Một giờ học

(Bài chỉ dành cho giáo viên dạy ngôn ngữ, không nói về việc dạy Văn, không dành cho các hoạt động khuyến đọc. Đối tượng người học trong bài là trẻ không thạo tiếng Việt)

Có nhiều giờ học nhìn thì vui nhưng không hẳn là những giờ học mình ưng ý và thấy hạnh phúc. Nên mình muốn note lại những giờ mà mình thấy hài lòng hơn một chút so với thông thường, dù hình ảnh về mấy buổi như vậy không có gì ấn tượng.
Rồi. 1 2 3 bắt đầu. Câu chuyện Tích Chu được phát qua audio. Học sinh cầm tờ giấy có chứa câu chuyện với nhiều chỗ trống, nghe và điền. Vẫn là giọng mình nhưng thu lại rồi phát qua audio là để huy động sự tập trung, tạo cảm giác mới mẻ và kêu gọi được nhóm người học auditory. Chỉ mất 1 phút để thu âm. Mình không phải là fan của việc bày vẽ về công nghệ một cách không cần thiết.
Tiếp đến cô chọn trong bài ra 8 từ cô cho là khó trong bài, đọc từng từ bằng miệng, học sinh viết vào bảng con theo những gì mình được nghe. Học sinh quốc tế hay viết sai chính tả, quên bỏ dấu, vật lộn với các nguyên âm đôi phức tạp, bởi thế tuy nói là tiếng Việt nghe sao viết vậy nhưng từ nghe tới viết cũng muôn trùng khó khăn với chúng. Hoạt động đơn giản vầy mà với chúng cũng kích thích, cũng đủ "challenging".
Việc này cũng như việc trên học sinh làm theo nhóm 2 người, hoặc có nhóm 3. Học nhóm không phải cho nó trendy hay vui vẻ. Học ngôn ngữ bản thân là việc rất khô, căng thẳng, khi ngôn ngữ chưa giỏi thì học sinh ngại hỏi và có xu hướng "giấu dốt", hay sai và sợ sai. Học theo cặp, theo nhóm giảm được sự căng thẳng này. Khi làm có người giúp, khi sai là ... sai chung không phải lỗi riêng ai!
Giáo viên luôn "sơ cua" những chiếc phao cứu trợ. Ví dụ ở trên, khi không viết được từ cô nói, học sinh có thể đọc lại bài vừa điền vì tất cả đáp án đều có ở trong đó. Giáo viên không được đánh đố, làm mọi thứ trở nên quá phức tạp và khó khăn không phải là giúp người học mà thường phản tác dụng. Nhớ có lần ở lớp 2, mình phát tờ bài tập viết thì bạn nào cũng méo mặt, nhưng phát tờ phiếu bé xíu bằng lòng bàn tay chứa từ cần điền trong trường hợp con cần tham khảo thì ai nấy đồng loạt yeah, rồi cái bạn nhận nhiệm vụ cầm xấp "phao cứu trợ" đó trở nên vụt sáng thành sao vì được các bạn vây quanh. Làm vậy có dễ quá cho học sinh không? Thế nếu không làm vậy mỗi đứa kêu một câu "Cô ơi" có nhặng cả lớp lên không, cô chạy từ bạn này qua bạn kia giúp thì có giống chong chóng không?
Hoạt động thứ ba là cô đọc câu văn có thiếu từ cần điền. Ví dụ "Vì nhà đông con, bác Lan phải làm việc ...". Học sinh dựa vào 8 từ vừa học điền vào chỗ trống. Từ cần điền ở trên, chẳng hạn, là "quần quật". Cũng không có gì đặc sắc ở các hoạt động này nhưng chúng cứ xoay đi xoay lại một đối tượng ban đầu (các từ mới trong truyện Tích Chu) và mỗi lần trở lại thì đều đổi hình thức hoạt động, nâng độ khó... Ví dụ lần cuối này là chạm tới cấp độ câu.
Làm 3 việc trên xong thì chỉ còn 10 phút là hết giờ. Học sinh được thưởng chơi trò Vua Voi. Học chăm nên chơi trông có vẻ cũng hết mình hơn, khoái chí hơn. Note: Trò chơi này là tụi mình tự đặt tên và tự nghĩ ra các hình ảnh để chơi, trẻ lớp nào cũng yêu thích, có thể tự tổ chức chơi, cô không cần vất vả. Ai muốn tham khảo ý tưởng thì comment để mình chia sẻ nhé.
Một giờ dạy ít cần nguyên vật liệu cầu kỳ hay hàng tiếng chuẩn bị nhưng học sinh thực sự làm việc và được cày xới qua lại một nhóm từ ngữ thì đó là giờ dạy mà bản thân mình cảm thấy ưng ý, ngay lập tức thấy cần note lại cho mình. Thà ít mà kỹ còn hơn nhiều, còn hơn vui, mà không học được mấy.
Điểm quan trọng mà mình luôn nhắc bản thân khi làm việc với quá trình dạy trẻ một ngôn ngữ, đó là hãy luôn động viên con, hướng con tới sự tiến bộ (thay vì thành tích), giúp con phấn đấu vì mục tiêu lâu dài là con sẽ giỏi lên chứ không phải chuyện hôm nay giải được mấy bài, thắng được mấy game.
Cảm giác của một người khi bị nhúng vào một ngôn ngữ mình không rành, mấy từ cơ bản cũng viết sai, nó rất là chán nản, căng thẳng, xấu hổ, dễ bỏ cuộc vô cùng. Số trẻ gặp khó khăn với tiếng Việt theo kiểu như vậy ở trưởng quốc tế tương đối nhiều. Các vấn đề trẻ gặp phải là muôn hình vạn trạng. Mỗi bạn struggle một kiểu. Từng sự khích lệ nhỏ cùng với bầu không khí đầy tin tưởng, tích cực, không tập trung vào lỗi sai, triệt tiêu sự so sánh sẽ giúp trẻ đi được từng bước nhỏ mà vững chắc trên con đường giỏi lên về một ngôn ngữ. Xét cho cùng đó là điều ta muốn, trẻ muốn, ba mẹ muốn.
Thái độ đó mình áp dụng với mọi khối lớp. Không phức tạp nhưng sự nghiên cứu kỹ, sự tinh tế và tỉ mỉ là thứ cần chuẩn bị trước khi lên lớp. Bất kể trẻ độ tuổi nào, tiểu học hay trung học cũng đều nhận từ mình nguồn năng lượng và mức độ ân cần mà mình cho rằng phù hợp với chúng, tốt nhất cho chúng.
Hình: lớp 5 được thưởng chơi trò Vua Voi sau khi học xong, trên bảng là các từ ngữ vừa tìm hiểu.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?