Nếu phải dạy cùng lúc quá nhiều lứa tuổi?
Thông thường, các giáo viên Việt Nam sẽ chuyên trách một vài khối lớp mỗi năm tại các trường học giảng dạy chương trình Việt Nam. Một vài nghĩa là từ một đến hai, từ ba trở lên thì công việc bắt đầu có sự áp lực. Đây là tình thế của hầu hết các trường dạy chương trình Việt Nam mà mình biết. Sự phân phối như trên là hợp lý, giúp giáo viên có đủ thời gian nghiên cứu bài dạy cho mỗi khối lớp, tạo ra sự chuyên môn hoá cao hơn, và các trường này thường đủ số lượng giáo viên để chia nhau ra gánh vác các khối/lớp khác nhau trong trường.
Trong một số trường hợp, tình hình không lý tưởng như vậy. Giáo viên có thể phải dạy cùng lúc rất nhiều khối lớp/độ tuổi. Có khi là 5, 7, thậm chí 12 khối lớp. Việc này thường xảy ra khi trường không có nhiều lớp mỗi khối, ví dụ như mỗi khối chỉ có một lớp thì việc giáo viên muốn được dạy vài khối thôi là không thể. Vì sao không thể có nhiều lớp hơn để giáo viên được chuyên trách vài khối cho hiệu quả?
1. Lý do của tình thế này
Theo mình, trường Việt Nam tuyển được nhiều học sinh cùng độ tuổi nên việc nhân lên số lớp học mỗi khối là không khó khăn. Nhưng ở trường quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, tổng số học sinh mỗi khối sẽ được chia nhỏ về các nhóm ngôn ngữ khác nhau, cho nên từng lớp học ngôn ngữ sẽ chỉ còn một số ít học sinh. Điều này buộc giáo viên phải thích nghi, phải dạy được nhiều khối lớp, thậm chí nhiều cấp học (cross-section). Chỉ có sự tăng lên về số lượng học sinh (aka "khách hàng^^), nghĩa là tăng thêm nguồn tài chính và quy mô hoạt động của trường tới một mức cần thiết mới dẫn tới phương án tuyển thêm giáo viên để giảm nhẹ áp lực cho từng người. Đôi khi, thậm chí xảy ra việc trộn lớp, vì học sinh đồng trang lứa ít tới nỗi không đủ gom thành một lớp nên lớn bé phải học chung.
Tuy nhiên, mình muốn dành một phần quan trọng trong bài viết này để động viên giáo viên chúng ta không nên vội bi quan, bế tắc trước tình thế phải dạy nhiều hoặc quá nhiều khối lớp hay trộn độ tuổi. Mình sẽ chia sẻ những gì mình biết, xuất phát từ kinh nghiệm đã và đang dạy một dải tuổi rất dài (ở EIS hiện nay) hoặc dạy trộn tuổi lớn bé (ở trường ngoại khoá trước đây).
2. Xác định tâm lý thoải mái và cởi mở
Theo mình, tình thế trên chủ yếu gây ra áp lực về việc giáo viên phải nâng cao về kỹ năng hoặc chuyển đổi tâm lý để linh hoạt thích nghi, chứ không hẳn là đáng sợ hoặc gây kiệt quệ về sức khoẻ do làm việc quá nhiều.
Khi xảy ra tình trạng phải dạy một dải tuổi quá dài hoặc trộn lớp, đồng nghĩa chúng ta lại nhận được một số sự tạo điều kiện khác mà giáo viên thông thường không có, ví dụ như bớt kiểm soát giáo án, chương trình, sự thông cảm của đồng nghiệp, sự tự chủ trong quyết định cách dạy. Đồng thời, ta học được rất nhiều qua việc giải bài toán khó này, có cơ hội quan sát rộng hơn và thử nghiệm những điều mà môi trường truyền thống không cho phép. Cái gì cũng có hai mặt.
Hãy hiểu rằng không ai muốn cố tình làm khó, làm khổ mình cả. Nếu ta đủ tin tưởng lãnh đạo, thì ta biết rằng đó là vì họ cũng có những cái khó, và ở vị trí của họ, họ chọn một phương án ổn nhất miễn sao quyền lợi học sinh không bị thiệt thòi và có thể thoả thuận được cùng cộng sự.
Ok, xong chuyện trong trường, giờ giải quyết tâm lý với người ngoài. Áp lực mà nhóm giáo viên "khác thường" này phải đối phó còn là sức ỳ cực kỳ lớn của nền giáo dục này, và tư duy thông thường bên ngoài. Giáo viên và phụ huynh thường sẽ lắc đầu với kiểu dạy như trên, bởi từ định kiến "một nghề cho chín còn hơn chín nghề" (chuyên môn hoá, tập trung) và truyền thống tổ chức giáo dục bao năm nay mà họ biết.
Tuy vậy, như trên đã nói cái gì cũng có hai mặt, và thời thế đang thay đổi quá nhanh, giáo viên hơn ai hết sẽ phải trở thành những người đa năng nhất, giỏi thích nghi nhất, tư duy mở (open minded) nhất. Ai bình luận gì cũng không quan trọng mấy.
3. Cách chia sẻ và kêu gọi sự giúp đỡ
Trao đổi thẳng thắn, chia sẻ nhiều hơn với quản lý sẽ giúp giải toả tâm lý của mình và giúp đối phương hỗ trợ mình hiệu quả hơn. Giống như tục ngữ, "con khóc thì mẹ mới cho bú", nhưng khóc (đúng cách) xong thì phải chỉ chỗ cho người ta giúp sao cho chuẩn, tức là phải "biết ngứa đâu mà gãi".
Chỉ có quản lý mới là người liên quan và giúp được. Đừng đi than thở với chị em hội tám vì họ sẽ sử dụng thông tin của mình cho nhiều mục đích (có thể tốt hoặc xấu) và trong đa số trường hợp thì họ không giúp được gì cả.
Câu chuyện cá nhân: Mình đã raise tương đối nhiều câu hỏi, vấn đề với M., J., Sh. và S. - những người quản lý liên quan tới mình và mình tin tưởng, ngay khi có thể. Và mình rút ra cách raise vấn đề phù hợp là:
- dưới dạng lời kêu gọi giúp đỡ (họ cảm thấy mình cần họ và có thể làm được gì đó để giúp cô và trò);
- đặt trọng tâm vào học sinh, không quá chú trọng bản thân (để họ hiểu mình muốn tốt cho trường và học sinh chứ không phải cho mình);
- xác định tâm thế bình đẳng và tự tin vì chính mình cũng đang giúp họ có thêm thông tin về tình hình dưới các lớp học;
- chuẩn bị chu đáo cho mỗi lần giao tiếp (có lần mình và M. đã ngồi 1 tiếng rưỡi để nghe mình nói cho hết vấn đề trong lớp một cách hệ thống nhất qua slides mình đã chuẩn bị trước, xong xuôi thì M. cám ơn rất nhiều vì "hard work" - lời nó ^^, của mình, mình "work hard" vì mình thấy vấn đề cần được nhìn nhận đầy đủ);
- tỏ rõ khả năng thấu hiểu người khác (mình nhấn mạnh mình không muốn tạo thêm việc cho quản lý - M. đáp tao được thuê để làm cái này mà nên cứ vô tư^^, và mình cho biết quan điểm của mình là không gì có thể được giải quyết ngày một ngày hai hết nên cứ bình tĩnh, chỉ cần ý thức về vấn đề thôi)
- làm tất cả những gì mình có thể làm (mình đã thử nhiều cách khác nhau để giải quyết các khó khăn thường ngày trong dạy học, tập hợp lại và chia sẻ trong slides nói trên luôn và mình nói rằng mình mong muốn tiếp tục làm việc này, nên các sếp cứ yên tâm chỉ cần lúc nào tui ới nhớ giúp tui nha^^).
- tìm đúng người và dịp và trao đổi ở mức độ sâu sắc phù hợp (mình chia sẻ với quản lý cấp thấp là M. trước, còn J. thì chỉ cc để J. nắm chứ không thảo luận sâu, còn Sh. thì chỉ trao đổi về hành vi và trình độ học sinh cũng như xin tips xử lý, và S. là người cao nhất thì mình chỉ nhắc tới khi đột nhiên cảm thấy thời điểm đó là phù hợp và người ta vui vẻ, sẵn sàng).
4. Tự xử lý vấn đề như thế nào?
Có lần mình email cho Sh. và M. sau vài hôm report về trường hợp lớp 4, nói rằng lớp học hôm nay thay đổi như thế nào, thì Sh. gửi cho mình một email như sau:
Dear Ha,
Sounds like you have had a breakthrough by changing up the way you do things. This is what we do as teachers!!
I'm glad you saw some success today.
I will come in this week and support you during your lesson.
Well done.
Mình cảm thấy sự tích cực tồn tại trong tình huống này. Một người giơ tay xin giúp đỡ, nhưng đồng thời cũng tự xử lý vấn đề trong khả năng của mình và đã thành công bước đầu, và người kia mừng vì vậy, nhẹ áp lực hơn vì vậy, cũng như sẽ giúp đỡ với những gì còn lại.
Mình kể lại chuyện trên để nói rằng dù gì, trách nhiệm cũng thuộc về chúng ta (This is what we do as teachers). Hãy thử mọi thứ có thể. Vậy mình đã thử và rút ra được những gì?
4.1. Mỗi lứa tuổi có một cách học khác nhau
Trong quá khứ ta chỉ thấy thầy cô đứng trên bảng, hàng chục năm, nói nói, làm mẫu... Và ở dưới, học sinh ngồi một chỗ, hoặc hoạt động trong nhóm, nhưng về cơ bản là nghe lời, hàng chục năm. Và đó là định nghĩa về dạy học đã in sâu trong đầu ta.
Và khi đi dạy, ta thấy nhà trường sẽ xếp đặt sao cho mọi thứ "mặc đồng phục" nhiều nhất có thể, cho họ dễ quản lý, và ta dễ quản lý. Học sinh thì đứa nào như đứa nấy, lớp thì đông đến ba mươi bốn mươi (đấy là mình chưa từng biết những lớp trên năm mươi mà ngoài kia có tồn tại).
Nói chung, mọi thứ đồng đều, và nghe lời, và dễ gom thành một "nhúm", thì lúc nào cũng "dễ xử" nhất. Nhưng thực tế trẻ con chẳng bao giờ như thế. Chẳng đứa nào giống đứa nào. Chẳng có bất kỳ cái nhóm nào vừa với nó. Cách đây mấy năm có bài viết "những đứa trẻ không đổ vừa khuôn", gần đây ngẫm lại cái cụm đó mình thấy phi lý vô cùng, vì đứa trẻ nào mà chẳng đổ vừa khuôn.
Và thế là mình dành thời gian để: 1) tìm hiểu từng trẻ và 2) tìm hiểu từng độ tuổi.
Ban đầu mình chú trọng tìm hiểu từng trẻ hơn, thứ nhất vì mình tôn trọng cá tính của mỗi cá nhân. Thứ hai, mình từng không nhận ra sự cần thiết của việc nhận định đặc điểm độ tuổi, vì trước đây mình chỉ quen dạy học sinh cấp 2, mà từ lớp 6 tới lớp 9 thì thực sự không thay đổi quá nhanh, vẫn có nhiều đặc điểm chung kiểu ta hay gọi là dậy thì mới lớn này nọ. Vả lại lên cấp 2 là học nặng rồi nên bài dạy thiên về học thuật hơn, mặc kệ "con thích" gì, muốn điểm cao thì phải lo mà học thôi. :))
Nhưng trẻ cấp 1 thì ... học gì mấy đâu^^, tức là chúng vẫn học nhưng ý thức về sự học thì chưa sâu, chúng sẽ học trong khi không biết là mình đang học. Học khi chơi, học khi làm, học khi cùng bè bạn trải nghiệm. Rồi chúng cũng chẳng lo âu vì điểm, chẳng quan tâm tiền đồ tương lai gì^^ (trừ khi bị người lớn nhồi sọ). Bởi vậy phải chú ý đến cách thức tổ chức các trải nghiệm này, hơn là nội dung học. Phải quan tâm cảm xúc tâm lý trẻ. Phải biết trẻ thích gì, thoải mái khi được làm gì.
Và quan trọng là trẻ nào cơ? Vì hỡi ôi, mãi mình mới nhận ra là từ lớp 1 tới lớp 2 là cả một trời khác biệt, và tương tự 2 lên 3, 3 lên 4,... Trẻ tiểu học thay đổi nhanh kinh khủng, như gương mặt chúng, cơ thể chúng, mỗi ngày đều biến đổi. Thậm chí đầu năm tới cuối năm đã như một con người khác. Quá trình phát triển diễn ra cực kỳ nhanh, mạnh và rõ rệt, và thường khá dễ phân biệt các nhóm trẻ này, bởi chúng chuyên gia bắt chước bạn bè đồng trang lứa.
- lớp 1 ngoan, thích nói, thích kể chuyện, chia sẻ, chuyện gì cũng kể, cô là số một, cô là thần tượng, yêu cô là sẽ học, sẽ nghe lời, không bao giờ chê bài chán chỉ là đừng khó quá nha con sẽ ngủ luôn mất, nhoi nhoi loi choi^^, ...
- lớp 2 bắt đầu có cảm giác mình lớn, thích tạo nề nếp quy củ và thích làm gương, bắt đầu chơi theo nhóm nam nữ, vẫn siêu dễ thương nhưng không nói quá nhiều, bài chán là bắt đầu uể oải, thích bài đủ độ khó để cảm thấy mình giỏi, chịu học chịu làm. Nói chung nhóm này cũng dễ thương xỉu luôn!
- lớp 3 là lúc mình bắt đầu bế tắc. :)) Một phần vì nhóm học sinh lớp 3 của mình đông quá đi. Theo mình thấy lớp 3 ở trường mình bắt đầu phân biệt nam nữ tương đối rõ, thậm chí xa lánh kỳ thị (vào cuối năm, lúc sắp lên lớp 4). Một số bạn nam bắt đầu thượng cẳng chân hạ cẳng tay và nói bậy. Lớp 3 đã cơ bản nắm được tiếng Việt nên bắt đầu có nhu cầu về dạng bài tập khó hơn, thử thách hơn.
- lớp 4 thì thôi... ám ảnh! Lớp 4 trường mình bắt đầu cho rằng mình là anh chị trong trường, thích tỏ ra ngầu, thích phản kháng, lười học ham chơi, chuyện riêng thì bất tận, bắt đầu quan điểm này nọ kiểu rất là người lớn^^, có thể thấy rõ sự chênh lệch trình độ vì bé nào học chắc thì tới lớp 4 đã cực kỳ thạo tiếng Việt, còn bé nào mất gốc thì chỉ như lớp 1 lớp 2, rất khó bắt kịp bài...
- lớp 5 trường mình trở nên ngoan lạ lùng, tự giác, làm việc nhóm trách nhiệm và suôn sẻ vô cùng, có khả năng tự tổ chức, đã chán những trò quậy phá "trẻ trâu" vô nghĩa nên có khả năng ngồi im lắng nghe khá lâu...
- lớp 7...
- lớp 8...
Nhận xét
Đăng nhận xét