gái lớn gả chồng



Trò chuyện với G., cảm thấy tình hình của các cô gái tuổi "cận băm" ở quê nhà thật là căng thẳng. Ở gần gia đình nên chịu sức ép lớn từ gia đình và cả một cộng đồng xung quanh về việc cưới xin. Bố mẹ thì mong muốn con được ổn định, yên bề gia thất. Xã hội thì chắc cũng chẳng có ác ý gì, chỉ là sẽ khó nghĩ, khó xử, khó mà suy nghĩ gì được cao siêu so với cái chuẩn suy nghĩ thông thường: trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng. Nếu sai quy luật, thì bị gọi là ế. Bố mẹ lo sốt vó, người nặng thì chì chiết, người nhẹ thì bóng gió nhắc nhở, nhẹ nữa thì âu lo, hỏi han suốt ngày.

Trở về từ thành phố lớn, được ăn học tử tế, những cô gái này cũng có cho mình những tiêu chuẩn nhất định. Công việc ổn, có tiền đồ, mặt mũi trông cũng phải có cảm tình một chút. Bọn con gái từng học Văn như bọn mình thì còn thêm cả cái mong đợi lấy được tấm chồng thấu hiểu, yêu chiều, lương thiện, biết một chút hoa lá cành để làm tri kỉ với nhau trong những đêm trăng thanh gió mát. Số lượng các lựa chọn ở những thành phố nhỏ, nơi tỉnh lẻ vốn đã ít, những tiêu chuẩn kia lại siết chặt thêm một vòng, làm cho khó càng thêm khó. Vâng, nào ai muốn cô đơn, nào ai muốn không chồng, ai cũng thích làm bố mẹ yên tâm và nhất là mình có một người bầu bạn trong cuộc đời. Nhưng có phải muốn là có ngay đâu. Vùng vẫy trong nỗi cô đơn của chính mình, sức ép từ kỳ vọng của người thân, và sự giới hạn về lựa chọn, quả cũng dễ trầm cảm.

Những áp lực này rõ ràng có nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống lẫn các lựa chọn hệ trọng của người trẻ. Một số rất lớn lấy chồng nhanh chóng như nộp bài cho kịp deadline. Những mối quan hệ ngắn ngủi vài tháng là có. Những cái gật đầu mà trong lòng còn lợn cợn là có. Những người "nhắm mắt đưa chân" cũng có, có nhiều. Những quan điểm, mong đợi mà ta xây trong tuổi trẻ đầy niềm tin, cứ mỗi ngày bị gọt bớt một chút cho vừa vặn với "thực tế". Mỗi một mối tình đi qua vì không thể, ta lại càng thu nhỏ bản thân, làm lớn lên nỗi sợ hãi. Ta sợ đã bỏ lỡ gì đó. Sợ những quãng thời gian "không ích lợi gì" đã dâng cho một mối tình. Sợ ta có ít lựa chọn hơn. Là con gái, thanh xuân có thì... Và rồi, rất có thể những mối tình sau sẽ càng nhanh gọn chóng vánh, bớt cầu toàn, cốt tìm cho ra cái người có thể đáp ứng những chuẩn tối thiểu mà ừ về làm vợ.

Mình cảm thấy hơi sợ hãi cái hệ thống quan niệm về yêu đương gắn chặt với hôn nhân này. Dường như những gặp gỡ hẹn hò đón đưa trò chuyện của bao cặp trai gái đang diễn ra ở những nơi như vậy, chỉ là để phục vụ cho mục đích cưới, chỉ để đợi tới khoảnh khắc "chốt deal". Phù, hàng xóm im miệng, bố mẹ thở phào vì giải phóng được "bom nổ chậm", bản thân đỡ mệt mỏi vì phải trả lời hàng tá câu hỏi, đỡ phải thả thính trên FB. Xã hội lại tiếp tục vòng xoay của nó, chĩa sự quan tâm vào những cô gái chưa chồng khác, chờ đợi những đám hỏi đám cưới đám ma - những nghi thức duy trì sự sống của một cộng đồng. Chúng ta như thể đã được thanh lý xong xuôi vào trong một gia đình mới vừa sản sinh ra kia, để tiếp tục phận sự của ta: sinh ra những chàng trai, cô gái tương lai để gán vào những gia đình khác, hỏi han đám trẻ, giao thiệp với bà con, giỗ chạp đám già.

Mình dĩ nhiên đứng ngoài quan niệm tình yêu và hôn nhân đó, và may thay bố mẹ mình không một mảy may quan tâm tới sức ép cộng đồng. Đó là cái lợi của một gia đình có những giềng mối không chắc chắn với họ hàng cũng như cộng đồng xung quanh. Ở góc nhìn này, mình cảm thấy sự vận hành như trên thật vô lý, bởi bản chất của tình yêu và hôn nhân không phải là như vậy. Thế nó là như thế nào?

(còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây