người Việt với người Việt

Bí quyết ứng xử ở những chỗ nhiều người Việt. ^^

Đó là chia sẻ vừa phải, nói đúng lúc, ngồi đúng mâm. ^^

Người Việt là ai? Ở đây là nói tới số đông, chứ không chỉ riêng một ai. Mỗi chúng ta đều vừa giống, vừa khác “người Việt”. Mình chỉ cảm thấy là có những thói thường mà mình hay gặp ở các nhóm người Việt tại nơi làm việc, từ đó mình đúc rút để có thể là một người Việt xịn hơn, được yêu mến bởi cả đồng hương lẫn bạn bè nămmmm châu. ❤️❤️❤️


1. Cách trò chuyện của người Việt

Cái này không phải là kỳ thị, nhưng người Việt sống trong nền văn hoá Việt, họ chỉ thoải mái khi mọi thứ diễn ra đúng như nền văn hoá của họ bao lâu nay. Mà người nào chẳng vậy, họ thích được ngụp lặn trong cái nền văn hoá họ thuộc về. Những thói quen thân thuộc, những luật bất thành văn, điều nên và không nên. Theo đúng như vậy, để mọi thứ trôi chảy, suôn sẻ, vui vẻ.

Gần đây tiếp xúc với “Tây” nhiều hơn, thì thấy ở họ có sự thoải mái, cởi mở và thấu hiểu nhất định khiến cho cuộc trò chuyện đôi khi rất tự nhiên nhưng không hoá thành suồng sã. Hào phóng với nhau nhưng không có nghĩa là tri kỉ chị em, rủ rỉ rù rì. Nếu tìm họ để rủ rỉ rù rì, có khi ta sẽ nghe được lời khuyên là: “Chuyện này mày phải là người quyết định, rất tiếc tao không thể giúp”. Lạnh lùng và straightforward tới dễ sốc, nhưng riết thì thấy rất thoải mái, tự do khi tương tác với nhau.

Khác với phương Tây, người Việt Nam thích tình cảm, thích những chia sẻ sâu sắc hơn, đồng cam cộng khổ hoặc giúp đỡ nhau nhiệt tình trên mức xã giao, để được gọi là một mối quan hệ tốt. Người Việt không thoải mái khi hoà vào một nhóm người nước ngoài, nếu gần đó có một nhóm người Việt. Họ thích sự thoải mái thân thuộc, hoặc chỉ đơn giản là sợ bị đánh giá là sính ngoại, bài nội, đua đòi, mất gốc.

Nói như trên để thấy sự khác biệt, không phải so sánh hơn kém. ^^


2. Những cái “mâm” của người Việt

Hồi trước, ở chỗ làm cũ, mình nghe nói các sếp nước ngoài ghét nhất ở người Việt cái tính hay túm năm tụm ba. Và mình cũng dần nhận ra, từ từ, giáo viên người Việt nhanh chóng hình thành các nhóm nho nhỏ. Cùng ăn, cùng chơi, cùng tám chuyện. Trong các nhóm ấy, có những "thuật ngữ" chỉ họ mới hiểu (đó là cách nói về người khác mà vẫn an toàn) có group chat, có đủ chuyện ngoài công việc. Những người nhanh nhạy mau chóng nhận ra sự có mặt và quyền lực nhất định của các nhóm này, rồi nhập hội, hoặc không.

Điều dễ hiểu là có nhóm, khắc có những cái "ngoài nhóm". Thân tình tới đậm sâu, chắc chắn có những điều không thể sâu đậm. Điều dễ hiểu thứ hai là, khi nhập hội, ta dâng hiến một phần bản sắc và những điều riêng tư cá nhân của mình cho nhóm, ta nghiễm nhiên thừa nhận quy tắc ứng xử của nhóm, và ta ngần ngại với những nhân tố mới kẻo bị nhóm xa lánh, tẩy chay.

Hình ảnh cái "mâm" trong văn hoá Việt khá thú vị. Những nhóm ấy, ta có thể gọi họ là những cái "mâm". Ở đâu có "mâm", người ngây thơ đến mấy cũng phải để ý cho kỹ để không ngồi vào mâm không được mời, hoặc phải "làm sao đó" để được gọi vào mâm. Đó là văn hoá, là ý tứ, "ăn trông ngồi, ngồi trông hướng". Đừng lạc mâm để thành vô duyên. Thật ra, mình thừa nhận rằng đây là điểm tinh tế tương đối thú vị trong văn hoá Việt. Việc để ý xung quanh để duyên dáng, chừng mực, biết gì nên nói, gì nên làm, là người Việt thì không thể không học.


3. Mặt trái của sự tinh tế

Mặt trái của sự dễ thương, tinh tế nói trên, là không có chỗ cho những điều khác biệt, cho cái mới, cho những tư duy ngược dòng, cho các mầm mống của sáng tạo và cách mạng le lói. Nhìn ở một góc nhìn bé nhỏ khiêm tốn, thì trong cộng đồng ta có sự ấm êm cơm lành canh ngọt. Nhìn ở góc nhìn rộng hơn, ta không thể hy vọng vào những điều đột phá và khởi sắc cho xã hội khi tư duy và hành xử bị bó buộc vào công thức nhóm, hay khi năng lượng phải dành quá nhiều cho chuyện chị em bạn dì.

Mình luôn muốn tránh xa, thậm chí hồi trước mình cực đoan tới mức cảm thấy “khinh bỉ” những nhóm tám chuyện. Trong giờ làm, cứ thấy hai ba người chụm đầu vào với nhau là tự nhiên khó chịu. Có đợt mình giải tán một nhóm cộng tác viên chỉ vì trà sữa bù khú hồn nhiên trong giờ làm. Sếp mình mà tám chuyện mình cũng nhăn nhó ra mặt (tánh hơi kỳ). ^^ Cá biệt có lần, ở chỗ làm cũ, một member của nhóm nọ nhắn tin lộn cho mình kêu xuống đàn đúm dưới sân, mình cũng xuống rồi nhận ra mục đích của nhóm thì đi về ngay. Đặc biệt nếu thấy trong các nhóm này có bóng dáng thầy giáo nam, mình coi thường không để đâu cho hết. Đó là trước đây mình bối rối và dở ứng xử nên mới làm vậy, giờ mình hiểu hơn thì đỡ nhiều rồi!

Thế giới rộng lớn chừng nào, con người có muôn vàn xu hướng hành xử, nói năng do xuất thân, mindset, định hướng riêng của từng người. Nếu cởi mở và nhẹ nhàng với những sự khác biệt thì tất cả mọi người đều tiến bộ và đi xa. Khi ta mở đường cho người và cho mình, và ta đi đủ xa, ta thấy những đám đông hay những kẻ phá bĩnh đám đông không còn là cái gì đáng để vân vi suy xét. Chỉ như một chấm nhỏ xíu trong dòng đời bận rộn.


4. Quản lý tổ chức nhìn thấy gì từ những cái “mâm”?

Một lý do hợp lý cho sự hình thành các cộng đồng nhỏ này đó là người Việt trong các tổ chức, đặc biệt tổ chức mang tính nhà xưởng lại có yếu tố nước ngoài, ngoài các cá nhân làm ở vị trí quan trọng, thì đa số sẽ nằm ở nhóm có vị trí không cao, số lượng đông, đại trà, chiếm phần lớn tổ chức. Điều này cho phép họ dễ hình thành đoàn thể. Ngoài ra, do tính chất công việc tạo điều kiện cho sự hình thành nhóm. Nếu công việc nặng máy móc, nhiều tay chân, ít đam mê và sáng tạo, hoặc khối lượng công việc quá áp lực (cũng dẫn tới xử lý máy móc), thì nhu cầu tinh thần của người Việt cũng sẽ đổ dồn về để giải quyết trong các nhóm với bao la chuyện trà dư tửu hậu.

Bởi thế, nếu thấy nhân viên hình thành nhóm xì xào, quản lý có thể suy nghĩ về việc tổ chức của mình chưa thoả mãn được người lao động về mặt tinh thần, tình cảm, cho nên năng lượng tinh thần của họ chưa có chỗ để phát huy trong công việc. Khiếu ngôn ngữ, khả năng sáng tạo (và thêu dệt) trong các nhóm buôn dưa, nếu ứng dụng đúng cách trong công việc thì phải nói là cũng có thể đem lại những hiệu quả khủng khiếp. Còn quy hết về nguyên nhân “do họ tệ”, rồi đe nẹt để cố sửa đổi, thì không hẳn đúng.

———

Điều mình thấy may mắn là trường mình hiện tại có rất ít người Việt. Người Việt là giáo viên thì chỉ đếm trên đầu ngón tay (3-4 người). Những người Việt còn lại là trợ giảng, nhân viên gián tiếp, họ cũng rất dễ thương do môi trường đa văn hoá. Sẽ có ít hơn những hội nhóm, những bàn tán. Sẽ có ít phân biệt, loại trừ. Sẽ không có thêm một “ách đô hộ” vô hình nữa mà vào làm một thời gian người ta mới nhận ra mình không chỉ có những “sếp” trong công việc.

Tuy nhiên, những xu hướng muôn đời của người Việt nói trên vẫn không phải là không tồn tại. Càng ở những nhóm công việc nặng về chân tay, quy trình máy móc, ta càng thấy rõ.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?