Một ngày đi dạy

 Một ngày đi dạy bình thường sẽ như thế nào?

Sẽ đầy ắp sự kiện. Sẽ lẫn lộn buồn vui. Sẽ thấy từng bước tiến nhỏ xíu của cả trò lẫn cô, từng người nhích dần trên hành trình học tập của mình.

Sẽ hối hả vào đầu ngày, tất bật chuẩn bị mà không khi nào thấy đủ. Sẽ loay hoay để cân bằng giữa sự đơn giản, đi vào trọng tâm với sự đầu tư, chỉn chu, kỹ lưỡng.

Sẽ lưu luyến vào cuối ngày, cứ muốn ngồi đó mãi với căn phòng mà mình đã tỉ mẩn từng góc nhỏ. Muốn tự tay sắp xếp lại bàn ghế, nhặt rác, và đem đồ dùng học tập vương vãi để vào đúng nơi. Thích nhìn ngắm lại đồ đạc, gọt mấy cây bút chì, phân loại lại những gì đang lẫn lộn. Thích tìm cách bài trí hợp lý hơn sau khi xem xét các bất tiện khi sử dụng. Thích xem lại từng rổ tài liệu, lớp một, lớp hai, lớp ba, lớp bốn, lớp năm, lớp bảy, lớp tám,... Học tới bài nào rồi, đang đi tới đâu, tiếp theo sẽ nên là cái gì...

Sẽ chẳng muốn về...

Ngoài cửa sổ nắng sẽ tắt, đêm sẽ buông, đèn thành phố lung linh bên kia cầu Sài Gòn, ánh sáng dường như len lỏi vào cả những con đường loang loáng nước mưa ban ngày nơi Thảo Điền nhỏ xinh, lặng lẽ phía bên này cầu Sài Gòn.

Trẻ con đi về, trả lại sự yên tĩnh hiếm có cho căn phòng. Căn phòng đang thở tiếng của máy lạnh, máy lọc không khí, những tờ giấy trên tường phất phơ. Trong đầu người giáo viên thì mải điểm lại từng chi tiết nhỏ vì sợ quên. Ta sợ trí nhớ sẽ phụ rẫy mình.

1. Buổi sáng là thời gian của lớp bốn. Vì bận đi ngân hàng nên mình tới lớp chỉ trước khoảng 5 phút, khi những học sinh đầu tiên đã ngấp nghé ở cửa lớp. Lớp bốn đang ngày một lộn xộn. Nói ngang, cãi nhau, phân biệt nam nữ, dễ bức xúc nóng giận. Trẻ con thay đổi thật quá nhanh, mỗi giai đoạn một khác. Chắc chắn là không có một phương pháp chung để xử lý mọi giai đoạn của trẻ, thậm chí cùng một độ tuổi mà đầu năm với cuối năm tính tình, phong cách trẻ đã đổi thay. Hôm trước chị P. hỏi ý kiến mình về chuyện tương tự ở lớp chị, mình nói:

Lớp học là của chị mà? Và sửa đổi trẻ là cả một hành trình. Chỉ nhìn qua, ai biết được chị đang trong giai đoạn nào của hành trình ấy? Và chắc gì chị đã muốn sửa đổi chúng? Đó là chuyện của chị, một mình chị. Đôi khi tất cả những gì chúng ta nên làm là thở thôi.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Kiểu gì cũng sẽ có cách giúp trẻ dịu xuống, nuôi dưỡng những cử chỉ nhẹ nhàng hơn và dành nhiều không gian hơn cho chuyện học hành. Nguồn năng lượng mà giáo viên toả ra cũng vô cùng quan trọng, nó quyết định việc chúng ta sẽ mời gọi năng lượng nào ở người học. Cho nên cùng một nhóm học sinh, ở những lớp khác nhau trông chúng có thể vô cùng khác nhau, như những người không liên quan đến nhau.

2. Hôm nay là ngày đầu tiên học ASA. ASA là viết tắt của after school activities. Sáng vào lớp đã có nhiều bạn khoe, con đã đăng ký lớp của cô. Nhưng lớp này con bắt buộc phải học mà, vì nó là chương trình mà Bộ giáo dục cần tụi con phải học. Nhưng con đã đăng ký vì thích mà, mẹ đăng ký cho con. Con cũng tự chọn mà. Cô ơi, bạn H. nói vì cô Hà hiền. Thực ra thì cũng có những khi cô ác. Cô không thể ác bằng con đâu.

...

3. Buổi trưa chị C nói, các bạn lớp hai thích đi học Vietnamese với cô Hà lắm, lúc nào bước ra đi học mặt cũng vui vẻ. Thế là trong lòng lại có hai cảm xúc. Một là chẳng bất ngờ vì mình đã bỏ những công sức tương xứng với mục tiêu mình đề ra, và nó cho ra kết quả đúng là cái mục tiêu đó. Hai là thấy trên vai nặng thêm, nặng thêm những áp lực mới và lo lắng hơn.

4. Lớp bảy làm thuyết trình tốt hơn mong đợi. QC. lớp tám thì tình cờ gặp cô trên sân trường và cười rất lạ. Các lớp cấp hai luôn có một sự giao cảm tốt hơn với giáo viên là mình, mình cảm nhận như vậy. Cái nguồn năng lượng của mình gần gũi hơn với chúng. Nhìn vào nhau mỗi ngày học có thể cảm thấy một sự tương thông mạnh mẽ hơn so với cấp một. Bởi vì chúng là ai? Những người chung tiếng nói, dòng máu, chung sự nửa vô tâm nửa suy tư, chung những trái tính trái nết, ương chướng khó chiều, chung cái sự thích những gì kích thích suy nghĩ. Chúng là những đứa đang bắt đầu nuôi một ước mơ. Đứa viết văn, đứa làm thủ công, sáng tạo nội dung trên mạng... Cũng như cô của chúng, mọi ước mơ dường như mới chỉ bắt đầu.

5. Một ngày kết thúc với việc gặp lại lớp bốn ở giờ ASA. Lớp bốn vẫn thế, ừ, từ sáng tới chiều thôi sao mà thay đổi được. Mình có cái kiểu như thế này, cứ để cho mọi thứ diễn ra, loạn hết cỡ lên, rồi ngồi đó, im chờ. Cứ ngồi và nghĩ rằng, có khi nào nó thấy mệt sau những ồn ào cà giật cà giật đó, quay lại thấy một người ngồi yên. Một người đang chờ nó. Hoặc chỉ đơn giản là nó tự dưng bỗng thấy quý cái sự im lặng mà nó tưởng là dư dả trong đời lắm. Hoặc đơn giản hơn, chúng mệt.

Những hôm để cho bọn trẻ tự do náo loạn đó, sẽ vừa xinh nếu kết thúc giờ học bằng một thông điệp nghiêm khắc nơi cửa lớp, báo cho chúng biết cô không hài lòng, và rất tiếc chúng ta sẽ không có trò chơi trong vòng 2 tuần tới, cũng như không có stamp nào cho hôm nay.

Tỏ ra lạnh lùng và hơi thờ ơ, nhưng vẫn phải cố gắng gọi lại thằng H., cái đứa đã hiểu nhầm thông điệp trong bài của cô và nói con ghét nước Pháp. H. hay gặp vấn đề về cảm xúc, hưng phấn nhanh, rơi nước mắt nhanh, giận dữ thịnh nộ cũng chỉ trong nửa phút. Thật quan trọng khi dành thời gian giải thích cho một học sinh như vậy, dù chẳng thay đổi được sự cực đoan, thì cũng để lại trong con một câu hỏi, một nhu cầu được tự xem lại chính mình, hoặc ít ra có một người quan tâm tới quan điểm của con chứ không phải là con nghĩ gì kệ con.

Và tất nhiên cũng phải níu lại cô nàng S. nhõng nhẽo, cứ đòi bằng được cây bút hình gấu trúc của J. Uhm, nói sao nhỉ, thật lòng, nếu cô là S., cô sẽ chọn cây bút hình bé gái màu hồng này đấy. Nó thật sự xuất sắc, và đối với cô - tại vì cô cũng là con gái mà, thì con gấu trúc kia không thể so sánh, không thể thu hút bằng. Cô nàng nhanh chóng quyết định lấy cây bút màu hồng, vui vẻ ra về.

Và đó là một ngày đi dạy của mình. ^^



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây