Sinh lý học về stress: Thảo luận với bác sĩ Simon Curtis - Ngọc Hà dịch

Tiếp tục dịch khóa học hôm trước.

- Stress là gì? Ông định nghĩa nó như thế nào?

- Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều biết stress là gì. Nếu bạn hỏi một nhóm đông người, tất cả đều sẽ hiểu stress là gì, vì mọi người đều từng trải nghiệm nó. Tôi dạy rất nhiều bác sĩ và nếu bạn hỏi một khán phòng đầy bác sĩ: Ai tuần trước mới bị stress? thì cả phòng sẽ giơ tay. Mọi người đều có thể hiểu stress là gì bằng trực giác của mình.

Nhưng tìm một định nghĩa minh giản thì khó hơn một chút. Về bản chất thì stress là một phản ứng của cơ thể để vượt ra khỏi hoàn cảnh hoặc tình huống mà ta thấy khó khăn. Điều thú vị là một số phản ứng stress mang tính phổ biến. Khối lượng công việc quá mức, cần nhiều thời gian quá, khó khăn trong các mối quan hệ, khó khăn trong công việc, không có việc làm, khó khăn về tài chính, những vấn đề này mang tính phổ biến, toàn cầu. Nhưng ngoài ra có những vấn đề khác lại mang tính đặc thù, cá biệt, mỗi người mỗi khác. Là bác sĩ, chúng tôi chứng kiến điều này thường xuyên. Ví dụ như một số người tới gặp bác sĩ chỉ vì một vấn đề rất đơn giản là huyết áp tăng. Với họ đó là một sự kiện vô cùng căng thẳng, nhưng với người khác thì không. Cho nên có những yếu tố là phổ quát và có những yếu tố là cá biệt nhưng nhìn chung stress là cách mà cơ thể chúng ta phản ứng với tình thế bên ngoài. 

- Tôi không nghe thấy từ "stress" trong suốt quãng thời gian khi tôi lớn lên. Có phải là hiện tại chúng ta đang lạm dụng từ đó? Có một giai đoạn nào đó mà dường như tất cả mọi người cứ đồng loạt nói rằng tôi đang stress. Thế hệ cha mẹ của chúng ta chịu nhiều áp lực hơn chúng ta chứ, sao họ lại không hề kêu ca? 

- Tôi nghĩ đúng là như thế. Tôi cho rằng cái thế hệ "bình tĩnh nào và tiếp tục thôi" ('keep calm and carry on generation') quả thực đã xoay sở với stress theo một cách khác. Hiện tại chúng ta chú ý nhiều hơn đến stress cũng như tác dụng của nó tới cơ thể và sức khỏe. Vả lại văn hóa cũng đã thay đổi. Chúng ta đang chuyển từ một nền văn hóa của những người giỏi cắn răng chịu đựng ('stiff upper lip') sang nền văn hóa của những người thích biểu cảm một cách thẳng thắn. Nói về stress là một kiểu biểu cảm thẳng thắn. Nhưng không có gì lạ, xã hội luôn luôn thay đổi mà. Chúng ta đã thay đổi thành một xã hội kiểu 24/7 với những nhu cầu khổng lồ. Điều đó dẫn tới những mong đợi to lớn, như mong đợi rằng chúng ta sẽ có một công việc tuyệt vời, một ngôi nhà dễ thương, có thể đi du lịch, có một đời sống tình dục tuyệt diệu, thú vị, v.v..  hàng trăm thứ ta muốn làm trước khi chết. Tất cả tạo nên một dạng áp lực và kỳ vọng rất lớn mà những thế hệ trước không có. Người thời trước kỳ vọng thấp hơn và thực tế hơn.

- Và họ không có cái gọi là mạng xã hội. Tất cả chúng ta hiện nay đều chịu áp lực rằng mình phải trông có vẻ như là đang sống một đời sống hoàn hảo, làm những việc thú vị. 

Tôi muốn hỏi một chút về phản xạ 'fight and flight' (chiến đấu hay là bỏ chạy) và muốn biết stress thuộc loại khía cạnh tâm lý nào? Ông có thể nói rõ hơn rằng điều gì xảy ra bên trong cơ thể chúng ta khi ta cảm thấy stress?

- Điều xảy ra là trong ta dâng trào một cơn sóng hormone, hóa chất, chúng tạo ra những hiệu ứng rất tức thời, sống động và hữu hình trong cơ thể. Bệnh nhân thường nghĩ bác sĩ chỉ đang tưởng tượng, hình dung ra stress. Một điều quan trọng cần phải giải thích với bệnh nhân là: đây không hề là tưởng tượng và hình dung. Nó là có thật. Bên trong bạn dâng trào rất nhiều làn sóng hormone adrenaline, cortisol, đó chính là các chất hóa học cho phản xạ 'fight or flight'. Chúng làm cho tim đập nhanh hơn, thở gấp hơn, tóc gáy dựng đứng, chúng kích thích ruột, làm căng cơ. Tim bạn lại tiếp tục đập nhanh hơn nữa và bạn bắt đầu nghĩ, trời ơi, tôi bị bệnh tim rồi. Và cứ thế, nó lại càng tạo ra nhiều lo lắng và stress. 

Đây chính là những phản ứng vật lý ngắn hạn của stress. Tiếp đó, sẽ có những phản ứng cảm xúc ngắn hạn làm cho bạn càng lo lắng, cáu kỉnh nhiều hơn, khó tập trung hơn. Và về lâu về dài, nó ảnh hưởng rất sâu sắc, tạo ra các bệnh mãn tính như cao huyết áp, suy giảm chức năng miễn dịch khiến ta dễ nhiễm trùng và đồng thời nó tạo ra suy nhược tinh thần dai dẳng, đặc biệt là chứng phiền muộn.

Khó khăn thật sự đối với bác sĩ là ở chỗ stress tạo ra một phản ứng kép đối với cơ thể. Thứ nhất, nó tạo ra các vấn đề về sức khỏe. Thứ hai, nếu chúng ta vốn đang gặp vấn đề về sức khỏe từ trước, thì stress làm cho chúng trầm trọng hơn. Mỗi người đều có một điểm yếu, một gót chân Achilles của mình, với tôi đó là chứng đau nửa đầu, với người khác là đau dạ dày, hay là đau lưng. Tại thời điểm stress, những vấn đề này sẽ trầm trọng hơn.

- Một trong những điều chúng ta quan tâm ở khóa học này là việc đọc-tỉnh-thức ('mindful reading'). Liệu đọc tỉnh thức một bài thơ hay một đoạn văn xuôi có thể có ích trong trường hợp này không? Liệu nó có giúp mang ta ra khỏi mớ hỗn độn? Ví dụ bạn đi làm và bị stress, khi đi làm về, thay vì đọc quảng cáo trên tàu, bạn đọc một bài haiku hoặc một bài thơ thật hay, và đột nhiên, bạn ở đó, bạn chuyển hóa, chỉ sống cho khoảnh khắc đó. Có một bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng việc đọc tỉnh thức có thể giảm huyết áp, làm cho ta bình tĩnh không?

- Tất nhiên rồi. Tôi nghĩ có vài bước thiết yếu để cải thiện tinh thần lành mạnh của chúng ta và khiến ta tỉnh thức hơn, chú ý nhiều hơn tới không chỉ suy nghĩ, cảm xúc của mình mà cả những gì đang xảy ra trên thế giới, và khi đó môi trường xung quanh sẽ là điểm tựa cho ta. Thơ ca, âm nhạc, hội họa, văn chương có thể trở thành một công cụ rất rất quyền lực để giúp ta neo đậu lại ở khoảnh khắc hiện tại, xóa tan những tiếng ồn xung quanh, thật sự tập trung vào khoảnh khắc đó. Đó là một trong những bước then chốt, thiết yếu để có một tinh thần lành mạnh. 

- Tôi để ý trong phòng chờ của ông có vài bài thơ trên tường. Ông có câu chuyện nào về việc chúng đã từng có ích với bệnh nhân của ông không? Tôi nghĩ chờ đợi thường rất căng thẳng vì đôi khi ta đang chờ đợi một tin xấu, hoặc con đang ốm, v.v.. Ông biết đấy, có rất nhiều dạng lo lắng khi ngồi trong phòng chờ. 

- Rất nhiều người, họ không chú ý đến các bài thơ, chỉ nhìn qua, nghĩ rằng đó chỉ là thơ thôi mà và không đọc chúng, hoặc họ nghĩ đọc thơ thì trông sẽ kì cục. Nhưng với một số người, một thiểu số thôi, họ bị thu hút và thật sự kết nối với những bài thơ. Điều đó đã có một tác động mạnh mẽ với họ. Những bài thơ của tôi chỉ tỏ ra có tác dụng với khoảng 1 trên 20 người. Cái mà mọi người không thể hiểu và nhận ra là đọc thơ cũng giống như uống thuốc và điều trị theo hướng dẫn của chúng tôi vậy. Với hầu hết mọi người, những bài thơ này không có tác dụng. Cũng như thuốc giảm đau không hiệu quả với nhiều người. Mỗi người phù hợp với một kiểu khác nhau. 

Có rất nhiều loại thuốc, như thuốc chống đau tim, nếu nó chống được đau tim cho một người trong số 20 người cùng uống, thì đã là một kết quả rất tốt rồi.

- Điều tôi quan tâm là đọc một bài thơ và văn xuôi nào đó liệu có thể gây hại đến một người đang stress không?

- Hoàn toàn có thể. Theo tôi khi con người ở trong một trạng thái rất dễ tổn thương, điều này có khả năng xảy ra. Thơ và văn trong quá khứ, đặc biệt là thời kỳ lãng mạn có thể xui khiến người ta tự tử, tự làm đau mình. Xu hướng này rõ ràng đã được tái tạo trong văn hóa đại chúng thời hiện đại. Ta có thể thấy các ngôi sao nhạc Pop, rapper dường như tán dương việc tự làm đau mình. Người trẻ đã từng có trào lưu cố ý làm bị thương cơ thể mình ('self harm and cutting'). Điều đó thật tồi tệ, tàn bạo và dã man. Không có chút nào lãng mạn khi làm vậy. Nhưng có một khả năng khi tự làm tổn thương cơ thể đó là bạn đang ở trong một vị thế rất dễ tổn thương và bạn đọc những tác phẩm tiểu thuyết hóa cổ vũ cho tự tử hay tự làm đau mình. 

- Chuyện này quen mà. Hồi thế kỷ XVIII, có một cuốn tiểu thuyết rất quan trọng tên là Nỗi đau của chàng Werther, nó kích thích tự tử. Trong cuốn tiểu thuyết, người anh hùng không có được cô gái mà chàng yêu và thế là anh ta tự tử. Và sau đó người ta bắt chước tự tử. Có một lịch sử rất dài về chuyện bắt chước tự tử này. Ông hiểu rằng nếu ông đưa sai thuốc cho bệnh nhân thì cũng sẽ như thế đúng không? Vậy thì liệu văn chương có hại hay không?

- Hoàn toàn không. Tôi không nói văn chương có hại. Văn chương, một lần nữa phải nói rằng nó là một điều rất tích cực, mang tới những trải nghiệm tích cực và hữu ích. Nhưng bạn đã hỏi tôi là liệu nó có thể gây hại không. Tôi trả lời có, tức là nó chỉ là có khả năng thôi, như trong trường hợp cuốn sách về Werther, văn chương có một chút khả năng gây hại. Bạn hoàn toàn đúng khi nói rằng nó giống như ta đưa nhầm thuốc. Bạn có biết một trong những nguyên nhân nhập viện phổ biến nhất là do tác dụng phụ của thuốc không? Nực cười nhỉ?

Bác sĩ chúng tôi có xu hướng chữa cho mọi người theo cùng một kiểu. Bệnh A, sẽ luôn là toa thuốc B. Vẻ đẹp của dự án mà bạn đang làm là mọi thứ trong thơ ca và văn chương mang tính cá nhân hơn rất nhiều, chúng được tạo ra cho những cá thể khác nhau với trải nghiệm, mong ước, nỗi sợ hãi riêng của họ. Nghĩa là, nó sẽ kết nối tốt hơn với trái tim và tâm hồn người bệnh, tạo ra tác dụng sâu hơn đối với những triệu chứng vật lý của họ. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây