Phần Lan từ những thứ bình thường
Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ những gì mình thấy mới, khác biệt và thấy thích ở đất nước Phần Lan từ vị trí sống hiện tại là thành phố Oulu.
Thú thật những ngày đầu tới đây, do chưa đi đâu nhiều, mình chưa cảm nhận được quá nhiều điều khác biệt so với Sài Gòn. Cũng nhờ thế mình không bị buồn trong mấy hôm đầu tới đất lạ. Lúc ngồi trong một quán cafe ở Helsinki khi vừa nhập cảnh, mình có lại cảm giác ngồi cafe ở Sài Gòn sau bao lâu thành phố giãn cách. Hay khi đi siêu thị, mình không thấy quá lạ lẫm giữa các món đồ ăn uống phương Tây vì hồi trước có một đợt mình hay đi Annam Gourmet Market ở quận 2. Thời tiết tháng Bảy cũng nhiều nắng, gió mát, thi thoảng có mưa.
Nhưng dần dần mình cũng để ý thấy nhiều điểm khác và rất khác. Mình muốn tập hợp chúng trong bài viết này để lưu lại. Bài viết sẽ được cập nhật thường xuyên khi có thêm câu chuyện để kể.
Xe bus
Xe bus bên này ngoại trừ việc mới, rộng, chạy nhanh do không tắc đường và dùng thẻ từ thay vì tiền mặt thì mình thích nhất là việc người lái xe lúc nào cũng tươi cười chào khách khi vừa bước lên. Khi khách bước xuống, khách và tài xế cũng thường chào nhau, khi thì bằng lời nói (vừa bước xuống vừa nói to kiitos - cám ơn), hoặc vẫy tay với nhau qua gương xe. Cảm giác thân thiện và tôn trọng nhau vô cùng.
Họ không vội vã. Có lần mình thấy chị kia đứng đếm tiền cả ba phút mà tài xế vẫn bình tĩnh chờ và tươi cười, không giục giã. Trông họ kiểu "chẳng đi đâu mà vội". Khách lên xe thì cứ xếp hàng từ từ mà lên, cần hỏi gì cứ nán lại hỏi, người ta sẽ từ tốn trả lời. Có lần mình không có tiền lẻ nên đưa tờ 50e, tài xế vẫn bình tĩnh đếm đủ tiền đưa lại, vừa làm vừa cười và động viên không sao cả. Trong mấy hôm đầu chưa có mobile internet, Omar dặn mình nếu không chắc là mình nên lên xe bus nào thì có thể vẫy xe và lên hỏi tài xế, nếu đúng thì lên mà sai thì xuống, sẽ không bị càm ràm.
Muốn kiểm tra xe bus nào cần đi, lên Google Map hoặc trang web của Oulu Public Transport sẽ có thông tin lộ trình và thông tin về việc xe bus nào mấy phút nữa tới được ghi lại chính xác tới từng phút nhờ hệ thống định vị GPS. Nhờ đó hành khách chủ động hơn ngay từ khi ở nhà, có kế hoạch đi ra station phù hợp để không phải chờ quá lâu.
Lên xe bus, thường xuyên bắt gặp cảnh hành khách ngồi một mình, nút chặt tai nghe nhìn ra cửa sổ. Giao tiếp với người lạ nơi công cộng không phải thói quen của người Phần Lan. Nhưng cũng có khi, một toán sinh viên lên xe và cười nói làm cho không khí giãn ra đôi phần.
Một điều nho nhỏ mà mình để ý thấy là khi dừng, xe bus có chức năng hạ thấp hẳn về phía bên phải. Khi đó, cửa lên xe sẽ có độ cao đúng bằng vỉa hè. Mình cho rằng các vỉa hè có độ cao đồng đều ở khắp nơi trong thành phố hoặc tài xế có thể điều chỉnh độ cao thấp khi nghiêng xe. Mục đích là để hạn chế tối đa sơ sẩy nơi cửa xe như vấp ngã, và những ai mang theo xe nôi em bé lên bus có thể đẩy xe thật dễ dàng. Khi khách đã lên xong, tài xế lại điều chỉnh độ cao hai bên hông xe bằng nhau và tiếp tục hành trình.
Hình: bên trong xe bus ở Oulu
Ngoài lề: Ký ức gần nhất về chuyện đi xe bus của mình là ở Hà Nội, nên những điều này đối với mình khác một trời một vực. Ở Hà Nội mình chờ xe bus có khi lâu có khi mau nhưng vì không nắm được lịch trình nên phải quan sát kỹ để không bỏ lỡ. Cũng khá căng thẳng. Tại các trạm chờ đặc biệt các trạm trung chuyển lớn thì phải để ý cẩn thận vì xung quanh có thể có móc túi. Khi thấp thoáng xe từ đằng xa, phải có kỹ năng xác định thật nhanh đó là xe số mấy và rảo bước gấp gáp để có một chỗ ở cửa ra vào. Tại chỗ đó, lúc nào toán người cũng chen nhau, đẩy nhau, mình khá sợ việc bị đẩy xuống ở cửa xe vì lúc đó mình khuất tầm mắt tài xế, xe có thể chạy bất cứ lúc nào. Mình còn có thể ngã tại đó nữa, mà thực tế thì đã có trường hợp bị xe bus cán qua chân do ngã ở cửa xe. Tài xế vội, cửa xe cũng vội mở vội đóng. Khi lên được xe rồi thì chủ yếu là đứng vì số ghế ít, người đông nên họ cũng phải tháo bớt ghế để có chỗ cho người đứng. Mình hay đứng thế dạng hai chân ra như cái compa để cho vững ^^. Không bao giờ bắt chuyện với ai và chú ý cái ba lô. Vào những giờ tan tầm, trên xe người với người đụng sát nhau, mùi người lẫn mùi xăng thật kinh khủng. Tài xế và phụ xe lạnh lùng hơn ở đây nhiều, có khi nhăn nhó hoặc la lối nữa.
Trẻ em
Hôm qua mình đi công viên nước với nhóm bạn của mình. Cùng thời điểm bọn mình chơi ở đó, có một trường học dẫn nhóm học sinh tới chơi, nhóm khá đông, khoảng 20-30 bé. Trong nhóm bạn của mình có một bạn không biết bơi và sợ nước (vậy mà nó chính là đứa rủ mình đi ^^). Thấy bạn ấy loay hoay, mấy bé chạy lại giúp, chỉ dẫn nhiệt tình quá trời. Nói rồi, tụi nó làm mẫu bằng cách nhảy ùm xuống nước như những con cá uyển chuyển.
Suốt thời gian chơi, bạn mình di chuyển rất chậm trên pháo đài phao và chật vật ở mọi thử thách. Mình hay chủ động lùi lại sau hỗ trợ bạn. Sau tụi mình, lúc nào cũng có cả hàng dài con nít chờ đến lượt chơi, vì người ta khuyến khích tại mỗi thử thách nên chơi theo in line chứ đừng side by side. Nhưng thay vì sốt ruột giục giã thì tụi nó rất từ tốn khi chờ, tám với nhau hoặc nhìn trời nhìn mây hoặc chỉ đơn giản đứng chờ. Chẳng ai tỏ ra vội vã hay có thái độ khó chịu (dù đúng là tình huống này hơi phiền cho những người cùng chơi). Khi bạn mình vượt qua thử thách, đáng lẽ tới lượt mình nhưng mình có ý đứng sang một bên cho các bé lên trước. Bé nào lên trước cũng quay lại cảm ơn mình. Nhưng cũng có bé không muốn và đưa tay mời mình chơi đúng theo lượt của mình. Chuyện chờ đợi không có gì thiệt thòi, chuyện được nhường chẳng có gì phải mừng. Cứ đúng lượt mà chơi thôi.
Mình thấy ý thức của các bé ở nơi công cộng rất cao, ý thức về tập thể, cộng đồng rất là chuẩn. Hồi ở Hà Nội, suốt 4 năm bọn mình hầu như không bao giờ nhận được bất kỳ lời chào hay tương tác thân thiện nào của tụi học sinh ở đó, dù trong trường Đại học của mình có tận hai cái trường cấp 3. Cứ như là một thế giới khác. Khi đi kiến tập hai tuần ở Thanh Xuân, nói thật có nhiều bạn học sinh lấc cấc.
Thái độ của các bé khác hẳn khi mình tới thực tập ở Nam Định. Nam Định phải nói là nơi mình thấy con người tình cảm nhất trong những nơi mình từng sống (hồi ở đó mình hay nghĩ trong đầu "gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn" ^^). Vào Sài Gòn thì học sinh trông cũng đỡ, tất nhiên cũng còn nhiều vấn đề. Nhìn vào trẻ con của một vùng đất có thể hiểu được văn hoá và nền giáo dục của nơi đó.
Hình: không có hình mấy bé nên đăng tạm hình chụp bông hoa
Người đi bộ và đi xe đạp
Thường sẽ luôn có làn đường riêng cho người đi bộ và đi xe đạp với biểu tượng tương ứng in trên mặt đường. Ở ngã tư tại các cột đèn giao thông, ngoài đèn xanh đỏ và biểu tượng người đi bộ thì còn có cả dấu hiệu bằng âm thanh cho người đi bộ. Tiếng báo hiệu này nghe như tiếng kim đồng hồ tích tắc nhưng to rõ hơn. Khi người đi bộ được phép qua đường, những tiếng kêu trở nên mau (dày), tích tắc liên hồi như giục người ta mau bước sang. Mình thấy như thế tiện, đỡ phải ngước nhìn đèn hoài mỏi cổ, theo dõi trong lo lắng mà có lúc đèn xanh rồi nhưng không để ý lại lỡ.
Những điều này tuy nhỏ nhưng mình rất tâm đắc vì rõ ràng hai đối tượng người đi bộ và đi xe đạp rất yếu thế về mức độ an toàn so với xe bus, xe hơi và xe mô tô. Ở Việt Nam, việc trộn lẫn các phương tiện vào chung một con đường khiến cho kẻ yếu phải chú ý cẩn thận, kẻ mạnh nếu tử tế thì cũng chú ý cẩn thận (vì chẳng ai thích gây án mạng), còn thiếu tử tế sẽ dùng còi để hù. Ở Sài Gòn hay Hà Nội cũng thế nhưng đối với cá nhân mình thì Sài Gòn quy củ hơn, tại nhiều tuyến đường lớn ít nhất vẫn thấy có hai làn đường rạch ròi và mọi người tuân thủ tương đối tốt (bên xe hơi, bên xe máy). Ở Hà Nội, theo quan sát của mình thì mọi thứ lộn xộn hơn nhiều, nghĩa là các làn xe không phân định rõ, đi xe kiểu "điền vào chỗ trống" và xe to lưu hành tương đối ẩu. Ngoài ra nói về chuyện người đi bộ qua đường, đây cũng là một nỗi sợ khá lớn của mình ngày xưa ở Hà Nội. Đường Xuân Thuỷ luôn tấp nập. Có thời gian người ta thử nghiệm đèn đỏ cho người đi bộ có nút bấm xin sang đường nhưng sau đó họ gỡ cái chức năng đó luôn. Bây giờ thì hình như là có cầu đi bộ rồi.
Hệ thống giao thông không quan tâm đến đối tượng yếu thế hàm chứa nhiều nguy cơ rủi ro. Đó là lý do mình rất thích những sự bố trí tinh tế để người dân Oulu được đi bộ và đạp xe thong thả trong yên bình. Mình rất thích.
Hình: người đi bộ và đi xe đạp ở Oulu (vì không có hình chụp làn đường riêng thông thường nên mình đăng tạm hình này)
Tái chế
Hôm qua khi ngồi tám với đám bạn ở công viên mình mới hay vỏ lon, chai lọ mua từ các siêu thị ở Phần Lan đều có thể đem tới đổi tiền về. Ví dụ lon bia bạn mình uống sẽ đổi được 15 cent. Tuỳ loại sẽ có giá quy đổi khác nhau. Điều này giúp phân loại rác tái chế cho thành phố. Bạn mình nói ở Helsinki thùng rác còn được phân riêng ra ngăn khác nhau để lon chai lọ không lẫn với rác dơ/nguy hiểm khác, sẽ bất tiện khi thò tay lấy. Cái hay của việc đổi lon chai lọ này là tiền về tay mình luôn, nên mọi người sẽ có động lực ^^. Ở Việt Nam mọi người cũng có thể bán đồng nát nhưng giá khá rẻ nên mất công trữ nhiều, tốn không gian, mất vệ sinh lại không thu được bao nhiêu, phải tìm người bán khá bất tiện nên dần dần thói quen đổi lon bia ngày xưa cũng không còn.
Hình: biểu tượng tái chế trên lon bia với số tiền tương ứng nếu đem lon ra siêu thị đổi
Cũng cần phải nhắc tới việc dùng đồ cũ. Oulu có nhiều chợ đồ cũ, tại đó mọi người có thể mua đồ với giá rẻ và chất lượng rất ổn. Sinh viên rất thích loại hình chợ này. Tại các toà nhà cũng có các storage chứa đồ của người dùng trước bỏ lại, nhiều đồ như mới mà người lấy chẳng mất đồng nào. Trên mạng thì có group bán đồ cũ rất tấp nập là Oulu Sale Point (mình mua được khá nhiều đồ từ trên đó).
Cũ người mới ta. Buy smart, not new. Đó là thói quen mua sắm thật hợp lý và nhân văn mà mình quan sát được ở khắp nơi trong thành phố này.
Reflection
Đi tới những nơi công cộng, mình luôn thích nhìn cảnh những người ngồi quay mặt ra hồ/sông/biển và ngồi thật yên. Phần Lan là một đất nước yên tĩnh, phù hợp cho những người hướng nội và là nơi lý tưởng cho reflection. Dù chỉ là một chi tiết nhỏ thôi nhưng mình rất thích cái vibe đó.
Hình: ở công viên trong trung tâm thành phố
Xe đạp
Oulu là thành phố đi xe đạp nhiều bậc nhất ở Phần (có nơi nói là nhiều nhất luôn đó mà mình lười tìm số liệu nên tạm để bậc nhất nha). Khuôn viên Đại học có một bãi giữ xe rộng mênh mông dành riêng cho xe đạp. Có làn đường cho xe đạp (như mình nói trên). Xe đạp xuất hiện ở khắp nơi trong thành phố này. Vì thế lúc mới tới đây, mình cũng đã kịp sắm cho bản thân một con xe cà tàng để đi chợ và đi học. ^^
Hình: xe hơi chở xe đạp ở Oulu ^^
Nhận xét
Đăng nhận xét