Đi chợ đồ cũ gần nhà
Gần nhà có chợ đồ cũ, hôm nào rảnh mình lại chạy ra chơi. Đảm bảo không bao giờ chán vì đồ được thay mới liên tục mà nhiều đồ thú vị, chẳng thể đoán được tuần này sẽ có những món gì. Mỗi chủ nhân thuê một gian hàng bé xíu, trên có móc treo, dưới có ngăn để đồ, dưới cùng là chỗ để giày dép và các vật cồng kềnh. Phí thuê một tuần là 30€, thuê lâu thì tốn tiền nên đảm bảo tuần nào ra cũng có nhiều gian hàng mới. Rất ít khi có gian hàng trống, cả một khu chợ rộng mênh mông đầy nhóc đồ đạc, nhìn hoa mắt, nhưng dòm kỹ từng ngóc ngách thì không bao giờ hết bất ngờ.
Đi chợ đồ cũ mà hiểu người Phần hơn. Cái xứ gì mà dân hiền lành, nhẹ nhàng tình cảm, chú ý tiểu tiết, thích ở nhà, lại yêu thiên nhiên. Cứ trông cơ man nào là món đồ gia dụng bé xíu với hoạ tiết hoa lá, hoạt hình, cây cối, chó mèo là thấy. Mỗi thứ xinh một kiểu, mà thứ nào đã đem ra chợ bán là được vệ sinh sạch sẽ, nhiều món được gói ghém cẩn thận, trân trọng. Đem mấy thứ như vậy về nhà cảm thấy tin tưởng hơn vì nghĩ rằng chủ nhân cũ cũng là một người sạch sẽ chu đáo. Nhìn một món đồ đôi khi thấy cả một nếp sống, ký ức gia đình, văn hoá đất nước. Nhưng cũng có khi mình đứng mãi xem một món mà không hiểu nó dùng để làm gì.
Nói dân Phần sống bền vững, mê tái chế là nói đến văn hoá của cả xã hội người ta, mọi nơi mọi lúc đều nhất quán, chứ không phải câu khẩu hiệu trendy ra rả đầu mồm. Bán đồ với mục đích thanh lý cũng như kích thích recycling thì giá bán bao giờ cũng khác hẳn so với bán mà có chút mục tiêu kiếm chác. Giá rẻ hết hồn là nhằm mục đích cho thanh lý cho nhanh để vòng quay tái chế quay đều, và giá thế thì mới kéo người ta đến chợ đồ cũ để bỏ thời gian vàng bạc mà lựa chọn ngắm nghía, vì vừa không đau ví lại vừa vui. Ở đây không có những cái kiểu giá khiến người ta đi shopping mà phải suy tính trông đăm chiêu chả còn gì là hạnh phúc hoặc thà mua đồ mới còn hơn (ở VN nhiều shop đồ si, sách cũ hay đồ cũ khi có cơ hội là đều thổi giá lên hết).
Cũng chính vì nền văn hoá recycling bền vững đó nên chi phí bắt đầu cuộc sống ở Phần không quá cao (hồi sang nhà mới chi phí để ổn định của mình là giường 8€, ghế hai cái mỗi cái 5€ và bàn học xịn nhất 20€, vậy thôi là yên tâm ngồi học ngon lành rồi). Lối sống nó thế, nên người thu nhập tối thiểu cũng có thể có cảm giác enjoy mua sắm khi rảnh rỗi. Ngoài ra, không nhiều người có cơ hội làm ăn theo kiểu mua đi bán lại ôm hàng phá giá các thứ. Văn hoá tái chế cũng giảm bớt phân biệt xã hội, không ai đánh giá nhau bằng việc nhòm vào túi đồ shopping của nhau. Lang thang chợ đồ cũ bạn có thể gặp cả hiệu trưởng đại học, hoặc biết đâu, cả thủ tướng.
Nhận xét
Đăng nhận xét