Các chủ đề giáo dục từ phim Le Havre (2011)
Hôm qua mình tới trường dự buổi chiếu phim do Thea tổ chức. Thea học cùng khoa Edu với mình nhưng khác ngành - Globalisation (cả khoa Edu chỉ có hai chương trình Thạc sĩ quốc tế là EdTech của mình và EdGlo của Thea). Buổi xem phim cũng chỉ có vài người: Mình và Omar từ EdTech, Thea và bạn gì quên tên rồi từ EdGlo. Bạn này người Ý, bạn ấy kêu nhận ra mình liền vì từng học online chung, và bạn hiện đang quan tâm tới Cambodia nên chắc cũng sắp quan tâm tới Việt Nam ^^. Ngoài ra còn có hai bạn nữa cũng từ chương trình EdGlo.
Phim tụi mình xem là Le Havre (2011). Thea nói đạo diễn phim này - Aki Kaurismäki, được cho là đạo diễn xuất sắc nhất Phần Lan đương thời.
Le Havre (2011) kể câu chuyện về một người thợ đánh giày cố gắng bảo vệ một cậu bé nhập cư người châu Phi ở thành phố cảng Le Havre của Pháp. Phim do công ty Sputnik của Phần Lan sản xuất với sự tham gia của các nhà đồng sản xuất quốc tế ở Pháp và Đức. Đây là bộ phim nói tiếng Pháp thứ hai của Kaurismäki, sau La Vie de Bohème (1992). (trích Wikipedia).
Là người làm trong ngành giáo dục, mình dĩ nhiên có xu hướng tìm kiếm các chủ đề liên quan tới ngành mình trong bộ phim. Tuy nhiên, giáo dục là một phạm trù rộng, hầu như bất kể cái gì quanh đây cũng có thể nói cho chúng ta gì đó về giáo dục. Thế nên, mình muốn đính chính rằng Le Havre không phải là một bộ phim (trực tiếp) nói về/chỉ về giáo dục và giá trị của nó không dừng lại ở phạm trù này (không phải kiểu như cứ hễ nhắc tới phim giáo dục thì lại The Dead Society với Ba chàng ngốc ^^).
Rồi, bây giờ mình sẽ gắng đi qua nhanh nhất có thể các chủ đề giáo dục mà mình nhìn thấy từ bộ phim nhé!
1. Lá rách đùm lá nát
Mình cho rằng câu trên phản ánh một ý rất hay và rất then chốt về Globalisation/Global Citizen Education.
Ngoài lề một chút thì EdGlo thực sự là một ngành mà gần đây mình vô cùng vô cùng khoái. Thật ra mình từng apply vào chương trình EdGlo mà Thea đang học đó, nhưng không đậu ^^. Tuy nhiên lúc đó mình chẳng hiểu mấy về nó nên phỏng vấn cũng trớt quớt lắm. Nhưng gần đây mình vừa học xong khoá Global Citizen Education (GCE) với Joffy và mình thầm nghĩ rằng Joffy là giảng viên tốt nhất mà mình có thể gặp được trong chủ đề này. Khoá học đã thay đổi mình rất nhiều, cho mình thấy hiểu biết của mình về chủ đề này còn hời hợt. Nó cũng giúp mình tìm thấy được câu trả lời cho nhiều vấn đề riêng. Mình cho rằng GCE chạm tới một trong số ít điểm cốt lõi nhất mà thâm tâm mình vẫn luôn nhức nhối/có nỗi đau nhất định nhiều năm qua: bất bình đẳng trong giáo dục. Cũng phải cám ơn vì trường mình cho phép đăng ký thoải mái bất kỳ khoá học nào trong khoa Edu nên kỳ rồi mình học thêm quá trời khoá hay về Edu (vừa rồi mình mới bị nhà trường warn vì học quá nhiều tín chỉ bên ngoài sợ không hoàn thành môn chính ^^).
