Thu nhặt từ Ngày Ngôn ngữ năm nay
Ngày Ngôn ngữ (Language Day) ở trường mình năm nay không phải một ngày hội kiểu tôn vinh các ngôn ngữ, chỉ giản dị là một dịp ngồi xuống nhìn lại về việc dạy học ngôn ngữ ở trường, và tham dự một hai nội dung tập huấn với chuyên gia. Một phần đặc biệt nữa diễn ra vào đầu ngày là lớp học ngôn ngữ do các giáo viên các thứ tiếng (trừ tiếng Anh) tổ chức ra cho những người còn lại đăng ký tham dự.
Sau một ngày bận rộn, mình muốn ghi chép lại thật nhanh những ý nghĩ sau Ngày Ngôn ngữ năm nay ở trường. Đây là lần đầu tiên mình tham dự ngày này, và nhiều khả năng là lần cuối cùng luôn ^^ nên phải tranh thủ.
1. Lớp học tiếng Việt:
Trong khi các giáo viên khác đến với lớp học ngôn ngữ mà họ lựa chọn, 10 giáo viên từ các bộ phận khác nhau đã ghé thăm lớp mình để tham dự bài học tiếng Việt về từ chỉ các món ăn.
Khi soạn bài, mình phân vân rất nhiều về việc chọn nội dung kiến thức nào vừa đủ dễ, vui vẻ, nhẹ nhàng, vừa có một chút thử thách để phù hợp với những người-học-lớn-tuổi. Và nhiều thời gian đã dành ra để chuẩn bị các chất liệu tốt nhất trong khả năng của mình, từ bài giảng cho tới tài liệu cầm tay cho người học. Kết lại, mình cảm thấy lớp học được kiểm soát khá ổn như những gì mình đã dự tính. Và vì đây là tài liệu do cá nhân làm ra, nên mình có thể chia sẻ được, ở đây.
Điều mình nhớ nhất là từ chỗ căng thẳng, bối rối, e ngại đầu buổi, tới cuối buổi các "học sinh" của mình đều không ngớt miệng nói cám ơn, khen nội dung học hữu ích và hỏi thêm đủ thứ về thanh điệu tiếng Việt. Họ đều đồng ý rằng tiếng Việt nghe như âm nhạc. M. có nửa dòng máu Việt Nam, nét mặt thật vô cùng nghiêm túc và có chút xúc động, gặp mình lúc ra về để xin mình viết nhanh cho tên mấy bài thơ về tìm nghe. Mình nói với lớp rằng mình rất hạnh phúc vì họ có hứng thú ban đầu này.
Tất cả là nhờ ở động lực của người học. Mỗi người đều có sẵn khao khát học điều mới, nhưng bức tường ngăn cách thật đồ sộ ở khoảnh khắc đầu tiên đến với môn học. Dần dần, giáo viên sẽ khiến học sinh tự xoá bỏ sự ngăn cách đó.
2. Tập huấn: Supporting multilingual learners in multilingual schools (Eowyn from Crisfield)
Phần tập huấn kéo dài một tiếng với diễn giả là Eowyn nói qua video. Đây là hình thức tập huấn bọn mình đã quen từ khi có dịch tới nay.
Về phần này, mình cảm thấy rất thích thú. Những suy nghĩ mình liệt kê ra trong bài viết hôm qua đều bằng cách này cách khác được Eowyn nhắc lại, tất nhiên là hệ thống hơn, khoa học hơn, sâu hơn. Mình cảm thấy, không hiểu sao, rất hạnh phúc vì nhà trường hiểu được những điều này và có sự đề cao đúng mức với vấn đề phát triển ngôn ngữ của trẻ em.
Mình cho rằng mỗi phụ huynh trường quốc tế đều cần xem. Dù sẽ mất nhiều thời gian để họ thay đổi.
Để ghi chép ngắn gọn những ý mình thích nhất thì đó là:
- Hai khía cạnh đánh giá khả năng ngôn ngữ: BICS (basic interpersonal communicative skills) và CALP (cognitive academic language proficiency). Nôm na thì ngôn ngữ dùng để giao tiếp và còn dùng để lĩnh hội kiến thức học thuật. Nếu phụ huynh hài lòng khi thấy con nói tiếng Anh như gió, điều đó chưa đủ để đảm bảo con họ có khả năng tiếp thu bài học ở trường bằng tiếng Anh, và tương tự đối với bất cứ ngôn ngữ nào khác. Nếu coi"giỏi tiếng Anh" ^^ là tất cả thì có một khả năng là đứa trẻ sẽ vật lộn một mình với một vài dạng khó khăn trong học tập mà cha mẹ chúng không cho là gì đáng kể. Còn nếu chú ý đến sự phát triển cân bằng của con, đặt một tiêu chuẩn cao hơn về học thuật, thì phụ huynh và nhà trường cần cùng nhau bắt tay để hỗ trợ con cả về BICS và CALP.
Một cách ví von, học sinh song ngữ/đa ngôn ngữ phải đội cùng lúc hai chiếc mũ: language learners hat và academic hat. Chiếc mũ thứ nhất yêu cầu chúng phải hiểu và tạo lập được ngôn ngữ. Chiếc mũ thứ hai yêu cầu chúng phải tiếp thu và sáng tạo được nội dung. Một vài thí nghiệm nhỏ đã được Eowyn đặt ra để giáo viên hiểu cùng một lúc làm hai việc chẳng hề dễ dàng - ngay cả với người lớn chúng ta.
- Một câu mình tâm đắc: The most valuable learning tool for children is the language that they already know (Công cụ đắc lực nhất mà trẻ có chính là thứ ngôn ngữ mà chúng đã biết). Vì vậy giúp con thật sự giỏi một thứ tiếng là trao cho con hành trang vững chắc nhất để con học giỏi các môn học và học giỏi thứ tiếng thứ hai, thứ ba.
Ví dụ cho ý này là trò chơi rút gỗ Jenga. Ngôn ngữ thứ nhất tựa như những thanh gỗ ở các tầng đầu tiên. Nếu không đủ số thanh gỗ, làm sao cột gỗ vững chắc. Xây được cột gỗ cao thế nào phụ thuộc vào phần dưới chắc chắn đến đâu. Vì một số lý do, phần dưới thiếu đi vài thanh "then chốt", "rường cột" thì cấu trúc sẽ trở nên vô cùng mong manh. Nếu tôi là người chơi giỏi, tôi vẫn bằng cách nào đó xây được một cột gỗ thật cao, nhưng độ cao không đồng nghĩa với sự vững chắc. Trẻ sẽ gặp khó khăn mọi mặt nếu thiếu nhưng trụ cột ngôn ngữ đầu đời này.
3. Tập huấn: Translanguaging in the classroom (Eowyn from Crisfield)
Nhận xét
Đăng nhận xét