readiness
Chuyện giáo viên sửa điểm để quảng cáo khoá học, thu tiền tỷ từ học viên làm mình suy nghĩ rất nhiều về sự sẵn sàng (readiness) trong nghề dạy học.
Bạn giáo viên trẻ hơn mình một tuổi. Quá trình bạn được đào tạo trước đó chưa đủ để trở thành giáo viên. Năng lực của bạn chưa đủ để dạy IELTS cho người khác. Và trải nghiệm ở tuổi đời đó có lẽ cũng chưa đủ để bạn kiểm soát được công việc đứng tên một trung tâm.
Người này người kia bóc phốt những chi tiết làm ăn cẩu thả của bạn. Mình chỉ nhìn thấy ở đó một sự loay hoay và áp lực khi mọi việc đã vượt quá tầm kiểm soát. Mọi người cho rằng đó là sự dối trá, mình cũng nghĩ như vậy, nhưng còn nghĩ rằng bạn ấy có lẽ cũng rất ngây thơ về quy trình vận hành một tổ chức giáo dục và những điều cơ bản khiến cho giáo dục là giáo dục (không trở thành phi giáo dục).
Mình không có tư cách chỉ cho bạn điều gì cả. Vì cảm giác bất lực ấy đã có trong mình nhiều năm. Khi mới bước chân ra khỏi trường Đại học, phải làm chủ nhiệm, mình cảm thấy rất kinh khủng dù vẫn cố gắng bằng hết khả năng. Mình có thể giữ sự việc ở một mức độ không gây ra thảm hoạ hoặc rủi ro động trời, nhưng không ai muốn làm giáo dục trong sự dở dang, cầm chừng đó.
Mình thuộc tuýp người không ngại bị đánh giá là "trốn việc", "chối việc". Ngay 2 tuần đầu tiên của năm học mình đã xuống học vụ đòi trả lại 1 lớp dạy vì kham không nổi. Nhà trường nhìn mình như một người tiêu cực và chỉ thích thoái lui. Với văn hoá đó, những tiếng nói hay lời than thở chính đáng im dần, cũng chẳng ai dại gì bận tâm cho chất lượng quá nhiều để rồi thiệt thân.
Sau này khi làm ở một trường khác, nhìn các giáo viên chủ nhiệm (homeroom teacher) ở đây làm việc, mình mới thấy chủ nhiệm là công việc khủng khiếp và hệ trọng thế nào. Mình phục họ chừng nào thì càng chua xót chừng đó khi nghĩ lại những năm mình đã sống như một trái "chín ép".
Trong những năm loanh quanh vừa qua, mình làm nhiều công việc khác nhau và cũng có những thời điểm cảm thấy nỗ lực cá nhân không thôi thì không đủ để làm giáo dục thật tốt. Đó là lý do mình nộp hồ sơ đi học. Hiểu vấn đề một cách hệ thống cùng với độ tuổi đủ trải nghiệm, mới có thể dẫn tới cái gọi là readiness.
Không có readiness, không sẵn sàng đứng lớp, mà tuổi thơ của học sinh không quay lại được, trải nghiệm xấu của học viên không chuộc lại được (vì thuộc khía cạnh tinh thần). Có phải đó là làm ác rồi không?
Tới giờ mình vẫn tin người ta không ác vì sinh ra đã ác. Người ta chỉ ác khi thiếu hiểu biết. Nên cứ phải gắng học, học cho bớt dốt, cũng chính là thanh tẩy bớt cái ác trong mình đó thôi.
Nhìn lại, chính ra lúc mình được sống tự do và thoải mái nhất, cảm giác thực sự giúp được nhiều học sinh nhất, chính là đi dạy gia sư. Hồi đó vì chuẩn bị cho việc đi học, mình đi dạy ban đêm để ban ngày đi học, cũng như nghỉ ngơi sau 2 năm căng thẳng. Công việc đó cho mình cảm giác mình đang làm cái gì đó nhỏ bé vô danh mà cực kỳ thiết thực. Trước đó vì áp lực, có thể mình chưa bao giờ được cầm bút sửa cho học sinh từng câu văn dù rất muốn.
Có câu, một lý tưởng nhỏ thì rất ít khi sai lầm. Trong thời loạn này, cứ giữ cho mình những dự định nhỏ thôi và làm nó tử tế một chút sẽ an toàn hơn nhỉ. Bạn đừng nghe sách self-help cổ vũ cứ làm đi, cứ sống tuổi trẻ không hối tiếc nha. Nhiều khi sẽ phải hối tiếc nhiều lắm đó.
Như bạn giáo viên IELTS ở trên. Mình nhìn bạn giảng bài rất có sinh khí, việc đứng lớp ai không yêu nó không làm được, không có duyên không có năng lượng để làm. Bạn hẳn cũng đã có những ước mơ đẹp. Thua mình 1 tuổi, đó là một độ tuổi quá trẻ để phải gác lại sự nghiệp mà bạn chọn này ...
Nhận xét
Đăng nhận xét