Tưởng niệm thầy Chu Văn Sơn



Dạy học sinh lứa 2k trở đi, lại ở trong những ngôi trường hiện đại bậc nhất của thành phố lớn nhất nước, không khỏi thấm thía những khác biệt. Khác biệt vô vàn, nhưng trong đó, chắc chắn có chuyện những đứa trẻ nhà giàu không ai dại gì đi say mê văn chương, ngấu nghiến sách vở văn học Việt Nam nhiều như đám gà chọi trường chuyên thời ấy. Nhiều khi ngồi với học sinh, cảm thấy khoảng cách thế hệ là cái quá rõ ràng, bởi vì muốn nói cho chúng về những đam mê mà mình cho rằng rất rất ý nghĩa đó, mình không biết nói từ đâu, nói sao cho chúng cũng thấy hay ho và ý nghĩa.

Làm sao nhỉ, có thể nào để cho những đứa trẻ 16, 17 tuổi ôm vào lòng một thần tượng nào đó không phải là ca sĩ Hàn Quốc, diễn viên Thái Lan, mà là một nhà thơ Việt Nam chẳng hạn? Để chúng biết đồng cảm mà sầu thương cùng những người ở những cảnh ngộ chẳng liên can gì đến ta, ví như hôm trước mình đã giảng cho học sinh về Hàn Mặc Tử: Em có hình dung một người đang sống bên trời quên lãng, cách thế giới đời thường một vách ngăn của bệnh tật và lo âu sự chết, họ cảm thấy thế nào:


Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?Ai đem tôi bỏ dưới trời sâuSao bông phượng nở trong màu huyếtRỏ xuống lòng tôi những giọt châu


Đồng cảm được với cảnh ngộ này, những câu thơ này, mình tin em lớn lên không vô cảm tầm thường.


Và cùng lúc đó, em sẽ tìm ra vô vàn tri âm, tri kỉ. Em sẽ tìm thấy thần tượng của mình, chẳng đâu xa, ngay từ những trang sách và dòng viết. Ví như mình hồi đó, đọc thầy Mạnh, thầy Sơn viết phê bình thơ văn và nhà thơ nhà văn, tới ngủ cũng nằm mơ, giọng văn cũng tập tành có cái hơi hướm của người ta (vô ý và cố ý) rồi sổ tay thì chép đầy những câu văn đẹp cất ra từ cõi lòng của họ. Nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, độc giả, mình quan sát thấy mối quan hệ vấn vít giữa họ ở ngay chính trường hợp của một nữ sinh phổ thông vô danh, đêm đêm chong đèn pha cà phê đọc sách và viết lách tới sáng. 


Mình luôn nghĩ rằng rất rất nhiều đức tính, khả năng chịu đựng, sức sáng tạo của con người trưởng thành sau này đã khai sinh từ những đêm học trò đó, những đêm mà mình luôn nghe thấy lời rủ rê đi vào chiều sâu của văn chương để thám hiểm và sung sướng khi trở về vào sáng hôm sau. Tuổi 17 tuy gầy gò xanh xao, nhưng máu huyết khi nào cũng rần rần sung sức, trong lòng đầy tình cảm đẹp, khát vọng lớn. Mình luôn ước sao cho mỗi em học sinh của mình đều tìm thấy một con đường sâu hun hút nào đó để đi như vậy, để thử thách sự vượt khó, để cho tuổi trẻ các em trôi qua nhiều cảm hứng và đam mê. Nhưng mình lại không dám khuyên các em đi con đường giống mình, vì còn bao con đường khác. Nhưng, lại nhưng, mình không chắc rằng thời buổi này, các em có thể tìm thấy một con đường rạo rực như thế.


Vì vậy, hôm trước, khuyên một em học sinh tìm cuốn Ba đỉnh cao Thơ mới để đọc, mình thật sự hiểu rằng sẽ rất lâu và rất xa nữa để em, giữa vô vàn điều hấp dẫn gây phân tâm trong xã hội nghe nhìn này, đi đến được khoảnh khắc chạm vào cuốn sách mình đã giới thiệu cho em.


Và mình cảm thấy dường như không phải chỉ chục năm, mà rất nhiều thời đại đã trôi qua. Từ thời học sinh yêu dấu của mình tới thời học sinh hiện tại của các em, được chăm lo, được các nhà giáo dục sốt sắng soạn cái này cái kia cho học, là cả một đoạn đường vời vợi.


———


Chiều nay nhận tin thầy đi, mình càng cảm nhận rõ ràng cái cánh cửa của thời quá khứ đang khép dần. Một thời đại trong thi ca đi qua, rồi tới thời của những người mến mộ họ, có khả năng hiểu họ để nói lại cho thế hệ sau, những người cũng sống một cuộc đời “thơ” chẳng kém gì, rồi tới thời của những đứa nhỏ dễ thần tượng, thích mộng mơ như tụi mình. Rồi kế tiếp, ai sẽ đi tiếp con đường của cha ông, khi mà trẻ con chẳng ai còn mặn mà với thơ văn Việt Nam để làm gì nữa... Một cánh cửa đã dần đóng, ánh mắt của thầy, mái tóc Xuân Diệu bồng bềnh đã đi vào hư vô như một cánh hoa bay. Giữa hàng chục tin tức xã hội mỗi ngày, có ai muốn quan tâm tới một vì sao trong lòng nhiều thế hệ học trò chuyên Văn đã tắt?


Những người muôn năm cũHồn ở đâu bây giờ?


Còn mình, mình thấy mình như đang đứng mắc kẹt giữa cánh cửa sắp đóng, không biết nên ở lại quá khứ hay đồng hành tiếp cùng các em trên con đường tương lai tưởng như đủ đầy, hiện đại, mà lại thiếu hụt rất nhiều về tinh thần?


Thế là lại thẩn thơ tìm về mấy đoạn phim xưa thật trong sáng. 


———


Nhập học Văn khoa, 2010, có một con bé nhắn cho thầy: “Thầy ơi, em đã vào khoa Văn như ước nguyện, và em đang nhìn thấy thầy rồi này!”


“Chúc mừng em. Em nhắn cô Giang Chi còn nợ thầy gì nhé!”


(Là bài văn mình viết về thầy, cô Giang Chi hứa gửi cho thầy xem. Mình còn nhớ bài văn tên là “Không chỉ là củi khô” ^^)


Độ một tuần sau, có một con bé ngồi khóc sướt mướt trước sảnh nhà Hiệu bộ, lại nhắn cho thầy:


“Em trượt lớp Tài năng rồi thầy ạ.”“Em biết chị Minh Thương không. Chị Minh Thương cũng trượt lớp Tài năng, sau một năm vì xuất sắc lại được gọi vào lớp Tài năng. Vẫn luôn còn cơ hội. Cố gắng lên.”


Vì mấy lời đó mà suốt một năm con bé bình tâm lại, học hành say mê vui vẻ. Để rồi một năm sau điều thầy nói trở thành hiện thực, mình được gọi vào lớp Tài năng, thoả mơ ước, dù sau này thấy dư vị của một ước mơ cũng chẳng toàn là ngọt ngào.


Tháng 5/2014. Tốt nghiệp khoá 60, trong hội đồng Văn học Việt Nam chắc không ai là không biết vụ của mình (đại khái đòi bảo vệ đề tài “nhạy cảm” để rồi bị sờ gáy). Thầy Phượng, cô Bình, thầy Hiếu đều thương yêu viết cho mình những dòng đọc mà cay cay mắt. Sau chuyến đi Sài Gòn xin việc, mình về khoa làm nốt mấy thứ giấy tờ. Thầy gặp mình, chẳng an ủi, thương xót như ai, thầy nhoẻn cười hiền lành như ông tiên, hỏi han công việc của mình. Rồi tình cờ gặp ai đó quen, thầy kéo lại, khoe “Ngọc Hà bây giờ sắp vào Sài Gòn, và có tận hai trường đang “giành giật” cô bé này đấy nhé!”. Chẳng ai giành giật mình cả, nhưng cái lối nói khoa trương ấy, có phải cũng ánh lên chút tự hào như người cha với đứa con. Mà mình, chính là đứa con ương bướng, làm cái gì cũng ưa khác người, gây hấn để thầy cô lo lắng. Mình tự nghĩ vậy, tự thấy cảm động.


———


Mình vốn vô tâm, thấy chuyện sinh tử qua mạng xã hội, luôn không ép mình phải cảm động khi không thật sự cảm thấy thế. Nhưng chiều nay biết tin thầy mất, cảm giác như một đoạn trong quãng đời học sinh - sinh viên của mình trở nên trắng xoá, bay vào hư vô cùng mái tóc pha sương bồng bềnh.


Đêm muộn, thương thầy nhiều quá. Có phải trong những giây phút cuối cùng, không còn nói được gì, trong tâm trí thầy cũng đang tự hỏi: Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu? Câu hỏi chưa kịp trả lời, thầy đi quá vội...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây