Trợ giảng và giáo viên chủ nhiệm
(TA & homeroom teacher)
1. Trợ giảng, TA, teaching assistant là các cách khác nhau để chỉ người hỗ trợ trong các lớp học. Trợ giảng là công việc triển vọng trong hệ thống trường quốc tế, dựa vào số lượng vị trí cần tuyển dồi dào, mức lương "sống được", cơ hội được quan sát, học hỏi. Nhóm TA ở trường quốc tế nào cũng khá đông, chủ yếu là người Việt. Ở trường mình, lớp chủ nhiệm nào cũng có trợ giảng. Một số lớp bộ môn cũng có TA, tuỳ vào nhu cầu của giáo viên.
Lớp nào có bàn tay TA thì bước vào trông khác ngay. Hình dung đơn giản: lúc giáo viên (GV) dạy có người ngồi dưới chuẩn bị dụng cụ dạy học cho, tụi nhỏ học xong có người gom đồ lại giùm. Sản phẩm của tụi nó có bàn tay cẩn thận của trợ giảng phân loại, cặp lại, bỏ vào rổ. Đôi khi muốn treo cái gì xinh xinh trong lớp, thổ lộ nhẹ nhàng thì hôm sau đã có thể có một món trang trí quá mong đợi. Lớp có TA trông ngăn nắp hơn. Lớp không có TA trông như nhà của một người mẹ đông con và không có người đỡ đần. Đấy là chưa kể TA có thể hỗ trợ kèm bé học, làm việc với phụ huynh qua tin nhắn, email, viết report để đánh giá học sinh.
Giáo viên "chủ nhiệm" không có nghĩa là một mình chịu trách nhiệm. Một phần không nhỏ công việc của giáo viên có xu hướng nằm ở những nấc thang trừu tượng hơn, đòi hỏi chuyên môn cao hơn như lập kế hoạch, thiết kế hoạt động học tập, đưa ra chiến lược phát triển phù hợp cho nhóm học sinh và từng học sinh (cùng vô số việc khác). Tuyệt biết bao nếu trong thời gian làm những việc ấy, bên cạnh ta có bàn tay TA chỉn chu hơn cả mong đợi, giúp ta những việc nhỏ, nhỏ mà lại to. Bởi vì chuyện đồ đạc, trang trí, sắp xếp, coi sóc trẻ (vân vân) chỉ là kém chuyên sâu hơn chứ không hề kém phần quan trọng. Rồi còn cái cảm giác ta có một team, dù team nhỏ xíu chỉ hai người. Ít ra có chuyện gì xảy ra, cũng có người ở đó cùng ta mà "liên lụy".
Những TA mình biết hầu hết đều ham học hỏi, nên chủ động trong việc phụ GV dạy và HS học chứ ít khi mình thấy người đứng im chờ được sai mới làm. Các chị TA trường mình có vẻ kỹ tính gấp 10 lần mình, nhìn ra vấn đề nhanh, xử lý sự vụ rất mau mắn gọn gàng, hơn hẳn người GV đầu óc trên mây này. TA quản lý học sinh cũng tốt, thấy tụi nhỏ khá nghe lời, vì họ bao quát được vấn đề lộn xộn hay tiếng ồn trong lúc GV mải dạy. TA là công việc quan trọng mà GV không thể coi thường, không thể làm thay.
GV chủ nhiệm trường mình thì trách nhiệm nặng nề, tất nhiên là thù lao cũng sẽ "nặng" theo nhưng mà chỉ có tiền thì đâu đổi lại được chất lượng. Việc có TA trong mỗi lớp chủ nhiệm là không thể hợp lý hơn. Nhìn một GV + một TA chăm chút một lớp học không quá 22 bé, có thể có niềm tin vào chất lượng. Bài toán về kinh phí của trường thì xin phép không bàn tới, vì không có chuyên môn quản lý. Tuy nhiên có lần trong một cuốn sách (đã quên tên ^^) mình đọc được rằng nếu ta tin một điều là cần thiết trong giáo dục, thì ta sẽ luôn có cách làm cho điều đó xảy ra bất kể những khó khăn xung quanh. Đấy là đọc thấy vậy, chứ thực hư thì mình không rõ do không làm quản lý.
Mình không phải là GV chủ nhiệm mà là GV bộ môn. GV bộ môn có thể đề xuất TA hoặc không. Coordinator từng gợi ý mình về TA vài lần, nhưng mình từ chối lấy lý do rằng nếu chưa xác định được rõ ràng đặc điểm đối tượng học sinh, vấn đề gặp phải trong lớp cũng như mình cần người ta giúp CỤ THỂ những chuyện gì thì khoan hãy kêu người giúp. Trộm vía, mình bắt đầu thấy rõ câu trả lời của những ý trên nên từ tuần này đã đề xuất và được đáp ứng - trong vòng 1 buổi - một trợ giảng riêng cho khối lớp mà mình yêu cầu.
Chị TA sau hôm đầu hỗ trợ liền nói với mình là không nghĩ rằng tiết học của mình planning tốt đến thế. À ừ, mình luôn làm thế kể cả khi không ai nhìn vì mình làm cho học sinh chứ không phải lãnh đạo. Tuy nhiên vấn đề chính ở đây là: có plan cụ thể thì người giúp rất khỏe. Đó là lý do mình nói phải biết rõ mình muốn gì rồi hẵng nhờ người giúp. Trước đây có hai năm liền chị TA lớp mình làm TA cho một lớp tiếng Việt, tới giờ chị còn ám ảnh vì nhiệm vụ được giao là "em muốn dạy gì cứ dạy". Không, TA không thể làm thay việc của GV. Cũng như nếu GV ngồi làm việc của TA một giờ thôi cũng thấy bối rối sốt ruột, ngược lại một giờ TA làm việc của GV sẽ căng thẳng như một ngày trời. Chị TA lớp mình nói tới giờ vẫn nhớ cảm giác một tiết học hồi đó nó dài và mệt như thế nào.
2. Lan man lại nhớ tới hồi mình làm GVCN. Mới ra trường mình đươc giao làm chủ nhiệm một lớp 35 học sinh, trong 2 năm liền. Làm GVCN độ tuổi đó, oai thì ít mà sợ bị đánh giá nên cố đấm ăn xôi thì nhiều. Mình không có TA (tất nhiên). Học sinh cấp 2 thì có ban cán sự lớp nên nếu GV biết sử dụng cũng đỡ cực nhiều. Mà mình hồi đó thì chẳng biết, cũng chẳng nỡ "dùng" học sinh quá nhiều. Trường cũng có vô số bộ phận gián tiếp để hỗ trợ, nhưng chỉ cần sơ suất một xíu là bộ phận này biến thành một-kiểu-sếp-khác của GV ngay.
Hồi đó, mỗi ngày não mình chạy đi từ chuyện chuyên môn dạy Văn cho 2 khối trong đó có 1 khối cuối cấp, tới giấy tờ sổ sách, tới truyền thông giao tiếp với "khách hàng" của trường. Bên cạnh đó, một năm có bao nhiêu sự kiện là bấy nhiêu lần xuất hiện những email "giao việc" từ các bộ phận khác. Như trên đã nói, mình hay có cảm giác GVCN làm thuê cho cùng lúc nhiều bộ phận khác nhau. Đỉnh điểm có lần, mình phải báo cáo trường hợp một giám thị sáng nào cũng bắt mình làm một bản báo cáo nộp cho anh ta qua một cái form mà anh ta tự tạo ra (chỉ để thuận lợi cho công việc của họ). Tất nhiên lần đó nhà trường (như mọi lần) không giúp được gì.
Sự phối hợp giữa các bộ phận để giáo dục học sinh là cần, tuy nhiên cần cực kỳ thận trọng với lượng công việc trút xuống cũng như việc hình thức tổ chức có hiệu quả và mang mục tiêu giáo dục không. Trong việc hỗ trợ giáo viên, sự hỗ trợ thực sự và sự gây thêm khó khăn cũng gần nhau lắm, dễ nhầm lắm. Trong các sự kiện ở trường học, lôi kéo sự tham gia của học sinh và giáo viên ở mức nào cũng cần nghĩ kĩ. Như gần đây có sự việc một trường học mâu thuẫn với học sinh và truyền thông về việc trang trí đầu năm mới, mình nhìn vào chỉ thấy một vấn đề: sử dụng lao động trẻ em. Bao năm rồi vẫn sử dụng tụi nhỏ, lại luôn lập lờ về mục tiêu giáo dục trong việc sử dụng ấy, lại hành xử phi giáo dục khiến tụi nhỏ vừa bị mệt sức vừa bị phê phán, tổn thương. Tạm thời không bàn sâu việc này vì không liên quan trực tiếp tới nội dung bài đang viết. Ý mình chỉ là lôi kéo sự hỗ trợ của bộ phận học thuật thì phải khéo, đừng để sự kiện lấn át, che lấp và làm quên đi tính chất học thuật nằm ở trung tâm của mỗi môi trường học đường.
Khác vậy, tại trường hiện tại của mình, tất cả các sự kiện phi học thuật đều do bộ phận chuyên trách của trường thực hiện, hình thức sự kiện cũng đơn giản hiệu quả, tránh rình rang, giáo viên không cần nhúng tay vào và luôn là khách được mời. Mình bận thì ở nhà/phòng xem và share livestream là được rồi. 👌
3. Trước đây mình từng viết một bài về Twinkle, qua đó ngẫm về bản chất công việc của giáo viên. Và lần này là chuyện TA, chuyện sự kiện. Mỗi một trải nghiệm đều giúp mình soi lại để hiểu thêm một chút về công việc của GV mà rất tiếc rằng đây đó đã bị biến tướng khá nhiều. Mỗi sự đối chiếu đều là để cho mình, vì mình, và những người muốn cùng suy ngẫm. Mọi ví dụ "phản diện" đều chỉ là để ví dụ cho rõ, không (rảnh để) tấn công những đối tượng mình không quan tâm.
Nhận xét
Đăng nhận xét