Du học Phần Lan

Năm nay, mình nộp hồ sơ du học cho 4 trường và đỗ 4/4. 3 trường ở Phần Lan là Oulu, Jyvaskyla, Turku và một trường ở Bỉ là KU Leuven. Hôm qua, mình vừa hoàn thành học phí cho trường Đại học Oulu ở Phần Lan. 

Hôm nay nhân dịp rảnh rỗi, mình quyết định kể lại "hành trình" của mình một cách đơn giản nhất để chia sẻ cho những người quen và không quen, những ai đang nhen nhóm ý định du học ở đất nước Bắc Âu này, giúp bạn có thêm một câu chuyện để tham khảo. Nếu bạn đánh giá cao kết quả ở trên thì mình nghĩ bạn sẽ học được gì đó ở bài viết này. Còn nếu không thì vẫn còn rất nhiều bài viết ngoài kia phù hợp với bạn.

Mình sẽ liệt kê một cách dễ hiểu nhất các bước mình đã làm trong quá trình chuẩn bị dài khoảng một năm rưỡi vừa qua. Mình biết chắc chắn rằng không thể viết hết mọi thứ, nhưng mình sẽ cố khái quát.

Bước 1. Chọn nước
Tháng 4/2019, mình thống nhất xong với gia đình về việc đi học thì bắt đầu lựa chọn nước để đi. Trước đây có nhiều lần mình đã làm việc này, nhưng hồi đó cứ chọn Đài Loan, Đức, ... vì đi dễ hơn, gần gũi với Việt Nam hơn, tốn ít tiền hơn. Đợt này, khi có sự ủng hộ về tài chính của gia đình, mình thoải mái lựa chọn nơi mình thích đến. Trong vốn hiểu biết hạn hẹp, mình chọn Phần Lan.

Bước 2. Tìm người giúp đỡ
Sau đó là quá trình kết nối qua nhiều người khác nhau để có những nguồn thông tin tốt nhất về các trường ở Phần. Nhờ chị Kan, mình quen được em Long. Hồi đó Long động viên mình chọn Phần là đúng rồi đó, và còn nói nếu Phần Lan là wonderland, thì Long sẽ là bạn thỏ đưa mình đến với nó.  ^^ Dễ thương ha!
Bên cạnh đó, mình cũng có sử dụng dịch vụ của một trung tâm. Dịch vụ không tốt, nhưng để lại cho mình mối quan hệ với mentor có tâm, dù sau này anh ấy nghỉ làm ở trung tâm này. Nhờ anh, mình cũng có thêm rất nhiều thông tin. Nhưng hữu ích nhất vẫn là thông tin từ em Long. Và tình cờ, trường cuối cùng mình chọn cũng là trường mà Long đang học.
Mình cảm thấy nếu không có những supporters này thì mình không thể nào có những định hướng đúng cũng như tập trung trong quá trình làm hồ sơ được. Bởi vì mình đang chinh phục một mục tiêu mà mình mới chỉ nghe về nó, chưa từng nhìn thấy và cảm nhận trực tiếp.

Bước 3. Tìm hiểu về các trường
Mình làm theo quy trình hơi khác. Thay vì đi học IELTS ngay thì mình tìm trường trước, rồi nghiên cứu các điều kiện nó đòi hỏi để chuẩn bị cho phù hợp và để có động lực. List các trường có ngành giáo dục ở Phần Lan thì cũng rất đơn giản để liệt kê. Đầu tiên, Jyvaskyla là trường sư phạm lâu đời, cái nôi của giáo dục Phần Lan. Oulu có ngành Education & Globalisation và Education & Technology đọc qua thôi mình đã thấy thích. Turku có ngành Educational Sciences như Jyvaskyla nhưng có hệ song bằng, cho phép mình qua Đức học và khi tốt nghiệp có 2 bằng Thạc sĩ. Ngoài ra có Tampere, Helsinki là các trường ở thành phố năng động với các ngành cũng rất hay. 
Hầu hết các trường đều đòi 6.5 IELTS, trừ Jyvaskyla. Tuy nhiên, nếu không có trình độ IELTS cỡ này thì bạn cũng chẳng qua được các vòng của JYU đâu. Bên cạnh đó, các điều kiện khác được mô tả rất cụ thể. Ví dụ, ngành Globalisation của Oulu thiên về research, ngành Educational Sciences của Jyvaskyla thì vừa lý thuyết vừa thực hành, EdTech thì có tính ứng dụng cao hơn. Tuỳ vào từng trường, mình cần chuẩn bị CV và thư động lực cho phù hợp.
Hồi đó, mình ấn tượng nhất là Jyvaskyla. Viết mô tả tiêu chí đánh giá vô cùng kỹ lưỡng, rõ ràng, dễ hiểu, tuy nhiên vì chi tiết quá nên đọc cũng hơi nhức đầu. Nhưng đọc đi đọc lại nhiều thì mình cảm thấy hiểu về trường hơn rất nhiều, và cảm thấy rất muốn vào học một nơi chuyên nghiệp như vậy.

Bước 4. Chuẩn bị IELTS
Ngay khi biết được điều kiện IELTS cần có, mình bắt đầu học IELTS. Hành trình học IELTS mình đã chia sẻ trong một post đầu năm nay. Mình nhớ hồi tháng 4/2019, khi gặp anh mentor Quang, anh vô cùng lo lắng cho IELTS của mình. Lúc đó mình chỉ cỡ 5.5 thôi, thậm chí tệ hơn vì bỏ không dùng lâu. Sự lo lắng của anh khiến mình có động lực để tự lo liệu IELTS cho tốt và mọi việc đã diễn ra như mình kể với kết quả 7.0 all bands.
Việc học IELTS bắt đầu từ tháng 8, sau khi mình nghỉ làm fulltime bên SHs. 4 tháng liên tục với rất nhiều sự thay đổi, những lần điểm lên rồi xuống, những lần chọn nhầm thầy, những đợt nằm nhà chán chường vì tâm lý, hay những ngày ngồi mòn mông ở Nhã Nam Thư quán giải đề, ôm máy đi học speaking trên Cambly tới nỗi bị chủ quán quen kỳ thị vì chuyên gia tắt nhạc của quán, hay chuỗi ngày chịu thương chịu khó bắt Grab qua quận 10 học với Charles và triền miên ăn cơm ở quán dưới chung cư. 
Mình nhận điểm 7.0 khi đang nghỉ Giáng sinh trên Đà Lạt, chuyến đi một mình mà mình tự thưởng cho bản thân sau khi đã hoàn thành IELTS 6.5 trước đó, xin việc thành công và được nghỉ đông 3 tuần full lương. Lâu lắm rồi mình mới nghỉ ngơi thật sự thoải mái như vậy. Và đúng chiều 24, trước khi đêm Noel tới, mình nhận điểm. Cảm thấy vui vì khép lại một hành trình và còn khoảng 1 tháng nữa để chuyên tâm làm hồ sơ, hết lo lắng về IELTS.
Vì sao mình viết đoạn này rất dài. Vì mình cảm thấy IELTS là một nửa con đường du học. Với một đứa kém như mình, nó thực sự rất khó, rất gây đau đầu, target cao mà thời gian ngắn khiến mình luôn luôn, thật sự, phải có những phương án dự phòng. Nhưng khi đạt được rồi thì những việc còn lại dường như chỉ là thủ tục, dường như mình chỉ cần khéo léo sắp xếp và diễn đạt lại những gì mình đã có sẵn thôi.

Bước 5. Nộp hồ sơ cho các trường mình yêu thích
Năm nay, tính riêng ở Phần Lan, mình nộp 3 trường là Oulu, Jyvaskyla và Turku. Ban đầu mình chỉ định nộp Oulu và Jyvaskyla, nhưng do app điền đơn tiện quá nên chọn luôn option Turku rồi viết thư động lực (motivation letter) trong vỏn vẹn 20 phút. Lý do không chọn 2 trường Helsinki và Tampere là vì mình không tìm hiểu kỹ, ít hứng thú, và deadline của nó sớm hơn các trường còn lại.
Phải nói, hệ thống nộp hồ sơ học higher education của Phần Lan thực sự rất thích. Mặc dù nhìn qua không quá đẹp đẽ bắt mắt, nhưng mình cảm thấy dễ hiểu, dễ thao tác, và lưu thông tin rất an toàn - nghĩa là mình có thể để máy sleep mấy ngày sát deadline, tab hồ sơ vẫn mở, nhưng chẳng có gì mất đi cả. Hệ thống lưu lại mọi thứ, mình edit dễ dàng, cũng chẳng cần đăng nhập phức tạp. Lúc nộp xong hồ sơ mình đã đánh giá 5 sao. Nếu được khen dài dòng hơn, mình chắc chắn sẽ viết một lời tán thưởng chỉn chu cho họ.
Đơn giản như thế nào thì bạn chỉ cần hình dung: vào trang, kéo từ trên xuống dưới, kéo tới đâu fill thông tin tới đó. Xong! Chỗ nào thiếu thì bổ sung vào, nếu đảm bảo là không thiếu gì cả, thì chẳng có gì phải lo.
Hạn submit là 22/1 nhưng có nhiều tài liệu còn cập nhật được cho tới 29/1 thậm chí ngày 5/2. Nên chúng ta có thể yên tâm nếu một số tài liệu như motivation letter hay CV soạn chưa được chỉn chu. Chỉ có Turku là yêu cầu viết thẳng motivation letter vào text box nên mình không sửa được.
Sau khi đã submit, các trường thấy mình thiếu gì đều email nhắc mình một lần nữa, nên bạn yên tâm.
Helsinki và Tampere mình không nộp hồ sơ nên không rõ.
Chi tiết hơn: viết thư động lực như thế nào, soạn CV ra sao, mình sẽ có thể chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong một post khác. Nhưng nếu không ai hỏi thì thôi. (Ai hỏi nhớ comment nhé!)

Bước 6. Phỏng vấn và làm pretask
Trong 3 trường mình nộp thì Turku không cần phỏng vấn hay làm task gì. Oulu chỉ cần phỏng vấn. Còn Jyvaskyla vừa phỏng vấn vừa làm pretask. Đúng hơn là làm pretask trước rồi mới phỏng vấn.
Đến khâu này, một lần nữa mình vô cùng khen ngợi cách làm của Jyvaskyla. Nó không thể chỉn chu, gọn gàng và mô phạm hơn được. Chuẩn mực! Bài pretask của Jyvaskyla làm cho mình phải huy động rất nhiều kỹ năng trong vòng 2 tiếng ngắn ngủi. Vượt qua pretask thì quả là họ có cơ sở để đánh giá khả năng viết học thuật của thí sinh. Thêm vào đó, task này liên quan chặt chẽ đến nội dung học nên các giáo sư cũng có thể qua đây hình dung được thí sinh có phù hợp với việc học ở JYU hay không.
Về phỏng vấn, Oulu thì dễ thương thân thiện, hỏi đáp chuyện trò tự nhiên, còn JYU thì rất mạch lạc, có 3 người phỏng vấn mỗi người đảm nhiệm một phần, mỗi phần 5-6 câu hỏi rất chi tiết. Họ có vẻ nghiêm khắc chứ không suồng sã, nhấn mạnh ngay từ đầu là phải nói nhanh, gọn vì thời gian không có nhiều. Nhưng như bao lần, mình toàn làm họ vỡ kế hoạch và kéo cuộc phỏng vấn dài tới khoảng 25 phút (lúc này anh mentor mới của mình ngồi ngoài chờ dài cổ).
Cũng cần phải nói thêm là trước khi phỏng vấn, Oulu gửi lịch phỏng vấn cố định và mình không được phép đổi giờ, còn JYU thì cho đăng nhập Moodle (một hệ thống học tập của họ) từ sớm, hoàn thành task và đăng ký slot phỏng vấn trên đó, rất rõ ràng linh hoạt. Nói chung ở bước 6 này mình cũng khen JYU nức nở thôi, dù rằng mình biết tin đỗ Oulu trước cả khi làm pretask JYU xong đợt đó còn định bỏ luôn khỏi làm task JYU nữa, vì quá thích học Oulu. May thay, nếu không làm task JYU thì không thể biết nó đàng hoàng xịn xò như vậy.

Bước 7. Nhận kết quả
Nhận kết quả thì có gì phức tạp đâu. Ấy thế nhưng, đau đầu nhất là giai đoạn này. Mỗi trường báo một ngày, có khi cách nhau cả tháng. Và tương ứng, mỗi trường có một thời hạn để xác nhận học bổng, đóng học phí. Chỉ có xác nhận chọn trường nào là chung deadline vì làm cùng trên hệ thống ban đầu nơi chúng ta nộp hồ sơ.
Vì thế, bạn phải có khả năng đưa ra quyết định chính xác, dự đoán các phương án, chuẩn bị kế hoạch hành động và nắm thật chắc các deadline để không mắc những sai lầm do ẩu.
Hồi đó, trong khi chờ tin từ các trường, mình vẽ một sơ đồ rất khủng khiếp trong sổ, vận dụng hết tất cả trí thông minh logic cùng kỹ năng ghi chép và sketch note (ghi đại thế chứ chẳng biết chắc sketch note là cái gì). Tuy nhiên, nhìn vào chiếc sơ đồ khiếp khủng đó mình cảm thấy vô cùng dễ hiểu. Mình còn bày ra hệ thống chấm điểm cho các nguyện vọng và vẽ timeline chi tiết nữa.
Cái khó của mình là mình chỉ được confirm học bổng rất sớm từ Oulu (29/2). Các trường còn lại kết quả đã trễ rồi, học bổng còn trễ hơn vì mình vào waiting list của cả hai. Với Turku mình ở vị trí số 2, còn JYU thì vị trí nào không biết chỉ biết là waiting list. Dự đoán về khả năng học bổng hai chỗ này cũng giúp mình thay đổi "sơ đồ chiến lược" một chút xíu cho phù hợp. Nhưng tóm lại vẫn là chờ dài cổ, rất mệt mỏi.

Bước 8. Chọn trường
Sau khi đã nhận đủ kết quả, mình bắt đầu xếp lại "bảng tổng sắp", dựa trên các yếu tố như khí hậu, vị trí địa lý, tài chính, ranking ... và quan trọng nhất là chương trình học.
Ban đầu, chắc bạn chẳng tin đâu, mình đã chọn KU Leuven ở Bỉ và thản nhiên bỏ qua tất cả các deadline ở Phần Lan. Bởi vì KU Leuven rank cực kỳ cao, top 50 Thế giới, vị trí địa lý của Bỉ thì miễn chê, khí hậu lại còn dễ thương, thị trấn cổ biết bao xinh đẹp. Học phí thì rẻ như cho, chỉ gần 1000 euro/năm, nó rẻ chỉ bằng một phần mười mấy ở Phần Lan. ^^
Nhưng sau đó, khi tham khảo group sinh viên Bỉ, mình thực sự thấy chương trình ở KU Leuven không phù hợp với mình. Ban đầu, nó cũng không phải là nơi mình nhắm tới và khiến trái tim mình rung lên. Nó cũng cho mình đỗ quá dễ dàng khiến mình không thuyết phục. Chi tiết về KU Leuven thì mình sẽ chia sẻ kỹ hơn nếu ai muốn hỏi. 
Và mình quay lại với các lựa chọn ở Phần Lan. Đợt này không may chỉ có mỗi Oulu cho mình học bổng 75% (mức tối đa của họ). Mình cũng rất phân vân về 25% còn lại, số tiền ấy cũng gấp 3 tiền học ở Bỉ rồi, nhưng vì Phần Lan là nơi ban đầu mình thích, Oulu cũng tạo thiện cảm cực kỳ tốt với mình, ngành học thú vị (theo mình), và có chút trending vì chữ Technology ^^, lại có em Long đi trước, rồi Oulu có chi phí sinh hoạt rẻ nhất Phần Lan. May mắn nhất là mình được mẹ ủng hộ hết lòng, dù mình chọn trường nào đi chăng nữa, cho nên mình mạnh dạn chốt Oulu.
Kể ra cũng hơi tiếc. JYU đã làm mình ấn tượng đến thế trong quá trình tuyển sinh. Turku cho mình học double degree (thời gian qua Đức học được tài trợ tiền Eramus). Nhưng xét đi xét lại số tiền vẫn đội lên quá nhiều so với Oulu, nên mình không thể chọn trừ phi một mực muốn làm mẹ mình khánh kiệt. ^^ Với lại Oulu không có gì khiến mình lấn cấn về mặt nội dung học cả. Vậy đó, mình chọn về đội Oulu.
Quá trình này nghe vậy chứ cũng không đơn giản. Thậm chí trong khi bạn đang chọn giữa các option, sẽ có một option lừng lững xuất hiện: hay là ở nhà không đi nữa. ^^ Bởi vậy, mình đóng học phí cho Oulu vào đúng ngày cuối cùng, 31/5.

Bước 9. Xin financial aid
Bước này nhiều bạn thường bỏ qua. Thực ra khi đã có thư mời nhập học (letter of admission) trên tay, ta rất có thể dùng lá thư danh giá này để đi ... xin tiền. Mình muốn được thoải mái hơn về chi tiêu, đỡ đần cho mẹ và bố, nên mình có một động lực ngùn ngụt để đi xin tiền học.
Mặc dù mình không học JYU, nhưng trên website của JYU có thông tin chi tiết gợi ý cho sinh viên tìm financial aid ngoài trường. Mình đã apply một chỗ của Mỹ và tin hơi hơi vui là họ đang hoàn tất những bước cuối cùng (liên lạc với trường) để có thể đưa ra một lá thư chính thức, cho mình một số tiền dư sức trả 25% học phí còn lại cho Oulu (chắc cho thêm ít tiền mua quần áo sách vở ^^). Nếu bạn nào đã tới bước này và quan tâm, thì comment để mình chia sẻ thêm nhé.

Bài đã dài nên mình sẽ dừng ở đây. Mình hy vọng sẽ tiếp tục chủ đề du học Phần Lan với nhiều bài viết khác trong thời gian sắp tới.

Chúc các bạn đạt ước mơ dù cho đó có thể là một con đường dài. Bạn muốn bạn sẽ làm được!

Hình này lấy trên Unsplash, họ nói là chụp ở Oulu. Oulu là một nơi khá "xa phủ xa tỉnh", nghe nói hoang sơ quê mùa hơn. Mình cũng thích ở đó, sau nhiều năm ở thành phố lớn chật chội.


Nhận xét

  1. Đọc xong như thấy được truyền thêm động lực vậy. Mong chờ bài viết luận và financial aid tiếp theo của cô Hà lắm lắm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cả về lý do chị không chọn KU Leuven nữa nha

      Xóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?