Chuyện sáo - chuyện học

 


Nhiều năm rồi mới động vào cây sáo. Thấy nhớ hồi năm nhất học sáo với anh Minh. Bây giờ một số kiến thức và kỹ năng (ở mức vỡ lòng) hồi đó vẫn không mất, nhưng cũng là lúc đối chiếu lại rằng việc học ngắt quãng hồi đó đã đem lại lợi - hại như thế nào. Nhìn rộng ra về việc học tập của con người thì thấy kỹ năng nền móng quan trọng thế nào - hồi đó anh Minh kêu cả buổi chỉ tập thổi đúng một nốt Đồ - cũng như chuyện Leonardo da Vinci - dù là một thiên tài, cũng bắt đầu bằng cách vẽ đi vẽ lại hình quả trứng. Cơ bản như chuyện cầm sáo ra sao, đặt môi thế nào, thổi sao cho trong, không nghe phù phù, không tốn hơi và nhanh mệt, cũng là chuyện nhỏ mà bỏ qua thì những bước tiếp theo không cần học nữa. Thế mà người học mới - bao gồm mình hồi đó - lúc nào cũng chỉ nôn nóng được tập thổi theo bài hát, cứ một mình một ý, tự cảm âm, thổi nốt. Bây giờ cũng tập toẹ thổi được từ đầu đến cuối mấy bài như Ánh trăng nói hộ lòng tôi, Xe đạp, Làng tôi,... Nhưng nghe thì chả khác nào giọng hát Chai-en. Làm sao để đến được trình độ trong trẻo, mượt mà, uyển chuyển, chưa nói đến tình cảm, như anh Minh.

Mỗi con đường dù trong lĩnh vực nào cũng đều rất dài, có những đòi hỏi riêng và cần rất nhiều kiên nhẫn. Phần thưởng cuối cùng cũng chỉ dành cho người chịu khó và biết cách học. Từng bài học nhỏ đều cần được học cẩn thận, vun bồi chắc chắn từ gốc, rồi mới học sang cấp độ khác, bài học khác. Đó mới là sự kính trọng dành cho việc học hỏi và cho chính bản thân mình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?