Căm ghét hay chỉ là ghen tỵ?

Đêm nay, trong lúc đạp máy may để sửa đồ cho cô, mình nghĩ nhiều về phim này - Atonement (Chuộc tội).



Thì cũng như bao người, mình thích không khí thanh bình mát mẻ của nước Anh, tác giả dường như vì nó mà cố kéo thật dài phần đầu phim. Mình thích 2 anh chị diễn viên siêu đẹp và đẹp đôi. Mình thích những trải nghiệm nhân văn của người lính nơi trận mạc. Thích mối tình nồng nhiệt mà éo le. 

Nhưng mình nghĩ nhiều nhất đến lỗi lầm của Briony. Lỗi lầm của nhân vật đó ám ảnh cô tới cuối đời, nhưng dường như cũng ám ảnh chính mình, ám ảnh mọi người, như thể trong mỗi chúng ta đều có một Briony cư ngụ. Có không?

Một chi tiết rất nhỏ dễ quên mất, là Briony thích Robbie. Những cô nhóc vẫn hay vậy, thích ngưỡng vọng về một mẫu chàng trai lý tưởng hơn mình nhiều tuổi, thầm mơ mộng về một câu chuyện tình yêu nhưng rồi chỉ dẫn tới hành động dại dột. Không phải ngẫu nhiên mà Briony tố cáo Robbie. Cô bé căm ghét anh ta? Cô bé muốn bảo vệ chị mình? Không phải. 

Cô bị nhầm lẫn giữa ghen tỵ và căm ghét. Ghen tỵ với chị mình vì có được tình yêu của người mà mình thích khiến cô chỉ muốn đẩy hai người ra xa nhau. Cô không muốn đối diện với sự thật rằng mình đang ghen tỵ, cô muốn giấu tình cảm đáng xấu hổ dành cho người anh hơn mình nhiều tuổi và là bạn trai của chị gái, cô phải tìm một lý do đích đáng cho cảm giác khó chịu và mong muốn tố cáo Robbie trong mình.

Tâm lý chưa trưởng thành của Briony không cho phép cô giải quyết một cách phù hợp nhất khối mâu thuẫn đó, trong khi đó trí tưởng tượng quá dồi dào của một cô bé mê viết kịch đã cấp cho tất cả một lý do: Robbie là con quỷ dâm dục giấu mặt và Briony chứ không ai khác có nhiệm vụ vạch trần anh ta. Chỉ chờ có thế, cô bé với cá tính mạnh mẽ này hùng hồn đứng ra nhận làm nhân chứng, đẩy người con trai vô tội vào tù mà không chút run sợ.

Điều gì cung cấp cho Briony dũng khí đó? Chính là nỗi sợ. Sợ hãi chính mình và muốn trốn chạy khỏi bản thân khiến ta dũng cảm làm những điều mà với lương tâm chân thật, hẳn ta sẽ phải chùn tay. Không dám nhận rằng mình đang ghen tỵ khiến ta căm ghét vô cớ những người vô tội. Không thể quan sát và phân xử rạch ròi chính thế giới nội tâm của mình khiến ta trút lầm lẫn lên người xung quanh. 

Tác giả câu chuyện này đã đẩy hậu quả của sự nhầm lẫn đó lên tới mức cao nhất có thể: cái chết. Cái chết là kẻ duy nhất có thể chia lìa được tình yêu và rồi nó đã đến để làm chuyện đó; cái chết cười giễu và chà đạp phũ phàng lên niềm hy vọng mòn mỏi của con người; cái chết là kẻ thù của tuổi trẻ và những ước mơ, nhận thức mới chỉ kịp nhóm lên; cuộc đời mà ta mới chỉ vừa bước ra kia, cái chết đến đóng sầm cánh cửa; những ngày thanh bình trong trẻo trong khuôn viên một gia đình giàu có của nước Anh kết thúc trong đổ nát, điêu tàn. Không thể có một kết cục bi thảm hơn cho một sự nhầm lẫn tưởng như cũng nhỏ thôi trong tâm trí con người: không phân biệt được giữa ghen tỵ và căm ghét.

Một bộ phim quá hay nói về một điểm thật sâu trong tâm lý con người. Xem phim và rồi chúng ta sẽ đều cảm thấy bản thân còn quá may mắn vì chưa phải đền trả một hậu quả to lớn như Briony, dù lỗi lầm của ta cũng tương tự.

Thêm một vấn đề. Tình cảm của đám đông dành cho Cecilia và Robbie hẳn sẽ nhiều lắm, và người ta sẽ ghét, trách Briony không ngớt vì sự ngu ngốc của cô? Ta làm vậy là vì ta nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ ngu ngốc như vậy đâu. Nhưng không phải. 

Khi nhận ra trong mỗi người đều có sự nhầm lẫn của cô bé, thì ta lại thấy thương cô hơn. Và ta thầm nghĩ lại xem, Briony đứng ở đâu trong câu chuyện này? Cô là tội nhân nhưng cũng chính là kẻ bị đẩy ra rìa từ đầu đến cuối trong một mối tình đẹp mà ai nấy đều ngưỡng mộ. Cô là kẻ bên lề trong câu chuyện về chàng can đảm và nàng hiền dịu thủy chung. Cô là kẻ ghen tỵ xấu tính, kẻ phá bĩnh luôn xuất hiện không đúng lúc. Và kẻ ấy dù có muốn chuộc tội hàng chục năm trời thì tác giả cũng không cho cô lấy một cơ hội, chính là vì tác giả nhất quyết để cho đôi tình nhân đều chết. Kẻ ấy cũng có một cuộc đời mà mình mơ ước như đôi tình nhân mơ ngày gặp lại chứ: cô mơ được yêu, mơ được viết như một nhà văn tự do, nhưng rốt cuộc lại dành cả đời chỉ để chuộc tội mà không xong.

Trong tâm trí mình, ta có từng đối xử với chính mình như tác giả đối xử với Briony? Ta có vì cảm hứng dành cho cái tốt đẹp, lộng lẫy, nên thơ mà ngược đãi với những sai lầm rất "con người" của mình? Biết rằng "một ngày làm ác, ác đã có thừa", rằng không phải lỗi lầm nào cũng chuộc lại được, rằng "bạn chỉ có thể tưởng tượng ra sự thật". Nhưng ta sẽ xót xa cho cuộc đời Briony, và nghĩ lại rằng, nếu có sai lầm ta đừng vội chán ghét bản thân mình. Nếu còn có thể, hãy vừa chuộc tội vừa tha thứ cho bản thân để còn sống cuộc sống của riêng mình, đừng chính mình biến mình thành kẻ bên lề trong câu chuyện cuộc đời người khác bằng cách tự dằn vặt bản thân quá nhiều về lỗi lầm với họ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

2022