cái đẹp ngủ yên
1. Em L., sau nhiều năm không nói chuyện, có những lúc tưởng như đã trở thành mẫu giáo viên bất đắc chí, mà chuyện bất mãn chỉ xoay quanh các tác phẩm trong trường phổ thông, mấy cái đề thi.
Có lần, thấy người ta khuyên em: nên nghĩ rộng ra, đi xa hơn những cái này. Nhưng em vẫn viết về những điều "nhỏ hẹp" nói trên, với những suy tư xoáy sâu.
Ai biết được rằng, đời cũng có những lúc ta mắc kẹt, chẳng thể thoát ra cái cao xa mà người kỳ vọng, và cho là cao xa. Ta đâu phải như con chim xưa muốn bay đâu thì bay. Đôi cánh đã ràng rịt vết thương, những sẹo từ vệt xích năm xưa còn cộm lên ngay đó.
"Sức nghĩ của em giờ thu hẹp vào trả lời những thứ nho nhỏ như ..., cố gắng diễn giải về nó tử tế nhất có thể. Sau đó, sau khi viết cho hết, em cũng không biết mình sẽ trở thành cái gì nữa...".
Đó là những câu hỏi em đang ấp ủ. Không có nghĩa là trong quá khứ em không ấp ủ những câu hỏi vĩ đại hơn. Không có nghĩa là em không muốn bay xa hơn, lãng quên nơi mà em vừa yêu vừa giận này. Không có nghĩa là em không thể làm gì hoành tráng hơn là mấy thứ phục vụ cho dạy học phổ thông và thi cử này.
Mà có thể, có những câu hỏi trong quá khứ em cần được trả lời. Có những vết đau nào đó em cần được chữa. Có những ẩn ức phải đi cho hết. Sau đó, mình sẽ phóng khoáng làm nhiều hơn, xa và rộng hơn, bất cứ gì mình muốn.
2. Đấy là mình phỏng đoán thế thôi. Còn tâm tư của em, mình không thể rõ.
"Chị thấy, mình quan tâm tới văn chương, thích dạy văn chương. Thế mà lúc đi làm cảm thấy hệ thống giáo dục có vấn đề quá, mình trực tiếp bị huỷ hoại bởi nó, thời gian dành để suy nghĩ về nó quá nhiều, chiếm hết cả thời gian cho văn chương. Nhưng những câu hỏi vẫn cứ ở đó, tưởng như chừng nào chưa trả lời được thì chưa thể mơ mộng gì được. Và giờ chị đi học thạc sĩ ngành giáo dục để trả lời cho các câu hỏi của chị. Thầy H. bảo đáng tiếc khi chị không theo Văn. Thỉnh thoảng lúc đọc được cái gì đó khiến mình cảm thấy vui sướng, nhận ra mình còn thích văn tới nhường nào, chị lại buồn".
Trước khi làm một nghệ sĩ, tôi phải được là một công dân.
Trước khi là giáo viên dạy Văn, mình phải được làm một giáo viên đúng nghĩa đã. Được tôn trọng và đối xử như một giáo viên đã, rồi dạy gì mới dạy được.
3. Nhưng khi con người công dân lên tiếng, thì con người nghệ sĩ đau đớn. Hình như Tô Ngọc Vân nói thế (mình nghe anh T. bảo).
Khi lên tiếng đòi được đối xử như một giáo viên, không phải đòi cho mình mà chủ yếu cho người, thì con người dạy Văn trong mình đau đớn.
Nếu xung quanh anh không ai muốn làm người, không ai cần tiếng nói của anh. Thì trước hết, anh còn chẳng được họ coi là con người.
Nếu anh nghĩ rằng hành động đấu tranh của anh là cho nhiều người có một điều kiện tốt đẹp hơn, nhưng kể cả khi họ đã nhờ anh mà có sự cải thiện điều kiện làm việc, họ vẫn chỉ coi anh là kẻ ngốc, và điều tốt đến là do họ đã chờ đợi kiên trì, đám thiêu thân ngày nào linh hồn đã bay lên cùng với gió.
Khi anh những muốn văn với chương, sống cùng cái đẹp, mà người ta đạp anh xuống còn không bằng một con người, không bao giờ còn được là một giáo viên bình thường, một kẻ dạy giáo dục công dân, địa lý, sinh vật tầm thường nào đó cũng không bằng, thì tưởng tượng xem cái đẹp ngủ yên chờ ngày được tung cánh trong anh rên rỉ thê thiết thế nào?
Nhận xét
Đăng nhận xét