Theo quan điểm globalisation, nôm na thì chúng ta tồn tại trong một cộng đồng chung và có trách nhiệm với cộng đồng ấy. Nó phá vỡ cái nhận thức sai lầm mà hơn hai mươi năm đầu tiên của cuộc đời gieo vào mình về một thế giới mạnh được yếu thua, khôn sống vống chết và bất bình đẳng một cách tinh vi. Nó cũng phá vỡ diễn ngôn từ thiện của những kẻ thích "cưu mang", "cứu giúp", mà cùng lúc lại vô tình bộc lộ sự tự mãn của kẻ "ở trên". Globalisation không hẳn là giàu cứu nghèo, may mắn giúp người bất hạnh. Nó đứng trên một quan điểm bình đẳng hơn về sự tương trợ. Thật ra thì ta có thể có ưu thế về mặt này nhưng cũng cần dựa vào kẻ khác ở những mặt khác. Nếu ta cho rằng mình "ở trên" thì ta lại đi ngược với tinh thần của sự tương trợ rồi. Cách tiếp cận đó có thể gây phản tác dụng, khơi sâu thêm cảm giác bất bình đẳng (ví dụ như trong phim Ký sinh trùng (2019), cái kết bi thảm là hậu quả của cảm giác bất bình đẳng từ những điều tinh vi nằm ngoài chuyện cơm ăn áo mặc).
Trong phim thì "người anh hùng" ở đây chẳng phải vị đại gia nào mà là ông thợ đánh giày Marcel Marx sống trong khu nhập cư tồi tàn, thường xuyên phải mua chịu bánh mì. Hàng xóm của ông cũng đến từ đủ mọi nơi và chẳng giàu có hơn gì. Điểm chung của họ là rất vị tha, dễ tính, đoàn kết, yêu thương nhau (nhìn chung thì đây là một phim lạc quan các bạn ạ). Tóm lại, tình thế ở đây nói như người Việt mình là "lá rách ít đùm lá rách nhiều", hay "lá rách đùm lá nát". Mình thích cách chọn đối tượng này vì nó cổ vũ ta làm điều nên làm kể cả khi điều kiện chưa được đầy đủ. Không cần phải giàu có thì mới đi làm việc tốt, lo chuyện bao đồng. Thực tế thì mình cũng đã sống như vậy dù những năm qua mình chả dư dả gì. Mình nghĩ vẫn có thể lo được cho bố mẹ, mèo chó, cháu chắt, và hỗ trợ ông người yêu theo những cách khác nhau. Cùng lúc đó, mình vẫn có thể theo đuổi được câu chuyện giáo dục, chăm lo cho học sinh và tổ chức mà mình phục vụ. Nhiều người luôn nghi ngờ lòng tốt của những người không có nhiều tiền nhưng xem phim này xong chúng ta sẽ biết rằng điều đó là có thể. Mình, ngược lại, hay nghi ngờ lòng tốt của người có tiền hehe.
2. Vấn đề người nhập cư
Người nhập cư là chủ đề to đùng trong phim. Ta có cả một khu phố nhập cư nghèo. Ta có cả một người nhập cư Việt Nam nữa đó (anh này sau nhiều năm thì đã có giấy tờ hợp pháp, có vợ con, còn để dành được tiền mua xe đạp cho con nữa dù bé mới có 2 tháng tuổi ^^). Ta có một container toàn người châu Phi trốn sang Anh bị bắt ở Pháp. Ta có khu trại lán nơi người nhập cư trốn chính quyền, sống thành nhóm đông, ăn uống và nghe nhạc để chill trong những ngày tháng chờ đợi ổn định. Ta có trại tập trung để giữ những người nhập cư bị bắt trước khi trục xuất họ về nước.
Những câu chuyện đó, hình ảnh đó, có quen thuộc với người Việt Nam không? Có chứ. Với mình còn rất quen là đằng khác. Có cả chục câu chuyện có thể kể từ Việt Nam, và mình cũng đã chia sẻ nó sau buổi chiếu phim cho các bạn ở đó.
Từ góc nhìn luật pháp thì vấn đề nhập cư gây ra nhiều rủi ro cho xã hội. Nhưng bên cạnh đó còn có góc nhìn giáo dục, nhân văn, chính trị. Và khi lách luật thành công ^^ thì sự hợp pháp dường như được giải quyết, người nhập cư không hoàn toàn là gánh nặng cho xã hội trong tất cả các trường hợp. Nếu cố gắng nhìn vào mặt tích cực thì ta có thể thấy họ đem tới những câu chuyện mới mẻ về văn hoá, họ dạy cho người bản xứ về sự tồn tại của "the others" ngoài kia, và cấu tạo nên sự đa dạng trong cộng đồng. Nói chung nhập cư là một vấn đề cũng phức tạp và trừ khi ta là người hành pháp (giống mấy chú cảnh sát mặt lạnh tanh trong truyện), còn nếu làm trong ngành giáo dục thì ta không thể nói về nó một cách phiến diện máy móc vô cảm được.
Một ý cần phải nhắc tới: language (ngôn ngữ). Ngôn ngữ là rào cản khủng khiếp nhất đối với những dân tộc khác nhau. Nhưng phim này lược bỏ rào cản đó. Cậu bé tới từ một vùng (hình như từng là) thuộc địa của Pháp ở châu Phi nên nghe hiểu được và nói được cơ bản. Thực tế, đa phần người nhập cư không có được may mắn này.
Quay trở lại chuyện ngôn ngữ. Đối với mình nó thật sự hệ trọng. Phải từng bị nhúng trong một ngôn ngữ xa lạ mới hiểu cảm giác vị thế mình thấp hẳn đi như thế nào, mọi thông minh khôn khéo biến mất chỉ còn lại đôi mắt tròn xoe với cái miệng há to ngơ ngác ^^. Đấy là tình cảnh của mình khi lên xe bus bên này mà tài xế cao tuổi chỉ nói tiếng Phần ^^. Thậm chí có lần mình lạc ở cổng sau bệnh viện, gặp mấy bệnh nhân đang ra ngoài hút thuốc, mình thì đang bí đường mà họ cứ nói tiếng Phần, mùi khói thuốc, trời mưa, gương mặt nhợt nhạt, tóc rũ ma mị. Má ơi lúc đó chỉ muốn có cánh cửa thần kỳ của Doraemon để về Sài Gòn liền. ^^ Ngoài ra thì ví dụ như khi mình mới vào EIS, lần đầu tiên làm ở trường quốc tế, cầm cái bằng 7.0 trong tay rồi mà còn ú ớ trọ trẹ vì tiếng Anh trong công việc ngày thường nó đâu có giống tiếng Anh của mấy ông giám khảo IELTS hay là trong mấy đoạn băng chậm rì. :P
Hơn thế nữa, cùng một dân tộc như Việt Nam chẳng hạn mà nói tiếng miền khác thì cũng đã gặp trở ngại rồi (như vài khó khăn mình gặp khi chuyển vào SG sống). Và kể cả khi nói cùng giọng mà không muốn giao tiếp với nhau hoặc cách truyền thông khác biệt (nói theo sách self-help là ngôn ngữ yêu thương) khác nhau thì đôi khi cũng "tới công chuyện" luôn đó. Ví dụ mình đùa kiểu này nghĩ là hay mà họ không có thấy hay. Ngôn ngữ gắn chặt với văn hoá và tư duy cho nên rất là ảnh hưởng!
3. Trẻ em - thế hệ tiếp theo (next generation)
Trong phim, chỉ mỗi một cậu bé người Phi mà cả làng loạn lên. Từ đàn ông tới đàn bà, người tới chó mèo, chính quyền tới dân thường. Cả một concert được tổ chức cũng vì cậu. Ông hàng xóm đối diện ăn ngủ không yên cũng vì cậu. Những người lớn dễ mến khác trong khu phố hy sinh an toàn, chấp nhận việc bị chính quyền sờ gáy cũng vì cậu. Ông thợ đánh giày Marcel Marx quên đến bệnh viện thăm người vợ ông yêu thương hết mực cũng vì cậu. Không những thế, ông còn tiêu hết tiền để dành, lặn lội đi tới vùng xa, đối diện nhiều rủi ro để tìm cho ra thông tin về gia đình cậu bé. Ở phía bên kia chiến tuyến, người thám tử phá vỡ cam kết nghề nghiệp để bao che cho Marcel Marx cũng vì cậu bé. Phim này quả là minh chứng minh hùng hồn cho cái câu xưa như trái đất: "Cần cả ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ".
Có người sẽ nói, ồ, chỉ là một cậu bé thôi mà, not a big deal, huh? Chỉ là một người xa lạ. Một người châu Phi. Cũng như bao phận người đã đang phiêu dạt trên đất nước này. Ai mà quản nổi. Giúp thì cũng chỉ như muối bỏ biển (mẹ mình hay cảm thán thế). Nhưng vấn đề sẽ khác hoàn toàn khi đó là một cậu bé. Là trẻ em, là thế hệ kế tiếp của xã hội. Viên thám tử cản người cảnh sát khi họ chĩa súng vào cậu bé: "Đó chỉ là một đứa trẻ!". The next generation matters! Mọi thứ cần được cân nhắc seriously khi liên quan tới thế hệ kế tiếp của xã hội. Đó là lý do người lớn phải ráng cẩn thận hết sức mỗi khi làm một chương trình mà trẻ con sẽ là nơi thử. Hồi mình làm ngoại khoá, thú thực cũng run lắm mỗi khi lauch chương trình mới, nhưng dù gì nó đỡ hơn một tẹo vì là phụ huynh tự tìm đến, tự quyết định "mua" sản phẩm ấy cho con họ. Ngược lại khi ở trường chính khoá, trẻ không có quyền chọn, nhà trường phải hướng tới sự bền vững và ít biến động, nếu có cái mới thì phải thử nghiệm thận trọng từng bước, đó là trách nhiệm với cộng đồng.
Nên vừa rồi mình nghe bài hát "Khi em lớn" mình cũng thấy thích. Làm thế nào để người lớn nghĩ nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn tới việc vun trồng thế hệ kế cận thì thật tuyệt!
4. Bao đồng như thế nào cho "tới"
Quay lại chuyện lá rách đùm lá nát, giúp người hoạn nạn nhé. Cái mình thấy hay ở phim này là cái cách mà ông thợ đánh giày Marcel Marx giúp người khác.
Thứ nhất là ông ấy cùng lúc take care cho rất nhiều người. Bà vợ không đi làm ở nhà nội trợ lại phát bệnh đau ốm. Nhà đã nghèo còn nuôi con chó Laika. Khi đi làm về dù đói meo ít nhất cũng có mẩu bánh mì quăng cho nó. Rồi giúp Arletty.
Thứ hai là không chỉ take care về vật chất mà còn tinh thần. Chịu đựng sự nhạy cảm/kỳ lạ của bà vợ vì biết quá khứ bà bị tổn thương. Mua hoa để bên giường bệnh bởi kể cả người nghèo cũng cần hoa chứ. Hàn gắn cho vợ chồng Little Bob.
Giúp thế mới là giúp chứ. Mạnh mẽ, take responsibility, không chấp nhặt, không nề hà, tinh tế thấu hiểu mà vẫn đủ cứng cáp rắn rỏi. Uầy nói thật đây chính là mẫu người activist mà mình khao khát trở thành (từ bé đã thích làm gì ngầu ngầu). Nhưng nhìn Marcel Marx để thấy mình sẽ chẳng giúp được ai khi mà trong lòng còn yếu đuối và đầy nỗi sợ. Nên phải trở nên mạnh mẽ và tự do (là thứ mình đang cố làm mỗi ngày). Hoặc phải có power nhất định (như viên thám tử Monet).
Và tạm thời đó là tất cả những gì mình muốn nói về phim Le Havre (2011). Bên cạnh nội dung thì phim cũng cực kỳ đẹp về mặt hình ảnh (như mọi người có thể thấy sơ sơ qua mấy tấm ảnh ở trên). Cách kể chuyện rất thẳng thắn, đi vào vấn đề luôn khiến cho mình quen xem phim dẫn dắt lòng vòng tám chục lớp ẩn dụ thấy hơi bất ngờ nhưng lại rất thích. Âm nhạc cũng tuyệt (mình thấy hay nhất là bài Matelot của The Renegades cuối phim, mà tìm hiểu mới biết bài đó từ 1965 lận). Hôm qua trong buổi trò chuyện sau khi xem phim thì các bạn mình cũng nói thêm về vài phim khác của đạo diễn Aki Kaurismäki, nghe nói ông ấy có phong cách khá thống nhất, và có thể thấy được nét "Phần Lan" ở phim của ông ấy nữa, ví dụ như qua mặt lạnh và lời nói ngắn gọn của các nhân vật (các bạn ví là giống robot ^^).
Mong là bài viết có thể khiến ai đó thấy hứng thú với phim và xem. Còn mình đang loay hoay tìm cách viết lại bài này bằng tiếng Anh để share với các bạn của mình. :P
Nhận xét
Đăng nhận xét