiếu sót, dường như là điều quá khó ở những cái tôi lớn lên trong một xã hội hep hòi, ti tiện, cạnh tranh nhau khốc liệt từ tấm bé. Nhưng thái độ tấn công và phòng vệ ấy là dư thừa, vô duyên ở một xã hội không cạnh tranh, hay nói màu mè thì không thể cứ đem cách tồn tại ở đại dương đỏ ra mà chơi trong đại dương xanh.

4. Cuối ngày, lướt qua profile của mấy đồng nghiệp ở trường, phát hiện ra bao nhiêu là chuyện vui. Ví dụ như có người hiện giờ đang làm một giáo viên cùng khối tiểu học với mình, vậy nhưng thực tế thì người ta đã bắt đầu đi làm khi mình còn học lớp ba lớp bốn, chạy lông nhông chẳng biết gì về đời. Nhìn danh sách nơi làm việc của họ, bỗng hình dung thấy một con đường dài thật dài họ đã đi, và mình có thể đi. 

Hàng ngày, cách xưng hô và trò chuyện của người nước ngoài làm biến mất cảm giác cách biệt về tuổi tác, nên có lúc ta tưởng như vấn đề đó không tồn tại. Nhưng thật ra, kinh nghiệm tạo nên rất nhiều sự khác biệt và có thể học hỏi vô số điều từ những người đi trước mình. Ngẫm lại profile hoành tráng của các bạn trẻ ở Việt Nam, nhiều khi thấy siêu thực, thấy choáng ngợp, thấy tuổi trẻ tài cao và bao nhiêu thần đồng trí tuệ trên đời dường như đều tề tựu và đơm hoa kết trái ở đất nước này... :(

5. Cuối ngày, lại buộc phải đọc vài mẩu tin giả về giáo dục (luôn) hiện trên newsfeed của mình. Dù có báo cáo siêng năng (và thi thoảng thành công) những tin tức giả mạo đầy vụ lợi ấy, thì lại có bao nhiêu bài viết khác mọc lên như nấm sau mưa. Toàn những cơ hội ngàn năm có một nơi chân lý được ban phát hào phóng, giáo viên được trao vào tay những cơ hội thay đổi chính mình, thay đổi nền giáo dục và đổi đời cho thế hệ tương lai. Những cơ hội ấy, đôi khi rẻ như cho, hoặc chẳng mất một đồng. 

Bỏ một tiếng tìm cho ra ngọn nguồn một "khoá học", mình nhận ra rất nhiều tiểu xảo quanh co, xoá dấu thông tin chính thống để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Chỉ cần "khéo" một tí. Ở Việt Nam hiện tại, sự hạn chế về ngoại ngữ và khả năng tự tìm kiếm và phản biện thông tin của giáo viên cũng như một niềm tin vô điều kiện về "người tốt" vẫn còn tạo điều kiện cho rất nhiều chuyên gia (nay Do Thái, mai Phần Lan) làm tiền. Rất nhiều tiền. Chỉ cần họ "khéo" một tí thôi là giáo viên còn lâu mới tìm ra tận gốc của tin giả.

Tất cả những thông tin dù là trái chiều, tiêu cực, dù gây phẫn uất hay xót xa thì cũng đều giúp mình tin vào con đường của bản thân hoặc biết rõ hơn mình nên đi con đường nào sắp tới. Con đường ấy có khi mờ mịt, xám xịt, hứa hẹn bất trắc và cả nghèo khó nữa. Nhưng dự liệu được thế thì cũng vẫn còn tốt.

6. Thứ Bảy đã đi qua hơi nặng nề. Nhưng có một điều gì đó đang sáng rõ dần lên. Đêm đến, một lá "thư" bay tới từ xa xôi, báo rằng những giấy tờ đã được giải quyết, và chính thức mở ra một chặng mới trong cuộc đời. Ta nhìn thấy những ngày lặng lẽ hơn, thực chất hơn, nhiều niềm vui từ sách vở và nghiên cứu, những ngày mà năm sáu năm qua ta chỉ ước được có lại.

7. Một số "fan hâm mộ" nhân ngày cuối tuần để thả vào inbox cả những tung hô lẫn hỏi han cậy nhờ giúp đỡ. Một số "KOLs" ban phát cho ta vài mối quan hệ quý giá hay những lời khuyên vàng ngọc. Một đồng nghiệp cũ thông báo về một tin hot, họ muốn tám chuyện cá nhân, muốn đưa ra phán xét đạo đức về một đồng nghiệp khác.

Họ chỉ tưởng rằng mình cần. Họ tưởng mình cần có "fan" để sống. Họ tưởng mình không muốn mất mối quan hệ với KOLs để sau này còn có đường kiếm tiền. Họ tưởng mình thích nghe chuyện không hay về đồng nghiệp cũ và nơi làm việc mình không ưa. Đấy là họ tưởng thế.

Nhưng mình đã chưa bao giờ nuối tiếc khi đặt những thứ đó ngoài mối quan tâm của bản thân. Mình chẳng sợ ai phật ý khi không rep tin nhắn hoặc không like họ thường xuyên.

Mình chỉ nhớ rằng đêm qua mình mơ thấy mẹ bảo mình đi xào một dĩa cà muối đã ngấm mặn ở những ngày cuối đợt muối. Mình hí hửng đi xào, rớt nước dãi nghĩ tới lúc được cắn miếng cà giòn mặn. Nhưng mình thức dậy khi còn chưa kịp ăn, nên lại lập cập kiếm quán Bắc để đặt món Bắc về ăn. Trong đầu mình chỉ có những món quê mặn mòi, trong đầu mình chỉ có những con đèo nhỏ trên con đường từ Vinh về nhà và ngược lại mà mình đã đi bao lần thời thơ ấu. Trong đầu mình có bài nhạc Bonjour Vietnam mà mình đoán chắc rằng mình sẽ nhớ nhà lắm khi nghe, và một dự định trở về. Mình thấy yêu cái nơi mình đã sống gần ba mươi năm, chưa một lần bước chân ra khỏi địa phận của nó.

Có chăng, những thứ mình quan tâm lúc này, là vậy đó...



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây