Giáo dục cho người làm giáo dục



Làm giáo viên giỏi bây giờ... tốn kém quá. Các khoá học cho giáo viên nhiều, học phí cao, đa phần giáo viên bỏ tiền túi ra học. Thấy mình lạc hậu quá đi, suốt ngày đi chơi, học thì lui cui học những thứ chả hot trend gì cả. Lâu lâu vào xem các diễn đàn, hốt hoảng vì như thể xung quanh đều bỗng chốc được upgrade thành chuyên gia. Nếu lỡ có việc đi đâu khỏi Việt Nam ít năm, khi quay về chắc chắn là tụt hậu, không ngóc đầu lên được.
Mình chỉ có suy nghĩ là: đào tạo giáo viên cũng là một phần trách nhiệm của cơ sở giáo dục. Các trường sẽ có trách nhiệm cho giáo viên tham gia các chương trình học để cập nhật những gì là cần. Dĩ nhiên điều này cũng có nhiều nơi đã làm được, nhưng...
Học tập, muôn đời, vẫn là nhu cầu tự thân của mỗi cá nhân. Việc đào tạo theo kiểu lãnh đạo pick nội dung học, "lùa" giáo viên đi học, không đi bị điểm danh vắng rồi trừ điểm, hoặc học xong về bắt áp dụng liền, tất cả đều phản giáo dục. Chưa nói, các tổ chức khi lựa chọn khoá học cho giáo viên, bên cạnh nghĩ cho chính giáo viên thì nghĩ cho lợi ích và danh tiếng của mình là nhiều. Đó là điều mình tin chắc.
Về phía giáo viên, thần thánh hoá những workshop vài ngày, gọi đó là sự "đổi đời", hoặc bán lại chính những thứ mình được bán, không có chỗ cho nghĩ ngợi, đối chiếu, nghiền ngẫm, tiêu hoá, cá nhân mình cũng cho đó không hề là sự học đúng nghĩa.
Làm thế nào cân bằng được việc trao cho giáo viên cơ hội học hỏi phong phú, không tốn kém và dựa trên nhu cầu học hỏi riêng của mỗi cá nhân là cả một bài toán khó.
Trong tình trạng toán khó không ai giải, thì những khoá học, những chương trình sớm nở tối tàn thiếu bài bản, vẫn cứ nhan nhản, và kiếm bộn tiền. Trong kinh doanh, có một chiêu thức luôn hiệu quả, là dựa trên "nỗi đau" của khách hàng. Trên đất nước này, thử hỏi nghề nào có nhiều nỗi đau như nghề giáo? Đau, nhức nhối, và sợ, sợ bị bỏ lỡ (fear of missing out), sợ bị tụt hậu, sợ bị chê là "không cầu tiến", không chịu thay đổi. Đó là những mấu chốt để người bán luôn thành công với khách hàng là giáo viên. Mình cho đó là những nguỵ biện đã tấn công vào điểm yếu của giáo viên.
Số còn lại là ai? Là những người không muốn bán buôn, không nỡ bán buôn. Là những giáo viên có dũng khí hoặc hết dũng khí, để có thể mặc kệ.
Nói vậy không có nghĩa là các khoá học đều tệ, không có nghĩa tiền ấy là tiền sai trái, cũng không có nghĩa là một lúc nào đó mình sẽ không thử join. Nhưng mình có cảm giác những người không thật sự hiểu về giáo dục đang kể chuyện cho nhau nghe, hò dô kéo nhau đi trong một bức tranh loạn lạc hổ lốn.


Sẽ là tàn nhẫn nếu đổ lỗi lầm lên giáo viên. Câu chuyện liên quan nhiều hơn đến tổ chức giáo dục: mua gì. Và người bán: bán gì, bán cho ai. Bán lẻ, tuy rằng nhanh hơn, nhiều tiền hơn, nhưng mình cứ thấy có gì phi lý...
Mình đã gặp nhiều gương mặt giáo viên (công lập hay tư thục) trên đất nước này có đôi mắt đau đáu ham học, rơm rớm khi được học điều mới, khóc khi nhớ lại những sai lầm (đến từ một hệ thống yếu kém hơn là từ chính bản thân họ), và mỗi ngày đều kiên trì giữ ngọn lửa hy vọng về một sự đổi khác. Dù ở đâu trên đất nước này, họ cũng mang một vẻ rụt rè, khiêm nhường, chịu khó, lễ phép, cầu thị, tin vào điều tốt đẹp... Nếu không, họ đã không ở lại với cái ngành bạc bẽo vật chất này. Nếu không, đã không bỏ tiền triệu, chục triệu, theo những chuyến vào Nam, ra Bắc, tìm con chữ để tồn tại trong thời đại nhiều biến động này.

Họ, xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn, những giải pháp miễn phí, những nhà lãnh đạo tôn trọng và thấu hiểu, những người bán hàng không lợi dụng nỗi đau của mình. Xứng đáng với những kỳ nghỉ, những cuộc vui, xứng đáng được sống là chính mình với những nhu cầu bình thường, không cần bỏ tiền túi, không bị chê tụt hậu, không bị truyền thông nhấn chìm trong nỗi tự ti.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?