Nhật ký nghỉ hè (2): Sáng Chủ nhật

Sáng ra đường sách, chán quá xong lại đi qua chỗ khác chơi.

Nhưng dù sao thì bước ra đường, ngó nghiêng này nọ, coi người ta làm sự kiện rộn ràng (nhớ lại hai năm tuần nào mình cũng làm sự kiện ^^) rồi mở khẩu trang nhìn lên hàng me già mà hít thở, cũng thấy rất thú vị. Hơn nhiều so với ngồi nhà hết Macbook lại iPad rồi chuyển qua Samsung, tới lui chém gió hết ngày, tối viết vội mấy dòng blog rồi đi ngủ.

Sài Gòn hay lắm, gì cũng có. Đối diện quán cafe Starbuck sang chảnh cả trăm ngàn một ly, là chú bán nước người Mã Lai chỉ nói-hiểu tiếng Việt sơ sơ, dừa xiêm chú bán mười lăm ngàn một trái, trong đó công chặt dừa, nạo dừa đã mất cả năm phút. Chú mượn chỗ cô bán nước bên cạnh, ngồi làm miệt mài rồi trao ly nước đầy vẻ biết ơn (những người không thạo ngôn ngữ bản địa thường có cái rụt rè đó).

Sài Gòn hay lắm, sao cũng được. Hôm trước vừa được các chị mời một bữa tối hơn triệu bạc (ôi nó ngon, cảm thấy xứng đáng từng hạt bột), hôm sau đi ăn thử quán cơm Nụ Cười 2000₫ lại cũng thấy ngon vô cùng. Suất ăn vừa miệng, bát canh nước trong vắt vị ngọt đậm đà tan trong lưỡi. Người sang hèn gì cũng vào ăn được, “sông có khúc, người có lúc, chúng tôi hân hạnh đón tiếp tất cả mọi người”, mẹ chị Nhàn dán câu đó trước quán vì sợ người ta ngại không vào ăn. Cô chú làm từ thiện chẳng phân biệt bề ngoài.

Sài Gòn dễ thương lắm, thích gì cứ làm. Muốn mặc đẹp thì để dành tiền nửa năm rồi mua cái đầm gần triệu bạc, còn như set đồ trong hình bên dưới thì bao gồm đầm “si đa” có giá “chăm bảy chăm xáo”, dép nhựa Trung Quốc có giá sáu chục nghìn (vậy mà đi trong trường còn có người níu lại nói chị mua đôi này chỉ hai chín nghìn thôi ^^).

Niềm vui không thể nào có một bảng giá cố định, tuỳ vào từng người. Ở đây dường như ta luôn có lựa chọn và không bị phán xét quá nhiều bởi lựa chọn của mình (vì cũng chẳng ai để ý đến mình^^).

Đứng chờ ly nước dừa, gặp người chị ở trường cũ mà lâu lâu mình vẫn mơ thấy. Mình nhớ và mơ về cảm giác sợ sai mỗi khi dính tới sổ đầu bài, báo giảng, tính tiết, học bạ; về sự rón rén mỗi khi vào phòng học vụ, cái rón rén của đứa nhỏ mới ra trường. Tôn trọng giáo viên - những người tương tác trực tiếp với trẻ con - là điều mà ta sẽ nghiễm nhiên được hưởng ở những môi trường giáo dục tốt, nhưng không phải là điều để đòi hỏi ở tất cả mọi người. Sự tôn trọng phải do ta tự kiếm, bằng sự đàng hoàng của ta, trước hết là phải đứng thẳng lên, đi cho thẳng, nhìn thẳng. Chứ không thể cứ đòi người khác cho không. Phải ngây thơ lắm thì mới trông chờ điều chỉ có trong những nền giáo dục lý tưởng.

Quay trở lại với chị, người phụ nữ đó trong khoảnh khắc gặp nhau ngoài đường phố, nơi những trách nhiệm công việc đều đã được gỡ bỏ, trông cũng như bao người phụ nữ khác, chân chất và có nụ cười hiền như đất, phục trang giản dị, hai tay dắt hai đứa trẻ vào đường sách chơi cuối tuần. Nghe nói hôm nay là ngày Gia đình. Chị như muốn nói chuyện lâu hơn với mình, ánh mắt chị như long lanh hơn khi gặp người quen sau bốn năm. Nhưng mình chỉ tay vào trong nói, trong kia có sự kiện kể chuyện cho trẻ con, từ lúc chín giờ, coi chừng giờ sắp hết. Chị vội vã đưa hai đứa nhỏ đi cho kịp. Mình cũng không thấy trong lòng muốn chia sẻ nhiều như cái thời thích coi “bốn bể là gia đình” nữa. Ngoại trừ việc lòng thấy vui vì được khen “tròn”, xinh hơn (so với thời kiệt quệ nhất xấu nhất thì lúc nào chả là xinh hơn).

Mình chưa có gia đình, chưa có trẻ con. Chị đã hạnh phúc với đứa trẻ mà chị chờ đón bao lâu, đứa trẻ thật xinh xắn với hai má bầu bĩnh và nước da trắng mịn. Mình đứng đây, mặc chiếc áo lụa giảm giá chỉ còn một nửa, ngày Chủ nhật đi lêu hêu trong thành phố không cần trở về đâu vì có ai chờ cơm. Xẹt qua nhau trong một sáng nắng, mặt trời đã sắp muốn lên tới đỉnh. Mình chợt nghĩ Sài Gòn chính là cái nhiều màu sắc đó, cái tinh thần tự do đó đó.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?