Nửa đêm bốc phét




1. Tôi thức khuya đọc sách. Bao giờ khi đang đọc, tôi cũng thấy trong mình tràn lên một niềm kiêu hãnh ngầm ẩn, rằng tôi đang được đến với một thế giới rất cao quý, đẹp đẽ, độc đáo, khác xa cái cuộc sống chật hẹp và tầm thường mà những người quanh tôi đang sống. Điều đó khiến cho tôi, trong lúc đọc, vẫn len lén để ý xung quanh, xem người này, người kia đang làm gì, đoán xem hành động sắp tới của họ như thế nào, thường thì chẳng sai: một người vừa lướt web mê mải xong, gấp máy tính lại thể nào cũng nói nhiều như để xua đi sự bất an, và thấy tôi đọc sách thì kiểu gì người ta cũng ôi cậu chăm thế, sách gì đấy tớ xem nào. Tất nhiên đang mang một sự tự kiêu sâu sắc, tôi làm sao có thể thoải mái mà giới thiệu về cuốn sách. Định làm lơ, nhưng rồi tôi lại lật bìa sách một cách qua loa cho người ta xem, để họ dù đã nhìn cũng chẳng thể đọc kịp cuốn sách và tên tác giả. Sau đó, như thường lệ, tôi ăn năn. Hic. Tôi thường nói rằng vì tôi yêu nhân loại lắm nên khi làm người khác buồn, tôi cũng có chút phiền muộn. Hihi. Nhưng cảm giác đó kéo dài không lâu, bởi tôi còn phải quay trở lại với cuốn sách. Và tất cả những gì sinh động, kì lạ, đẹp đẽ và buồn bã trong những trang viết lại cuốn tôi đi. Tôi đọc, cứ một niềm mê say, thích thú dấy lên, lại có một bất an nho nhỏ xuất hiện để đi kèm. Tôi thấy mình bé nhỏ trước trang sách, tôi không biết mình có đủ sức hiểu những gì tác giả nói hay không, tôi chỉ sợ rằng mình đọc mà không hiểu, nhưng tôi không thể bỏ cuộc vì tôi luôn nhận ra rằng mình lờ mờ hiểu và có thể hiểu, vì thế tôi cố gắng. Đọc đi rồi đọc lại, mỗi lần lật ngược về những trang trước tôi tràn đầy lo âu những đọc xong một lượt, thấy hiểu hơn một chút thì lại hạnh phúc. Trong khi đó, tôi vẫn không ngừng bị gián đoạn bởi tiếng ồn xung quanh và cảm giác khó chịu của mình về mọi người. Và đó là cách mà sự đọc của tôi diễn ra.

Trong những ngày đầu của một người có thể nói là đang tập tành bước vào một sự đọc thực thụ - hoàn toàn khác với kiểu đọc như từ trước đến nay của tôi – những trạng thái tinh thần trên âu cũng là dễ hiểu. Niềm lo âu, sự mất tập trung thường xuyên và một sự nỗ lực âm thầm là những điều đã diễn ra thường trực ở tôi, nó vừa cản trở vừa khiến cho việc đọc được duy trì.

Sau tất cả, tôi vẫn thấy mình hạnh phúc. Niềm hạnh phúc sẽ lớn dần lên vì tôi nghĩ, cứ chịu khó đọc một thời gian nữa, chắc mình sẽ khắc phục được nhiều thứ. Sẽ tập trung hơn, suy nghĩ giản dị và thân thiện hơn. Tôi vẫn thầm ao ước có một ngày nào đó, việc đọc đối với mình cũng sẽ giống như hít thở. Đó là một việc làm tự nhiên mà người ta thực hiện một cách hết sức giản dị. Và quan trọng hơn, đó là một nhu cầu thiết yếu mà thiếu nó, người ta sẽ không tồn tại.

2. Hôm nay tôi đọc xong Nam tước trên cây. Không hiểu sao tôi quay lại với cuốn sách sau một thời gian dài (một học kì) bỏ dở vì không thấy có gì hấp dẫn từ những chương đầu. Có lẽ đưa tôi trở lại với cuốn sách chính là sức hấp dẫn của Calvino, tác giả đã khiến tôi hoàn toàn bị chinh phục sau cuốn Nếu một đêm đông có người lữ khách. Thực ra khi đọc cuốn này tôi đã rất hoang mang ở những chương đầu, nhưng rồi sau đó mọi thứ diễn ra thật tuyệt vời. Với Nam tước trên cây cũng vậy. Không rõ vì sao phải đến lần đọc thứ hai, cuốn sách mới mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm và xúc cảm đặc biệt.

Hình ảnh vị Nam tước với gần như cả cuộc đời sống trên những cái cây của xứ BóngRâm ám ảnh tôi. Người ta yêu mến nhân vật này vì sự chính trực, nói là làm, bản tính tự do táo bạo, trái tim tràn đầy tình yêu và lòng lương thiện cùng những ý muốn tốt đẹp cho mọi người, trong khi đó vẫn nuôi dưỡng một thái độ cách biệt vừa phải với đồng loại để tự có cho mình một thế giới riêng. Nói như Calvino, khoảng cách với đồng loại ấy là “tối thiểu mà không thể vi phạm”. Quan trọng nhất, trong khi sống cho mình, vẫy vùng cho thỏa khát vọng tự do và tình yêu thiên nhiên, Cosimo vẫn sống một cuộc đời có ích. Anh làm nhiều thứ cho những người xung quanh, anh đóng góp cho cộng đồng của mình và rộng lớn hơn thế là thời đại của mình, những điều thật tuyệt vời nhờ vào tài trí và bản lĩnh hơn người. Cosimo khiến tất cả chúng ta phải ngỡ ngàng trước những điều mà một con người có ước mơ và lí tưởng có thể làm được.

Lí tưởng ấy có thể xuất phát từ một giây phút bột phát của tuổi niên thiếu, và như vị Nam tước nói, anh cũng "không biết giải thích cho chính mình" (tr.355). Nhưng điều quan trọng là anh đã có nó và suốt đời anh cố gắng sống theo đó, buộc mình vào lời hứa sẽ không bao giờ đặt chân xuống mặt đất. Ước vọng lớn lao sẽ là ngọn đèn chỉ đường và là cội nguồn sức mạnh.

Cuộc sống trên cây của Cosimo có thể coi là một ẩn dụ về sự giải thoát, giải thoát khỏi bốn bức tường vây kín, giải thoát khỏi một thái độ sống ẩn núp, cúi mặt; thay vào đó là cuộc sống tự do, tràn đầy cảm hứng và sáng tạo cùng thái độ đường hoàng hiên ngang: “Ở trên cao thì lộ rõ, tứ phía đều thấy” (tr.309). Nói như lời giới thiệu ở bìa 4, cuốn Nam tước trên cây đã diễn tả thanh thoát và hài hước một luận đề triết học hiểm hóc: con người có thể đạt đến mức độ nhẹ nhõm như thế nào trong cuộc đời.

Song, tôi cho rằng, cuộc sống của Cosimo dù diễn ra ở tầng không, vẫn không hoàn toàn nhẹ nhõm. Khi trung úy Cánh Bướm gọi Cosimo là “một người-chim, một đứa con của Nữ quái mình cánh chim”, “một sinh thể của thần thoại”, anh đã đáp lại một cách khảng khái và hài hước “Tôi là công dân Rondo, đứa con của loài người, công dân chỉ huy trưởng ạ! Tôi đảm bảo với ông, từ phía cha lẫn phía mẹ.” Chọn cuộc sống trên cây, Cosimo không có ý định tách biệt mình với đồng loại nhằm đạt tới một sự cao siêu không thể sánh nổi. Anh đã cố gắng để khẳng định mình luôn có thể sống tốt dù ở đâu, quả như vậy, anh luôn nỗ lực và sáng tạo hết khả năng. Cái cách mà Cosimo xây dựng cuộc sống của mình ở vương quốc các loài cây thực ra chẳng có gì khác cách những con người ở dưới mặt đất thu xếp cuộc sống của họ. Cũng nhọc nhằn, lâu dài và đòi hỏi nhiều trăn trở không kém. Qua quá trình ấy, thấy toát lên triết lý về sức mạnh của tinh thần con người trong công cuộc chinh phục tự nhiên, khiến cho tự nhiên trở nên hữu ích, có thể phục vụ mình. Điều đáng nói là, cuộc sống của Cosimo không hề nhẹ nhàng, vô ưu mà cũng tràn đầy trăn trở và vui buồn như tất cả mọi người. Có tình yêu, nỗi đau buồn, thậm chí cả sự điên loạn khi xảy ra điều bất như ý. Tất cả đều tự nhiên và mãnh liệt tột cùng. Tạm gác lại ý nghĩa triết lý, tính chất của một luận đề, người ta có thể cảm nhận thấy, thật đơn giản, một câu chuyện ở đó tác giả đã đặt một cuộc sống bình thường với đầy đủ sự kiện và cảm xúc lên trên những cành cây như một thử thách, để xem nó biến đổi kì thú như thế nào, có gì khác so với khi ở dưới mặt đất. Và như vậy, cuốn truyện đem đến một trải nghiệm chân thật, cùng rất nhiều hứng thú và niềm vui. Trẻ con cũng có thể đọc Nam tước trên cây và tìm thấy những điều khiến mình thích thú. Người lớn đọc nó lại đôi khi cảm thấy tâm hồn thanh thoát, bay bổng và vui vẻ hơn, tựa như được trở về với tuổi thơ.

Văn chương đến với đời, có khi chỉ giản dị là một nguồn vui như thế.

(Không biết gọi Cosimo thế nào cho đúng. Thích gọi "anh". :) )

3. Khoe sách mới nè:











Trong số sách được nhận hôm nay còn có Shin - cậu bé bút chì nhưng quên chụp. Và đọc qua thì thấy khá nhảm nhí. Không biết có đúng thế không? :P

4. Từ nay mình sẽ ghi chép cẩn thận (không phải nắn nót như hồi xưa) khi đọc sách!




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

tự do của mùa hè

một kiếp người vừa thoáng qua như mây