Fereshteh
Mình viết post này để khoe hình mình chụp cho Fereshteh, bạn thân nhất hiện tại của mình ở Phần Lan. Mặc dù mình có rất nhiều bạn tốt cùng lớp, nhưng bạn thân nhất của mình lại đến từ chỗ làm thêm.
Fereshteh người Iran. Hồi mình gặp bạn là bạn mới vào Red Cross chưa lâu và đang suffer với việc không thể tìm được donation. Không như nhiều sinh viên rủng rỉnh khác có thể bỏ việc khi chán, Fereshteh có động lực mạnh mẽ phải ở lại Red Cross như mình. Đối với mình, động lực ấy chủ yếu vì tính mình lì, không thích đầu hàng và muốn học kỹ năng làm việc sau nhiều năm tháng quá tập trung học thuật. Còn với bạn mình, động lực đến từ tình thế của một người Iran sang đây vì một hợp đồng PhD, không may bị cắt giữa chừng và vì một số lý do riêng không thể quay trở lại quê hương. Những câu đầu tiên Fereshteh nói với mình là "Tao rất cần công việc, tao không thể nghỉ". Thời điểm bạn vào làm thì mình đã kịp là một fundraiser tương đối cứng cáp ở Red Cross. Mình “thu nạp” bạn về chung team, cùng đi fundraising, kết quả ổn định dần cũng là lúc mình phải bỏ bớt việc làm thêm vì sức khoẻ và việc viết luận văn.
Sự đồng cảm tới từ những chia sẻ trong một công việc cực kỳ khó khăn mà mười người làm chín người bỏ. Tất nhiên trong đó có cả những giờ phút nói xấu sếp. ^^ Nhưng dần dần, bọn mình chia sẻ nhiều hơn trong cuộc sống và có mặt trong những thời điểm rất quan trọng của nhau. Cùng khổ, cùng vui, luôn lắng nghe và không phán xét. Giữa xứ người, mình đã cố gắng để làm một người bạn mà chính mình mong muốn được có.
Từ sau đợt bệnh đó, mình hiểu hơn về tấm lòng bạn bè xung quanh, rồi tự nhiên thành ra đi đâu cũng có nhau với cái cô bạn ồn ào nhiệt tình này.
Rồi bạn còn kể cho mình về năm mới riêng và lịch riêng Solar Hijri của Iran, mà theo đó, đặc biệt thay, năm nay chính là năm đầu tiên trong một thế kỷ mới của dân tộc bạn. Mình còn được cho ăn kẹo làm từ cây Tamarix, bạn bảo là đắt lắm, ai quý lắm bạn mới cho ăn. Từ hồi sang đây, đi đâu cũng được mời thử ăn món này món kia của nhiều nước, nhưng kẹo bạn cho thì ngon lạ lùng khó đoán khiến mình khen thật lòng.
Bên cạnh những câu chuyện quá khứ thì cũng có cả chuyện hiện tại, về tôn giáo, chính trị và vị trí của phụ nữ trong xã hội. Chuyện người Iran bây giờ phiêu dạt những đâu, mong mỏi những đổi thay nào. Khi đi fundraising, bọn mình cũng thường gặp người Iran ở khắp nơi trong thành phố Oulu này cũng như mọi nơi trên đất Phần. Nghe họ nói tiếng Iran với nhau sao mà thân thương, và thấy bạn mình như biến thành một con người khác, tự tin hơn hẳn, khác với cái thứ tiếng Anh cà giật, sai ngữ pháp tùm lum và thường lẫn lộn she/he của nó.
Mình nhận ra không thể nào nhận diện đầy đủ một con người khi không đặt họ vào trong thứ ngôn ngữ họ sinh ra cùng. Và mình cũng nghĩ là dù tiếng Anh cực kỳ thiết yếu và giỏi tiếng Anh đến đâu cũng là chưa đủ, thì mặt khác, cái sự bập bẹ tiếng Anh của một người mới đặt chân tới châu Âu có thể nói cho mình nhiều điều về mức độ gắn kết, tự hào hay thoải mái của họ trong ngôn ngữ và văn hoá gốc của họ, đặc biệt khi so với các nước mà trong ngôn ngữ hàng ngày vốn đã pha trộn tiếng Anh nhiều. Rất mừng là dân Phần cũng thuộc số tương đối bảo thủ trong việc giữ tiếng mẹ đẻ nên đa phần mọi người chê người Phần nói tiếng Anh dở, lòng tự hào về tiếng Phần cũng như mức độ sử dụng tiếng Phần trong mọi mặt đời sống xã hội Phần là cực kỳ cao và mình thích điều đó.
Ở gần bạn mình hiểu thêm rất nhiều về những thân phận khác nhau từ các dân tộc khác nhau trong những đổi thay của lịch sử. Không may mắn như người Việt Nam, nhiều bạn bè mình nói rằng họ gần như không có lựa chọn nào mang tên là trở về cả. Người ra đi mang trong mình tự hào lẫn nuối tiếc và cả những sợ hãi, rùng mình về tương lai. Nhưng tình yêu nước và niềm say mê đối với vẻ đẹp lấp lánh của lịch sử họ thì lúc nào cũng chân thành và dào dạt.
Nhận xét
Đăng nhận xét