hậu giãn cách (1): đi bên cạnh bố, và nghĩ về gia đình

1. Mấy hôm nay, hôm nào cũng dành thời gian đi chơi với bố. Thời gian giãn cách xã hội đã hết, mà mình chưa phải đi làm. Thành phố vắng vì nhà nhà trốn đi nghỉ lễ, trời vào hè có tiếng ve râm ran và gió mát. Nắng vừa phải, và bầu trời thì xanh biếc sau quãng thời gian dài người thành phố ở trong nhà.

Đi chơi với bố, mình học được cách lắng nghe và "chiều" người lớn tuổi. Dù bố hay mẹ mình đều là người thuộc dạng dễ chiều nhất trên đời, thì đừng quên rằng con người ai cũng có những điều họ thích và không thích. Nhất là người lớn tuổi, những người không còn ở trong cái hăm hở của tuổi trẻ để đón nhận hết mọi điều đến với mình, nhân sinh quan không dễ điều chỉnh, và những câu chuyện dài trong lòng đã khiến họ có những quan điểm chắc chắn, đinh ninh.

Đơn giản như chuyện đi chơi. Không thể cứ theo suy nghĩ của mình mà đưa bố đi siêu thị xem đồ hiệu, vào rạp ngồi hai tiếng lạnh cóng, bỏ "những" tám chục nghìn để xem một bộ phim mà tivi ở nhà "có cả đống", lại miễn phí. Cũng không nên đưa bố đi nhà sách vì bố sẽ không chọn tuổi này để xây dựng một sở thích mới mà bố không có điều kiện xây dựng trong quá khứ. Đại loại vậy.

Những chỗ mát mẻ, có không khí để hít thở sẽ làm bố thích. Và đặc biệt, bất kỳ cái gì gắn với công việc trước đây, quê hương, lịch sử, và một số chủ đề mà người của thời bố hay bàn tới hoặc chủ đề bố có hiểu biết, sẽ làm bố vui. Ở quê, nguồn vui của nhiều gia đình là chiếc tivi và chương trình thời sự. Vì thế, mình có thể nói chuyện chính trị và ngoại giao với bố, cũng như đưa bố tới những nơi có thể gợi trò chuyện về chủ đề này.

2. Những hôm vừa rồi, bố thích nhất là bưu điện thành phố và Dinh Độc Lập. Bố có cảm xúc trước một toà bưu điện, bởi đó là ngành nghề cả đời của bố mẹ. Bố mẹ đã trải qua những biến thiên của ngành này từ thời trẻ cho tới tận khi về hưu, và nếu kể chuyện về tem thư, bưu phẩm, điện thoại, thì bố sẽ cần cả ngày để kể. Toà bưu điện thành phố hoành tráng với thiết kế sang trọng đặt ngay giữa địa điểm trung tâm thu hút khách du lịch nhất, như một biểu hiện về vị trí (đã từng rất?) cao quý của ngành này, như gợi nhớ về những năm tháng đẹp đẽ trong sự nghiệp của bố mẹ.

Ngoài ra, bố cũng rất thích Dinh Độc Lập, thích nghiên cứu độ hoành tráng của nó, là thứ mà người ở quê ít khi có dịp thấy. Cả một đời trong thị trấn nhỏ, suốt ngày nhìn những ngôi nhà nhỏ và thiết kế sơ sài giống nhau, hay có khi hoành tráng một cách ... thiếu thẩm mĩ, thì hẳn những công trình to đẹp này là lạ, trở thành cái thú xem, ngắm, sờ chạm và bàn bạc. Cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu, xây bao lâu, chắc chắn thế nào... Cùng với những cái tên đã làm nên công trình này, làm nên câu chuyện tại đây. Những con số và tên họ ấy gợi cảm xúc cho bố hơn bất cứ điều gì.

3. Nếu bố đi ăn, hãy lựa quán có giá bình dân, hoặc giấu giá tiền đừng cho bố biết. Đừng van xin bố mẹ hãy sống cho mình đi, hay trách họ tại sao cứ phải tiết kiệm và hy sinh một cách khổ sở máy móc như vậy. Đừng đem những chuẩn sống hôm nay để áp đặt lên điều đã trở thành một "lẽ sống" trong cuộc đời của bố mẹ. Nếu không có những chắt chiu tằn tiện đó, có mình ngồi đây thông thái hiểu biết mà "giảng" cho bố mẹ về chuyện "biết thương mình" hay không. 

Nhiều chuyện trong đời, mình không cố thay đổi bố mẹ. Mình chỉ đơn giản là ... giấu họ! Nghỉ làm, đi dạy thêm, dọn nhà sang ở chung để chăm bạn cùng lớp mang bầu, ... Mình chỉ "khai" khi sự đã rồi, khi mà việc kể ra câu chuyện chỉ khiến bố mẹ yên tâm rằng con đã vượt qua, tai qua nạn khỏi, thậm chí thành công, vui vẻ và trở nên độc lập hơn, mạnh mẽ hơn. Còn mong mỏi gì hơn con có thể sống mà không-cần-bố-mẹ. Nhưng chớ để bố mẹ biết rằng bạn đang không cần họ, đang xoay sở điều gì đó một mình, khi mà họ vẫn còn ở đó và khát khao được nâng đỡ con cái. 

4. Đến đây, mình muốn nói tới một điểm nữa trong tâm lý bố mẹ: họ muốn được chứng tỏ vai trò của mình trong đời sống con cái. Dù vai trò ấy mỗi ngày một mờ nhạt đi và họ cũng chấp nhận trong sự vui vẻ, tôn trọng con, thì họ vẫn muốn tiếng nói của mình có trọng lượng trong một quyết định của con, mỗi sự kiện đời con sẽ luôn có sự tham dự của mình. Mình đã sai lầm trong những năm đầu đi làm khi mà quá độc lập về tài chính. Sau này mình nhận ra, bố đi làm hầu hết là vì mình, và bố có một niềm hạnh phúc vô bờ được cho mình tiền ^^ (dù miệng vẫn giả vờ than thở con Hà là "máy xay tiền" của bố). Và nếu có điều gì mình đã làm đúng, thì đó là xin bố tiền mua tủ lạnh, rồi mua máy may, và khi mới vào Sài Gòn đã để cho bố đi ra siêu thị rinh hết cả gian hàng bếp núc ngoài đó về cho mình ^^. Tiếc rằng mình cố nghĩ mãi thì cũng chỉ ra nhiêu đó lần mình thật sự nhờ vả bố. Khi mình nhận ra điều này, thì bố mẹ đều đã về hưu, và một số biến cố khiến bố không còn khả năng cho mình nhiều như xưa nữa.

Nhưng dù ít, hãy cứ "xin" bố mẹ nhé. Có khi mình hết tiền tiêu, xin bố bố liền vui vẻ cho mình mấy trăm, dù giờ đây đó là số tiền bố không kiếm ra dễ dàng được như xưa nữa. Có khi bố được ai cho chiếc túi tote rồi liền đưa nó cho mình, chỉ vì bố thấy nó đẹp, và kiểu cách mới lạ đó không hợp với bố. Khi đó, mặc dù nhà mình có cả chục chiếc túi đẹp hơn, nhưng mình tự nhủ đừng đem những hiểu biết về túi tote và bảo vệ môi trường, cùng kinh nghiệm sắm túi tote trên insta vào đây. Hãy xem món quà của bố là đẹp, là xịn, và đặc biệt lại còn miễn phí nữa chứ ^^ (với bố mẹ cái gì rẻ là đẹp), và vui vẻ nhận lấy rồi sử dụng khi có mặt họ. Hãy quên những nhà hàng sang chảnh mình từng ăn, nhận lấy trái chuối, quả bưởi mà bố dúi vào cốp xe. 

5. Và đừng quên "xin" cả những lời khuyên và ý kiến. Mọi quyết định về học hành, làm việc, dù nhỏ xíu như chuyện có đồng ý dạy gia sư cho phụ huynh không, hay to bự như chọn quốc gia du học, hiện nay mình đều tham mưu bố mẹ. Không chỉ tham mưu một sự việc hoàn chỉnh, mà mình còn cập nhật từng diễn biến trong quá trình xin việc, đi làm, nộp hồ sơ đi học cho bố mẹ được biết.

Những chủ đề để trò chuyện giữa bố mẹ và con sẽ ngày càng hạn hẹp, nếu bạn không cố gắng tìm, và làm cho sự không liên quan trở thành liên quan, chủ động tạo ra những mối nối chứ không phải dửng dưng nhìn những mối nối đứt lìa, thì sẽ chẳng tránh khỏi buồn bã cho bên này và áy náy cho bên kia.

6. Nhưng như vậy, làm con có vất vả quá không? Con cái sẽ nhận được gì trong chuyện này?

Hơn rất nhiều những tiền của, vật chất, thời giờ, giá trị, cơ hội - là cái mà tuổi trẻ hay xem xét và mưu cầu, bạn biết là gì không? Là cảm giác mình có sự gắn bó với không chỉ một gia đình, mà còn là một nền văn hoá, một thời đại trước. Chúng ta cứ nghĩ rằng mình tự thân đầy đủ giá trị, mình là công dân toàn cầu "vứt vào đâu cũng sống được". Nhưng bất hạnh cho ai không trả lời được câu hỏi về bản thể, và bối rối khi tìm một chỗ nương náu thực sự về văn hoá. Có ai đó đã phê phán sự "tự hào" là thiển cận, sự gắn bó với gia đình là yếu đuối, sự quyến luyến bố mẹ là thiếu trưởng thành và phụ thuộc. Nhưng phiêu du như cơn gió vô định giữa cõi đời ngoài kia, có bao giờ anh thấy lòng mình không thực sự hạnh phúc?

Hạnh phúc là hài hoà giữa bản thân và thời cuộc, nền văn hoá, gia đình. Như người này, hẳn anh đã sống một đời ngắn ngủi mà hạnh phúc.

Còn mình, sau vài sóng gió tơi tả ngoài đời, khi bước bên bố mẹ, mình cảm thấy mình tràn đầy giá trị, cắt nghĩa rõ hơn bao giờ hết mình là ai, và đang không ngừng tạo thêm giá trị mới nhờ việc biết quan tâm và cho bố mẹ cậy nhờ về tinh thần.

7. Mình dường như đang coi cái xu hướng hướng về gia đình này là một trong những giá trị căn cốt nhất của mình, nó thống nhất từ thuở bé, lúc mình còn là đứa nhóc mười tuổi nằm một mình trong đêm ở xứ người khóc vì nhớ mẹ thương cha. Cái điểm căn cốt này, nếu người bạn đời tương lai của mình không chia sẻ, thì mình không thể đi chung được.

Dinh Độc Lập đẹp ha!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?