Cô nàng cửa hàng tiện ích


1. Mô típ câu chuyện trong các cửa hàng, tiệm sách, tiệm cà phê, bánh, ... có vẻ khá phổ biến gần đây. Sẽ vẫn có chút gì đó thú vị nếu đó là tiệm trà bánh, hoặc “sang trọng”về tinh thần nếu đó là tiệm sách. Nhưng đây lại là cửa hàng tiện ích. Chẳng phải đó là nơi nhàm chán, công nghiệp, ít cảm xúc nhất hay sao?
Nữ chính cũng chẳng thể nhạt nhẽo hơn, 36 tuổi, không có công việc ổn định, không có gia đình, trải nghiệm cuộc sống không có gì ngoài kinh nghiệm làm ở cửa hàng tiện ích 18 năm. 
Tuy nhiên, Furukura yêu cuộc sống này. Cô thích sắp xếp các món hàng, hạnh phúc khi khách hàng hài lòng, cảm thấy ổn thoả khi sống theo chiếc đồng hồ mà cửa hàng tiện lợi set up sẵn cho mình. Với cô, từng ánh sáng qua ô cửa kính đều thần tiên, những công việc lặp lại rất giàu ý nghĩa. Vươn tới sự chính xác, tinh thần phục vụ chuyên nghiệp làm cô thấy vui tươi ngày qua ngày.
Mình nghĩ tới một cuốn cũng của Nhật từng đọc tên là Ikigai. Dù là người thợ sơn tường, thợ làm sushi, hay quan chức cấp cao, người Nhật luôn cố gắng tìm kiếm một ikigai để khiến họ thức dậy mỗi sáng và hài lòng với công việc mình làm. Ikigai là ý nghĩa công việc của đời người. Nữ chính có lẽ tìm được ikigai và cô thấy rất ổn thoả dù đó là năm 18 tuổi vừa bước vào đời hay khi đã 36 tuổi và trở thành người kỳ cựu nhất trong cửa hàng. 
Mình rất khoái đọc về cách những con người trưởng thành ứng xử với công việc mình chọn. ^^
2. Một chủ đề thú vị nữa là về những người kỳ dị. Kỳ dị là từ sách dùng, thực ra nó nói về những người có vẻ khác thường trong xã hội. Ví dụ như Furukura, cô ta không hề cảm thấy có nhu cầu lấy chồng hay đổi công việc. Nhưng quái gở nhất phải kể đến Shiraha, hắn ta luôn miệng xỉ vả cuộc đời với lời lẽ cay nghiệt: đốn mạt, ngu ngốc, tàn nhẫn, không khác gì thời Jomon. Nhưng mặt khác hắn lại cư xử như một kẻ ngu ngốc nhất, tàn nhẫn nhất.
Dù rộng lượng cỡ nào, ta cũng biết rằng sống đời “người lớn” không đơn giản, xã hội có những quy tắc “bất thành văn” để duy trì năng lượng tích cực và đi lên. Với những kẻ cứ nằm ì ra đó cưỡng lại đường ray chung, thật xứng đáng để bị đánh dạt sang bên lề, coi như “phế phẩm” (từ của Shiraha).
Nhưng trong câu chuyện này, tác giả vẫn dành một chỗ riêng cho họ. Furukura yên ổn trong cửa hàng tiện ích. Shiraha được Furukura cưu mang, cho ở cùng trong nhà trọ. Hắn lại còn có người lắng nghe. Tưởng tượng xem, nếu không một ai trên đời muốn nghe ta nói?
3. Xã hội hiện đại có lẽ không thiếu những hiện tượng ta tạm gọi là “biến thái” trong suy nghĩ và hành động như Shihara, hay nhẹ hơn, như Furukura. Nó xuất phát từ việc con người không chịu nổi cuộc sống đang lao đi quá nhanh, không đồng tình được với hệ thống quan niệm hời hợt của nó, hay không thích nghi nổi với những diễn ngôn đang thống trị xã hội, và uất ức khi bị đẩy vào nhóm thiểu số vô danh, bị ghẻ lạnh và xa lánh như bệnh dịch. Hậu quả có thể là tự tử, là tội phạm, là chửi bới như Shihara, phá phách kiểu Chí Phèo, hay là những cuộc đời quyết định lùi vào bóng tối mãi mãi như Furukura.
Chỉ có một người với suy nghĩ hết sức đơn giản và trong sáng, chưa nhuốm màu định kiến của xã hội như Furukura mới chịu đựng được Shihara và nhờ thế mà khiến hắn thay đổi dần dần. Qua đó, truyện dường như kêu gọi về một sự vị tha. 
Xã hội thiếu vị tha sẽ luôn quy kết một chiều, sẽ làm cho một số thành phần rất khó sống. Xã hội vị tha không phán xét và để mỗi người được sống theo cách của họ. Dường như, chỉ có sự rộng lượng, bình thản, trạng thái không định kiến này mới giúp cho những tên như Shiraha không rơi xuống đáy. 
Vì tất cả mọi người đều không đáng bị rơi xuống đáy. 
Và để bao dung, phải cần một khả năng chịu đau nhất định.
4. Điều gì đã nuôi dưỡng nên tất cả những khả năng ấy nơi Furukura? Đó chính là cửa hàng tiện ích. Nơi cô tạm lánh xa guồng quay chóng mặt của xã hội trong suốt 2 thập kỷ, tìm thấy niềm vui bé mọn trong những công việc tầm thường, không có gì để tự hào nhưng không bao giờ hổ thẹn. Nơi cô thấy mình mặc một chiếc áo vừa vặn, được là mình. Nơi cô được ẩn đi nội tâm khác lạ trong chiếc áo đồng phục và những quy trình lặp đi lặp lại. Cuộc đời cô là trọn vẹn dành cho cửa hàng tiện ích, cả lúc ở nhà cũng là để chuẩn bị cho một ngày mới sắp tới trong công việc cô yêu.
Và thế đấy, xã hội phơi bày ra hàng triệu hình thức giải trí, giải pháp giáo dục, liệu pháp cho sức khoẻ và tinh thần, vậy mà tác giả lại đề xuất cho chúng ta một cửa hàng tiện ích - trạng thái hoàn hảo nhất cho những tâm hồn giữa vòng xoáy chóng mặt của thời đại này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây