Ngẩng đầu lên đi em (một chuyện từ Facebook)

Đây vốn là một bài viết của mình trên Facebook, xuất phát từ tin nhắn của một người em. Bài viết trên Facebook thì thường mang tính cảm tính. Không phải không thể "khách quan", "lý tính" hơn nhưng tính chất của bài viết trên Facebook thường là như vậy, và mình cố để cho nó như vậy. Mình không muốn bỏ thêm thời gian để chỉnh sửa bài viết vì mình thấy như thế là đủ rồi.

Tuy nhiên, khi để nó trên Facebook, mình cảm thấy khó chịu vì cái cảm giác rằng kể cả những người không liên quan và mình không coi trọng cũng đọc được, và cái cảm giác họ tưởng mình đang và muốn nói chuyện với họ làm mình buồn nôn. Thứ hai là những phản ứng qua lại trên Facebook như thích, bình luận, chia sẻ, kể cả có toàn là phản ứng tích cực, thì cũng làm thành hiệu ứng trigger cho một vấn đề mà mình chỉ muốn nói một lần, nên mình thấy mệt. 

Mình không muốn xoá hẳn nó vì mình biết một số người vẫn muốn đọc hoặc đọc lại. Vì thế, mình đưa nó lên đây. Mình giải thích dài dòng để phân biệt bài viết này với một số bài khác ở đây, cũng như để người đọc (nếu có) không mong đợi những điều mà bài viết không thể có.

---

Đứa em hốt hoảng: 
- Em xấu hổ lắm chị ơi, cả tuần nay em vẫn chưa hết buồn, câu chuyện đã được lan truyền đi khắp nơi và ai cũng ái ngại cho em.
- Chuyện gì?
- Em chỉ dám ngồi một góc, người lớn khổ vì phải xử lý vụ của em, em đã làm liên lụy nhiều người rồi.
- Nhưng là chuyện gì?
- Chuyện em lỡ nói trong bài dạy rằng "đứng" trong "đứng tuổi" là TỪ ĐỒNG ÂM với "đứng" trong "đi đứng".
🤣

Nhớ một lần khác, có đàn chị hốt hoảng:
- Hà, gỡ ngay tấm hình bài giảng trên FB.
- Sao ạ?
- "Bình Ngô đại cáo" là cáo chứ không phải thơ.
Mình thầm nghĩ, cái tụi học sinh tiếng Việt còn không biết viết này, chỉ vì Bộ giáo dục bắt nó học chương trình lớp 9 trong khi năng lực tiếng Việt cỡ lớp 5 và hứng thú học tiếng Việt thì là lớp 0, cũng đúng khi mà quên mất chuyện giải thích cho nó về ...thể cáo trong văn học trung đại. 🤣 Nhiệm vụ mình giao chỉ là “xếp các câu “thơ” theo đúng trình tự để tạo thành bài “thơ” có nghĩa”.

Mình định 😊 thôi chẳng nói gì, nhưng hình như mình cũng đã nói gì đó cho đỡ mất lịch sự khi người ta báo cho hay một lỗi sai "động trời" vậy mà không rep. Chắc nên sửa lại thành “xếp các câu “cáo” theo đúng trình tự...”.

Một tình huống sư phạm có rất nhiều yếu tố được đem vào sự tính toán của người dạy mà không thể giải thích hết cho người không hiểu. Nhưng xét cho cùng, cũng chẳng quan trọng mấy.

Nhưng chuyện học sinh ngủ trong giờ, chuyện học sinh học xong không muốn nhìn lại sách Văn, chuyện chỉ số hạnh phúc và cân bằng tinh thần của học sinh chạm đáy, chuyện động lực học hành chạm đáy, chuyện giáo viên bình thơ tào lao phi logic, chuyện lạm phát chuyên gia bán khóa học, sao không ai nói?

Một lần khác, cũng đồng nghiệp lớn tuổi nhận xét bài dạy, hết biết nói gì, bèn đem chuyện: cô Hà ghi thơ lục bát mà không căn giữa. Ừ, ok!

Một lần khác nữa, hí hửng hỏi ý kiến một kiến thức tiếng Việt cấp 2, sách giáo khoa. Lần đó, chưa kịp có chỗ cho hỏi han chỉ dẫn nhau thì (như thường lệ), đã phải nhường chỗ cho sự vội vã thể hiện vai vế: "Ôi trời, cái này mà cũng không biết à?".

Câu nói dạng trên có thể là một ví dụ điển hình cho nền giáo dục ...phi giáo dục, tập trung vào lỗi sai và ưa phán xét của đất nước mình trong quá khứ. Vậy, đừng trách lớp trẻ tại sao họ không bao giờ thèm hỏi nữa và trở thành những đứa "không chịu tiếp thu" trong mắt lớp người còn lại. 🤣

Vài lần khác, những cuộc gọi điện trong đêm hốt hoảng như cháy nhà, báo tin một lỗi sai kinh khủng mà không xử lý ngay thì tưởng như có thể chết người. Mình lập cập xử lý vì mình muốn nhận trách nhiệm. Bỗng nhiên sau đó mình nhận ra chả có gì xảy ra cả và họ cũng "lơ đẹp" như chưa hề có trận cháy nhà đêm ấy.

Những lần sau, rút kinh nghiệm, mình chỉ cám ơn người đã báo tin và vất vả vì chuyện không phải của họ. Làm sao dễ lấy được một đêm ngủ ngon của mình tới vậy! Rồi sau đó (như thường lệ), không có gì xảy ra dù mình đã chờ.

Đó là lỗi nhỏ, còn chuyện to như kiểu ai lỡ lời ở đâu, ai bị cơ quan sa thải, ai bị khiển trách, ai "suýt bị đuổi khỏi ngành", thì nhất thiết là phải sốt sắng lan truyền nhanh chóng bằng mọi giá. Đó là chuyện tối quan trọng, là những lá thư hỏa tốc.

Quay trở lại chuyện em gái phải cúi mặt vì lỗi sai từ đồng âm, mình muốn thay em nói với họ:
- Thứ nhất, tôi không hề hạ thấp chuyện chuyên môn. Đừng đánh đồng.
- Thứ hai: nhưng, tự các vị hiểu giáo dục còn là những điều khác nữa, đừng cố tình không hiểu.
- Thứ ba: đừng làm to chuyện. Lỗi nhỏ thì nghĩa là lỗi nhỏ, đừng đánh tráo khái niệm thành ba chữ mỹ miều "lỗi sơ đẳng", nghe buồn cười.
- Thứ tư: tôi không ngu. 🤣 (điều ai đó đang cố chứng tỏ).
- Thứ năm: ai làm giáo dục cũng biết 1) ai cũng có lúc mắc lỗi và 2) chúng ta học từ sai lỗi. Việc giúp người khác hoàn thiện qua một lỗi sai không đồng nghĩa với thổi phồng chuyện bé lên thành to. Cái này mới "sơ đẳng" này!
- Cuối cùng: tôi phân biệt được góp ý thiện chí và những cái còn lại.

Đã qua lâu rồi cái thời cô giáo phải bỏ nghề vì chuyện giải nghĩa sai "canh gà Thọ Xương", mà trong câu chuyện ấy người dốt hơn là đám đấu tố cô giáo (họ làm việc trong sự hung hăng, thiếu trầm trọng hiểu biết về tình huống sư phạm thực tế lúc đó cũng như sẵn sàng làm nô lệ dư luận). 

Ở xứ mình nào ai dám nói với thầy cô: Thầy cô ổn rồi, thầy cô đã làm rất tốt. Nhất là thầy cô Văn - cái môn mà cả xã hội nghĩ là họ có khả năng đọc hiểu để nhảy vào ghế chuyên môn ngồi.
Ngẩng đầu lên đi em! Em đã làm rất tốt rồi!



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?