sống dễ lắm?

có những lần trong tuổi gần ba mươi, một chiều không có việc gì thật bận, ngồi nghe chổi quét lá dưới đường, lòng chưa bao giờ thấy xót xa và bất nhẫn như lúc ấy

mấy hôm trước có cuộc hẹn với một mối quan hệ cũ, vì nhiều nguyên nhân mà cần phải gặp nhau vả lại cũng không cảm thấy có gì ngại ngần để né tránh, cứ nghĩ đơn giản rằng đi và gặp thôi

nhưng khi quay trở về mới cảm thấy đời có vạn cái sai, chẳng cái sai nào giống cai sai nào, trong đó, với cá nhân mình, đặt mình vào trong một mối quan hệ mà mình không hứng thú và coi trọng là một cái sai to lớn

mình ngồi đó, nghe những bông đùa cười cợt, đôi khi cũng hùa theo để cười cợt bông đùa. có những lúc cười đùa là duyên dáng, có những lúc mình lắng nghe sự cười đùa mà chỉ có cảm giác ngao ngán trong lòng, vì hài hước không đặt trên cái nền của thái độ nghiêm túc với đời, của sự chân thành với người đối diện, thái độ cầu thị muốn lắng nghe tìm hiểu, của sự "tự tri" - tự biết mình, thì nó chỉ còn là một vô duyên nông cạn

mình đã đi từ bắc cùng nam, mình đã thử hoà mình vào những nền văn hoá khác nhau. có nơi đầy những người nghiêm cẩn sâu sắc, khắc kỷ nhẫn nại, lại cũng có nơi cười đùa hỉ hả suốt ngày, đêm về nhậu nhẹt như chẳng có ngày mai, ngày qua ngày xem trấn thành trường giang để tối ngủ cho ngon, lại cũng có những nơi yếu kém mà hung hăng, tàn ác. có hết, như chuyện đi từ hành tinh này sang hành tinh khác trong chuyến viễn du của hoàng tử bé

mình đã từng có thời gian phản ứng dữ dội với cái mình cho là sai, là thiếu nghiêm túc, thiếu đứng đắn trong cuộc đời và trong giáo dục, nhưng rồi mình nhận ra là không phải người không sai, mà đôi khi người giăng bẫy để ta sai, để ta sai hơn, sự ngây thơ sẽ là con dao giết chết tri thức lẫn lòng tự trọng của một người không muốn sống tầm thường. riết rồi chỉ còn lại một nỗi buồn không nói năng như cách chú bé hoàng tử tạm biệt thế giới con người

và rồi ngoài kia người vẫn đó, vẫn cười cợt, hỉ hả, hỏi han ăn nói vô duyên, nông cạn, mỗi khi nghe một chia sẻ thật lòng thì đều cười phá lên như có gì vui vẻ lắm, rồi tự cho mình quyền diễn dịch mọi thứ theo cách hiểu của mình, và ta thấy lạnh người, run sợ, ta chợt hiểu rằng đó không phải là hình ảnh của bản thân người đó, cũng không sai không xấu xí, mà đó là gương mặt của cả một nền văn hoá hời hợt, hờ hững sống qua ngày, vì chính sự nông cạn mà vô tình thành tàn ác

kể cả những người nằm trong các ngành trọng yếu của xã hội cũng cứ đem tuyên ngôn sống dễ lắm ra cho qua một đời, thì ta có thể làm được gì ngoài một nỗi buồn không nói năng?

những ngày này mình cũng nói chuyện nhiều hơn bình thường với anh T, em TA, em Tr, những du học sinh như mình đang là (theo một nghĩa nào đó), và sắp là (theo đúng nghĩa của nó). chia sẻ ưu tư, trăn trở của những người đã phải đánh đổi và hy sinh quá nhiều để ra đi, vì họ muốn làm người cho đúng nghĩa, muốn tiến lên, chẳng vì mong cầu bất cứ chức tước danh vọng nào. nhưng những câu chuyện này sẽ chỉ mãi mãi nằm trong đầu óc của những người ra đi, vì tới một lúc nào đó ta không thể nào chường mọi thứ lên Facebook hoặc giải thích cho cả thế giới hiểu mình

khi họ trở về, mình trộm nghĩ một cách thật bi quan: một thế giới thế nào sẽ đón họ? một thế giới cười cợt, một thế giới mà sự nhơn nhơn là châm ngôn sống, "sống dễ lắm" là tuyên ngôn cuộc đời, một thế giới vô minh tới độ những người được gọi là trí thức sẵn sàng nghếch mặt lên với nhau: "nghe nói mày giỏi lắm à, thì sao, thì làm được gì". một thế giới nơi mà người ta chỉ cầu mong thấy sự thất bại của những kẻ bày đặt lắm chữ nghĩa để củng cố cho điều họ tin. cái thế lưỡng nan "đi học" trong tâm tưởng mà lại "ở nhà" về thân xác này đã cho mình dịp chứng kiến lắm thái độ bi hài kiểu đó.

mình luôn nhớ cái cau mày nhăn mặt của một vài thầy cô trên giảng đường Đại học, họ có gì đó không vui khi sống trong thời này, họ không cười nổi khi thấy sinh viên mình hồn nhiên nô giỡn, mắt tròn ngác ngơ, họ luôn chờ ở bọn mình một nỗi ưu tư đáng có trong thời này. hồi đó mình có phần hiểu họ, lại có phần không. nhưng mình chắc chắn rằng chiều nay ngồi đây, mình đã hiểu họ thêm một chút

nhớ thuở từ giảng đường ấy mình bước vào một thế giới nham nhở bất toàn nhưng tiếng cười quá to lấn át tất cả, che lấp cả những khiếm khuyết mà người ta không muốn sửa: cẩu thả, hời hợt, nhiều chuyện, ưa phán xét, lười học hỏi để tiến bộ...

chiều nay, cái cảm giác "chiều nay em ra phố về" đầy những ngùi ngẫm, xót chua xui mình đóng chặt hơn nữa cánh cửa lòng mình và tiễn đi hết những dấu chân vô duyên xưa cũ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?