Nhật ký dạy học qua ảnh

 Những hình ảnh kể chuyện dạy học trong những tuần qua của mình.


Hình 1: Những hình ảnh chụp từ sách hoặc truyện chọn làm chất liệu cho bài học. 

Thứ dễ khiến trái tim rung lên nhất chính là những trang sách thiếu nhi đẹp tuyệt. Lựa chọn picturebook và ehon chất lượng cho trẻ cấp 1 đọc, cũng như các câu chuyện có sức gợi cho cấp 2 nghiên cứu, là một phần quan trọng trong "thành bại" của bài dạy.

Gần đây mình có đọc một cuốn chuyên khảo về ehon, biết được thêm một số tiêu chí khắt khe về sách tranh của Nhật Bản. Về nét vẽ cần có được sự hồn nhiên, tính chất kể chuyện, có sức khơi gợi tưởng tượng. Bên cạnh đó sách tranh là nền tảng hình thành khiếu thẩm mĩ cho trẻ nên cách các hoạ sĩ tạo hình cũng sẽ giúp trẻ có ý niệm về chuyện thế nào là đẹp - xấu. Còn về cốt truyện, cũng sẽ có rất nhiều tiêu chí để câu chuyện hay mà không giả tạo, ý nghĩa mà không áp đặt.

Hôm nay bạn M. lớp Hai đưa đến lớp một cuốn sách để cô đọc cho cả lớp (đây là một điều được khuyến khích trong lớp của mình). Cuốn truyện kể về chú kiến và chú châu chấu, một tên siêng năng một tên mê hát ca, không chịu tích trữ lương thực cho mùa đông. Tên thứ hai phải trả giá. Mình đọc cho học trò nghe mà thất vọng vô cùng. Ca hát, tận hưởng hiện tại hay lo xa và tích trữ là những lựa chọn riêng của mỗi người, không có cái nào đúng hơn cái nào. Sao cứ nhất thiết bắt chú châu chấu nghệ sĩ nhởn nhơ kia phải trả giá nhục nhã, ngày đông rét mướt gõ cửa xin kiến từng hạt lúa. Thật lệch lạc. Và phi khoa học. Vì đây còn là chuyện tập tính của loài côn trùng nữa mà. Chưa kể, hình vẽ sặc sỡ quá mức, phối màu loè loẹt, sắp xếp các chi tiết trong tranh lộn xộn, lạm dụng hiệu ứng đồ hoạ nên gây cảm giác rất giả. 

Quay trở lại với tấm hình trên. Vài hình chụp từ cuốn ehon "Bà ơi cháu rất muốn gặp bà" trông mới đáng yêu làm sao. Cuốn "Xếp hàng làm gì thế" khiến các bạn lớp Hai phải chen chúc nhau xem sách, thiếu điều muốn chúi mũi vào sách. Cuốn đầu xây dựng tính cách quyết liệt của hai bà cháu rất hay, tình huống cũng thông minh. Cuốn thứ hai giỏi ở chỗ kể chuyện về một đám thú tận năm mươi con nhưng vẫn không làm trẻ ngủ gật, bằng cách chia thành từng nhóm 10 con, chọn một thứ tự có dụng ý, chèn vào các chi tiết ngoài lề như chú chim nhân viên, xây dựng tương tác giữa các con vật khi xếp hàng, và tặng cho người đọc một cái kết hoành tráng, nhanh chóng.

Có một tấm hình về bộ sách Tiểu học hồi xưa. Khi mua thì háo hức, cầm lên tay thì xúc động, đọc qua một vài bài hồi xưa yêu thích thì rất khoái, nhưng xem bên trong thì thấy cực kỳ không ổn. Tuổi thơ bọn mình quả có nhiều thiệt thòi. 

---


Hình 2: Làm sao để học sinh thực sự làm việc?

Tới một lúc, những trò chơi sẽ chỉ còn là cái gì đó để trưng trổ màu mè, tuy lúc nọ lúc kia cũng cần. Bản chất của việc học không hẳn là vui. Những thao tác tư duy đúng, những thói quen học tập tốt cần được người giáo viên xây dựng thông qua những "bản thiết kế" được tính toán kỹ. Và đôi khi mọi thứ quy về những hoạt động cực kỳ đơn giản. Brainstorm bằng giấy note (hoặc padlet để tiết kiệm giấy). Đọc chép. Lên bảng chữa bài. Trả lời câu hỏi. Đọc và notetaking vào tài liệu. Giải ô chữ tìm từ. Chụm vào với nhau để thảo luận nhóm. Tuỳ độ tuổi của học sinh sẽ có loại hoạt động phù hợp cũng như "liều lượng" động não vừa đủ dành cho chúng.

Những hoạt động như vậy nhìn qua chẳng có gì gọi là đổi mới sáng tạo, cập nhật, tiên tiến, nhưng phải chăng vì ham sự tiên tiến mà bọn trẻ đang phải xa dần sự động não thật sự để đi theo những hình thức phức tạp quá mức. Thời gian của học sinh luôn là cái cần coi trọng, dù là thời 4.0 hay 2.0 thì mỗi đứa trẻ cũng chỉ có nhiêu đó năm để học hành, khôn lớn. Mỗi giây ta lấy đi của trẻ mà không trả lại điều xứng đáng cho chúng đều là những giây mà người lớn đã lấy cắp của chúng.

---


Hình 3: Trò chơi với trẻ Tiểu học

Mặc dù ở trên mình nhấn mạnh các hoạt động động não nhưng riêng với trẻ Tiểu học, một liều lượng thích hợp cần dành cho trò chơi. Trò chơi giúp các bạn ấy gắn kết với nhau, tạo cảm xúc tích cực mà vui vẻ thì kiểu gì cũng học tốt hơn. Vận động qua trò chơi giúp não của lứa tuổi này phát triển tốt hơn.

Khi mình đăng những tấm hình học sinh mình chơi Splash (đây là trò mà độ tuổi nào ở Tiểu học cũng thích chơi), bạn mình nói lớp học sao lại vui vẻ và tự do như vậy được, xưa nay cứ hình dung là phải ngồi một chỗ theo hàng lối.

Nếu sĩ số quá đông dẫn tới trẻ phải ngồi một chỗ đọc viết liên miên, chắc chắn là sẽ có những hậu quả nhất định.

Giờ dạy Tiểu học với mình luôn đem đến cảm giác nhẹ nhõm hơn nhiều so với Trung học vì trẻ con Tiểu học chơi rất nhiều. Mình hay thu nhỏ mục tiêu giờ dạy Tiểu học thành một vài hoạt động cốt lõi thôi, học xong là vào góc đọc sách hoặc chơi trò chơi, không ôm đồm, tham lam.

(còn nữa)

---

5 câu chuyện tiếp theo sẽ được mình kể trong tuần này. Mọi người xem trước hình ở dưới và đón đọc nhé!


Hình 4: Đọc vị trẻ qua nét vẽ


Hình 5: Thơ kể chuyện


Hình 6: Khi bạn có cả một thư viện trong lớp


Hình 7: Tranh tường (mural) và sáng tạo tập thể


Hình 8: Nắng chiều ở làng

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?