Chuyện “bún thun” và mạn đàm về tiếng nói



1. Trưa ghé tiệm Bún bắp bò Hải Yến trên đường D2, làm một tô bún bắp gân, như thường lệ gọi thêm trứng chần và một ly nước cam. Với “đam mê” cộng với “kinh nghiệm” … ăn bún bò khắp ba miền, mình đánh giá cao tiệm bún bắp bò Hải Yến này. Tô bún trông thật hấp dẫn, sạch sẽ và chỉn chu. Miếng thịt bắp mềm mềm giòn giòn, miếng gân thơm béo, nước dùng toả ra mùi thơm của sả, vị chua ngọt của trái dứa. So với tiệm Tân Bún Bò cách đó không xa thì tốt hơn về mọi mặt: nước trong, thịt đậm đà và giá lại còn rẻ.

Đi ăn chỉ mang theo một chiếc điện thoại Nokia cùi, nên không có gì để bấm bấm vuốt vuốt, bèn đưa mắt ngắm phố phường, ngắm người làm bếp trong khi chờ dọn món. Trên tay cô chủ quán là bó sả xanh tươi, được đập dập, rồi bó chặt vào với nhau bằng một cọng dây thun. Sau đó, cả bó sả được thả vào nồi nước. Ái chà, chắc là nước sẽ thơm nức lên bởi vị sả đây!

Nhưng… khoan, hình như có gì đó sai sai. Mình bèn tiến lại gần, thì thấy rõ ràng, vẫn là cọng thun đó, nằm trong nồi nước đó.

  • Con muốn xem à? Muốn học nghề à?
  • Dạ không. Sao cô bỏ dây thun vô nồi nước vậy cô?
  • Có chút xíu à con, có sao đâu?
  • Có chớ cô. Cái này là cao su đó cô, gặp nước nóng nó sinh ra chất gì ai mà biết được.
  • Có một cọng thun chớ mấy. Đây này, bó sả to ở dưới đáy nồi thì cô dùng dây vải để buộc, ngày nào cũng đem dây vải ra giặt.
  • Chút xíu vậy cũng đủ gây bệnh đó cô.
  • Ngày nào gia đình cô cũng ăn đó con. Không sợ bệnh đâu.
  • Thì biết cô không cố tình, nhưng tìm hiểu thì sẽ biết nó chẳng tốt lành gì. Khách hàng giờ người ta kỹ tính lắm, cô bỏ ra đi.
  • Ừ, con nói vậy thì cô bỏ ra luôn.
Nói rồi, cô vớt bó sả ra, rồi dùng một trong các cây sả để buộc bó sả, thay cho cọng thun vừa nãy. Cô tâm sự thêm như trần tình, rằng cô chú tâm huyết với tiệm này lắm, nước dùng của cô chú ninh từ bao nhiêu xương, cạn là bỏ, ninh nồi mới, chứ tuyệt đối không chế nước lã vào ninh lại. Rằng trong tiệm này, tới lọ măng chua cũng là tự làm… Nghe xong thấy quả là rất có tâm.

Tô bún dọn ra, vẫn nghi ngút hấp dẫn như ngày thường, lại như nhiều thịt hơn hẳn. Nếu không nhìn thấy chuyện “bếp núc” vừa rồi, hoặc giả căn bếp được giấu kín vào bên trong, chắc đây xứng đáng là một tiệm bún bò số dzách trong mắt mình.

Ngồi ăn mà cứ suy nghĩ hoài. Mình rất muốn đặt niềm tin vào các cửa hàng kinh doanh gia đình, nhỏ lẻ. Cũng bởi đâu có tiền mà đi ăn nhà hàng hoài. Nhưng những hộ kinh doanh này lại không có ai quản lý, ngoài chính lương tâm và hiểu biết của họ. Mà lương tâm, hiểu biết của những người lao động này, hãy còn nhiều điều đáng lo. Họ đâu cố ý, nhưng hiểu biết của họ chỉ tới đó.

Rút ra: Nhiều khi chúng ta vô tình làm điều ác chỉ vì chúng ta kém cỏi mà thôi. Cho nên cũng cần nêu cao một khẩu hiệu rằng: “Học nhiều hơn, đọc nhiều hơn, để cho bớt dốt. Bớt dốt để bớt ác”. Đơn giản vậy thôi à!

2. Nếu bạn là mình, trong trường hợp trên, bạn phản ứng thế nào? Lúc ấy, cũng có một suy nghĩ trong mình rằng hay là mình im lặng rồi lẳng lặng cạch mặt tiệm này là xong. Bởi vì giới buôn bán có người dữ, người hiền, biết họ ra sao mà mình nhiều chuyện, coi chừng lại rước hoạ vào thân. Nhưng im lặng, thì sẽ có bao nhiêu cọng thun được nhúng vào nồi nước dùng trong những ngày về sau? Sẽ có bao nhiêu tô “bún thun” cho thực khách? Khoảnh khắc quyết định, tiếng nói của điều đúng luôn mạnh mẽ hơn và truyền cho mình lòng dũng cảm.

Đó cũng là motif chuyện lặp đi lặp lại trong đời mình suốt bao năm qua. Im lặng để dĩ hoà vi quý, được lòng các chị em bạn dì trong tập thể? Hay lên tiếng chỉ cho một điều duy nhất: niềm tin vào điều đúng? Mình đã sử dụng một niềm tin mãnh liệt vào sự chính trực để bất chấp nhiều tình huống bất lợi cho bản thân, luôn lựa chọn nói lên tiếng nói của mình.

Một khi lựa chọn nói ra, thì ngay lập tức, sẽ thấy xuất hiện người thương kẻ ghét rõ ràng, mà đám người ưa ghét bỏ, tụ tập nói xấu, xuyên tạc đủ thứ thì luôn đông hơn số còn lại. Nói ra như vậy, nhiều khi cũng chẳng giải quyết được gì, lại bị cô lập, bị quy kết là thế này thế nọ. Ai mà biết được người bán hàng có chân thành thấy lỗi sai, quyết tâm thay đổi không. Hay khi mình vừa dắt xe đi khỏi, sẽ là những cái bĩu môi chê bai, và ngày mai đâu lại vào đấy?

Sẽ rất nản lòng bởi những lực cản ấy, nếu không kiên trì với suy nghĩ rằng:

“Tôi nói ra không phải vì quyền lợi cho chính tôi, cuộc đời tôi đâu có ngày nào theo đuổi địa vị hay vật chất? Tôi nói ra chính là cho các bạn, cho những người sau này, cho bức tranh chung được sáng sủa hơn, cho công việc của chính mọi người được thuận lợi hơn.”

Và đó là niềm tin mình theo đuổi. Và kết quả của những tiếng nói mạnh dạn luôn khiến mình mỉm cười trong im lặng, dù khi ấy bạn bè hội nhóm có thể đã bỏ đi xa cả rồi.

Rút ra:
  • Chúng ta cần nhiều hơn những tiếng nói. Mỗi người, dù giỏi kém tới đâu, dù ở vị trí nào, thì tiếng nói của họ cũng cực kỳ có giá trị cho xã hội. Dù chỉ là một việc cỏn con như cọng thun trong nồi nước dùng, thì tiếng nói của bạn vẫn giúp ích cho vô số người khác. Nếu có cơ hội được nói, thì đừng tự triệt tiêu tiếng nói của mình, biến mình thành vô hình - vô thanh, như con sâu ẩn mình trong đám lá. Việc đó chẳng những tự tước đi của bạn rất nhiều cơ hội cống hiến, mà còn tạo ra tình thế đơn độc bất lợi cho những người thẳng thắn.
Có một chương rất hay trong sách Walden của Henry David Thoreau nói về chuyện này. Tiếng nói của con người có sức mạnh khủng khiếp, có thể cuốn trôi thành quách, đế chế như cuốn trôi một mảnh vỏ bào.

Đồng ý là phải học lên tiếng đúng cách, học cách nói hiệu quả, nhưng trước hết, hãy luôn có mong muốn được cất lời cái đã.

Năm mới, mình chỉ muốn nhắn nhủ tới những người học trò, người bạn, người em xung quanh mình duy nhất một điều đó thôi: Nếu có thể được, xin đừng lặng im!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây