chuyện chép ở sân bay

Không biết đã bao chuyến đi, mỗi chuyến đều như hiểu thêm những hoàn cảnh nơi sân bay. 

Sân bay nhỏ ở tỉnh, hành khách hôm nay phải đến 50% là người già. Người tỉnh cũng ít hình thức nên phục trang, tác phong và lời nói bộc lộ rất thực thà, hồn nhiên ở nơi công cộng. Vì lẽ đó mà thấy được rất rất nhiều thứ.

Thảng hoặc lắm mới thấy một bạn trẻ diện style sân bay sang chảnh, còn đâu đều là cách ăn vận quen thuộc ở tỉnh nhỏ, có những người trông như vừa bước thẳng từ một mái nhà đơn sơ nơi một xóm nhỏ nào đó đến đây, lạc lõng giữa những máy móc, thủ tục và điệu cười công nghiệp. Nhân viên đôi khi cũng quát hơi to nhưng nhìn chung là tận tình, chắc họ quen tiếp người già nên có thói quen nói to cho nó rõ và lo lắng thái quá nhắc nhở liên hồi vì người già hay lúng túng làm sai. (Thế cũng còn đỡ hơn thái độ của nhân viên Nội Bài mà mình cảm thấy kinh khủng nhất ba miền).

Vài hành khách tay xách chiếc túi du lịch sờn sờn, họ không quen vali kéo hiện đại. Có người đeo chiếc ba lô khuyến mại của hãng sữa trẻ em, hình siêu nhân bắn tơ chíu chíu, chắc là được "thừa hưởng" của cháu. Có bác nọ chứng minh nhân dân vàng ố, được thông báo hết hạn, ngồi sụp xuống xụi lơ một tẹo rồi tiu nghỉu quay về. Nhiều người đi cùng thùng hàng to, trong đó hẳn là bao la đồ quê mà họ đã cố nhét thêm cho không bỏ phí ký nào trong hai ba ký hành lý.

Họ còn mang gì trong hành lý? Hẳn là lòng hướng về con cháu mà ở tuổi không còn khỏe này vẫn đủ khiến họ bất chấp nhiêu khê lỉnh kỉnh khi di chuyển lẫn cảm giác bất tiện ở nơi xa lạ để lên đường. Ngồi cạnh mình là một bác khoe đã "định cư" Sài Gòn, còn trước mặt khi check in là hai bác tha cả nửa căn nhà vào Sài Gòn vì lần này đi là đi luôn. Chắc cũng là một ý nguyện đó thôi, trẻ cậy cha già cậy con, cháu chắt là niềm vui tuổi già.

Những người không sống ở tỉnh nhỏ có thể sẽ không bao giờ thấy cảnh này, hoặc chỉ thấy phần sau của câu chuyện khi người tỉnh nhỏ từ lạ lẫm đến dần hòa nhập thành thạo ở thành phố. Mình cũng đã từng bước chân đến sống ở cái gọi là thành phố từ năm lên mười, nỗi niềm cũng vô số kể, quan sát cũng lắm cũng nhiều. Chủ nghĩa cảm thương năm nào bây giờ chỉ còn là một dòng nước mắt khô, cái mình quan tâm không còn là những lấp lánh đô thị tưởng là hay ho kia, cái mình quan tâm là những gì họ đã bỏ lại.

Những cái bỏ lại ấy còn rơi rớt chút xíu ở sân bay này. Lối nghĩ, lối nói năng, hành xử cực kỳ dễ nhận ra của dân tỉnh nói chung, dân Nghệ nói riêng. Đôi khi nói chuyện riêng mà to ầm ầm như ở nhà mình, tay xách nách mang thu thu vén vén cho ngày mai, bối rối quá có khi người nhà nhăn nhó to tiếng với nhau ngay trước người lạ, còn chủ đề trò chuyện thường là tiền nong, gia đình, chuyện nhà mình nhà người, và những nỗi lo. 

Mình đã đi lâu đủ để thấy những nét tỉnh lẻ có cái hay riêng của nó, cách sống ồn ào lại tạo ra sự thoải mái tinh thần, những quan tâm nhỏ nhặt trên không hẳn là vô duyên. Về sống ở một vùng quê sẽ thấy cái nét quê nó hợp lý, vừa vặn, hay ho ra sao. Mình đã buồn khi nghĩ rằng rồi đây, biết đâu họ sẽ muốn bỏ lại những nét ấy để thay đổi mình một chút, để trông cho "thành thị" hơn và cho dễ sống giữa nơi mới.

Đã đi lâu đến độ chỉ muốn trở về. Nhưng chuyện ấy không dễ dàng như bài hát quảng cáo Bitis, mà phức tạp cỡ như truyện "Cố hương" của Lỗ Tấn trở lên. Cứ ngồi nghĩ một chặp ngẩng đầu dậy lại đã thấy mình dạt ra xa thêm so với nơi bắt đầu. Không sao về bắt đầu.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?