Gặp lại "Chí Phèo"

Lâu lâu mình vẫn đi xem kịch. Khi thì mua vé, khi thì được mời, khi thì muốn đi chơi với ai mà không kiếm ra chuyện gì chơi chung cho vui nên rủ vô sân khấu kịch. Về cái thú xem kịch có khi phải biên riêng một bài.

Hôm nay được em Đ. rủ đi xem "Chí Phèo". Cái tên cũ tới mức tưởng như chỉ muốn thốt lên: Ôi Chí Phèo à, xem làm gì... Ấy thế nhưng trong một chiều mát mát lạnh lạnh như Hà Nội, mưa vừa ráo, lại mới chỉ hai giờ chiều thế nghĩa là hãy còn rất sớm, thì xách xe ra đường lêu hêu cũng rất thú. Thế là bèn chạy thẳng tới nhà hát khi vở diễn đã qua mười lăm phút đầu.

1. Gặp lại Nam Cao

Gặp lại Nam Cao sau một thời gian dài không động tới văn chương nhà trường. Và gặp lại Chí Phèo sau mười năm không còn học phổ thông. Khen Nam Cao thì thừa nhưng vẫn thích khen. Nhớ không, những ngày hậu-thất-nghiệp năm nào chạy qua quận 5 kiếm cuốn Nam Cao tập 2, rồi nằm nhà vắt chéo chân mà ngâm cứu nhân tình thế thái, vỗ đen đét cái đùi đến tài ông Nam Cao. Những ngày tràn đầy "những chuyện không muốn viết"... Đã bao lâu rồi, đời chẳng còn cái thảnh thơi mà đọc cho kỳ hết cả tuyển tập, hết tập 1 thì kiếm bằng được tập 2, càng tới cuối càng cố "nhín" như ... chú mèo Hee liếm Chuppa những miếng cuối cùng ^^. Bao lâu rồi, không còn ngồi bên đèn mà lần giở những điều tưởng không còn ích lợi gì cho buổi bốn chấm không này... Bao lâu rồi chẳng còn là cái con người không ích lợi gì cho xã hội, nằm nhà mà nghĩ chuyện xưa sau...

Vở "Chí Phèo" lần này đã làm nhớ Nam Cao, vì diễn tả đủ mạch lạc, đúng và dễ hiểu câu chuyện. Và làm mình nhìn thấy nhiều cái hợp lý khác, rất khác so với những gì đã nhìn thấy hồi phổ thông. Mà hồi phổ thông, cũng có thể là những cái nhìn được người ta "mớm" cho thôi, chứ mình lúc đó nào đã hiểu đời được khi mà chưa thực sự đi đâu xa khỏi gia đình và trường học. Mười năm sau gặp lại Chí Phèo, khi đời đã diện kiến một vài Bá Kiến, Lý Cường, Bà Ba, vợ Binh Chức, thậm chí cả Chí Phèo... mới thừa nhận Nam Cao có lý trong những miêu tả của ông chứ không chỉ là một câu chuyện hấp dẫn. Mười năm, đã từng trôi lăn trong những cạm bẫy "lưu manh hoá", đã từng nghe tiếng cười khoái chá của đám người ăn trên ngồi trốc, đã từng ngấm cái "khôn sống vống chết" trong một xã hội bất bình đẳng cơ hội, đã yêu và đã khóc, đã từng biết ơn đã từng thù hận, đã từng đón nhận đã từng giũ bỏ, đã tha thiết cái ta thương và "người ta không thích cái gì người ta khinh", đã từng khóc hết nước mắt vì cái "bài học quét nhà", mới thấy mình hiểu được Nam Cao thêm một phần.

Nếu cần phải có những gạch đầu dòng cho câu chuyện này, thì mình sẽ gạch những đầu dòng nào?

2. Bất bình đẳng cơ hội

Bất bình đẳng cơ hội từ thuở lọt lòng là cái thực sự tồn tại trong bất kỳ xã hội nào. Kẻ ngậm thìa vàng và người bần cùng từ chiếc tã quấn đầu tiên là điều có thật - thời nào cũng vậy. Nhưng giải quyết chúng bằng cách nào? Không thể bằng lời chửi khó nghe của kẻ ở dưới và sự vô cảm, tự cho mình quyền cười khẩy của kẻ ở trên. Không thể "con vua" thì cứ đắc ý cái đã rồi chờ tới khi "dân nổi can qua" cho máu đổ, lệ rơi. Mình nghĩ rằng xã hội sẽ bớt được phần nào kết cục đổ máu như truyện Chí Phèo khi chúng ta thật sự muốn nghe nhau, nghĩ tới những hệ giá trị khác để theo đuổi trong đời (ngoài tiền - quyền), và đừng sống bằng cách chỉ chăm chăm tìm cơ hội đạp lên sự khờ khạo của kẻ khác. À mà thôi, chém gió đó, làm sao thì hỏi ông Nam Cao ổng cũng chưa chắc đã trả lời được ấy chứ! ^^



3. Từ lăng kính giáo dục

Năm năm trong nghề và đã kịp có một lăng kính mong mỏng về giáo dục để soi ngắm mọi thứ, mình thấy ở "Chí Phèo" câu chuyện giáo dục. Nền giáo dục mà một con người sinh ra trong lò gạch cũ được hưởng thì thế nào? Mà nền giáo dục của cái người sinh ra trong nhung lụa như Lý Cường thì thế nào? 

Trong một nền văn hoá ca ngợi người bần cùng và bình dân thì anh Chí hẳn phải "tốt đẹp" hơn tên Lý Cường. Và tên này được khắc hoạ nông cạn, láu cá, thậm chí thích dùng tay chân chẳng kém gì "lưu manh". Ấy thế nhưng biết đâu, hỏi những "Lý Cường" sẽ nhận được lời nhận xét rằng Chí Phèo cách biệt với anh ta ở cả một nền giáo dục. Chí rõ là tên thiếu giáo dục, hành xử "rừng rú" man rợ của hắn so thế nào được với nền giáo dục nhà Bá Kiến?

Này nhé: Bá Kiến biết rằng "xử nhũn" là cái lẽ nên theo ở đời, phương châm hành động của hắn là "phải bình tĩnh", cụ Bá không bao giờ thiếu kiềm chế, câu cửa miệng của cụ là "sống phải có tâm", và cụ rất biết cách móc tiền từ túi người khác nhưng vẫn được tiếng là cưu mang kẻ cơ nhỡ, thơm thảo với đời, tạo biết bao công ăn việc làm. Cái tên Chí Phèo ngờ nghệch đến từng suy nghĩ, tầm thường tới cả ước mơ, xử lý vấn đề thì vụng về, hơi tý là đùng đùng đoàng đoàng, nóng giận mất khôn, "tuổi gì" mà hiểu được những điều này nhỉ? 

Hai nền giáo dục này chưa nói sản phẩm của chúng cái nào hơn cái nào kém, nhưng rõ ràng là khác biệt tới đối lập. Khi chúng đối kháng với nhau, không ai chịu ai thì kết cục bi thảm. Trong cuộc sống của chúng ta, nhìn kỹ thì vô số cuộc đối kháng mỗi ngày thực chất chính là sự đối đầu giữa những nền giáo dục, những nền văn hoá khác nhau.

Trước khi tìm ra giải pháp dung hoà, mình cho rằng những nền giáo dục và văn hoá mà ta không thể chấp nhận được thì ta không nên gặp! Anh Chí không nên đòi hỏi bất kỳ một cái gì từ người đã gây ra toàn bộ tấn thảm kịch. Kẻ gây ra nước mắt không thể nào hiểu được nước mắt. Bá Kiến cũng đã thiếu thận trọng một chút trong cả cái cuộc đời thận trọng hết mực của ông ta, bởi khôn ngoan tới vậy thì ông nên biết sợ bọn cố cùng liều thân, ông nên hiểu cá nhân có thể cuốn trôi đế chế như một mảnh vỏ bào, và phải lường trước một ngày "dân nổi can qua". 

Sai lầm giữa chúng ta là ta đã nói chuyện với người không đáng có nửa lời của mình, và để đời mình vô tình dính vào một vài "niềm thân ái mà ta đã vội trao". ^^

4. Tình yêu luôn là sự cứu chuộc

Trời chừa cho mỗi người chúng ta, dù bần cùng bi thảm tới đâu, một cánh cửa thoát, đó chính là tình yêu. Có câu bất kỳ ai, dù sang hèn, giàu nghèo, điên hay tỉnh, đều cần có một mối tình để nương tựa. May mắn thay, ta bình đẳng với nhau trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Thế nghĩa là, Chí Phèo và Thị Nở đều xứng đáng có một tình yêu, và họ đã có. 



Những ai từng yêu, hihi, hẳn đều có lúc thấy rằng vượt qua những câu chuyện về tiền bạc, điều kiện, vị thế môn đăng hộ đối, ngoại hình, hay sự lợi dụng cho một vài mục đích trong đời, thì tình yêu luôn có chỗ cho những gì vô tư, trong sáng, vô điều kiện nhất. Nếu có một chỗ trốn cho cái gì đó thật sự thuộc về tâm hồn, cho sự đồng cảm sâu sắc giữa người với người, thì đó là tình yêu. Nếu có nơi nào đó mà sự bình đẳng thật sự diễn ra, nhường cơm sẻ áo, đồng cam cộng khổ thật sự diễn ra, thì đó là mảnh đất của tình yêu. Nếu có một cái gì nằm ngoài định kiến xã hội, những phán xét của đời, nằm ngoài quá khứ và tương lai, thì đó chính là tình yêu.

Đến là dễ thương cái cặp đôi rổ rá cạp lại, để rồi từng người "có giá" dần lên. Ấy nhưng mà, làm một cặp đôi như cặp đôi Chí Phèo - Thị Nở thì có gì phải xấu hổ không nhỉ? Ai chẳng là Chí Phèo - Thị Nở trong mắt một ai đó. Ai chẳng có lần hiện lên trong câu chuyện của người khác với mấy từ ngữ kiểu như "cái đôi đó được cả đôi nhỉ", "nồi nào vung nấy", "mây tầng nào gặp tầng ấy", "rổ rá cạp lại". Mỗi chúng ta cùng lúc thanh cao như Kim - Kiều và mạt hạng như Phèo - Nở. Thì có sao! Miễn là đời ta thật vui, mỗi ngày ta sống ta thấy hạnh phúc, có nghĩa, ta đang băng băng đi lên theo con đường của riêng ta, thì cứ tự tin làm "đôi lứa xứng đôi" nhé. Những tình yêu đều bình đẳng với nhau!

Chỉ trách con Nở nó hơi khùng, nghĩ ngắn. Còn ông Phèo cũng thật là mất bình tĩnh quá đi, cứ đợi ít hôm xem sao. Người còn yêu nhau sẽ trở về với nhau mà! Bởi vậy cứ nghe theo cảm xúc nóng giận rồi vác dao đi chém cả làng thì thiệt người hại mình, xôi hỏng bỏng không, mạng người chẳng còn thì nói gì tới lương thiện và tình yêu nữa chứ!

Khi yêu cần rất nhiều tỉnh táo!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây