Nhất Linh và Đà Lạt

Nhất Linh nổi tiếng vì các tiểu thuyết thời Tự lực văn đoàn, vì từng làm chính trị, giữ tới chức Bộ trưởng, vì tính cách xông xáo dấn thân, sự ngay thẳng quyết liệt, cái chết do tự tử vào ngày trùng thất (7/7). Câu nói đi vào lịch sử của Nhất Linh là “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không để ai xử cả.” Nhất Linh là một trí thức có nghĩa khí mà câu chuyện về ông luôn được trầm trồ, hâm mộ. Hồi Đại học mình có làm một báo cáo khoa học về ông.
Nhất Linh có liên quan gì đến Đà Lạt? Chúng ta có thể đọc bài viết "Tiếng hắc tiêu trên đồi thông" trong cuốn sách "Đà Lạt - một thời hương xa" của Nguyễn Vĩnh Nguyên.

Sống và hoạt động chủ yếu ở Hà Nội, Sài Gòn, nhưng ít ai biết Nhất Linh có 4 năm ở ẩn ở Đà Lạt. Bốn năm ấy ông đã thật sự nhàn dật, ngày càng lùi sâu vào rừng, trồng và nghiên cứu sâu về lan, và viết tiểu thuyết Xóm Cầu Mới. Cuốn tiểu thuyết này chính là đề tài nghiên cứu của mình hồi sinh viên - một cuốn tiểu thuyết trường thiên có tính cách rất Việt Nam.
Nhất Linh đã “xuất thế” đến nỗi ông tự dựng một căn nhà gỗ bên bờ suối Đa Mê và một mình ở đó trồng lan, viết văn, lâu lâu tiếp đón bạn bè. Một cuộc sống giống như bất cứ miêu tả nào về các cư sĩ thời trung đại mà ta ngỡ chỉ có trong văn. Cuộc sống như là Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Thoreau ở Walden. Như là Đen Vâu hay rủ rê trong lời nhạc của anh ta: mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau.
Bất cứ một lựa chọn nào cũng chứa nhiều khó khăn, trả giá mà ta không thể chỉ ca tụng một mặt. Nhất Linh có lẽ cũng không hoàn toàn là vui vẻ trong 4 năm ở Đà Lạt. Cơn bão biến ngôi nhà gỗ của ông thành đống hoang tàn năm 1958, có lẽ cũng đã cuộn lên những vụn vỡ nằm yên bấy lâu trong lòng ông. Nhất Linh trở lại Sài Gòn sau 4 năm, lại nhập thế, lại xuất hiện, hành động, lên tiếng, và kết thúc với lòng tan tác hơn.
Có lẽ con người còn tha thiết với cuộc đời và mang máu hành động rất khó để ngồi yên một chỗ dù điều đó tốt cho bản thân. Mới hiểu cái khó khăn trong lẽ “xuất - xử - hành - tàng” của người xưa, cuộc sống đôi khi đẩy ta vào những tình thế không thể nhanh chóng lựa chọn.
Những bài học này còn thấm thía với thời hiện đại. Con người ngày nay cũng bị đòi hỏi phải có vô cùng nhiều kỹ năng để thích nghi, lựa chọn, nhất là khi cạm bẫy còn nhiều hơn, đúng sai, trong đục, sang hèn chẳng phân cách rõ ràng bằng hồi xưa.
Nhưng chốt lại vẫn là mình cũng rất yêu Đà Lạt như Nhất Linh vậy đó. Phải có một lý do gì đó khiến đây luôn được lựa chọn là nơi cho những ẩn náu của tâm hồn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây