Nghĩ ngợi lan man trong một ngày buồn của giáo dục


1. Vụ việc em học sinh lớp Một tử vong trên xe là một câu chuyện buồn của giáo dục trong thời điểm đầu tuần, đầu năm học mới. Con số Một là con số của sự khởi đầu, em học sinh chập chững bước vào cánh cửa trường học mang theo biết bao hy vọng của gia đình và hẳn là cả những háo hức của bản thân em. Cánh cửa mở ra những tưởng sẽ chỉ đem đến những “viên kẹo ngọt ngào”, nào ngờ đã quá sớm đóng lại với em.
2. Bên cạnh tài xế, lãnh đạo nhà trường, ở đây, một người có lỗi lớn là giáo viên phụ trách điểm danh, báo cáo (có thể là GV chủ nhiệm hoặc người GV chuyên trách việc này). Công việc điểm danh, báo cáo đã có lỗ hổng mà hậu quả lập tức đem về quá lớn, không cách gì khắc phục, khó lòng mà bao biện. Đó là một bài học đắng cay.
Lỗi do quy trình? Nhưng công việc của nhà giáo dục có những chỗ mà tình thương, trách nhiệm bù lấp được cho những sơ hở của quy trình. Vậy nhưng tất cả những người lớn trong câu chuyện, không một ai làm được công việc bù lấp này.
Trong các ngành khác, sai lầm này có thể được khắc phục. Trong giáo dục, nó trở thành điều quái gở, thậm chí, táng tận lương tâm.
3. Vậy, tại sao GV, nhân viên làm việc cứng nhắc trong vô cảm như vậy? Mình phỏng đoán nguyên nhân: đó là sự không hạnh phúc.
Khi giáo viên có đủ hạnh phúc, họ sẽ được sống đúng với trách nhiệm của người đã lựa chọn nghề nghiệp này. Sức ép giảm xuống, sẽ có chỗ cho tiếng nói của trái tim lên ngôi. Sự mềm mại, tinh tế, bao dung, quan tâm sẽ được sử dụng nhiều hơn. Sai lỗi vẫn có thể xảy đến, nhưng hậu quả có thể không kinh khủng bằng. Khi chúng ta có thời gian để vừa làm, vừa review, vừa cảm nhận bằng trái tim, kết quả sẽ khác.
Mình lại tiếp tục phỏng đoán: Trong câu chuyện trên, chỉ cần là một người giáo viên khác, có khi em học sinh đã được cứu. Một người giáo viên tỉnh táo hơn, hạnh phúc hơn, hiểu biết hơn, trách nhiệm hơn. Một người được sống trong một môi trường mà có thể làm điều họ thấy cần phải làm, theo lẽ thường. Thậm chí, nếu người giáo viên ấy đang stress, thì một giấc ngủ đủ, một lời động viên, một dìu dắt tận tình, một ánh nhìn rộng lượng mà giáo viên được nhận, có khi cũng cứu được một mạng trẻ, nhiều mạng trẻ.
Còn đây, trong một dây chuyền mà mắt xích nào cũng có vấn đề, giáo viên cũng vậy nốt, thì quả là vô vọng.
4. Các anh chị em GV ở quanh đây có thừa nhận rằng: Nhiều sơ suất trong nghề xảy ra, không phải do nhân cách người thầy, không phải do hiểu biết hạn hẹp. Có thể do sự quá tải hoặc stress. Căng thẳng dễ dẫn đến không tỉnh táo. Một số chức năng cảm xúc cũng sẽ mất đi khi stress quá độ. 
Khi điều đúng không được tưởng thưởng, thậm chí bị cho là làm chuyện "không ai khiến", mà áp lực lại nhiều, người ta sẽ thành cỗ máy của quy trình. Máy thì sẽ có sai số. Sai thì sửa. Và đó chính là vô cảm. Bởi vì mình cho rằng trong giáo dục, có những khi người ta phải thấy trước lỗi sai, hốt hoảng vì có-thể-sai, và ngăn chặn lỗi sai xảy ra, chứ không phải chờ cho xảy ra rồi sửa.
Vì kết quả là cả tương lai của một-con-người.
Dù ai có vấn đề, thì khi có scandal, người giáo viên cũng là người rời bục giảng trong xót xa. Nhận trách nhiệm về mình. Đó là điều cuối cùng tử tế ta có thể làm. Và một lần rời bục giảng, có khi chính là không bao giờ quay lại được nữa. Những trường hợp ngậm ngùi như thế này không phải lần đầu.
5. Vậy thì chính ta phải cứu mình. Ta thử nghĩ xem, làm thế nào để những sơ suất sai lầm không thể xảy ra nữa?
Chúng ta không thể thay nền giáo dục chữa những ung nhọt mang tính hệ thống của nó. Chúng ta không có thẩm quyền để giúp nhà trường khắc phục sai lầm của họ. Chúng ta không có tiếng nói để khuyên răn một ai. Ta cũng đâu thể tự gỡ hết gánh nặng trên vai ta: quy trình, lãnh đạo, thưởng phạt, cơm áo... 
Trong thân phận bé mọn của mình, mình nghĩ chúng ta chỉ có cách:
- Trở nên hiểu biết hơn.
- Trở nên hạnh phúc hơn.
- Trở nên đạo đức hơn.


Để dù có thể chưa được tung cánh thực sự mà làm nghề, thì vẫn không bị đẩy vào những sự cố nguy hiểm.
6. Hiểu biết hơn bằng cách học tập không ngừng. Học cách nào thì mỗi người đều có thể tự lắng nghe nhu cầu của mình.
Hạnh phúc hơn bằng cách tự tạo cho mình thời gian để cân bằng, biết lắng nghe và tin tưởng chính mình, biết thương bản thân, biết nghỉ ngơi. Muốn vậy phải biết từ chối, biết chấp nhận.
Đạo đức hơn thì sao? Đây là một điều khó, chỉ cá nhân người dạy biết ranh giới mỏng manh, biết rằng cái gật đầu nào sẽ dẫn tới điều vô đạo thật gần, biết rằng chén cơm mưu sinh nào đến từ sự dễ dãi, tắc trách, biết rằng khi nào ta đã dung túng cho chính ta...
Tóm lại tất cả đều là”tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta”. Giáo dục làm sao dạy con người hiểu mình, tin tưởng mình, lắng nghe mình, đã là một thành công.
7. Bởi vậy mình luôn cảm thấy rằng việc đỡ “tạo nghiệp” nhất mà mình có thể làm trong bối cảnh giáo dục này, ấy là dạy vừa đủ, và dành thời gian cho việc học. 
Dạy vừa đủ, nên mấy năm qua mình thấy dễ thở trong những môi trường nho nhỏ, vừa sức, nơi mình kiểm soát được các ảnh hưởng tốt, xấu của mình lên học trò và có thời gian điều chỉnh.
Đi học là việc luôn nằm trong kế hoạch của mình. Học để bớt dốt, bớt dốt để bớt ác. Đơn giản có vậy thôi. 
8. Nhưng để sống không dốt và không ác, mình nhận ra, người ta phải có tiền. Hoặc rất nhiều tiền. Và đó là điều không phải giáo viên nào cũng may mắn có được.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây