30 days of writing #3: Phim "Phong ấn thứ bảy"


1. Thần Chết - người bận rộn nhất




Trong phim, ai cũng phải đối mặt với cái chết. Người lính Thập tự chinh trở về từ chiến trường, nơi đầy chết chóc, mang theo một hình hài điêu tàn và tâm hồn tuyệt vọng. Anh không còn sức sống thuở ban đầu. Giây phút đầu tiên trở lại quê hương, anh đã gặp Thần Chết, anh biết mình sẽ chết. Những người ở quê hương anh, tuy không nếm trải cảnh chinh chiến, nhưng cũng tang thương vì dịch bệnh. Bằng niềm tin tôn giáo, người ta cho rằng bệnh dịch là do tội lỗi con người đối với Chúa, nên nhiều người đã phải trả giá cho nỗi tức giận của đấng tối cao bằng cách chịu sự đày ải, đánh đập theo lệnh của nhà thờ, hoặc bị thiêu sống. Những người này tuy không mắc bệnh, nhưng cũng phải chết. Họ chết vì sự mê muội của cộng đồng, và của chính mình. Thần Chết còn tìm đến mối tình tay ba giữa ông thợ rèn, bà vợ Lisa và người diễn viên, có lẽ vì họ lỗi đạo. Cuối cùng, cả những người vô cùng yêu đời và bình dị như vợ chồng Jof và Mia cũng không thoát khỏi sự dọa dẫm của Tử thần trong một đêm mưa bão đầy trời.

2. Chết như thế nào?

Ai rồi cũng phải chết. Phim không bàn về chuyện đó, mà chuyển qua băn khoăn: "Ta đối diện với cái chết ra sao?". Trong chuyện sống chết, con người bình đẳng. Nhưng cái làm nên giá trị cuộc sống, phải chăng chính là cách ta nghĩ về lẽ sinh tử ở đời?
Phổ biến nhất là tâm lý lo sợ. "Họ nghĩ bệnh dịch là sự trừng phạt của Chúa. Đám đông đi khắp nơi, đánh đập những người khác để vừa lòng Chúa". Chết là sự phẫn nộ của Chúa Trời, và đám đông hoảng hốt chuộc tội bằng nhiều cách. Tên diễn viên cáu kỉnh (quên tên) trong lúc ôm chặt ngọn cây để tránh thú dữ thì lại nhìn thấy thần Chết trợn trừng mắt phía dưới. Hắn hỏi trong tuyệt vọng: "Diễn viên thì không được miễn (chết) sao?". Người thợ rèn khẩn thiết khai báo những điều tốt để mong được tha mạng. Ai cũng sợ thần Chết, mong được sống.
Cô gái bị đưa lên giàn thiêu thì ngược lại. Không tin vào Chúa, cô tin vào Quỷ. "Hắn bên tôi mọi lúc. Nếu tôi duỗi tay ra, tôi có thể cảm nhận hắn. Kể cả bây giờ. Lửa sẽ không thể làm tổn thương tôi". Cô không sợ cái chết vì cô tin Quỷ bảo vệ mình.
Jöns, người cận vệ của Antonius Block thì lại không tin vào Chúa, không tin vào Quỷ, mà tin vào Hư Vô. Khi thấy Raval, tên trộm quằn quại trước khi chết, hay cô gái sắp sửa bị thiêu sống, hắn chỉ có thể khuyên mọi người đứng yên, và lặp lại: "Vô ích, vô ích thôi!". Jöns hiểu rằng còn sống giây phút nào thì nên tận hưởng niềm vui sống của giây phút đó. "Nằm giữa đôi chân gái bán hoa, là nơi cho những kẻ như ta" - hắn hát trên lưng ngựa như vậy. Phải thừa nhận Jöns là người cười, nói và hành động nhiều và nhanh nhất phim. Hắn không do dự. Nhưng có thể nói rằng đó không phải là cái mạnh dạn của người minh triết, mà là sự trốn tránh. Không muốn nghĩ về cái chết, không muốn thừa nhận rằng mình sợ, tránh né ánh mắt của người họa sĩ vẽ về cuộc đời khổ lụy, Jöns là kiểu người hiện sinh nhưng yếu ớt và hời hợt về lý trí.
Nhưng thà là như vậy, chứ ai mà lại muốn làm Antonius Block đầy băn khoăn, trống rỗng, khổ đau. Chàng từng tin vào Chúa, nhưng khi Thần Chết hoành hành khắp nơi, chàng gọi khản tiếng vẫn không thấy người. Bằng ván cờ, chàng cố trì hoãn cái chết để tìm hiểu. Chàng không ngừng đặt câu hỏi. Với cha xứ trong nhà thờ, với cô gái bị buộc tội ăn nằm với quỷ, với thần Chết. Chàng muốn gặp Chúa để hỏi tại sao cuộc sống lại thảm sầu. Người ta nói, những ngày giờ ngắn ngủi trước khi chết đem lại cho Block nhiều nhận thức hơn toàn bộ phần đời trước đó.


Và dù là vợ chồng người diễn viên Jof và Mia, vợ chồng người thợ rèn, hay vợ Block, cô gái câm, tất cả đều có những đức tin, nghĩ suy riêng về cái chết.
Riêng câu trả lời cuối cùng: nên băn khoăn truy tìm nguồn ngọn, nên tránh né để sống vui, hay chống lại, hay sợ hãi, hay chịu thuần phục trước cái chết, hình như phim không nói rõ với người đọc qua một thông điệp nào.

3. Chúa Trời ở đâu?


Hình ảnh Block khá quen thuộc với chúng ta. Đó là con người có ý thức (ngược lại với Thần Chết lạnh lùng, hoàn toàn không có ý thức). Chàng muốn cái gì cũng phải có lý do, ngọn ngành. Chàng muốn tìm một niềm tin để sống ở trên đời. Nhưng chàng chẳng biết tin vào điều gì, chàng thấy mình trống rỗng, khổ sở.
Không phải chỉ đến lúc Tử thần điểm mặt gọi tên, ta mới cần niềm tin để sống. Nhưng tìm kiếm niềm tin trong cuộc sống muôn màu là chuyện chẳng dễ dàng. Vậy thì cái mà một người thất bại như Block đem lại cho ta, chẳng qua chỉ là câu chuyện về hành trình tìm kiếm niềm tin. Khuôn mặt Block là khuôn mặt con người nhất, vì đó là khuôn mặt duy nhất biết khóc lóc, khổ sở, biết ưu tư về làm người, biết bất lực trước thân phận con người.

4. Món quà cuối cùng

...là bữa ăn trên bờ biển, có dâu dại và sữa tươi được mang ra từ bàn tay Mia nhỏ nhắn, dịu dàng. Jof đánh một bản nhạc anh sáng tác bằng cây đàn gỗ. Merchant chơi rồi ngủ. Đó là khung cảnh dịu dàng cuối cùng mà Block thấy trên thế gian. Phim không quá u ám chính nhờ có sự hiện diện của gia đình Jof - Mia. Họ sống bằng nghề diễn kịch, ngao du đây đó trên cỗ xe gỗ, yêu âm nhạc, tin vào ảo ảnh, sống chết có nhau. Sợ hãi đến mấy thì chỉ cần ôm nhau, nhắm nghiền mắt lại là qua hết.
Và Thần Chết đã bỏ quên họ. Thần Chết không phải bao giờ cũng làm việc thấu đáo, tận tụy tới cùng.



Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây