Kết thúc kỳ nghỉ thu, ngày đầu tiên quay lại trường sẽ không phải là ngày dạy-học thông thường mà là ngày phát triển chuyên môn (PD day - professional development day).
PD day đợt này năm nay trường mình lấy chủ đề là Ngày Ngôn ngữ - Language Day. Đại khái sẽ có các hoạt động như: tham dự một lớp học ngôn ngữ bất kỳ mà mình không quen thuộc, tập huấn với chuyên gia từ Crisfield, nghiên cứu số liệu về khả năng ngôn ngữ của học sinh tại trường, cũng như sẽ có một phần cho mỗi cá nhân tự đối chiếu với công việc mình đang làm.
1. Vị trí của chương trình ngôn ngữ trong trường
Ngôn ngữ vẫn luôn là một mối quan tâm hàng đầu của hoạt động dạy và học trong trường. Ở nhiều cuộc họp, thư từ, văn bản, người ta nhấn mạnh vai trò của một sự phát triển tốt về ngôn ngữ đối với sự phát triển cân bằng và lành mạnh của trẻ, đặc biệt là trẻ Tiểu học.
Năm học này, một trong các mục tiêu trọng tâm của trường (school goals) được đặt ra từ đầu năm là về ngôn ngữ. Cụ thể, hai dòng sau đây nằm ở hai hàng đầu tiên trong danh sách mục tiêu của trường năm nay, giáo viên bọn mình nhìn thấy nó mỗi tuần trong những slide đầu tiên mà thầy Hiệu trưởng trình chiếu trong cuộc họp đầu tuần. Trong hai mục tiêu ấy, dòng đầu tiên nói về tiếng Anh (ELL - English Language Learners) và dòng thứ hai nói về tiếng mẹ đẻ cũng như những ngôn ngữ khác.
Một nhóm giáo viên về ngôn ngữ được thành lập với W. là trưởng nhóm. Nhóm này không nhắm vào ngôn ngữ chính mà trường đang giảng dạy là tiếng Anh mà chủ yếu làm việc với giáo viên các ngôn ngữ khác như: tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hàn và tiếng Việt. Nhóm sẽ có các cuộc họp mỗi tuần, cùng nhau trao đổi và thực hiện các nhiệm vụ của nhóm. Trong một cuộc họp mà mình từng tham gia, đã có những chia sẻ giàu thông tin về việc học sinh đang học ngôn ngữ thứ hai, thứ ba... này như thế nào trên thực tế. Rất bổ ích khi được biết nguyên nhân sự lựa chọn ngôn ngữ để học thêm ngoài tiếng Anh ở trường của các bạn nhỏ, cũng như việc các bạn ấy đang theo đuổi ngôn ngữ ấy như thế nào, các khó khăn chính là gì.
2. Sự phát triển ngôn ngữ ở các nhóm trẻ khác nhau
Hầu hết các nhà giáo dục và phụ huynh đều hiểu được vai trò của ngôn ngữ - tư duy trong sự phát triển của trẻ. Nhưng với các bạn nhỏ Việt Nam học tập trong nhà trường với tiếng Việt là ngôn ngữ giảng dạy chính, sẽ có ít khó khăn hơn cho trẻ cũng như ít lo ngại hơn về phía phụ huynh. Chúng ta hẳn đều nhớ mình đã từng thoải mái ra sao trong một ngôn ngữ mà mình quen thuộc từ lúc lọt lòng, việc còn lại chỉ là xử lý các nhiệm vụ học tập theo môn để lĩnh hội kiến thức, hình thành kỹ năng,... Ấy vậy mà chúng ta vẫn luôn nghe không biết bao nhiêu lời than thở về khả năng sử dụng tiếng Việt của "bọn trẻ bây giờ". ^^
Tuy nhiên, đối với trẻ ở trường mình, ngay từ điều cơ bản đầu tiên là ngôn ngữ, chúng đã phải giải quyết nhiều khó khăn.
Có thể nghĩ tới các nhóm học sinh sau đây: học sinh người Việt thường sử dụng tiếng Việt bên ngoài trường học nhưng khi tới trường thì phải học bằng tiếng Anh; học sinh người Việt không thạo tiếng Việt vì từ bé đã học trường quốc tế, ba mẹ cũng sử dụng tiếng Anh với con; học sinh người lai Việt Nam và một nước khác, ở nhà sử dụng hai ngôn ngữ, tới trường học bằng tiếng Anh và học thêm tiếng Việt hoặc một ngôn ngữ thứ ba; học sinh người nước ngoài sống tại Việt Nam, học ở trường bằng tiếng Anh và học thêm một (vài) ngôn ngữ khác,...
Những khó khăn mà trẻ gặp phải đến từ sự xung đột giữa các ngôn ngữ: thứ tiếng mà chúng quen thuộc nhất từ bé tới nay, thứ tiếng mà cha mẹ sử dụng khi giao tiếp với con, thứ tiếng mà môi trường xã hội xung quanh sử dụng, thứ tiếng mà trường dùng để dạy, các ngoại ngữ mà chúng phải học ở trường,...
Trẻ có khả năng thụ đắc ngôn ngữ một cách tự nhiên và tương đối dễ dàng ở những môi trường ít xung đột về ngôn ngữ. Đó là lý do mà ta thấy "bọn trẻ con người Anh nói tiếng Anh như gió" ^^, hay như em bé Mon nhà mình ở tuổi đời thứ 3 đã có khả năng dùng tiếng Việt để diễn đạt bất kỳ điều gì em muốn một cách trôi chảy, vui vẻ, thậm chí còn tạo ra được các trò đùa hết sức thông minh bằng ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh có nhiều sự xung đột về ngôn ngữ như mình vừa kể trên, trẻ sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Là người lớn, giải quyết đúng cách các khó khăn này mới có thể giúp con phát triển cân bằng, không gặp trở ngại dẫn tới hậu quả đáng tiếc nào. Còn nếu thiếu tinh tế hoặc xử lý một cách ...phi sư phạm, trẻ có thể gặp những cản trở không hề nhỏ. Đằng sau sự tự hào của ba mẹ khi thấy con nói chuyện với người nước ngoài, hay nói tiếng Anh trôi chảy, hay đang tập nói một thứ tiếng thứ ba, rất có thể tiềm tàng bất ổn. Ta không thể đồng nhất sự tự hào của ta với sự phát triển đúng của đứa trẻ. Bất ổn trong phát triển ngôn ngữ có thể để lại hậu quả về sự phát triển trí tuệ, tư duy và cảm xúc cũng như tính cách của đứa trẻ.
Đó là điều mà chúng ta đều dễ lý giải vì sao.
3. Những trải nghiệm của mình
Hàng ngày, làm việc với đối tượng trẻ em ở trường quốc tế, mình quan sát thấy rất nhiều điều mà chúng đi thẳng vào mối lo ngại của mình. Trước hết, mình gọi chúng là trẻ quốc tế mà không dùng từ trẻ song ngữ như ta hay nghe, vì đa phần chúng đều học nhiều hơn hai ngôn ngữ.
Khó khăn đầu tiên xuất phát từ việc mình không thể nhìn thấy tuổi thơ của mình nơi chúng. Mình học mười sáu năm trên ghế nhà trường hoàn toàn bằng ngôn ngữ thứ nhất - thứ ngôn ngữ mà mình sở trường. Ở tuổi hai bảy mình mới có chứng chỉ đầu tiên về ngôn ngữ thứ hai. Ở tuổi hai tám, mình bắt đầu những bài học abc với ngôn ngữ thứ ba. Chính vì vậy, có thể khẳng định là mình không có nhiều kinh nghiệm từ bản thân để hiểu học trò. Phải vận dụng những hiểu biết hiện tại và tìm hiểu thêm một cách khoa học.
Các lớp mình dạy có trẻ em thuần Việt, có con lai, có trẻ em nước ngoài (trong dòng máu không có chút Việt Nam nào). Có bạn đã từng học tiếng Việt ở trường công và tư giảng dạy chương trình Việt Nam, có bạn học quốc tế từ bé. Có bạn ba mẹ nói tiếng Việt ở nhà, có bạn hiếm khi được nghe tiếng Việt ở nhà ngoại trừ từ cô giúp việc. Có bạn có gia sư tiếng Việt ở nhà, có bạn không. Có bạn ba mẹ quan tâm đến tiếng mẹ đẻ cho con, có bạn ba mẹ không quan tâm đủ tới việc này. Thậm chí thái độ muốn lãng quên tiếng mẹ đẻ cũng không hề hiếm gặp.
Mình nhớ đến rất nhiều những câu chuyện đã gặp từ khi vào trường tới nay. Từ chuyện phụ huynh muốn đổi quốc tịch để con "không phải học tiếng Việt". Đến chuyện phụ huynh muốn con học ngôn ngữ thứ ba, thứ tư khi con còn yếu tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ, chỉ vì nôn nóng khi thấy con nhà bên cạnh đang được học tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha,... Hay hình ảnh một đứa trẻ vật vờ đi qua những lớp học bằng tiếng Anh để rồi hồ hởi "như cá gặp nước" mỗi khi được học tiếng Việt, cái cảm giác ở trong một lớp học mà chỉ cần thể hiện khả năng tiếng mẹ đẻ (tưởng gì, dễ như ăn kẹo) thôi đã được coi là "học giỏi" thật là sung sướng biết bao. Hay như trong lớp mình, có bạn nhỏ người New Zealand nhưng ba mẹ cực kỳ quan tâm đến việc học tiếng Việt của con, và bạn trở thành một em bé tóc vàng nói tiếng Việt rõ ràng dù còn đôi khi bỏ dấu sai, nghe cực kỳ đáng yêu...
4. Mình làm gì trong Ngày Ngôn ngữ năm nay?
Những điều này được gợi lại trong tâm trí mình trước thềm ngày Ngôn ngữ của trường năm nay, như để điểm lại các vấn đề đang có và thử xem chương trình ngày mai có thể giúp mình trả lời câu hỏi nào không, và các giải pháp mình đang thực hiện có đúng không. Mình chỉ muốn bản thân giữ "mấy điều tâm niệm" rằng:
- Vấn đề ngôn ngữ của trẻ quan trọng vô cùng vì ngôn ngữ là nền tảng và cầu nối cho nhiều cái khác.
- Chúng ta cần một cái gốc vững rồi mới phát triển lên từ đó, thay vì bắt trẻ chông chênh giữ thăng bằng trên quá nhiều chân trụ đều yếu.
- Việc này phải làm càng sớm càng tốt vì ngoài ngôn ngữ, trẻ còn cần học vô vàn điều khác để lớn lên.
- Bên cạnh đó, phải có những phương pháp khoa học và mang tính sư phạm chứ không thể chỉ xử lý bằng mong muốn, niềm tin cá nhân của cha mẹ.
Liên quan tới chương trình ngày mai, mình có "đăng cai" một lớp học tiếng Việt cho các giáo viên không phải là người Việt. Mục tiêu của trường là khiến các giáo viên này cảm nhận được sự không thoải mái khi mình bị "nhúng" vào một ngôn ngữ xa lạ. Từ đó, họ sẽ hiểu học sinh hơn.
Có 10 giáo viên nước ngoài đã đăng ký lớp của mình. Lớp học sẽ diễn ra trong 30 phút, chủ đề là từ chỉ món ăn trong tiếng Việt để có sự vui vẻ và thiết thực. Mình chuẩn bị cả bài giảng lẫn tài liệu cầm tay (handout) chu đáo để "học sinh" cảm nhận được sự cẩn thận của người tổ chức và cảm thấy họ được tôn trọng dù đây chỉ là một lớp demo.
Mình rất trân trọng những cơ hội như thế này.
Nhận xét
Đăng nhận xét