về một nhóm thiểu số

Hay là về giáo viên Việt Nam ở trường quốc tế



Trò chuyện với em Ly và có rất nhiều những suy ngẫm về công việc giáo viên trường quốc tế, đặc biệt là người dạy những bộ môn như bọn mình (và như tất cả các bạn sinh viên ngành Văn tốt nghiệp ra đang làm việc ở trường quốc tế). Cần có một phân tích riêng cho nhóm giáo viên này, xét trên góc độ đặc điểm công việc, bối cảnh văn hoá. Từ đó sẽ có những cách thế tồn tại riêng của nhóm người này.

Thật may (hay không may?) khi rơi vào một nhóm thiểu số. Nhóm giáo viên này là một thiểu số như vậy. Tất nhiên xin nhắc rằng có rất rất nhiều nhóm thiểu số khác ở quanh đây, những người lựa chọn khác với đa số về công việc, thời điểm nào làm gì, ... Kể cả giáo viên nước ngoài ở trường quốc tế Việt Nam cũng là một thiểu số, đặt trong nền văn hoá này. Nhưng nhìn chung, bọn mình là thiểu số, nếu so với đa phần các bạn khác đang đi dạy trường công, hoặc một nhóm nhỏ hơn (nhưng cũng rất đông) đi dạy trường tư. Những sự không thoả hiệp nhất định đi kèm với một số khả năng ưu thế (tiếng Anh chẳng hạn) đã dẫn bọn mình tới với lựa chọn này. Và khi đếm lại, cộng đồng này chỉ nhỏ cỡ số đầu ngón tay của hai bàn tay, và im ắng, cho nên khó có thể chia sẻ kinh nghiệm với nhau tích cực.

Tuy nhiên, mình nghĩ rằng vẫn cần có những nghiên cứu (nói một cách to tát) hay phân tích, chia sẻ nhất định về kinh nghiệm để cho nhóm công việc này không lạc lõng, tồn tại ổn.

Vậy thì trước mắt, có những điều gì có thể nhận xét về đặc điểm của nhóm giáo viên dạy chương trình tiếng Việt/văn học ở trường quốc tế. Cá nhân mình nghĩ đến những điều này:

1. Vị thế riêng trong cấu trúc chương trình: 

Chương trình quốc tế gồm các môn học cơ bản như các trường học khác trên thế giới. Vì đặt ở Việt Nam, nó phải lo thêm phần tiếng mẹ đẻ + văn hoá bản xứ (theo yêu cầu của Bộ giáo dục). Như vậy tiếng Việt đôi khi rơi vào vị thế là một sự phát sinh không mong muốn nhưng bị bắt buộc. Lãnh đạo nhiều nơi áp lực vì không quản lý được (đọc không hiểu tiếng, không rành về nguồn nhân lực, không có sẵn chương trình, nhưng không làm thì không được). Nơi tệ thì chỉ trả tiền cho giáo viên, muốn dạy gì dạy, thuê người về chuyên báo cáo đón tiếp Sở ban ngành, và kiểm soát rủi ro để không xảy ra gì đáng tiếc (học sinh quốc tế là con vàng con bạc, phụ huynh mong đợi cao). Trường trước đây mình làm là thuộc kiểu này.

Còn trường mình hiện tại thì đỡ hơn, nó được coi như một ngoại ngữ. Trường theo chương trình IB (tú tài quốc tế - chương trình này tương đối danh giá), và trong IB thì language là một phần quan trọng của nó, học sinh học tối thiểu 2 ngôn ngữ, bảng tiêu chí cho phần ngôn ngữ cực bài bản, nhấn mạnh về tư duy. Nhờ thế, ở trường mình, học tiếng mẹ đẻ được coi trọng hơn so với một số trường khác chỉ dạy cho đủ 90 phút theo yêu cầu của Bộ giáo dục (tuy rằng nó vẫn phải kham gánh thêm phần Văn hoá để cho đúng ý các bác ấy). 

Tuy nhiên, nói một cách khái quát nhất, thì nó vẫn là một phần khá đặc biệt của chương trình. Đặc biệt ở tính chất khó quản lý, ở lỗ hổng trong giáo trình, và sự thiếu hụt mênh mông về nguồn nhân lực (cho tới khi giáo viên Văn nào cũng xịn tiếng Anh thì tình hình sẽ dễ xoay sở hơn). Khó cho lãnh đạo khi kiểm soát cũng như làm việc với phụ huynh. Khó cho người dạy khi phải tự lực nhiều, ít hỗ trợ (dù đồng đội có cố tới mấy cũng chỉ giúp được phần nào). Mà những người này trình độ và kỹ năng toàn ở mức ổn trở lên, đủ để có thể tung hoành ngang dọc ở những môi trường làm việc bình thường. Éo le thay, giáo dục Việt Nam quá ít những cái bình thường như vậy cho họ (đa phần vì thiếu những người thật sự biết quản lý giáo dục cũng như nguồn thu nhập quá bèo bọt). Vậy là họ phải chấp nhận ở lại đối diện với những cái khó của trường quốc tế. Nếu được lựa chọn, theo mình thấy, rất ít người muốn ra đi, về lại nơi môi trường bình thường kia.

2. Những vấn đề về nền văn hoá

Tới một lúc nào đó, mỗi chúng ta đều phải va chạm với các nền văn hoá, chứng kiến những vấn đề do đa văn hoá gây ra. Lợi nhiều, bất lợi cũng nhiều. Thử soi chiếu nó nhé!

Trước hết, sự tồn tại của trường quốc tế ở Việt Nam vốn đã là một vấn đề văn hoá. Nhìn xem: một chương trình giáo dục và tinh thần văn hoá rất khác được bứng về gieo trồng trên mảnh đất Việt Nam. Cho ai: phụ huynh Việt Nam - những khách hàng mà người bán hàng kia không thật rành rẽ (vì họ đang bán cho một nền văn hoá khác). Mình dùng ngôn ngữ bán-mua nghe hơi chợ búa nhưng không có ý gì, chỉ để cho dễ hiểu. Rồi, tiếp nhé, nhân lực của họ là giáo viên nước ngoài, những người di cư, mà nhóm người này cũng chứa đầy vấn đề cần chăm sóc (nhà cửa đi lại, phúc lợi, cộng đồng xa xứ, sức khoẻ tinh thần). Ngoài nhóm này, họ phải nuôi một nhóm nhân lực Việt Nam (những môn học người nước ngoài không dạy được, và các vị trí cần lao động chi phí thấp như trợ giảng, nhân viên hành chính, ...). Nhóm này cũng sẽ khó quản lý vì thuộc một văn hoá khác. Đó là chưa kể, ngay trong nhóm giáo viên di cư kia có khi cũng đã tồn tại mấy chục quốc tịch khác nhau.

Như vậy, khi làm việc trong các môi trường này, ngoài cơ hội tuyệt vời để tận hưởng sự đa văn hoá, giao lưu kết nối, học hỏi để cởi mở, làm việc chuyên nghiệp hơn, thì giáo viên Việt Nam như mình sẽ đối diện với những thách thức nhất định. Mức độ sâu sắc trong giao tiếp không thể đòi hỏi quá cao, độ nhuần nhuyễn hiệu quả khi làm việc không thể đòi hỏi như những giáo viên/bộ môn thông thường khác. Hãy nghĩ về việc quản lý của mình cũng đang đối diện với những khó khăn, những cái khớp, những điều bất khả nhất định khi quản lý một người như mình. Hãy nghĩ về sức ép mà họ phải chịu với môi trường sống, nền văn hoá, đối tượng khách hàng và đủ các thứ cơ chế ở đất nước này. Rõ ràng không thể đòi hỏi quá nhiều.

Với những người thích thi thố, sáng tạo, tung tẩy, nhiều năng lượng (theo một nghĩa nào đó thì mình là nhóm này) thì điều này cũng khá dễ gây thất vọng. Nhưng nếu xác định rõ ràng rồi thì kỳ vọng sẽ được giảm bớt và mình cần tìm cách làm việc phù hợp để vui vẻ cho đôi bên.

3. Khách hàng, khách hàng, khách hàng!

Hai năm làm trường ngoại khoá cho mình vỡ lẽ sức mạnh khủng khiếp của khách hàng. Đây là một câu trần thuật khách quan, không hề có ý chê bai ta thán. Nói thật lòng, mình vô cùng biết ơn khách hàng vì không có họ sẽ không có bất kỳ điều gì tồn tại trong bất kỳ cơ sở giáo dục nào. Nhưng không phải lúc nào khách hàng cũng đáng yêu dễ mến. Không nên bàn đến chuyện yêu hay ghét, khách hàng không phải là để yêu. Cần hiểu họ, chúng ta thực sự cần thấu hiểu họ. (họ trả lương cho mình đấy!)

Khách hàng của trường quốc tế ở Việt Nam là các phụ huynh từ giàu có tới rất giàu có. Mình từng chuyển từ trường có phụ huynh thu nhập cao tới rất rất cao, và tất nhiên cũng có kinh nghiệm với nhóm phụ huynh thu nhập trung bình ở trường ngoại khoá. Đừng đem tiêu chuẩn của nhóm này để áp dụng lên nhóm kia. Đừng để cho bất cứ định kiến nào nảy sinh trong đầu bạn (người giàu thì thế này, thế kia...). Tất cả định kiến một lúc nào đó sẽ hiển lộ ra thành hành động. Hãy thông thái, thấu hiểu, và tích cực giải quyết vấn đề.

Quay trở lại với chuyện phụ huynh nhà giàu. Ở đây, mình sẽ chỉ xét các phụ huynh người Việt, dù mình cũng có nhiều phụ huynh ngoại quốc ở trường (vì bài viết không thể ôm hết các đối tượng).

Trước hết, nhóm phụ huynh này có nhiều lợi thế và điểm mạnh. Họ rộng rãi, một số có đầu óc thực sự cởi mở do đi nhiều, trải nghiệm nhiều, quen hội nhập và quan sát tốt. Họ cũng có nhiều lựa chọn trong cuộc sống, mà những người có nhiều lựa chọn thì ít khi chèn ép làm khổ ai lắm. Chỉ có mấy người khổ mới áp bức nhau thôi. 

Tuy nhiên, tiền không mua được tất cả, và ai cũng có những nỗi đau riêng. Người giàu cũng khóc. Họ cũng có những lắng lo, những áp lực đôi khi không chia sẻ được. Họ có những trách nhiệm, những kỳ vọng, những tình thế bất ổn riêng. Và họ vẫn sống ở Việt Nam, điều đó có nghĩa là họ phần nào chịu ảnh hưởng của nền văn hoá này, bị tác động bởi các vấn đề xã hội ở đây. Ngoài ra, trong các gia đình mà người Việt kết hôn với người nước ngoài, sẽ lại có thêm các vấn đề về văn hoá phức tạp khác. Và các gia đình này cũng tạo thành một cộng đồng riêng khá nhỏ bé ở nước mình, vì họ thường tương tác với người cùng đặc điểm, và có những xung đột nhất định về văn hoá và tư duy với phần còn lại của đất nước.

Bài hôm nay mình chỉ gợi ra một số vấn đề như trên. Đi sâu, nêu thêm vấn đề hoặc phân tích giải pháp sẽ là một công việc siêu khó và phải viết siêu dài. Mình để dành sau nha!  

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?