Chuyện ở SSIS


1. Bạn sẽ làm gì khi: 
- 100% học sinh lớp Vietnamese Literature của bạn nói rằng chúng không thích Việt Nam.
- Chúng nghĩ rằng lý do chúng phải ngồi đây và hy sinh giờ thể thao, hy sinh việc đi về nhà là “the government”. Cái “government” đó trở thành một từ khoá giễu nhại kinh điển nhất trong các lớp Việt Nam học chiều thứ Tư.
- Học sinh nói và đọc tiếng Việt chưa sõi, có thói quen chèn tiếng Anh.
- Học sinh không thể sống thiếu thiết bị điện tử trong một phút.
2. Nản? Sốc? Ghét? So bì với giáo viên các môn dạy bằng tiếng Anh và tủi thân? Tìm cách than phiền đổ lỗi? Vậy thì sợi dây duy nhất gắn bạn với công việc này khó có thể là gì khác ngoài ... tiền và ngày nào tới lớp bạn cũng muốn bỏ việc mất thôi? 

3. Với một giáo viên đã chuẩn bị trước tâm lý cho những điều này và chờ đợi chúng như những thử thách trong sự nghiệp, mình thấy ... bình thường. Như mình đoán, mình đã tìm ra tại đây, lớp học bé nhỏ này nhiều câu chuyện thú vị để mài giũa góc nhìn của chính mình. Và mình thích kể lại cho mọi người nghe.
4. Dạy hai khối lớp 6 và 9, mình thấy rõ sự khác biệt. Các bé lớp 6 hồn nhiên, tình cảm, thích chia sẻ, lớp 9 khép mình, lạnh lùng. Khả năng đứng từ nhiều góc nhìn để đánh giá một vấn đề và tận hưởng niềm vui trong hiện tại của các bạn lớp 6 tốt hơn gấp nhiều nhiều lần lớp 9. 
Ok, chúng ta phải học vì “the government”, nhưng nếu tiết học thật sự vui thì sao, người chia sẻ thật sự thú vị thì sao? Lớp 6 sẽ vô tư vui vẻ để có 90 phút thoải mái với nhau, còn lớp 9 đóng chặt cánh cửa, đã mặc định là chán ốm thì dù có gì xảy ra đi nữa, vẫn là chán ốm.
5. Định kiến phủ lên trước mắt em một tấm màn đen thui, em không còn có khả năng cũng không đủ kiên nhẫn để nhìn thấy cái tốt đẹp ở nơi đã gây cho em quá nhiều thất vọng. 3 năm liên tục, em đã hy vọng rồi thất vọng. Nhìn xem, người lớn chúng ta đã làm gì các em trong 3 năm đó?
Mình duy trì niềm tin “trẻ em không thể sai”, và mình nhìn chúng như một nạn nhân. Chúng là tờ giấy trắng mà người lớn vẽ gì thì sẽ ra thế đó! Ở một môi trường có thể gọi là cao cấp, sự chai lì về cảm xúc và những định kiến khủng khiếp này có đáng sợ không? Nỗi thất vọng này có đáng sợ không? Có chứ! Cho dù bước ra khỏi lớp học này, các em sẽ lại vùi mình vào những niềm vui mà em thích nhất, thì mọi thứ vẫn nên khiến chúng ta lo lắng!
6. Cách đây vài tuần, mình nghe tin một học sinh mình từng biết tự tử. Cuộc sống dẫu là phủ đầy nhung lụa, đầy những điều kiện tốt nhất mà nhiều bạn khác mơ ước cũng không có được, vẫn xám xịt và khiến em buồn đến thế sao? Vật chất, văn minh, nền giáo dục tiên tiến, không đi đôi với sức mạnh trong tâm hồn để giúp đứa trẻ bản lĩnh, vượt qua nỗi thất vọng. Và hôm nay, nhìn thấy gương mặt của các em lớp 9 ở SSIS, mình càng e rằng: càng nhiều những điều em biết, càng nhiều niềm tin mà em xác quyết, sẽ là càng nhiều nỗi buồn, càng ít niềm vui hồn nhiên. Đời sống tới một lúc nào đó dần trở nên chán ốm và chẳng đáng để sống. Sao lại không thể?
7. Mình sẽ chẳng lăn tăn nhiều nếu không phải là người dạy cái môn gọi là Văn học. Nếu truyền đạt xong kiến thức trong sách mà học trò vẫn chán đời, bước ra ngoài kia những kiến thức em nghe chẳng giúp gì cho em, thì có phải là người dạy Văn đã làm xong bổn phận?
Mình thích câu “Only the braves should teach”. Trước những biểu hiện mà mình quan sát thấy ở trẻ, thậm chí là sự phũ phàng hay hỗn xược chúng ném vào mình, nếu mình không phải người xử lý và giúp đỡ, sẽ là ai? Giữa giáo viên và học sinh không thể nào là trận chiến tay đôi, người thầy đổ lỗi hết cho “nhân cách” của đứa trẻ. Làm sao có thể đổ lỗi cho cái mà anh chịu trách nhiệm?
8. Thế là mình quăng giáo án qua một bên, cũng không ép học sinh ngồi nhai cả chục trang văn bản khó nhằn. Mình muốn lần theo sợi dây đã nối chúng mình ngồi lại đây với nhau: quốc tịch Việt Nam, để trò chuyện với chúng.
9. Bạn Phú là bạn học sinh có gương mặt cực kỳ Việt Nam, chọc cười là cả lớp sẽ cười. Phú sõi tiếng Việt và tiếng Anh dĩ nhiên là tốt. Phú lên đứng cạnh mình và được trao vai trò “người phiên dịch”. Cả lớp ai cũng thích nghe Phú nói.
Rồi mình nói một câu, Phú dịch một câu. Bắt đầu như vậy: “Có một người đàn ông tên là Hạc (Phú dịch là Flamingo man). Vợ mất sớm, ông ở với con trai và một con chó vàng. Con trai ông yêu tha thiết một cô gái đẹp, nhưng lại chẳng có tiền cưới cô. Buồn quá, chàng trai bỏ đi xa...”
Cả lớp yên ắng dõi theo từng câu mình nói, Phú dịch, cho tới cuối truyện. Một vài bạn lơ là dưới góc lớp không ngước lên vẻ lắng nghe, nhưng cũng giữ trật tự hơn. Chắc gì tai chúng đang không nghe?
Ngắn gọn như một mẩu chuyện cổ. Câu chuyện kết lại:
“Đây là một câu chuyện buồn. Một câu chuyện buồn về một giai đoạn của Việt Nam”.
“Người dân giai đoạn đó sống như vậy. Và họ đã cố gắng rất nhiều để có hôm nay”.
“Tương lai họ có thể tốt hơn hay không, có sự trông đợi ở chính chúng ta”.
“Tất cả những gì cô muốn, là con cảm nhận được một chút xíu liên hệ với đất nước này, rằng con với những con người đau khổ này sống cách nhau không xa.”
“Rằng con có thể làm gì đó để giúp đỡ. Vì con rất giỏi”.
10. Ở tuổi này, gương mặt của những cậu trai, cô gái lớp 9 đã bắt đầu có nét người lớn. Lún phún ria, hoặc đôi mắt thật sâu và tinh anh. Từ những gương mặt đó ánh lên chút suy nghĩ. Ừ thì các con có thể bước ra khỏi lớp và lại quên ngay, nhưng trong óc chúng có khi đã chớm lên một sợi dây níu chúng với đất nước này, một chút xíu thân thuộc, bớt đi những cự tuyệt, cách xa. 
Rồi một ngày nào đó sau này, biết đâu chúng lại chẳng nhớ có một bà giáo bé nhỏ đã nói với chúng những điều xa vời trong một buổi chiều.
Giáo dục là khơi lên ngọn lửa, không cần phải là đổ đầy chiếc xô.
11. Và mình tin mình có sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, nếu họ chung niềm tin, tình yêu. Như cuộc nói chuyện với thầy giáo môn Spanish trong thang máy, hai con người khác môn dạy, khác quốc tịch, nhưng có tỉ thứ để chia sẻ vì học sinh của họ là chung. 
“Chúng ta cùng đi dạy. Tại sao lớp của anh quan trọng còn lớp tôi lại không? Chúng ta bình đẳng, học trò xứng đáng được vui và cảm thấy bổ ích trong mỗi phút chúng bỏ ra tại ngôi trường này.”


Thầy chìa tấm thẻ GV cho mình chụp lại. Mình hẹn sẽ email theo tên ghi trên thẻ để xếp lịch dự giờ lớp thầy, quan sát xem tụi nó thích điều gì. Nếu không tự thoái lui, tự đánh giá thấp mình và môn học của mình ngay trong đầu người dạy, thì kiểu gì cũng sẽ có cách. Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Điều kỳ diệu sẽ xảy ra!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây