HỌC IELTS: Phần 1: Bắt đầu học IELTS như thế nào?

Mình viết post này cho một người bạn của mình, người đang chuẩn bị bước vào hành trình học IELTS. Mình sẽ phải làm một việc là tạm liệt kê ra các đặc điểm của người học để có những chia sẻ phù hợp.

Xuất phát điểm:
  • Tiếp xúc với tiếng Anh từ khá sớm (Tiểu học).
  • Sử dụng tiếng Anh tương đối thường xuyên trong công việc và ghi chép hàng ngày.
Ưu điểm (theo quan sát cá nhân):
  • Chắc chắn không mất gốc.
  • Có sẵn nhu cầu tự thân về việc sử dụng tiếng Anh, điều này là rất tốt.
  • Có lượng từ vựng tốt về ngành nghề, lĩnh vực mình thường đọc/viết.
Dự đoán những điểm cần bổ sung:
  • Vốn từ có thể chưa đủ rộng để bao quát hết các chủ đề của kỳ thi IELTS. Nhất là gần đây, đề thi IELTS rất cắc cớ, phần Speaking có thể hỏi bất cứ thứ gì, có những chủ đề khiến thí sinh "đứng hình".
  • Việc chuẩn bị cho kỳ thi cần có sự luyện tập tập trung, có mục đích, theo đúng dạng bài, khác với việc sử dụng tiếng Anh hàng ngày. Có nhiều trường hợp dùng tiếng Anh thường xuyên trong sinh hoạt, làm việc nhưng tới kỳ thi vẫn phải ôn luyện nghiêm túc, đúng hướng với cường độ cao.
  • Chưa có nhiều hiểu biết về kỳ thi: dạng bài, kỹ thuật làm bài, các chủ đề thông dụng, cùng một số hiểu biết bên lề như thị trường IELTS ở Việt Nam hiện nay,... Những hiểu biết này cũng rất quan trọng.
Và sau đây là phần đầu tiên trong chuỗi bài mình viết cho bạn: gợi ý các bước đầu tiên cần làm trước khi chính thức ôn luyện. Mình cho rằng không nên coi thường giai đoạn này. Việc chuẩn bị các kiến thức, hiểu biết, xác định tinh thần và thu thập tài liệu trước khi học là rất thiết yếu. Nếu bỏ qua, việc học sẽ dây dưa tốn thời gian, không đúng trọng tâm.

1. Tìm hiểu về kỳ thi IELTS

Hiểu rõ về đối tượng mình cần chinh phục sẽ giúp ta đi đúng cách và xác định được cách chinh phục của riêng mình.

Trước khi tìm hiểu ngọn ngành thì chúng ta có thể hình dung đơn giản: IELTS thi 4 kỹ năng Nói, Nghe, Đọc, Viết. Thời gian làm bài được phân bố như bên dưới (khá dài, hơi căng thẳng).



Có 2 cách để tìm hiểu kỹ hơn về kỳ thi:
  • Đọc Internet hoặc đọc sách để xem họ giải thích về kỳ thi IELTS. Tài liệu khuyên dùng: brochure của IDP hoặc BC, 2 trung tâm tổ chức thi tại Việt Nam.
  • Thử tham dự kỳ thi IELTS: có thể tham gia qua trang web IELTS Online Test hoặc đăng ký thi thử miễn phí tại IDP hoặc BC (họ thường xuyên có kỳ thi thử trên máy tính để PR). Ngoài ra, có thể đến các trung tâm dạy tiếng Anh (uy tín), nói rằng mình quan tâm tới khoá học và đăng ký thi đầu vào (mất phí hoặc không).
=> Cách 2 vừa giúp tìm hiểu về kỳ thi một cách thực tế nhất, vừa cho chúng ta kết quả về trình độ hiện tại của bản thân. => highly recommend.

Câu chuyện cá nhân:
Lần đầu tiên mình biết tới kỳ thi này là khi đăng ký học tại Yola (năm 2016) và thi đầu vào. Hồi đó họ cho mình thi đầu vào miễn phí. Mục đích là để xếp lớp cũng như dễ dàng so sánh với kết quả đầu ra sau này. Yola có chính sách cho học lại miễn phí nếu đầu ra không tăng so với đầu vào.
Trong quá trình học, Yola cũng hay có mock test, lúc rảnh mình cũng lên thi thử. Hồi đó, đi học hay đi thi thử cũng trong trạng thái nhởn nhơ vì rảnh, nhưng mình rất biết ơn những trải nghiệm này đã cho mình những kiến thức ban đầu về kỳ thi.

Gợi ý một số trung tâm có thể tới để thử thi đầu vào: Anh ngữ ZIM (highly recommend), Yola. Tránh xa: IELTS Fighter (chất lượng tệ nhưng quảng cáo khá nhiều để rủ rê học viên thi thử), IPP (tổ chức thi sơ sài không giống thi thật, chấm bài qua loa, phong cách nghiệp dư).

2. Xác định mức điểm tương đối của mình

Chúng ta có thể xác định mức điểm của bản thân bằng cách tham dự thi thử ở trung tâm hoặc tự làm bài trên web IELTS Online Test. 

Sau khi có kết quả, chúng ta xác định nguyên nhân vì sao có số điểm (chắc chắn là) chưa đạt target, cũng như liệt kê điểm yếu, điểm mạnh của bản thân một cách trung thực. 

Nếu điểm thấp thì đừng hoang mang, vì chúng ta có thời gian, có chiến lược và chắc chắn có người đồng hành cùng mình trong hành trình. Nếu điểm cao cũng đừng tự cao, hãy đặt những target cao hơn, hấp dẫn hơn để thử thách bản thân nhé!

3. Chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng nền tảng

Vì IELTS dành cho người nắm vững tiếng Anh (trừ ai target 4, 5) nên trước khi chính thức ôn thi, ta cần rà soát lại các mảng kiến thức, kỹ năng cơ bản (không phải kỹ năng làm bài thi) của mình, bao gồm:
  • Ngữ pháp: để làm tốt các bài thi IELTS, thí sinh phải có ngữ pháp rất chắc chắn, theo kiểu học hành cần cù chăm chỉ hồi phổ thông, không bị hổng kiến thức ngữ pháp. Vì IELTS trừ điểm sai ngữ pháp nặng trong bài Writing. (nếu rảnh có thể đọc bảng tiêu chí chấm điểm Wri và Spe để xem tiêu chí ngữ pháp nằm ở đâu - nhưng theo mình chưa cần đọc). Lưu ý: ngữ pháp tiếng Anh là nội dung kiến thức tương đối nặng, có nhiều tiểu tiết kiểu quy tắc, bất quy tắc, cá nhân mình thấy khá mệt mỏi khi học, rất không nên chủ quan! Gợi ý sách học/ôn lại ngữ pháp: Giải thích Ngữ pháp tiếng Anh (Mai Lan Hương, Hà Thanh Uyên). Bản cứng mình có (có thể mượn). Bản mềm rất nhiều trên mạng.
Câu chuyện cá nhân: mình may mắn ở chỗ đi học thêm tiếng Anh khá nhiều hồi cấp 2, mình rất thích cô Liêm dạy tiếng Anh trường Đặng Thai Mai. Hồi đó đi học thêm chỉ là làm bài tập ngữ pháp một cách đắm đuối mỏi mòn, không làm gì khác hết! Lên cấp 3 mình thi khối D nên ngữ pháp cũng được rèn nhiều qua kho đề thi của thầy Nghĩa. Vì thế khi học IELTS mình hầu như không tốn thời gian phần này, đó là lý do mình lấy bằng tương đối nhanh. Em xin cám ơn hai thầy cô!
  • Từ vựng: về từ vựng, nếu nói là đủ thì chẳng bao giờ đủ. Cách của mình là: tạm hài lòng với vốn từ hiện tại của bản thân + cố gắng học thêm càng nhiều từ càng tốt trong quá trình ôn thi (làm đề xong rồi ghi chép) + từ nào mình đã biết thì phải biết thật chắc, thật chuẩn (viết đúng, đọc đúng). Có những bạn vì lo sợ "thiếu" từ vựng nên chỉ ngồi học từ mới suốt ngày, theo mình là vô bổ. Cứ bắt đầu ôn thi thôi, niệm chú "You are enough!". Vì như đã nói, từ vựng chẳng bao giờ là đủ, quan trọng là sử dụng cái mình có cho tốt. Quá trình luyện đề sẽ cung cấp thêm cho chúng ta một vốn từ kha khá nữa.
  • Thái độ: tự tin nhưng nghiêm túc. Có một điều theo mình cực kỳ quan trọng là xác định thái độ học. Mình cho rằng yếu tố này đã giúp mình rất nhiều không chỉ khi thi IELTS mà trong nhiều công việc, dự án khác. Chúng ta chắc chắn là kém hơn nhiều người nhưng chẳng cần phải hoang mang, cứ tự tin học hành bình thường, niệm chú nhiều lần "You are enough!" (hihi). Tuy nhiên không được tự cao và lười biếng, phải hiểu rõ mình ở đâu, mình muốn gì và nghiêm túc rèn luyện để bản thân có sự tiến triển. Cứ âm thầm học, thời gian sẽ chứng minh công thức Tự tin + Nghiêm túc luôn luôn có kết quả tốt!
Ngoài ra, sau khi đã làm quen "sương sương" với kỳ thì, chúng ta bắt đầu liệt kê theo cảm nhận cá nhân + tìm hiểu thêm rằng về cơ bản, IELTS đòi hỏi những gì để lên kế hoạch đáp ứng đòi hỏi đó. Bạn hãy xác định khoảng thời gian khả thi để buộc bản thân cam kết đạt được target trong khung thời gian giới hạn nhé. Vì việc trì hoãn có thể kéo dài ... hàng năm, như rất nhiều người đã ngậm ngùi chia sẻ.

Note: nhiều người khuyên là nên đăng ký lịch thi + đóng tiền ngay từ giai đoạn này (sau khi xác định được mốc thời gian muốn đạt target). Mình nghĩ là đề xuất này HỢP LÝ. Đánh vào tài chính là cách hiệu quả. Ta sẽ sợ tốn tiền nên có sự cam kết. Cũng nên xác định chuẩn bị dư một số tiền vì việc không đạt target ngay lần thi đầu cũng là một khả năng!

4. Tạo môi trường để học IELTS - làm cho IELTS xuất hiện khắp mọi nơi

Thời gian này, nên tranh thủ tham gia các group IELTS (với lượng mem vô cùng hùng hậu) trên mạng để familiar bản thân với "nền văn hoá" IELTS. Gợi ý: chỉ cần follow group IELTS Ngọc Bách là đủ, vì hầu hết các group khác toàn lập ra với mục đích PR chứ không phải là chia sẻ, nội dung thì cũng thế.

Hãy làm cho IELTS xuất hiện khắp mọi nơi: trên newsfeed khi lướt Facebook, trong nhà ngoài ngõ ^^. Tips: unfollow hết các mối quan hệ không thiết yếu trên Facebook, chọn See first các trang về IELTS và báo nước ngoài (CNN, The Guardian), tham gia bình luận, hỏi han nhiệt tình trên group IELTS để mình có cảm giác thuộc về cộng đồng sĩ tử đang ôn luyện miệt mài, lấy động lực từ những người cùng chí hướng. Thậm chí chỉ là thích thú với mấy cái joke về IELTS, hình meme về IELTS, hay bàn chuyện mua sách gì ở đâu, cũng được. Thấy tài liệu gì ok, không cần suy nghĩ quá nhiều, cứ tải về bỏ trong một folder để tạo cảm giác mình đang thực sự dành một chỗ trong cuộc sống mình cho nó. Xem các video Youtube về tips thi IELTS hay bài thi Speaking mẫu (rất nhiều).

Nếu ai đó phê phán bạn và bạn cũng tự cảm thấy bản thân bị ám ảnh bởi IELTS? Xin chúc mừng, bạn đã thành công bước đầu rồi đó. ^^

Có một số bạn cảm thấy bước này không cần thiết với họ, thì không sao cả, bởi vì mỗi người có phong cách học khác nhau.

- to be continued -

------------------------------------

Phần 2: Chính thức luyện thi các kỹ năng

Phần 3: Những điều nên và không nên

(coming soon ^^)

Nhận xét

  1. Đây là những điều tôi cần để chuẩn bị bước vào hành trình chinh phục Ielts.
    Cảm ơn admin. Hi vọng sớm có phần 2 và 3.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây