Vier Minuten (2006, by Chris Kraus)


1. Đầu tiên là lan man một chút về hoàn cảnh xem phim của mình (ai không quan tâm có thể chuyển xuống mục 2. luôn nhé). 

Hồi còn đi dạy, với mình, tối Chủ nhật là một khái niệm kinh khủng. Vì nó có nghĩa là một đống công việc đang chờ đợi: kế hoạch chủ nhiệm, giáo án cho CẢ tuần sau để đưa lên server, bài giảng để ngày mai dạy (thường là 5 tiết). Tối Chủ nhật chính là tên gọi khác của "ngày thứ Hai sớm". Nó là thời điểm con người mình buộc phải chuẩn bị để chuyển từ người bình thường sang "cô Hà" (đạo mạo, nghiêm, chu đáo, nhiệt tình ...) hay là "nhân viên Hà" (đúng giờ, đúng deadline, chỉn chu về giấy tờ sổ sách, cư xử khéo một chút...). Vì thế cho nên dù tối Chủ nhật luôn kết thúc thật thật khuya thì công việc cũng chẳng bao giờ ở trạng thái xong xuôi, và giấc ngủ tối Chủ nhật thì thường kèm theo những giấc mơ toát mồ hôi về một gương mặt lạnh lùng nào đó. Theo thói quen, từ sáng Chủ nhật mình đã lo ngay ngáy rồi, nếu có đi đâu cũng nhấp nhổm không yên chứ đừng nói là đi xem phim vào tối Chủ nhật. 

Vậy nhưng, giờ đây mình hoàn toàn có thể làm điều đó. Tối Chủ nhật thì cũng như tối thứ Bảy hoặc tối thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư... Hôm nay là lần đầu tiên mình đi xem phim tối Chủ nhật, một mình, thư thái lắm, thiệt. Và thật may mắn, mình gặp được phim hay.

2. Tiếp theo là vài lời về phim này. 

Cách đây 5,6 năm, ĐD Bá Vũ xem được Vier Minuten trong liên hoan phim châu Âu của đại sứ quán Đức, thấy rất "sửng sốt". Sau này ông mang về cho cafe thứ Bảy dịch. Những phim rất hay như vậy của Đức, hay là Pháp rất ít có cơ hội chiếu ở Việt Nam vì lý do kiểm duyệt (và doanh thu?), nên Bá Vũ khẳng định đây là phim "chỉ cafe thứ Bảy mới có", đúng hơn là "có bản dịch".

Mình chọn phim này vì lời khẳng định đây là "phim nổi tiếng nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của Đức". Lý do thứ hai là vì phim có liên quan tới chuyện dạy dỗ. Một bà giáo dạy piano trong tù, già nua (hay ở chỗ bà này nhìn y chang bà của Analdi "Cô dâu tám tuổi") cảm hóa một nữ tù nhân quái dị (vào tù vì giết người chặt xác tùm lum, vào trong tù rồi mà vẫn còn đập cho thừa sống thiếu chết 2 đứa nữa :P). Mình đi xem phim với hy vọng lụm được một bí kíp dạy học sinh cá biệt nào đó.

3. Sau khi xem thì có mấy nét muốn nói như này:

- Nói đến tù là người ta nghĩ tới các vấn đề nhân cách. Cho nên rất dễ mà đoán rằng trong phim này, người giáo viên sẽ làm cho học trò từ người xấu trở thành người tốt. Nhưng thật ra thì không. Bà giáo già thay đổi được bao nhiêu % về nhân cách của cô học trò này? Rất ít. Bằng chứng là tới cuối phim bả còn bị cổ nổi điên lên đấm cho một cú trời giáng vào ngay sọ. :P Từ lâu mình đã tin rằng chúng ta có rất ít khả năng thay đổi con người người khác.
Từ đây, có thể nghĩ tiếp về việc đôi khi chúng ta cứ cố gắng thay đổi con người học sinh, bắt học sinh làm "điều tốt", mà thật ra là "điều mà cô cho là tốt". Trong khi, chẳng ai có thể nói được như thế nào là "thật sự tốt", và cái xấu có thật sự xấu không? Để thấy nhiều lúc ta đã tỏ ra hơi khiên cưỡng.

- Cái mà giáo viên làm được, và nên làm, là khơi lên những gì có sẵn trong học trò. Krueger (tên bà giáo già) không có tham vọng thay đổi gì Jenny (nữ tù nhân). Bà này giỏi ở chỗ nhận ra tài năng và bắt Jenny tập trung vào tỏa sáng tài năng đó, đừng lãng phí tài năng. Và chủ đề phim tập trung vào tôn vinh nghệ thuật hàn lâm. Chính chủ đề này làm nên những phân cảnh thăng hoa nhất trong phim, như là những cảnh chơi nhạc êm đềm, du dương, xoa dịu mấy chỗ căng thẳng ghê rợn khác. Bà Krueger đã giúp (chứ không phải khiến) Jenny tỏa sáng và nhờ thế mới có phần biểu diễn 4 phút kinh điển ở cuối phim thật là tuyệt vời.

(http://www.metacafe.com/w…/2995650/vier_minuten_final_scene/).

Mình đã rất cảm động, không bởi cái gì thương tâm cả, mà bởi vì cái tài và/là cái đẹp. Lúc mình buồn nhất chính là lúc Jenny bị đốt bỏng tay. Với người chơi đàn thì chẳng có gì quý bằng đôi tay, và đó là lần duy nhất cô khóc. Dĩ nhiên là chỉ sau khi đã nện cho cái đứa dám đốt tay cổ một trận nên thân. :))) Qua chi tiết này cũng thấy được cái tài của bà Krueger là ở chỗ Jenny từ một đứa không thiết gì đời nữa, lúc mới vào tù thường cắn đầu ngón tay cho chảy máu, dần dần đã biết thương xót đôi tay của mình.


- Không có một lần nào bà Krueger làm cho ta có cảm giác bà đang cư xử với Jenny như một tù nhân. Thường thì với tù nhân, người ta hoặc là sợ hoặc là khinh. Ai khôn thì sẽ khéo léo giả tạo một chút. Nhưng bà giáo thì bình thường. "Nếu không tháo còng tay thì em ấy không chơi nhạc được", "Nếu tôi không đứng gần thì em ấy không đọc được nốt nhạc", "Nếu bà còn chạy theo tôi thì tôi sẽ đánh bà đấy" --> chạy theo --> kết quả: Binggggggg. Đó là không sợ. Còn không khinh thì quá rõ rồi. :)))) Đó, không sợ, không khinh, đó cũng chính là một bài học cho giáo viên khi dạy học sinh cá biệt đó!



4. Ngoài ra thì phim còn có nhiều chi tiết nhỏ nhỏ khác liên quan tới chủ đề chiến tranh hay là đồng tính, nhưng mình không có gì để bàn sâu. Với vấn đề dựng cảnh (nói thế có đúng không nhỉ), góc quay, âm nhạc các thứ mình cũng không có gì để nói vì quá xuất sắc rồi. Chỉ muốn nói vài điểm từ góc nhìn của một giáo viên thôi.

Mình rất rất thích phim này, và mình nghĩ nó nên được xếp vào danh sách những phim về giáo dục cần phải xem.

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?