vài ý nghĩ nhỏ về sự học

Vài hôm nay, mình có mấy ý nghĩ nhỏ trong đầu về chuyện học hành và tiến bộ, mình sẽ thử chia sẻ ra đây, dù không chắc mọi người cần. Theo học một chương trình chuyên nghiên cứu về sự học (how we learn) với thâm niên khoảng hai mươi năm đào sâu vào bản chất học tập của con người, là cơ hội tốt để mình soi rọi sự học của bản thân mình và xã hội. Những hiện tượng lệch lạc dưới đây mà mình đề cập (nếu có), thì chính là hình bóng những sai lầm của bản thân mình chứ không ám chỉ ai cả. 

1) Con người dễ tha hoá nếu ngừng sự học: Hồi xưa đọc sách thấy có câu "Sĩ phu mà ba ngày không đọc sách, thì soi gương mặt mũi đáng ghét, nói chuyện lạt lẽo khó nghe". Hồi đó mình cũng hiểu cái ý của người xưa, tuy nhiên vẫn cười vì cách nói cường điệu. Nhưng nay mình thấy sự học (một cách đúng nghĩa) nếu vì một lý do nào đó mà dừng lại, thì ta không nguyên vẹn tốt đẹp, mà từ đó sự tự mãn, biếng lười, vô minh, vô duyên và độc ác bắt đầu thừa thắng mọc lên như cỏ lún phún trên một mảnh đất người ta cố tình bỏ hoang. Khi sự học bắt đầu, thì cũng là lúc những nhát cuốc đầu tiên bổ xuống mảnh đất. Ban đầu sẽ là sự ngứa ngáy khó chịu, chưa quen, rồi sự cực nhọc, rồi quen, rồi ..."ghiền". Và tiếp đó là những cuộc chiến mỗi ngày dù khiêm tốn với con chữ và tư duy, là những cày xới về tri thức cùng nỗ lực sao cho mình bớt ngu, bớt ác, bớt sai lầm. Khi ấy, bất kỳ tín hiệu nào muốn kéo chúng ta về với cái tinh thần (được quyền) lười biếng, vô minh, tự mãn xưa kia của ta, thì bỗng trong lòng ta sẽ xộc lên một nỗi buồn bã, một cảm giác khó chịu nhất định. Lúc đó vô tình ta sẽ nhớ lại cái vế "soi gương mặt mũi đáng ghét, nói chuyện lạt lẽo khó nghe" và gật gù. Ta ghét cái gương mặt của chính mình trong quá khứ nhưng cũng mừng vì mình cũng như mọi người đều đang cố gắng để ngày một tinh tấn.

2) Sự học đúng nghĩa rốt cuộc là cái gì? Tuy nhiên sẽ có người hỏi: "Sự học đúng nghĩa là cái gì mới được chứ?", "Ai bảo tôi ngừng học? Tôi vẫn học mỗi ngày mà"; "Tôi là người tự nhận thức", "Tôi học trong sách vở, học ở cuộc sống xung quanh, học từ ...nhân dân" (như một khẩu hiệu nào đó), "Tôi suy nghĩ, và tôi tồn tại, nghĩ cũng là học vậy", vân vân. Mình vô cùng ngưỡng mộ những ý chí tự học, mình biết nhiều tấm gương tự học trong lịch sử và cả ngày nay, họ truyền cảm hứng mạnh mẽ cho mình. Xưa thì có bác Nguyễn Hiến Lê, hay thời nay mình có nghe về bác Vương Trí Nhàn. Nhiều người chẳng có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ gì hết, không cần bằng cấp nước ngoài. Họ học qua sách và có kế hoạch nghiêm túc để bổ túc tri thức. Họ nghiền ngẫm và phản tư điều mình học mỗi ngày.

Nhưng đa phần chúng ta không thuộc vào nhóm của họ. Mình tin vào sự thật này: "chúng ta luôn không biết điều mình không biết". Sự tự học một cách ngẫu hứng, thả lỏng, tự do, trong tình trạng thiếu những người "thầy" thực sự và thiếu sự hướng dẫn nghiêm ngặt cũng như các lề thói nhất định để tạo thành cái gọi là regulation, thì một mặt nào đó là có hại nhiều hơn lợi. Người ta nói rằng: "Chúng ta không thể tự nắm tóc mình mà kéo mình lên". Hơn thế, khi não bộ như con ngựa bất kham chạy tự do về tứ phía, có những khả năng là não bộ sẽ không thể phát huy được hết tiềm năng của nó, hoặc tha hoá. Nhất là trong thời buổi ta dễ phân tâm bởi đủ thứ như hiện nay, nếu ta ngồi im (và lướt màn hình chẳng hạn), thì não ta không đẹp đẽ vẹn nguyên mà sẽ bày ra đó cho truyền thông nhào nặn. Trong cuốn "Trí tuệ giả tạo", tác giả Nicholas Carr cảnh báo điều đó và cảm thán: "Tôi thấy nhớ bộ não cũ của mình". 

Cá nhân mình, một cách hết sức riêng tư, cho rằng kẻ thù của việc học là sự tự phát, lười biếng, tự mãn, chủ quan, bảo thủ, và nhất là cái thái độ. Nhiều thái độ mà ít sự cầu tiến, thì đi đâu cũng chỉ có quan điểm của tôi là nhất. Trong sự học thì ta thấy rằng quan điểm cá nhân là một hạt cát giữa mênh mông bể Sở những bộ óc lớn.

3) Bản chất sự học là tĩnh: Nhớ hôm trước đọc cuốn "Về nhà" có đoạn trích trong sách Phật, bảo rằng bản chất sự học là tĩnh. Đoạn trích ấy như sau: “Phật nói có nhiều thứ chướng ngại sự tu hành, như tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, thân kiến... Với giới trí thức, cái ‘mạn’ và cái ‘nghi’ thường là cái ngăn họ đến với sự thật. Khi xưa Phật đã gọi những người như thế là ‘thế trí biện thông’, họ có trí tuệ thế gian nhưng không thể ra khỏi cái thuộc về tâm trí. Vẫn đang hoạt động bằng ‘thức’. Tu chuyển ‘bát thức’ thành ‘ngũ trí’. Mà trí thì thuộc về chỗ tĩnh chứ không phải chỗ động.” Cho nên nếu học xong mà cảm thấy bồn chồn bất an, mà muốn hành động ngay, ngay tệ hơn, gây hấn, cãi cọ, thì phải cẩn thận, chậm lại một nhịp nữa. Mấy hôm nay mình đọc được một vài tài liệu hấp dẫn, cảm thấy lòng sáng rõ và bình tĩnh lạ lùng dù cách đó 1 tiếng thôi sự việc đang rối như tơ vò, bao thứ phải lo nghĩ (tình cờ giai đoạn này cuộc sống cá nhân của mình cũng có vài biến động). Mình càng hiểu hơn cái tính chất tĩnh của sự học. Những lúc như vậy, mình thường muốn yên lặng sau đó, hoặc lời nói ra có cái vẻ khoan hoà dễ nghe hơn.

Kêt: Để kết lại, mình thích trích dẫn đoạn này (tạm thời quên nguồn, để mình tìm lại):

"Liệu học xong, xã hội có biết cho tôi không? Có bảo đảm đặt tôi vào đúng vị trí không? Hay lúc ấy những miếng thơm miếng bùi, người ta chia nhau hết rồi, và việc học của tôi chỉ phí công vô ích. Trong khi đó thì tuổi trẻ qua đi, bao niềm vui trên đời này, người tự học không được hưởng?
Tôi muốn trả lời:
- Đúng, chả có gì bảo đảm cả. Thế nhưng, để trở nên hữu ích và có thể khẳng định bản thân, dẫu sao cũng phải học tiếp. Học cho chính mình chứ không phải học cho ai hết.
Việc học đó không bao giờ vô ích. Xét trên tổng thể đời sống bao giờ cũng gồm cả hai vế. Nó vừa "xanh như lá, bạc như vôi", vĩnh viễn vô cảm bất trắc; lại vừa hết sức công bằng, biết đền đáp cho mọi nỗ lực, tức biết đặt mỗi người ở đúng vị trí người đó phải có."



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây