châu báu chất đầy thế giới
1. Ngày đã hoàn thành quá nửa vào lúc 3 giờ chiều. Nắng chiều hãy còn ở trên cao, ngoài cửa sổ nắng còn nhảy nhót và buổi chiều đẹp quá chừng, nhưng chẳng còn bóng trẻ con ở lại. Nhiều lần đi trong trường vào giờ đó, cứ tấm tắc tiếc rẻ, sao mọi người từ người lớn tới trẻ con đã vội về nhà, để lại khung cảnh này chẳng cho ai cả. Khoảnh đồi nhỏ xanh um, những toà biệt thự xinh xinh được tô vào chút sặc sỡ của trẻ con. Công việc dọn dẹp ở mọi góc của trường đã được làm nhanh chóng gọn gàng, ai thoăn thoắt việc người nấy để đúng 3 giờ chiều là mọi thứ dừng lại. Vài người nước ngoài hẹn nhau trước cổng trường, ra chiều sẽ có gì đó vui lắm tối nay. Tiệc tùng lớn hơn thì sẽ đến vào chiều thứ Sáu, khi mà cả nhóm bọn nó có khi phải bỏ xe lại trong trường. Tóm lại lúc này, 3 giờ chiều, yên tĩnh tới khó tin. Có mấy chiếc lá rớt xuống vì gió, xoay xoay. Có lần em Đ. xem hình, liền nói với mình: "Nhìn buồn quá chị".
Bao lần bước qua đây, nhưng mắt chẳng nhìn tim cũng không thấy gì. Lúc mải mốt đi photo tài liệu, khi vội đón trẻ con kẻo mấy đôi chân bé xíu chờ lâu sẽ ngoặt ngoẹo, lều khều, nghịch phá, cái miệng sẽ dẩu ra phàn nàn "lâu", chữ u kéo dài. Hay có lúc tay lỉnh kỉnh nào tài liệu, cáp trình chiếu, bút trình chiếu để di chuyển sang khu vực của cấp 2. Nhiều lần cúi mặt xuống vì nghĩ chuyện bài vở. Hoặc không thích trò chuyện với cụ thể một ai (từ hồi là sinh viên Oulu, dù chỉ qua video cũng dần bị ảnh hưởng bởi quan niệm rằng cái việc không hồ hởi xởi lởi chẳng có gì là bất lịch sự. Khoẻ biết bao và bớt được bao nhiêu là thời giờ phí phạm cho chuyện phiếm). Đó, cứ thế mà đi qua những mùa nắng, mùa mưa, những tán cây nhiệt đới xanh tốt trên đầu lẫn bụi cây nhỏ trẻ con trồng lên cạnh Action Wall. Cứ đi, và cứ cúi đầu.
Năm xưa, căn phòng mình dạy ở quận 7 có một cửa sổ rộng bằng cả chiều rộng một căn hộ cao cấp, một ban công nhỏ nhìn ra đường. Bên dưới, những bụi cây cảnh được tỉa tót tạo hình dáng và màu sắc đẹp mắt, một dãy cau đỏ vươn lên tới tận tầm tay trên này. Vậy mà than ôi, hai năm trời, có mấy lần thật sự ngồi thở nhẹ mà nhìn ra ngoài đó, cảm nhận ánh nắng khác nhau qua từng thời điểm trong ngày? Có mấy lần không cúi mặt xuống bàn phím máy tính, soạn ra bao nhiêu kế hoạch, gửi đi bao nhiêu tiếng tin nhắn ting ting như một dạng spam bất kể giờ giấc, đánh dấu lại bao trăn trở, bế tắc, cả yêu thương và hờn giận...?
2. Nếu cho mình ở suốt đời trong căn phòng này, mình cũng ở. Tan dạy đi sắp xếp lại từng chiếc bút chì. Có hôm khoẻ thì kê lại bàn ghế theo kiểu nào mình thích. Nhìn lên tường, chỗ chi chít những con dấu (stamp). Mới vài tháng mà đã phải thay biết bao nhiêu tờ giấy chấm điểm thi đua này. Mẫu cũ xem chừng quá nhỏ, không đuổi kịp tốc độ kiếm stamp của các bạn ấy. Thế là lại ngồi cả nửa tiếng làm một mẫu danh sách mới rồi đi in.
Nếu nhìn kỹ thì căn phòng dù bé như lỗ mũi cũng có đủ thứ tỉ mỉ để mà làm. Khổ cái là ta lại thích làm, lại thấy vui khi làm. Vậy là cứ mãi mãi rị mọ, bày biện như con kiến tha nhặt đủ thứ làm thành tổ, mỗi ngày một chút. Khi luôn tay luôn chân thì đầu óc lại tự nhiên khoẻ hơn, lẩm nhẩm được vài thứ sáng sủa sẽ bắt tay làm.
Và ngày hôm sau sẽ bắt đầu bằng câu hỏi: Đố lớp Hai, phòng cô Hà có gì mới nào?
3. Những năm qua, mình đã gặp bao nhiêu trường hợp có vấn đề tâm lý, nhẹ hoặc không nhẹ, ở học sinh. Tại sao luôn luôn bình thản tới như vậy, vì mình đã thấy câu chuyện của gia đình đằng sau mỗi em, và lờ mờ thấy quá khứ của em, thấy cả tương lai em. Tương lai sẽ đến, không sao cả, không sao cả. Mỗi chúng ta đều có một ngày mai, và trong khi nó chưa tới, chúng ta có thể ngồi đây với nhau và chờ. Mình lúc nào cũng nghĩ rằng cứ nhẹ nhàng với em, thì vấn đề nào rồi cũng sẽ dần dần biến mất. Hoặc chỉ đơn giản là mình không đủ khả năng giải quyết tức thời những vấn đề quá sức, không đúng chuyên ngành. Mình chỉ là một mắt xích nhỏ cố không tạo ra ách tắc mà thôi.
Nhưng có những câu chuyện cứ ở lại và gây ra rất nhiều trăn trở. Ánh mắt của H. lúc biết mình bị đau răng. Một niềm ân hận ngập tràn trong đôi mắt ấy, nó mạnh mẽ tới bất ngờ, mạnh như nỗi đau của em, cơn giận của em, tiếng khóc của em, tiếng hét của em. Chỉ là một cơn đau răng nhức nhối vài ba hôm khiến cô của em không nói được, ấy thế nhưng tại sao em lại nhạy cảm tới vậy? Em tự giác lấy tờ phiếu học từ, ghi hết tờ này tới tờ khác. Bên tai em tiếng mấy cậu chàng ngỗ nghịch trong lớp hét lên cố tình cho em nghe: "Mày là đồ phản bội, mày phản bội hội con trai, mày theo phe ngoan". Em chỉ cười.
Nhưng rồi khi mình hết đau, thì nỗi đau lại chuyển lại qua H. Lại là những cơn giận dữ đến nhanh như mưa Sài Gòn mùa này, những tiếng hét mà mình phải chịu đựng, các bạn xung quanh cùng chịu đựng. Tại sao lại là mình? "Con đã đăng ký lớp của cô đó, vì con thích, mẹ đăng ký cho con". "Cô ơi bạn H. nói cô Hà hiền". Và lúc tức giận: "Con sẽ huỷ đăng ký lớp cô ngay hôm nay". Mình cứ im nghe mọi thứ. Có những lời gay gắt, nhưng thực ra là tiếng kêu để được quan tâm, mình nghĩ thế, cho là như thế. H. muốn thử xem việc cậu không còn ở đây có khiến mình buồn. H. đã gửi một kỳ vọng nhất định vào đây. Đã cho mình một chút quyền được doạ dẫm, được đòi hỏi, ra điều kiện - những thứ mà nếu chỉ toàn nỗi sợ, người ta sẽ không làm.
Mình muốn mọi thứ tiếp tục như thế này, hãy xem căn phòng này là một nơi hiếm hoi mà em được hư, được cuồng nộ, được thái quá, được khóc và gào thét, bên cạnh những lúc tỏ-ra-bình-thường. Em không bị phán xét, dù em hư thật đấy. Những suy nghĩ cực đoan của em có người nghe và phân bua cùng, chứ không phải "ôi xồi lại là cái cậu H. - có vấn đề phức tạp về gia đình". H. là H., không phải là cậu bé mà hễ nhắc tới tên thì ngay lập tức sẽ là "có vấn đề phức tạp về gia đình".
Không phải lúc nào mình cũng ân cần, có nhiều lúc mình lạnh tanh, mình cũng dẩu mỏ lên cãi nhau với nó. Nó ngắt lời mình, mình ngắt lời nó. Nó nói hỗn, nhắc mãi không được, mình chuyển qua trả treo với nó. Như một đám con nít lâu nhâu vô tổ chức. Có mấy hôm mệt quá, chẳng dỗ dành năn nỉ gì hết, chỉ nghiêm mặt lại, chỉ nhắc, chỉ nguyên tắc và nguyên tắc, chẳng phạt gì hết, nhưng cũng không quan tâm ân cần. Những lần như vậy, nó thừa biết mình không-hài-lòng. Nó cảm nhận được việc nó làm có thể khiến mọi người ghét hoặc xa lánh nó. Nó cũng chẳng thích thú gì việc tỏ ra thái quá, nói to và gay gắt cuồng nộ. Nhưng lúc ấy không phải nó làm vậy, là con quỷ bên trong, nỗi đau và nỗi sợ bên trong.
Tan trường, mình đưa tụi lớp này ra tận cổng, cho tới khi đảm bảo có người take care tụi nhỏ thì mới quay về phòng. H. vừa đi vừa quay lại, chỉ tay đuổi liên hồi. Đuổi cô Hà về lớp, về ngay, đừng đi theo nó nữa. Nó nào có hay mình chỉ đang làm duty được phân công. Nó cứ nhìn nhìn, xem cô sẽ thế nào khi nó không còn cần sự quan tâm của cô nữa. Mình đang mệt do dạy nhiều tiết nên cũng chẳng quan tâm lắm, cứ làm việc bình thường. Lúc đi qua H. mình còn chẳng nhìn, lúc đó cảm giác đang bận và vội thì thôi coi như không nhìn thấy. Khi đi qua rồi, mình sực nhớ, ngoái lại nhìn thằng bé. Thấy nó đang ngoái lại nhìn mình, rồi nhanh nhanh quay đầu đi vẻ như giấu giếm rằng nó có ngoái lại xem cô.
Đêm về, mình nói với anh V.: cái gọi là bí ẩn trẻ thơ lúc nào cũng làm tim em chịu đựng không được, em rất muốn khóc. Mình nhớ tới một câu chuyện tương tự, ở đây. Kỳ lạ là câu chuyện lần nào cũng khác nhau.
4. Ngày luôn trở nên dài hơn, dài hơn bởi những câu chuyện không thể kết thúc và những suy nghĩ không thể dừng lại như thế. Ấy thế nhưng đó cũng mới chỉ là ... một nửa ngày. Một nửa ngày còn lại của mình nằm ở ...Oulu!
Một tháng theo học một chương trình nghiên cứu về cách học của con người có độ tuổi khoảng hai mươi năm, một tháng mà cảm thấy thật dài bởi những điều mới mẻ nảy ra trong óc. Học tập luôn cùng lúc sung sướng, vì hiểu biết, và đau khổ, vì sự phản tư. Có những khoảnh khắc mình lại thấy mình, như hồi ở Hà Nội, bị nhận chìm trong nỗi bi quan, cảm giác bất nhẫn, tuôn trào ngàn điều muốn nói nhưng cuối cùng chỉ có thể im bặt vì nhận ra xung quanh dường như chẳng còn là những người có thể nghe mình nói nữa. Đó cũng là lý do mình thu dần vào đây.
Quay trở lại với Oulu, chương trình của mình nhân COVID được làm những thứ mà nó đã nghiên cứu những năm qua. Bản chất của học hành là gì - điều đó sẽ càng lộ rõ trong khủng hoảng. Và công nghệ "giúp đỡ" ra sao, chúng ta sẽ làm gì với chúng để hỗ trợ học tập, đó là những câu hỏi mà chưa có khi nào phù hợp hơn lúc này để trả lời. Một chương trình với tên gọi dễ hiểu nhưng góc nhìn nghiên cứu mà nó đem đến là phức tạp và tinh tế hơn ta hình dung. Một góc nhìn nhiều năm mình không quen sử dụng đã thực sự giúp cho mình lớn lên một chút. Mình trộm nghĩ, đến Phần Lan học về giáo dục thì đây hẳn phải là một trong những chương trình phù hợp nhất. Đủ rộng, cũng đủ hẹp. Mình tự mình nghĩ thế, chứ chẳng có ai từng chứng minh cả, chỉ là mình tự ý như thế.
Tuần này, mình là người kể chuyện trên trang instagram của ngành mình đang theo học. Mình sẽ kể chuyện hàng ngày ở stories. Những câu chuyện mà mình chẳng thể viết hết ở đây, cũng như sẽ còn phải viết thật nhiều trong những ngày sắp tới.
5. Tối qua mình nghe pháp thoại trước khi ngủ. Dạo này mình thích nghe bài "Châu báu chất đầy thế giới" của Sư Ông. Hôm qua mình nhớ có một đoạn đại ý: Khi con hiểu biết, mà hiểu biết đó đem lại cho con niềm vui, suy nghĩ thiện, thì đó là chánh tư duy. Còn nếu hiểu biết chỉ khơi dậy trong con thêm đau khổ, sân hận, thì đó chưa phải là chánh kiến, là tà kiến, tà tư duy. Nghe tới đó thì mình ngủ mất.
Nhận xét
Đăng nhận xét